Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Trèo lên "nóc nhà" của châu Phi


Đó chính là ngọn núi Kilimanjaro hùng vĩ với chiều cao 5.895m. 
Nóc nhà Châu Phi chính là tên gọi của ngọn núi Kilimanjaro - nằm ở vùng giáp ranh giữa hai quốc gia Tanzania và Kenya, phía nam xích đạo, được mệnh danh là "nóc nhà của châu Phi" và là một trong bảy ngọn núi cao nhất thế giới.
 
 
Kilimanjaro có ba đỉnh: Kibo, Shira và Mawenzi. Đỉnh Kibo cao 5.895m so với mực nước biển, nằm ở chính giữa, bên cạnh là ngọn Mawenzi cao 5.149m và thấp hơn nữa là Shira cao 3.962m.
 
 
Đối với người dân bản địa thì Kilimanjaro có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là nơi trú ngụ của thiên nhiên hoang dã, là lý tưởng mà con người ước mơ có thể vươn tới, và còn là biểu tượng cho nền độc lập châu Phi.
 
Có thể ngắm nhìn Kilimanjaro từ khoảng cách rất xa.
 
Cho đến nay, không ai biết chính xác tên gọi "Kilimanjaro" bắt nguồn từ đâu. Các nhà thám hiểm châu Âu "tiếp nhận" cái tên này lần đầu vào năm 1860 và giải thích rằng: Kilimanjaro theo tiếng Swahili, được ghép từ hai chữ: kilima- nghĩa là đồi, núi nhỏ và njaro- nghĩa là sáng lấp lánh. Nhưng một số giả thuyết khác đã phủ nhận nguồn gốc Swahili và đặt vấn đề, theo tiếng Kichaga- ngôn ngữ của người Chaga sống ở phía nam Kilimanjaro -  thì  jaro nghĩa là đoàn lữ hành.
 
Tuy nhiên, tất cả các giả thuyết trên đã không thể giải thích được tại sao từ "kilima" lại được dùng thay thế cho mlima - một từ chỉ núi theo nghĩa gốc.
 
 
Mặc dù núi lửa Kilimanjaro đã không hoạt động suốt hai nghìn năm qua, nhưng hiện tượng phát tán khí ga vẫn thường xuyên xuất hiện trên đỉnh Kibo. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2003, các nhà khoa học chính thức đưa ra kết luận: ở độ sâu 400m tính từ miệng núi Kibo,  hoạt động nóng chảy mắc ma diễn ra âm ỉ, sôi sục suốt ngày đêm.
 
Và thế là, nỗi lo sợ thảm họa núi lửa tương tự như ở St. Helens năm 1980 đã ám ảnh người dân xứ này. Các truyền thuyết, thần thoại của địa phương cũng kể về hiện tượng phun trào núi lửa, song đó chỉ là tưởng tượng. Lịch sử không có một dòng nào ghi chép về sự kiện này.
 
 
Kilimanjaro đã có những tác động rất lớn đến các điều kiện khí hậu của khu vực, nơi đây tồn tại tất cả các kiểu khí hậu trên trái đất. Nguyên nhân là do gió từ Ấn Độ Dương thổi vào đất liền mang theo hơi ẩm, gặp núi cao, ngưng tụ lại, rơi xuống thành mưa và tuyết. Hiện tượng này tương phản đột ngột với sự khô cằn của các thảo nguyên và vùng đất nửa sa mạc xung quanh. Người ta có thể trồng rừng, cà phê, ngũ cốc và thu hoạch mùa màng ở những điểm thấp hơn. Kilimanjaro có rất ít các loài thú lớn, chủ yếu là các loài khỉ xanh, linh dương bé.
 
 
 
Chinh phục Kilimanjaro luôn là niềm mơ ước của tất cả các nhà thám hiểm trên thế giới. Mỗi năm, nơi đây đón 30.000 nhà leo núi thám hiểm đến từ khắp nơi trên thế giới. Để lên tới đỉnh Uhuru, người leo núi phải thích nghi tốt với điều kiện khí hậu trên cao. Tuy nhiên, sự thích nghi này không hề đơn giản chút nào. Nhiều nhà leo núi đã bị thiệt mạng do mắc các bệnh liên quan đến độ cao.
 
Khuôn mặt vui vẻ của những nhà leo núi sau khi chinh phục đỉnh núi này.
 
Vườn quốc gia Kilimanjaro trải rộng trên diện tích 753.53 km², ở trên độ cao 2.700 mét, có tất cả 6 hành lang chạy qua khu bảo tồn Kilimanjaro.
 
Tuyết dần biến mất trên đỉnh núi.
 
Những năm gần đây, do khí hậu trái đất nóng dần lên, nạn phá rừng bừa bãi, lượng mưa quá thấp khiến cho lớp tuyết vĩnh cửu trên đỉnh Kilimanjaro tan chảy. Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong khoảng từ 20 đến 50 năm nữa lớp tuyết này sẽ biến mất. Nếu chiếc "mũ tuyết" này tan biến, Kilimanjaro sẽ đánh mất sức hấp dẫn đối với du khách và cuộc sống dưới chân núi sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều.
 
Hãy đến thưởng ngoạn Kili trước khi tuyết tan chảy mất”, đây chính là khẩu hiệu của Justin Merle, hướng dẫn viên leo núi bản địa với 40 năm kinh nghiệm truyền đạt lại.
 
Cảnh hoàng hôn trên đỉnh núi Kilimanjaro.

Không có nhận xét nào: