Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Kinh nghiệm du lịch bụi Campuchia


Chỉ cần "lận túi" khoảng 3–4 triệu và passport còn thời hạn ít nhất 6 tháng, bạn có thể vi vu khám phá kỳ quan, thắng cảnh của đất nước này.


Chuẩn bị
Mua và tham khảo cuốn Lonely Planet về Campuchia mua ở khu Phạm Ngũ Lão. Cuốn này giới thiệu đầy đủ thông tin nhà nghỉ, quán ăn, các điểm cần tham quan, giá vé từng địa điểm...., có giá khoảng  3 – 5 USD, riêng tại Campuchia là 20 USD.
Visa
Bạn có thể lên lãnh sự quán Campuchia (địa chỉ: 41 Phùng Khắc Khoan, P. Đa Kao, Quận 1) làm trước. Chi phí cho visa du lịch (loại T) là 20 USD và cho visa phổ thông (loại E) là 25 USD. Hoặc đến ngày đi, khi lên xe bạn đưa passport nhờ tài xế làm giúp với giá 24 USD.
Di chuyển
Bạn có thể mua vé đi Siem Riep hay Phnôm Pênh tại các hãng xe như  Mai Linh, Sapaco, Mekong Express hay một số hãng xe Campuchia (trên đường Phạm Ngũ Lão).
Nếu có ý định tham quan Phnôm Pênh và Siem Riep, để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, bạn nên đặt vé làm hai lần là từ Sài Gòn – Siêm Riep giá 14 USD, rồi từ Siem Riep - Phnôm Pênh giá 7USD. Bên cạnh đó, bạn có thể đi tàu thủy từ Phnômpenh đến  Siemreap. Thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng, giá vé 22–25 USD.
Nếu thích tắm biển Sihanoukville, bạn có thể thêm vào hành trình của bạn theo thứ tự Sài Gòn - Sihanoukville  - Phnom Pênh – Siêm Riep - Sài Gòn.  Từ Sihanoukville – Phnom Pênh mất khoảng 5 tiếng, giá vé 10–15 USD.
Ngoài ra, bạn có thể đến Sihanoukville theo lịch trình Sài Gòn - Hà Tiên - Kampot - Sihanoukville (ngắn hơn nhiều so với tuyến Sài Gòn – Phnôm Pênh - Sihanoukville).
Tại mỗi thành phố, bạn có thể bạn có thể thuê xe ôm (giá 1000 Riel/km), xe tuk tuk hay xe đạp để tham quan, khám phá các địa danh, thắng cảnh.
Đến vào thời gian nào
Bạn có thể đến Campuchia vào bất kì tháng nào trong năm.
Khách sạn, nhà nghỉ
Tại Campuchia có 2 loại dành cho du khách là Guest House và Hotel. Nếu xác định đi bụi, khám phá là chính, nên chọn  Guest House để tiết kiệm.
Một số website để bạn đặt vé trước (không nên đến nơi mới đặt phòng):
Đặc sản Campuchia
Những món ăn nên thử tại Campuchia gồm các món từ côn trùng như dế, bò cạp, nhện, baba…, pohook, các món nướng, các món được chế biến từ thịt bò, gà, hay cá… Các món mua về gồm các khô cá, khô rắn, đường thốt nốt, lạp xưởng (giá khoảng 8 – 10 USD).
Địa điểm tham quan
Nhắc đến Campuchia, người ta nghĩ ngay đến Angkor wat và Ankor Thom tại Siem Riep. Tuy đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thời gian, nhưng vẻ uy nghi, hùng vĩ, cổ kính của nó luôn để lại ấn tượng mạnh với du khách. Ngoài kiến trúc, đường nét, đền thờ hay các bức tượng lớn, các họa tiết nhiều hình dáng được khắc trên các viên gạch, trên bậc thang hay tầng gạch của nền tháp cũng giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc cổ của đất nước này.
Bên cạnh đó, kỳ quan Angkor còn mê hoặc bạn với đền Bayon nổi tiếng. Nơi có hàng trăm gương mặt khác nhau trên hàng chục pho tượng phật bốn mặt. Đền Ta prohm với cây cổ thụ mọc trùm lên ngôi đền và là phim trường Tomb Raider. Quảng trường đấu voi hay 12 ngôi tháp mô phỏng hình dáng của 12 con vật trong 12 con giáp.
Tour tham quan Biển Hồ trên thuyền hay dạo đêm ở khu phố Tây (giống khu phố tây ở Sài Gòn) bằng xe tuk tuk cũng mang đến những trải nghiệm thú vị tại phành phố du lịch này của Campuchia.
Thủ đô của Campuchia chào đón bạn với hoàng cung lộng lẫy, chùa vàng chùa bạc uy nghiêm, chợ đêm nhộn nhịp, chợ lớn sầm uất.... Song cũng tại Phnom Pênh, bạn sẽ không kiềm được nước mắt hàng ngàn bộ xương rải rác trên đất, hàng trăm sọ người trên kệ, những cảnh tra tấn tàn nhẫn tại với Cánh Đồng Chết. hay Bảo tàng diệt chủng... Một điểm nhấn khá thì vị cho chuyến rong chơi của bạn tại thủ đô này là đi xe qua cầu Kim Cương, nơi xảy ra thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên ghé đến Tượng đài độc lập để chụp hình hay ghé ngôi chùa không dành cho trinh nữ, Wat Phnom Pênh để chiêm bái.
Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của biển, du lịch tại Sihanoukville chưa phát triển và khá hoang sơ. khá hoang sơ. Có thể tạm chia Sihanoukville thành 3 khu vực hkác nhau. Khu vực thứ nhất là Occheuteal Beach và Serendipity Beach, nơi này tập trung rất nhiều guesthouse, hotel và có khu phố Tây nên khá nhộn nhịp;  khu vực hai là hai rresort khá nổi tiếng Sokha Beach và Independence Beach. Điểm trừ là ít chỗ chơi, buổi tối đường đi cũng khá nguy hiểm; khu vực thứ ba là Otres Beach,Victory Beach, thuờng được dân phượt ưu tiên lựa chọn vì giá dịch vụ khá rẻ.
Gợi ý lịch trình tham quan:
Ngày 1 và ngày 2: Sài Gòn – Siem Riep. Đến Siem Riep nghỉ ngơi, dạo chợ đêm. Sáng hôm sau tham quan Angkor. Chiều đi Biển Hồ.
Ngày 3 và ngày 4: Siem Riep – Phnom Pênh. Đến nơi thì thì tham quan Hoàng cung, Chùa vàng chùa bạc, tượng đài độc lập. Tối tham quan chợ đêm, thuê xe tuk tuk tham quan Phnom Pênh về đêm . Ngày hôm sau tham quan các địa danh như Cánh đồng chế, bảo tàng diệt chủng, Wat Phnom Pênh…
Ngày 5 và ngày 6: Sáng ngày 5 từ Phnôm Pênh – Sihanoukville. Đến nơi tắm biển, thưởng thức hải sản, dạo cảng, khám phá thành phố đêm. Sáng hôm sau lên xe về Sài Gòn theo lịch trình Sihanoukville – Kampot – Hà Tiên – Sài Gòn hay Sihanoukville – Phnôm Pênh – Sài Gòn.
Mang gì khi đến Campuchia
Bất kỳ trang phục nào bạn thích. Lưu ý là khi đi thăm quan các chùa hay Hoàng cung thì phải ăn mặc kín đáo, lịch sự.
Mang giày dép bệt vì sẽ đi khá nhiều.
Mang áo khoác, nón, dù, kem chống nắng.
Mang đầy đủ các vật dụng, đồ vệ sinh cá nhân.
Mang các loại thuốc cơ bản, nhất là thuốc đau bụng.
Không nên đi một mình và đi quá khuya.
Luôn mang theo Passport và cuốn Lonely Planet.
Có thể sử dụng cả tiền Việt, đô la và đồng Riel trong mua bán, vì thế bạn không cần đổi sang đồng Riel.
Một số cung đường bạn có thể lên tour:
Sài Gòn – Siem Riep – Phnom Pênh – Sihanouville – Kompot – Hà Tiên – Sài Gòn (dài ngày)
Sài Gòn – Siem Riep – Phnom Penh – Sài Gòn (4 ngày 3 đêm)
Sài Gòn – Shihanouville – Phnom Penh – Sài Gòn
Sài Gòn – Hà Tiên – Kampot - Sihanuoville – Phnom Pênh – Sài Gòn
Sài Gòn – Phnom Penh (2 gnày 1 đêm)
Sihanoukville – Kampot – Hà Tiên – Sài Gòn
Sài Gòn - Sihanoukville – Phnôm Pênh – Sài Gòn.
HUỲNH HẰNG
Ảnh sưu tầm
Theo Infornet

Đi bụi Phnompenh

Tùng Lâm

 

 

 

 

Cung điện hoàng gia Campuchia. Ảnh: Tùng Lâm
(TBKTSG Online) - Có những chuyến đi từ sự ngẫu hứng bất chợt nhưng lại thu được nhiều trải nghiệm thú vị. Chuyến du lịch bụi sang Phnompenh ba ngày của chúng tôi là một trong những chuyến đi như thế. Ban đầu chúng tôi chỉ định đi Củ Chi, lên Mộc Bài (Tây Ninh) và quay về trong ngày thôi, nhưng rồi sự hấp dẫn của đất nước Chùa Tháp đã khiến chúng tôi thay đổi ý định, đi Phnompenh trong ba ngày bằng xe máy.
Sau khi tìm hiểu thông tin về các điểm đến ở Phnompenh và các thủ tục khi đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia, chúng tôi an tâm lên đường. Sau khoảng một giờ đồng hồ chạy xe máy chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài.
Làm thủ tục xuất cảnh tại Mộc Bài xong, tôi tranh thủ hỏi thăm một anh hải quan về việc đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia thì được biết, hải quan tại Mộc Bài không cấm xe máy Việt Nam chạy sang Campuchia nhưng không biết phía hải quan Campuchia thì thế nào. Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được trước khi đi thì hải quan Campuchia cũng không quá khó trong việc này, chỉ cần mình khai báo và xin một giấy thông hành là được.
Sang Phnompenh bằng… taxi
Nhưng rồi mọi việc diễn ra khác hẳn với những gì chúng tôi được nghe trước đó. Khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet (Campuchia) tôi khai báo với anh nhân viên hải quan Campuchia về chuyện chiếc xe, anh hải quan kia hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: Xe gì? - Dạ, xe máy. Tôi trả lời - Đâu? - Dạ, ở ngoài kia ạ. Tôi chỉ tay ra hướng cửa nơi anh bạn đồng hành của tôi đang đứng chờ. - Đi xem.
Chùa Bà Pênh. Ảnh: Tùng Lâm
Anh hải quan Campuchia khoát tay rồi bước ra cửa. Tôi dẫn anh ta đến chỗ chiếc xe máy của tôi thì nhận được cái lắc đầu. - Không được đâu. Hải quan Campuchia không cho đâu.
Dạ, thế có cách nào không anh? Tôi hỏi lại.
Hỏi hải quan ấy.
Hải quan nào ạ? Tôi hỏi lại vì chính anh ta là nhân viên hải quan,không biết còn hải quan nào nữa.
Kìa. Tôi nhìn theo cái chỉ tay của anh nhân viên hải quan hướng về khu làm thủ tục nhập cảnh cho các xe du lịch lớn.
Tôi vội cảm ơn và chạy đến chỗ mấy anh hải quan kia. Sau vài lời chào hỏi tôi đưa ra vấn đề của mình thì nhận được cái gật đầu đồng ý: - Được, mang xe đến đây.
Tôi mừng rơn vội gọi điện cho anh bạn đồng hành của tôi dắt xe tới. Tưởng mọi chuyện đã xong xuôi ai dè… Tôi lại nhận được một cái lắc đầu nữa. - Không được, xe này là Honda không qua được. Chạy vào Nam Vang (Phnompenh) là bị bắt đó.
Sao hồi nãy anh nói xe máy được ạ?
Xe máy là xe máy còn xe này là Honda.
Vất vả nói qua, nói lại mãi, một lúc sau tôi mới biết cái mà tôi gọi là xe máy thì được mấy anh hải quan kia hiểu là… xe đạp (?!).
Thất vọng. Chúng tôi định dắt xe về thì được một chị người Việt Nam gợi ý: Sao em không gửi xe ở sòng bài rồi "bắt" xe đi Nam Vang? Thế là nhờ sự hướng dẫn của chị, chúng tôi dễ dàng gửi được xe tại một sòng bài, rồi sau đó ra bến xe Bavet để bắt xe đi Phnompenh.
Bến xe nằm ngay cổng ra vào của cửa khẩu Bavet, nơi đây tập trung nhiều xe du lịch và xe taxi loại 4 chỗ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết xe du lịch đỗ tại bến xe để đón các đoàn khách từ Việt Nam sang Campuchia theo dạng đi tour trọn gói, còn taxi thì phục vụ hành khách từ Phnompenh xuống Bavet và ngược lại.
Chúng tôi lên một chiếc Camry 4 chỗ màu trắng, nhưng bác tài cho biết tuy xe 4 chỗ nhưng phải đủ 6 người mới chạy (té ra taxi chạy kiểu... xe đò!!!), giá vé cho hai người từ Bavet đi Phnompenh là 15 đô la Mỹ hoặc 300.000 đồng.
Mãi đến 13 giờ, chiếc Camry mới chuyển bánh. Người ta nói “trong cái rủi cũng có cái may” câu nói này chắc đúng với trường hợp với chúng tôi.
Cung điện hoàng gia về đêm. Ảnh: Tùng Lâm
Phnompenh về đêm
Mất khoảng 4 tiếng đi xe chúng tôi đã có mặt tại Phnompenh, thủ đô của đất nước Campuchia. Bác tài dừng xe cho chúng tôi xuống tại khu Sisowath Quay, nằm dọc bờ sông Tonle Sap, nơi đây được biết đến như là khu phố Tây mới tại Phnompenh (để phân biệt với khu phố Tây cũ Boeng Kak Lake).
Lang thang một vòng tại Sisowath Quay, chúng tôi tìm được một khách sạn có giá tương đối mềm; 7 đô la Mỹ cho một phòng hai giường, gắn quạt máy. Tắm rửa xong thì trời vừa tối, chúng tôi tìm nơi ăn tối rồi đi bộ khám phá Phnompen.
Phnompenh về đêm không thật ồn ào nhưng cũng không yên tĩnh. Tại khu phố Tây các nhà hàng, quán bar đã bắt đầu sáng đèn, tiếng nhạc rộn vang. Công viên dọc bờ sông Tonle Sap và khu quảng trường trước cung điện hoàng gia (Royal Palace) tối nay tập trung rất đông người, mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa.
Chúng tôi dừng chân tại một quán cóc nằm trên đại lộ Sihanouk. Khác với quán cóc tại Việt Nam, quán cóc tại Phnompenh thật đặc biệt: khách đến quán không ngồi ghế, bàn mà lại ngồi… chiếu. Chiếu được trải dọc trên lối đi dành cho người đi bộ, cứ một nhóm khách là một chiếc chiếu. Trên chiếu bày sẵn các loại đồ uống như bia, Coca Cola, Red Bulls,… khách muốn ăn gì cứ việc gọi chủ quán sẽ mang ra tận… chiếu.
Tôi gọi bốn hột vịt lộn, ít xâu cá viên chiên và vài lon bia Angkor. Ở Campuchia, hột vịt lộn là một trong những món ăn rất phổ biến. Người Campuchia gọi món này là Pong Tea Khon. Không chỉ ở Việt Nam và Campuchia mà tại nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái, Philippine... hột vịt lộn là món ăn chơi rất phổ biến.
Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi ghé mua ít đồ tại khu chợ đêm Phsa Reatrey. Chợ đêm được nhóm trong một khuôn viên tương đối rộng, nằm liền kề khu phố Tây mới. Người ta bố trí một sân khấu lớn nằm chính giữa, là nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan. Khu vực trước và hai bên sân khấu là các gian hàng nằm liền kề nhau, bày bán đủ thứ áo quần, đồ lưu niệm, giày dép, điện thoại… Sau lưng sân khấu là khu vực ăn uống.
Chùa Bạc. Ảnh: Tùng Lâm
Dạo quanh một vòng chợ, chúng tôi chọn mua được mấy chiếc khăn lụa (giá 2 đô la một chiếc) và vài chiếc karma (một loại khăn rằn của người Campuchia, giá mỗi chiếc 1 đô) đem về làm quà cho bạn bè.
"Walking tour" ở Phnompenh
Thành phố Phnompenh có diện tích khoảng 678,46 km2 nhưng do hầu hết các điểm du lịch phổ biến tại đây đều tập trung chủ yếu ở khu trung tâm nên việc tham quan khá thuận tiện.
Có nhiều cách để bạn khám phá Phnompenh: đăng ký citytour, đi taxi hay xe tuk-tuk nhưng thoải mái nhất là thuê xe máy để vi vu… Riêng chúng tôi chọn cho mình cách thú vị nhất và tiết kiệm nhất là đi bộ.
Sau khi tìm hiểu về các điểm tham quan tại Phnompenh, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ, thực hiện "walking tour" của mình. Điểm đến đầu tiên là chùa bà Pênh (tiếng Campuchia là Wat Phnom), giá vé tham quan 1 đô la Mỹ. Chùa Bà Pênh là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh giao lộ của đường 96 và đường Norodom. Kiểu dáng kiến trúc và nội thất chùa Bà Pênh cũng giống như những ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa khác tại Phnom Penh.
Người Campuchia cho rằng sự ra đời của chùa bà Pênh gắn liền với sự hình thành của Phnom Penh ngày nay. Chuyện kể rằng vào năm 1372 bà Pênh (Yea Penh) vớt được một cây gỗ bên trong có 4 bức tượng Phật trôi dạt trên sông. Bà đã cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và xây một ngôi chùa nhỏ (wat) ở trên đó mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có cái tên Phnom Penh cho thành phố thủ đô này.
Rời chùa bà Pênh, chúng tôi đi dọc con đường Sisowath Quay đến bảo tàng quốc gia Campuchia (giá vé tham quan 2 đô la). Bảo tàng này được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Khmer, nếu nhìn từ xa chưa chắc bạn cho rằng đây là một bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Campuchia lưu giữ rất nhiều hiện vật khảo cổ liên quan đến lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của người Khmer từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Đây thực sự là một điểm tham quan bạn nên ghé nếu muốn tìm hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Chùa Tháp.
Bảo tàng quốc gia Campuchia. Ảnh: Tùng Lâm
Nằm cạnh bảo tàng quốc gia Campuchia là khu cung điện hoàng gia - chùa Bạc. Người Campuchia nói rằng, muốn biết nhà vua Campuchia giàu như thế nào thì hãy ghé cung điện của ngài một lần bạn sẽ thấy rõ. Quả đúng như vậy.
Cung điện hoàng gia (tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk) là nơi ở và làm việc của quốc vương và hoàng tộc. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia. Những vị khách quý của hoàng gia Campuchia như nhà vua, quốc trưởng, lãnh tụ các quốc gia khác đến Phnom Penh cũng sẽ nghỉ lại trong khu vực hoàng cung. Với người Campuchia, hoàng cung còn là biểu tượng của cả vương quốc.
Ghé vào cung điện hoàng gia chúng tôi thực sự choáng ngợp trước… vàng và bạc. Phòng khánh tiết là điểm gây ấn tượng hơn cả. Trước đây tòa sảnh này là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, còn nay nhà khánh tiết được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách.
Bạn có tin được không khi hầu hết bên trong tòa nhà đều được làm bằng vàng; từ ngai vàng, ghế ngồi, gương… Ngoài nhà khánh tiết, cung điện hoàng gia Campuchia còn có nhiều công trình kiến trúc khác như sân khấu Chanchhaya, khu cung điện nghỉ ngơi của nhà vua, khu làm việc của hoàng cung,… và chùa Bạc.
Toàn bộ nền chùa Bạc được lát bởi hơn 5.000 thỏi bạc, mỗi thỏi nặng 1 ký. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm bức tượng Phật bằng bạc được bố trí khắp trong chùa. Chùa Bạc là nơi thờ cúng linh thiêng cũng là “bảo tàng” cống phẩm của hoàng gia Campuchia.
Rời hoàng cung và chùa Bạc, chúng tôi ghé thăm tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Tượng đài đặt trong một công viên rộng và gần đó là tượng đài Độc lập Campuchia (khu vực hai tượng đài đều miễn phí tham quan). Nằm trên một quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, tượng đài Độc lập Campuchia được xây dựng vào năm 1958.
Đến trưa, chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục tham quan bảo tàng Toul Sleng và chợ Mới, nhưng không đi bộ mà dùng xe tuk tuk. Buổi tối trở về khách sạn nghỉ ngơi với cảm giác thỏa mãn sau một ngày tham quan đầy thú vị.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt xe taxi về lại Bavet rồi lấy xe máy chạy về Sài Gòn. Chuyến đi bụi Phnom Penh kéo dài 3 ngày đã đọng lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Hẹn sẽ quay lại Phnom Penh trong một ngày gần nhất.
Quảng trường và tượng đài Độc Lập của Campuchia. Ảnh: Tùng Lâm

Không có nhận xét nào: