Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Thăm “vương quốc” người Mentawai ở Indonesia

Trên một quần đảo nhỏ nằm về phía Tây của đảo lớn Sumatra ở Indonesia hiện nay còn một tộc người rất hiền lành và chất phác, gọi là người Mentawai. Họ còn khoảng 65.000 người sống rải rác trên mấy chục hòn đảo được bao phủ bởi những khu rừng mưa nhiệt đới, cảnh vật mát mẻ, xanh tươi.
VTCN 20.zip
Du khách phương Tây thăm một ngôi làng của người Mentawai.
Khoảng cách giữa đất liền và Mentawai không xa lắm những đây vẫn được xem là một trong những nơi cô lập nhất ở Indonesia. Dù vậy, du khách nhiều nơi trên thế giới đổ về đây ngày càng nhiều để tham quan những ngôi làng của bộ tộc Mentawai, tìm hiểu phong tục, tập quán, cũng như được giao lưu với người bản địa. Không ít nhà nhân chủng học, các nhà khoa học về môi trường vẫn thường xuyên đến thăm và nghiên cứu cách sống của người Mentawai. Trong một chuyến công tác đến đảo Sumatra, chúng tôi cũng đã có dịp đến thăm một ngôi làng của người Mentawai.
Người Mentawai sống trong các nhà sàn gọi là “uma”. Đó là kiểu nhà dài bằng tre nứa, mái lợp tranh, không có cửa sổ, trước cửa và trong nhà treo rất nhiều… đầu lâu người hoặc đầu lâu khỉ. Mỗi năm, người Mentawai đều cúng đuổi tà ma trong nhà. Họ vào rừng hái những thứ lá đặc biệt tỏa mùi thơm, đem về treo trong nhà. Một thầy mo “Sikerei” (như là già làng) - được cho là có sức mạnh thần bí, có khả năng chữa bệnh, là người chuyển lời tới thần linh và là thủ lĩnh tối cao, làm phép trừ tà ma cho họ. Sau buổi cúng, người Mentawai dọn thức ăn ra giữa nhà và quây quần ăn uống vui vẻ.
Người Mentawai là một trong những bộ tộc thiểu số ở Indonesia còn giữ những phong tục kỳ lạ như xăm mình và mài nhọn răng. Phong tục này không chỉ là một tập quán làm đẹp mà còn là niềm tin về sự hòa hợp với thế giới thần linh. Họ tin tất cả cỏ cây hoa lá, sông suối, chim muông đều có linh hồn mà họ gọi là “Kima”.
 Ngoài thịt thú rừng và cá, người Mentawai còn ăn một thứ bột gọi là “sagou”, đó là thức ăn chính. Họ chặt cây “sagou” về, cưa mỏng, đập lấy một thứ bột trắng trong thân cây, giã, ngâm nước, phơi khô, thành một thứ bột mềm thơm, ăn quanh năm.
Phụ nữ Mentawai ngày ngày xuống ao, hồ, sông, suối… mò cua, bắt ốc, hái rau. Họ cũng biết trồng cây khoai môn, cây ráy để ăn với bột “sagou”. Họ dùng lông chim, dây gai đan bện thành những vật trang sức hàng ngày và đeo chúng dù là lúc ở nhà, đang nuôi con. Phụ nữ Mentawai thích nhất màu đỏ, cũng như các loại hoa rừng màu đỏ.
Ngoài công việc chính là săn bắn, những lúc rảnh rỗi, đàn ông Mentawai gọt vỏ cây đem ngâm nước rồi phơi khô, gọi là… vải để làm khố che thân. Săn được một con vật gì lớn, đàn ông Mentawai xẻ lấy thịt, còn xương thì đem phơi khô rồi treo trong nhà. Họ cho rằng “cái hồn” của con vật ấy sẽ rủ bạn bè nó tới cho vui và người ta có thể săn được dễ dàng.
Người Mentawai dùng thuyền độc mộc để chở đồ, luồn lách qua các sông, hồ rất thuận tiện. Đó cũng là phương tiện để họ qua lại các đảo lân cận. Tuy nhiên, người Mentawai ít khi rời hòn đảo mà mình sinh sống. Họ chỉ quanh quẩn trong khu vực mà mình sinh ra và lớn lên cho đến lúc chết.
Du khách phương Tây xuất hiện trên đảo Mentawai ngày càng nhiều và người bản địa ngày nay cũng không còn e dè với các vị khách phương xa nữa. Họ sống cởi mở hơn, tiếp nhận một số văn minh vật chất của thế giới bên ngoài. Tuy vậy, họ vẫn duy trì những tập quán kỳ lạ như đục răng hoặc xăm mình. Chính quyền địa phương, tổ chức UNESCO và nhất là du khách vẫn tập cho người Mentawai làm quen với những sinh hoạt văn minh hiện đại nhưng họ nghe qua rồi… bỏ. Chính vì vậy mà số du khách thích đến thăm người Mentawai ngày một nhiều hơn.
Bài, ảnh: Trương Nhật Lệ

Không có nhận xét nào: