Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

PERU - NHỮNG KỲ QUAN HUYỀN BÍ - KỲ 4


undefined

Tác giả: Nguyễn Tập
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Thì ra nó nằm ngay trên hồ Titicaca - nơi phát nguồn của đế chế Inca hùng mạnh, một trong những cái nôi của nền văn minh Nam Mỹ nổi tiếng.
Những hòn đảo trôi


Quần đảo nổi Uros có một không hai trên thế giới tại hồ Titicaca Ảnh: N.TẬP
Giữa mặt hồ xanh thẳm, rộng ngút tầm mắt, hòn đảo Javier nằm lẫn giữa đám lau sậy um tùm, cao quá đầu người. Vừa đặt bước chân đầu tiên từ thuyền xuống đảo, bàn chân tôi bỗng bị lún xuống. Quá bất ngờ, tôi loạng choạng muốn té. Đoán trước, Javier nhanh nhẹn đưa tay đỡ lấy: “Đừng sợ, sẽ còn nhiều điều bất ngờ chờ đợi anh tại quần đảo Uros này”.
Quần đảo Uros (khoảng 43 đảo) có một không hai trên thế giới này được hình thành từ những lớp lau sậy chết đóng thành từng mảng dày. Sau đó, người dân phủ xen kẽ những lớp lau sậy mới lên cho đến khi bề dày đạt 1-2m rồi dựng nhà sinh sống trên đó. Vì thế, cả hòn đảo như một cái bè nổi khổng lồ bằng lau sậy, bước chân đi cứ xốp xốp, nhún nhún như đi trên nệm bông. Ông trưởng đảo Marcos kể: “Những ngày gió mạnh thổi bứt dây chằng, sáng sớm mở mắt tỉnh dậy thấy mình ở Bolivia. Vì thế, người Uro chúng tôi phải cột đảo thật chắc vào một tảng đá lớn để cố định vị trí”.
Ông Marcos dẫn tôi vòng quanh giang sơn của ông. Nói là đảo song thật ra nó nhỏ như cù lao, bề dài mỗi chiều không quá 300m. Mỗi đảo khoảng trên dưới 10 hộ sinh sống chủ yếu nhờ vào việc đánh cá trên hồ. Với tay bẻ một cây sậy non mọc sát mép nước, ông Marcos bỏ vào miệng ăn ngon lành rồi đưa tôi thử: “Ăn thử món ăn truyền thống của người Uro xem nào”. Món lõi sậy non của người Uro giòn giòn, nhạt nhạt, chẳng ngon tí nào nhưng công dụng của nó làm tôi ngạc nhiên: lều ở, thuyền đánh cá trên hồ đều làm bằng cây sậy; sậy khô làm chất đốt; rễ sậy còn là vị thuốc khá hữu hiệu chữa đau bụng, đau răng...
Mẹ con Vanessa bán đồ thổ cẩm tự dệt trên đỉnh núi Mặt Trời Ảnh: N.Tập
Vẫn còn giữ những nét văn hóa đặc trưng, nhưng người dân đảo nổi Uros cũng khá văn minh. Lênh đênh trên mặt hồ nhưng dân Uros cũng có trường học, nhà thờ (dĩ nhiên đều được dựng bằng cây sậy), có điện sử dụng từ pin năng lượng mặt trời. Chưa kể họ làm du lịch cũng khá bài bản: bán những món đồ lưu niệm làm từ cây sậy, làm hẳn mô hình thu nhỏ của đảo để giải thích cặn kẽ cho du khách. Chỉ cần bỏ khoảng 10 đôla, khách sẽ được sống cùng dân bản xứ một ngày, cùng ăn, ở, tối khuya cùng đi câu cá…
Kiếp nghèo trên đảo Amataní
Thời hoàng kim của đế chế Inca chấm dứt khi người Tây Ban Nha xâm lược Peru vào giữa thế kỷ 16. Một số người Inca lui về nơi họ sinh ra là hồ Titicaca, ẩn tích trên hai hòn đảo Amataní và Taquilé, gần như đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Vì thế, dù chỉ cách thị trấn hiện đại Puno hơn hai giờ đi tàu thủy, nhưng cuộc sống trên đảo Amataní bây giờ vẫn như 100 năm trước. Mặc dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, nhưng người dân ở đây vẫn sử dụng tiếng Quechua - ngôn ngữ cổ thời Inca. Đàn ông vẫn còng lưng trên những mẫu ruộng bậc thang trồng khoai tây, lúa mì để có miếng ăn. Phụ nữ vẫn cặm cụi xe sợi, đan len để có cái mặc. Họ vẫn sống cuộc sống tự cung tự cấp như cha ông mình cách nay hàng trăm năm (có chăng là thêm chút tiền từ khách du lịch đến đảo ngủ lại).
Hồ Titicaca là hồ cao nhất thế giới có thể đi thuyền được, nằm ở độ cao 3.812m trên mực nước biển. Tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia, Titicaca có độ sâu trung bình 107m, độ sâu tối đa 281m, diện tích lưu vực 58.000km2. Có hơn 25 con sông chảy vào hồ Titicaca và hồ có 41 hòn đảo, một số có cư dân đông đúc. Titicaca được cung cấp bởi nước mưa và nước tan ra từ các tảng băng trên các dãy núi lởm chởm tiếp giáp với Altiplan. (Nguồn: Wikipedia)
Không gian ở đây yên tĩnh lạ lùng. Không xe hơi, không nước nóng, không điện thoại, chỉ có những đàn cừu thong thả gặm cỏ. Những ồn ào, tiện nghi hiện đại của cuộc sống hối hả bên ngoài dường như bị nước hồ Titicaca làm đóng băng lại cả. Amataní không có khách sạn, du khách ở chung với gia đình dân địa phương.
Tôi và anh hướng dẫn viên ở chung nhà với Vanessa (19 tuổi) cùng mẹ cô. Khi tôi đến, Vanessa và mẹ hãy còn trên rẫy, hàng xóm phải chạy đi gọi về. Phòng tôi ở có nệm ba lớp (cũng làm từ cây sậy như quần đảo nổi Uros), có điện (dù chỉ là một bóng tù mù chạy bằng máy phát điện cổ lỗ sĩ). Phòng của Vanessa và mẹ chỉ có một cây đèn cầy lờ mờ. Nhà vệ sinh cũng có hai cái riêng biệt: cái cho dân làng chỉ là một cái hố, cái cho khách du lịch có hẳn bồn cầu.
Một ngày chúng tôi đi bộ rã cả người nên lu nước lớn để sẵn trong phòng tắm chỉ một loáng là cạn. Vanessa và mẹ lẳng lặng xuống núi, một hồi lâu thấy khệ nệ khiêng thùng nước lên. Nước ngọt ở đảo phải hứng từng thùng dưới chân núi mang lên. Mẹ Vanessa cho biết: “Muốn khách du lịch đến ở, mỗi gia đình chúng tôi phải đạt được một số tiêu chuẩn nhất định về vệ sinh, điều kiện sinh hoạt. Điều đó quá xa vời với điều kiện hiện tại của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải vay mượn rồi trả từ từ”.
Buổi tối làng tổ chức văn nghệ, nhảy múa giúp vui cho khách, chủ nhà cũng phải mặc đồ đẹp để cùng vui. Ban nhạc là những bạn trẻ, ban ngày làm nương, đi học (ngay tại đảo), ban đêm trông chờ vào những đồng tiền tip từ khách du lịch. Cesar, nhạc công 14 tuổi, khoe: “Mùa này là mùa du lịch nên khách đến nhiều. Tuần trước chơi nhạc bốn lần, tiền tip mỗi đứa được 20 sol (khoảng 7 đôla)”. Khách nhảy nhót vui vẻ, mua bia uống, mời cả dân làng. Họ uống hết nhanh chóng vì như thế có nghĩa là họ lại bán thêm được một chai nước. Thấy tôi ngồi một mình, Vanessa đến bên mời nhảy. Tôi lắc đầu, mặt cô buồn hẳn: “Chúng tôi phải làm tất cả để khách vui, vì đó là nguồn thu nhập lớn của gia  đình”. Vanessa cho biết mẹ cô cũng mặc đồ đẹp mời mọi người nhảy múa. Chân vẫn nhảy, miệng vẫn cười nhưng sao họ vẫn không giấu được nỗi buồn trong khóe mắt. Vanessa thổ lộ: “Ba tôi mới mất cách đây mấy ngày”.
Đảo Amataní còn sót lại những di tích đổ nát từ thời Inca trên hai đỉnh núi Mặt Trăng và Mặt Trời, nơi mà du khách nào đến cũng cố trèo lên để cầu xin sự sung túc cho bản thân và gia đình. Vanessa nói hai đỉnh núi đó thiêng lắm nhưng tôi không tin. Vì nếu thiêng thì mỗi khi khách du lịch đến, bà mẹ già của cô đâu phải cặm cụi leo lên theo chỉ với hi vọng bán được chút đồ thổ cẩm tự dệt của mình. ____________________
Trên sa mạc Nazca có những hình vẽ khổng lồ kỳ lạ đã có hơn 2.000 năm tuổi: hình vẽ con khỉ, người ngoài hành tinh, nhện, cá voi… Đó là lịch thiên văn hay sân bay của người ngoài hành tinh?

Không có nhận xét nào: