Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

PERU - NHỮNG KỲ QUAN HUYỀN BÍ - KỲ 5


undefined


Tác giả: Nguyễn Tập
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Các nhà khoa học đổ về, họ không chỉ bất ngờ khi những hình vẽ khổng lồ đã có hơn 2.000 năm tuổi mà còn sửng sốt với những phát hiện mới từ những xác ướp của người Peru cổ được khai quật tại đây. Dưới lớp cát sa mạc Nazca, từng bí mật từ từ được hé mở.
Lịch thiên văn hay sân bay của người ngoài hành tinh?

Hình con nhện trên sa mạc Nazca - Ảnh: N.Tập
Đi trong mùa du lịch cao điểm, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Giá vé máy bay đi xem những đường vẽ kỳ lạ tại sa mạc Nazca tăng từng phút. Trước đó tại Cuzco, Lima giá vé đặt trước được báo 60 USD, tôi còn đang chần chừ vì giá cao quá (giá bình thường chỉ khoảng 40 USD), ngày hôm sau giá đã là 80 USD. Buổi chiều cùng ngày, quay về khách sạn lấy tiền chạy ra giá đã lên 95 usd. Ghét mấy đại lý “làm giá”, tôi quyết định mua vé trực tiếp tại Nazca.
Chuyến xe buýt 14 giờ chạy thâu đêm từ Cuzco đến Nazca lúc 6g30 sáng. Vội vã đón taxi chạy đến phi trường đã thấy xếp hàng đông nghẹt. “Mấy ngày nay sương mù nhiều quá, không cất cánh được, có người chờ 3-4 ngày vẫn chưa bay được. Vé 110 USD. Nếu đồng ý, tôi sẽ để anh vào danh sách chờ”, cô tiếp viên lạnh lùng trả lời. Vừa may, một khách du lịch Pháp nhường vé nên tôi được leo lên chuyến bay cuối cùng trong ngày. Cầm chiếc vé với giá 120 USD trong tay (mắc gần ba lần giá bình thường), tôi thở phào tự an ủi dù sao mình cũng còn may mắn hơn nhiều người chờ đợi đến 3-4 ngày vẫn chưa bay được.
Chiếc máy bay nhỏ chở năm người khục khặc khục khặc cuối cùng rồi cũng cất cánh. Gió giật ầm ầm, tiếng động cơ muốn điếc lỗ tai, chợt nhớ đến lý do nhường vé của người bạn Pháp: “Tháng mười hai năm ngoái, hai chiếc máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì trục trặc động cơ. Tháng tư năm nay, một chiếc máy bay mang năm khách người Pháp cùng phi công đã tử nạn”.
Ngồi trên chiếc máy bay nhỏ xíu lắc đùng đùng này, bất giác tôi rùng mình. Nhưng nỗi sợ chợt qua mau khi thấp thoáng giữa sa mạc mênh mông, những đường vẽ hình con khỉ có đuôi xoắn ốc, người ngoài hành tinh, nhện, cá voi... hiện ra sống động lạ thường. Sa mạc bây giờ như một bức tranh khổng lồ (Nazca là một trong những sa mạc khô nhất thế giới, cộng với bề mặt đầy đá sỏi đã làm giảm thiểu ảnh hưởng của gió nên những hình vẽ có từ hơn 2.000 năm trước tồn tại được đến ngày nay).
Thật ra, những hình vẽ khồng lồ như thế không phải chỉ có ở Peru, mà còn có ở Hi Lạp, Mỹ… Nhưng đặc điểm, số lượng và kích thước của những hình vẽ tại sa mạc Nazca gây ấn tượng mạnh nhất. Nhà nữ toán học người Đức Maria-Reiche - người dành trọn cả đời nghiên cứu những hình vẽ kỳ lạ trên sa mạc Nazca - cho rằng đó chính là lịch thiên văn của người xưa.
Dựa vào sự dịch chuyển của các chòm sao, thổ dân lúc bấy giờ sẽ dự đoán thời tiết, phục vụ việc trồng trọt của họ (hình con nhện khổng lồ chính là sự liên tưởng đến tinh vân của chòm sao Orion). Tuy nhiên, theo truyền thuyết, sa mạc Nazca là sân bay của người ngoài hành tinh, khi rất nhiều phi thuyền vũ trụ đã cất - hạ cánh tại đây. Và chính những người thổ dân địa phương (từ năm 200 trước Công nguyên đến năm 600) đã vẽ lại những hình ảnh họ chứng kiến. Trên sườn núi gần đó có hình vẽ một người khổng lồ có cái đầu kỳ lạ đang giơ tay chào càng làm truyền thuyết này đáng tin cậy hơn.
Tạp chí National Geographic đã giải thích: “Lớp sỏi, đá trên bề mặt của sa mạc Nazca có chứa Fe, qua hàng thế kỷ nó trở nên đen bóng. Khi lớp sỏi được quét đi, nó tương phản với màu bên dưới. Bằng cách này, những đường vẽ khổng lồ được hình thành bởi những đường rãnh rộng khoảng 20cm, đào sâu khoảng 35cm trên sa mạc”. Cách tạo ra những đường vẽ này quá đơn giản, ai cũng có thể làm được, nhưng làm sao để tạo được những đường thẳng gần như tuyệt đối, làm sao để phóng to những hình vẽ (vốn chỉ có thể quan sát được hoàn chỉnh từ trên không) theo đúng tỉ lệ một cách chính xác? Ai đã tạo ra và có ý nghĩa gì thì đến nay vẫn là một trong những bí mật lớn nhất của loài người.
Xác ướp lên tiếng
Xác ướp của người Inca tại nghĩa địa Chauchila - Ảnh: N.Tập
Cũng trên sa mạc Nazca, cách thị trấn khoảng 30km, Chauchila - nghĩa trang của người tiền Inca - với những xác ướp, xương sọ, đồ gốm hơn 1.500 tuổi phát hiện tại đây đã làm các nhà khoa học ngỡ ngàng và kinh ngạc về nền văn minh của người Inca và tiền Inca.
Thật bất ngờ, Chauchila lại được phát hiện bởi… những kẻ cướp mộ, đến khi nhà nước có biện pháp ngăn chặn thì một số lượng khổng lồ những hiện vật quý giá đã bị đem bán. Tuy vậy, Chauchila hãy còn khá ấn tượng với hơn 10 hầm mộ mở cho khách tham quan, có nhiều xác ướp còn lọn tóc dài quấn quanh, có cả xác ướp của trẻ em được dùng để tế thần… Ông Juan Tohalino Vera - một trong những hướng dẫn viên kỳ cựu nhất Nazca, người nói thông thạo 4-5 thứ tiếng - cúi xuống dùng tay khỏa lớp cát ngay dưới chân rồi nhặt lên một mảnh xương nhỏ: “Cũng may những kẻ cướp mộ chỉ quan tâm đến vàng nên xác ướp, xương sọ chúng không thèm mang đi, vứt vương vãi khắp nơi”. Tôi không tin nên bắt chước làm theo và cũng nhặt được một mẩu xương như thế.
Ngày nay, khi y học đã tiến bộ vượt bậc, phẫu thuật não hãy còn được liệt vào những ca khó. Vậy mà cách nay hơn 500 năm, từ những xác ướp, xương sọ này, người ta phát hiện người Inca có hiểu biết khá chi tiết về giải phẫu học và đã biết phẫu thuật não! Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí National Geographic, chỉ với lá coca và một số loại dược thảo tự nhiên làm thuốc tê, người Inca đã đục hộp sọ của những chiến binh bị thương ở đầu để chữa và tỉ lệ sống sót sau những ca phẫu thuật ghê rợn này có lúc lên đến 90%.
Ra về, ngay trước nghĩa địa Chauchila, tôi giật thót mình khi thấy người ta bày bán nhiều cây sáo được làm từ những khúc xương chạm khắc khá công phu. “Xương người?”, tôi rụt rè hỏi. Juan cười lớn: “Vua Inca ngày xưa dùng đầu lâu của thủ lĩnh đối phương làm chén đựng rượu, lấy xương chạm khắc, đục thành những ống sáo để dằn mặt kẻ thù. Nhưng cậu đừng sợ, những cây sáo này chỉ làm từ xương con llama và alpaca (một loài lạc đà không bướu) thôi mà”. Hết hồn! __________________
Muốn cửa hàng đông khách: buộc cánh tay trẻ sơ sinh vào bó hoa rồi vẩy nước trước cửa hàng! Cúng trả nợ đất: bào thai - trẻ sơ sinh là lễ vật quan trọng nhất!... Những tập tục rùng rợn từ ngàn xưa vẫn còn giữ đến ngày nay ở nhiều nơi tại Peru.

Không có nhận xét nào: