Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Một cô vợ bằng 30 con lợn


Trong đám cưới vùng cao ở miền Nam Papua New Guinea, váy cỏ là trang phục bắt buộc và giá trị của cô dâu được tính bằng... lợn.
Kết hôn là một cuộc giao dịch

Làng Komya là quê hương của chú rể Moses. Sau khi bị mẹ bỏ rơi, Moses được một gia đình người Úc đưa tới Melbourne nuôi nấng.
Cậu gặp và yêu Danielle, suốt 10 năm và họ quyết định kết hôn. Nhớ về nguồn cội nên Moses quyết định tổ chức đám cưới ở chính nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Khi tin tức về đám cưới của Moses lan ra, hàng trăm người đổ tới Komya để dự lễ kết hôn của anh với Danielle.
Tại vùng này, kết hôn cũng là một cuộc giao dịch. Nhà trai sẽ thỏa thuận giá cả với nhà gái. Giá của cô dâu sẽ được tính bằng lợn và vỏ sò. Nếu họ chịu được giá đó thì cuộc giao dịch coi như xong. Khi giao dịch kết thúc, cô gái sẽ chuyển tới căn lều mà chàng trai dựng trên đất nhà anh.
Một người lái taxi ở Port Moresby, thủ đô của đất nước kể rằng, anh phải trả 30 con lợn cho cô vợ hai của mình. Danielle, vợ Moses, có giá 4 lợn.
Papua New Guinea không phải là một nước nghèo. Với lượng khoáng sản giàu có và một công trình đường ống khí tự nhiên hóa lỏng đang xây dựng, nước này sẽ thu được rất nhiều tiền. Thế nhưng, người dân ở Komya chỉ nhận được chút ít từ sự thịnh vượng ấy. Họ vẫn phải sống trong những căn lều nền đất mà không có điện, nước. Khi bóng tối buông xuống, những người dân trong làng với đôi chân lấm bùn trở về nhà mà không có lấy một ngọn nến trong tay.
Tuy nhiên, nếu cầm một chiếc điện thoại di động đứng ở làng Komya, bạn sẽ vẫn thấy vạch sóng đầy. Dù dân làng nơi đây có thiếu đi những thứ thiết yếu cho cuộc sống thì họ vẫn có thể nhắn tin.
 
Cô dâu được trang điểm bằng sơn và mặc váy cỏ trong
đám cưới.

Váy cưới bằng cỏ

Ngày cưới của Danielle và Moses, mưa rơi nhẹ. Đám phụ nữ tụ tập riêng một góc. Những người phụ nữ ngực trần vây quanh, nhẹ nhàng cởi quần áo của Danielle và mặc cho cô một chiếc váy cỏ, xẻ tà 2 bên.
Khuôn mặt của Danielle cũng được "trang điểm" theo một cách thức hết sức đặc biệt. Người làng cẩn thận vẽ lên mặt cô những vệt sơn theo truyền thống của làng. Từ mũi xuống hàm của Danielle được tô màu trắng còn gò má và phía trên lông mày thì được tô màu vàng.
Đối với chú rể, ngoài vẽ sơn lên mặt, anh còn đeo lá sau lưng, vỏ sò trước ngực, lông chim trên đầu và băng tay họa tiết. Sau đó, mọi người nắm tay nhau cùng hòa theo điệu nhảy của làng. Nam một bên, nữ một bên, họ vừa nhảy vừa huýt gió. Vậy là Danielle và Moses đã thành vợ thành chồng.
Tiếp đó, lễ "trao lợn" diễn ra. Dân làng đứng thành hình vuông, số lợn được đặt ở giữa. Sau khi bên nhà gái kiểm tra lợn, họ tháo dây trói ra và trao tất cả lợn cho mẹ của cô dâu. Để có được mối quan hệ tốt với nhà thông gia, mẹ cô dâu đã gửi lại 2 con lợn để đáp lễ nhà trai. Họ đánh dấu 2 con lợn này để làm thịt vào bữa tiệc ngày hôm sau tại khoảnh đất của anh trai chú rể.
Moses vốn là con thứ 5 của thủ lĩnh bộ tộc và bà vợ thứ 5. Sau khi bố anh qua đời, mẹ anh đi bước nữa và bỏ lại tất cả những đứa con của mình. Cùng với các anh em, Moses đã phải sống những tháng ngày khổ sở. Thế nhưng số phận diệu kỳ đã thay đổi cuộc đời anh. Giờ đây, Moses đã có thể trở lại làng cũ với cô dâu ngoại quốc đến từ một nơi xa lạ.
Ở Komya, chuyện này chưa từng xảy ra.
 
Theo Phương Thanh

Không có nhận xét nào: