Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Tượng Thánh Gióng sừng sững giữa trời Âu

Tọa lạc giữa Quảng trường Phù Đổng là tượng Thánh Gióng bằng đồng cao 10m, được thiết kế và thi công hoành tráng, đẹp đẽ.
Bạn tôi đến Ucraina (hay nói đúng hơn đến Kharkov) lần này là... lần thứ tư, nên mọi thay đổi ở đây đều được ông cảm nhận thật rõ ràng, cụ thể. Ông nhớ rõ từng chi tiết, đường đi nước bước của nơi này cũng như con người ở đây.

Một ví dụ nhỏ, khi được mời nghỉ lại ở khách sạn Sun Light, để đi sang nhà hàng trên tầng 7 trong khuôn viên Làng Thời Đại rộng tới 6,5 ha, ông nhắc tôi phải lên tầng 3 khách sạn, nhờ bảo vệ mở cửa đi qua Quảng trường Phù Đổng thông sang thì rất gần, thay cho việc đi bộ vòng quanh phải mất khá nhiều thời gian.

Hay như có lần ăn sáng ở Khu Resort Intercontinental ở Sơn Trà, Đà Nẵng, ông cứ ngờ ngợ khi đứng trước một người phụ nữ phục vụ ở quầy bánh phở. Hỏi một lúc thì ngớ ra là đã từng gặp nhau trước đó tại...Ucraina, ở chính nhà hàng tầng 7 luôn được dành cho khách quý từ mọi nơi về Kharkov.

Tượng đài Thánh Gióng trong Làng Thời Đại

Sang Ucraina lần này, sau 2 chặng bay khá dài và mệt, chúng tôi được đưa thẳng lên...tầng 7. "Mời các bác làm một bát miến cho ấm bụng, rồi về nghỉ, mai ta làm việc sớm" - anh Trần Đức Tựa, quê Thanh Hóa, Chủ tịch Hội người Việt tại Kharkov vui vẻ bắt tay từng người.

Bấy giờ ở Kharkov khoảng 12 giờ đêm, ở Việt Nam 4 giờ sáng, theo thói quen ở nhà là lúc đang sâu giấc nồng. Tôi có thói thức quá giờ, sau đó rất khó ngủ lại và hôm ấy lại càng khó. Mệt nữa nhưng vẫn cứ háo hức trước một miền đất mới, những người mới gặp. May có quyển sách anh Tựa vừa kịp dúi vào tay "Cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tại Ucraina" của Hội ra mắt chào mừng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 7 do Hội doanh nghiệp Việt Nam đăng cai tại thành phố Kharkov, để tranh thủ lật vài trang còn thơm mùi mực mới.

Ừ đây rồi, Khu đô thị Làng Thời Đại chính là nơi mình vừa đến và đang ở đây. Ba tòa nhà này đủ chỗ ở cho hơn 300 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Tọa lạc chính giữa là Quảng trường Phù Đổng với tượng Thánh Gióng bằng đồng cao 10m, được thiết kế và thi công rất hoành tráng, đẹp đẽ. Cạnh đó là sân tennis, sân bóng chuyền, bóng đá ngoài trời. Quả vậy, khu đô thị này từng được đánh giá là "hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên của người Việt trên toàn thế giới!"

Liền đó là quần thể Công viên nước trong nhà Jungle - Khách sạn Sun Light lớn nhất Ucraina, từng giành các giải thưởng " Sản phẩm quốc nội tốt nhất 2007", các huy chương "Khu giải trí nước tốt nhất" "Nhà hàng tốt nhất" "Khách sạn tốt nhất", được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu. Ngoài ra, các công trình này còn được nhận bằng khen do tỉnh trưởng tỉnh Kharkov trao tặng...

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi được mời đi tham quan các công trình như Tổ hợp siêu thị - văn phòng Sun City Plaza và Sun City Premium với diện tích sử dụng khoảng 60.000 m2; Khu đô thị Vinaco Residence với 55 căn hộ, tổng diện tích 5.000 m2; Trung tâm thương mại - giải trí - văn phòng Megastar hiện đại nhất Kharkov với tổng diện tích 40.000 m2, v.v...
Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả đối với nhiều người là khi tới thăm Chùa Trúc Lâm tại thành phố Kharkov. Tập đoàn Technocom (nay là Vingroup Ucraina) công đức xây dựng từ năm 2007, sau đó lần lượt được sự trụ trì của các Đại đức, Hòa thượng đến từ TƯ Giáo hội Phật giáo VN. Tại đây đã thành lập Ban đại diện Phật tử Việt Nam tại Ucraina. Được biết, hàng năm vào dịp Tết, các đại lễ Phật đản, Vu lan, ban đại diện cùng các chư tôn đức tăng ni đứng ra tổ chức nghi lễ hết sức chu đáo, thành tâm.

Trước cửa chùa Trúc Lâm
Lần lượt dâng hương cung kính trước các đức Phật, trước anh linh Bác Hồ và nhiều vị tiên liệt, anh Tựa dẫn chúng tôi đến thắp hương viếng hương hồn bà con người Việt đã an nghỉ tại mảnh đất này và những người Việt ở quê nhà được họ hàng đưa về Kharkov thờ phụng.

Tôi bỗng hiểu những công việc có tên và không tên của một người phụ trách, chăm lo công việc cộng đồng. Phải nói là bà con ở đây đã vô cùng sáng suốt lựa chọn một người như anh Tựa để làm chỗ dựa tinh thần ở quê hương thứ hai này.

Với Kharkov, sẽ không quá lời khi nói rằng: đây là Thủ đô của người Việt ở Ucraina, thậm chí là Thủ đô của bà con người Việt ở châu Âu.

Không chỉ nơi đây tập trung sinh sống và làm việc của gần 6.000 người Việt của 2 thế hệ, với những công trình kinh tế, văn hóa tâm linh bậc nhất Ucraina. Nơi đây còn là một mô hình sống động, thuyết phục về hoạt động của Hội người Việt, Hội doanh nghiệp Việt, của tổ chức Đảng (anh Tựa là bí thư Đảng ủy khu vực Kharkov), của các tổ chức xã hội như Đoàn cơ sở, Hội phụ nữ, Ban đại diện Phật tử, Câu lạc bộ cựu chiến binh...

Chẳng thế mà khi phát biểu kết luận Diễn đàn doanh nghiệp VN tại Châu Âu lần thứ 7 diễn ra một ngày sau đó, chủ tịch Liên hiệp các doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu Hoàng Mạnh Huê (đến từ Ba Lan) khẳng định chắc nịch "Thành công trên cả mong đợi do sự thịnh tình, mến khách, chu đáo, khoa học của cộng đồng người Việt tại Kharkov. Và chính điều này sẽ khiến cho cộng đồng người Việt ở các thành phố khác của châu Âu sẽ gặp...vô vàn khó khăn khi tổ chức các Diễn đàn tiếp theo".

Bạn tôi ngồi cạnh hích vai tôi, ý rằng, tớ đến Kharkov lần này lại biết thêm nhiều điều thú vị và ngạc nhiên đến bất ngờ. Người Việt mình đi đâu, làm gì cũng làm ra trò, ông nhỉ, nhất là mấy vị ở Kharkov này..../.
 Theo tuanvietnam.net
 

Ngôi làng Việt “Thời đại” ở Ukraina: Cầu nối tình hữu nghị

Ở Kharkov (Ukraina) có một ngôi làng của người Việt thành lập mang tên Làng Thời đại cùng với một tập đoàn kinh tế tương đối vững mạnh cũng do người Việt Nam sở hữu.
    Làng Thời đại quần tụ, gắn kết những người Việt đang sinh sống tại Kharkov bằng bản sắc văn hoá dân tộc qua hình tượng Thánh Gióng và cây tre đằng ngà, giống như một làng quê Việt Nam hiện đại dưới khung trời châu Âu.

    Ngôi làng Việt hiện đại đó hàng năm còn là nơi mọi người chung tay, chung sức mở Hội chợ làng, tổ chức đêm Trung thu cho con em, hoặc đón Tết Nguyên đán truyền thống hàng năm với những chiếc bánh chưng xanh, câu đối đỏ...

    Năm 2003, công ty Vinamex do ông Lê Minh Đức làm Giám đốc đã đầu tư xây dựng Làng Thời đại đảm bảo cho khoảng trên 300 gia đình người Việt sinh sống với kiến trúc độc đáo, là một trong những toà nhà đẹp nhất tại Kharkov. Đặc biệt, để bà con được cảm thấy gần gũi với quê hương hơn, ngay tại khu đô thị doanh nghiệp này còn xây dựng các công trình văn hóa, tôn vinh tinh thần dân tộc như tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, cao 10m; quảng trường Phù Đổng rộng gần 10.000 m2. Ở Làng Thời đại không chỉ có nhà ở mà còn có khách sạn "Sun Light” (Ánh Dương), công viên nước "Rừng nhiệt đới” nay đã thành nơi nghỉ ngơi, giải trí yêu thích của người dân Kharkov và các vùng phụ cận. Những công trình này đều do các doanh nghiệp người Việt ở Kharkov đầu tư xây dựng và điều hành.
     
    Trong quá trình định cư, sinh sống và làm ăn ở nước bạn, các doanh nhân người Việt thành đạt ở đây luôn nêu cao tinh thần cộng đồng, trăn trở, lo toan cho cuộc sống ngày càng ổn định, giàu lên, cả về vật chất và tinh thần cho mình và mọi người với khoảng hơn 6 nghìn người Việt và hàng nghìn người khác nữa trên khắp đất nước Ukraine. Ông Lê Viết Lam - nhà doanh nghiệp nổi tiếng tại Kharkov tâm sự: "Người đi trước giúp người đi sau, người có hơn giúp người chưa có. Những căn hộ trong Làng Thời đại do một số người Việt giàu có tự bỏ tiền mua đất xây dựng và giá bán cho người Việt chỉ bằng một phần ba giá thị trường. Tôi biết đã từng có những khu phố Trung Hoa, Nhật Bản sầm uất tại Hoa Kỳ, Pháp và các nước Âu- Mỹ. Và bây giờ hiển hiện thêm những khu phố Việt Nam sầm uất giữa lòng châu Âu, cho chúng ta một cách nhìn mới về tiềm lực Việt Nam nơi xứ người!”

    Cùng với đô thị Làng Thời đại, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Kharkov còn đứng ra thành lập Công ty cổ phần Nora tập hợp các doanh nhân người Việt thành đạt góp vốn đầu tư chuyên về ẩm thực. Công ty này đã xây dựng một nhà hàng Á châu lớn nhất tại Kharkov chuyên dành giới thiệu các món ăn đặc trưng của Việt Nam và một số nước trong khu vực. Không chỉ quan tâm đến cộng đồng người Việt, nhiều doanh nghiệp còn khẳng định thương hiệu bằng những cái tên như Hương Việt, Món ăn Việt.Trong đó, nhà hàng Hương Việt và Inter do ông Phạm Quang Minh làm chủ không chỉ phục vụ ăn uống, mà còn phục vụ hàng khô, thực phẩm tươi sống và rau quả Việt Nam. Nhà hàng MoAnVi (Món ăn Việt Nam) có vị trí ngay giữa trung tâm thành phố Kharkov, được mở từ nhiều năm qua chuyên để phục vụ và giới thiệu các món ăn Việt cho bạn bè quốc tế. Theo lời ông Tạ Nguyên Ngọc - Vụ trưởng Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ - cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Làng Thời đại nói riêng và Kharkov nói chung chính là mô hình đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu Việt trên đất nước bạn. "Bằng công việc làm ăn, kinh doanh bài bản, họ đã góp phần tạo dựng uy tín cho cộng đồng người Việt ở Ukraina và làm cầu nối hữu nghị thiết thực cho hai đất nước”./.

    Không có nhận xét nào: