Phòng ăn của một gia đình người Trung Quốc trong ngày Tết. Ảnh: wolfvillenewcomers.org
Người Trung Hoa mừng năm mới
Người dân Trung Quốc đón Tết âm lịch cũng như người Việt Nam. Trước ngày Tết, mọi người làm vệ sinh nhà cửa để tống tiễn những gì không hay của năm cũ. Trong năm mới có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo.
Người ta thường mua cành đào để ở nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho "tài lộc". Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là "lì xì", tiền đựng trong bao đỏ để lấy may.
Tuy nhiên, khác với ở Việt Nam, người Trung Quốc thường tránh ăn thịt con vật tượng trưng của năm đó vào đầu năm, vì thế Tết năm nay Trung Quốc sẽ kiêng thịt trâu.
Xứ sở kim chi đón xuân
Ảnh: buhaykorea.com
|
Ngày Tết cổ truyền của người Hàn Quốc gọi là Seolnal diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch của Trung Quốc hay Việt Nam. Người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền của họ với nhiều nghi thức rất thú vị.
Đây là một trong ba ngày Tết lớn của Hàn Quốc, hai ngày kia là tết Chuseok (rằm tháng Tư âm lịch) và Tết Dano (mồng Năm tháng Năm âm lịch).
Người Hàn Quốc cũng ăn Tết trong ba ngày. Buổi sáng của ngày mồng Một, các thành viên trong gia đình đến chào và chúc phúc những người lớn tuổi trong gia tộc. Trẻ con thường được ông bà hoặc bố mẹ lì xì. Sau đó, mọi người trong gia đình sẽ đi viếng mộ tổ tiên ở thành phố Sacheon, nằm ở phía nam đất nước này.
Trong dịp năm mới, chỉ có một số người mặc Hanbok trang phục truyền thống vì nó rất đắt tiền và khá vướng víu không còn phù hợp với nhịp sống của một đất nước năng động.
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của nhiều gia đình người Hàn là món ddeokguk (như món phở của người Việt Nam nhưng bánh phở được thay bằng những lát bánh gạo, ăn kèm với thịt bò, trứng…). Người ta cho rằng, ăn một bát món đặc sản này, sẽ tăng thêm một năm tuổi thọ.
Xuân sang trên đất nước hoa Anh Đào
Lễ hội đèn lồng mừng năm mới ở Nagasaki. Ảnh: yeinjee.com |
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa. Người Nhật tổ chức năm mới vào ngày 1/1 dương lịch.
Trong năm mới, người ta thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn.
Trong năm mới khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Để xua tan mọi điều xui xẻo trong đêm giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần! Tết ở Nhật Bản kéo dài tới 2 tuần.
Australia chơi Tết
Ảnh: guim.co.uk
|
Năm mới ở Australia bắt đầu vào ngày 1/1 dương lịch. Vì Tết ở Nam bán cầu thời tiết thường ấm nóng nên người dân hay đi picnic hoặc ra biển.
Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa, đi săn, lướt ván... rất được ưa thích trong dịp năm mới.
Đất nước Miến Điện ăn tết
Lễ hội té nước mừng năm mới của người Myanmar. Ảnh: daylife.com
|
Tại Miến Điện, lễ hội năm mới được gọi là Tết Maha Thyyan, kéo dài trong 3 ngày. Trong 3 ngày đó, mọi người cầu nguyện, vui chơi và ăn uống, tụ tập bạn bè.
Trong năm mới cũng có tục vẩy nước, lau rửa nhà. Nhưng Tết của nước này thường rơi vào tháng 4 dương lịch. Trong ngày Tết, người bị ướt nhiều là người được coi là có nhiều may mắn.
Ai Cập tân niên
Năm mới tại Ai Cập, mọi người thường tập trung tại các nhà thờ lớn để cầu nguyện và sau đó về nhà để cùng ăn bữa tiệc năm mới. Người Ai Cập thường không uống rượu trong năm mới.
Ngày đầu năm, mọi người được mặc quần áo đủ màu, khác với ngày thường họ chỉ được mặc màu đen! Trẻ con được phát kẹo với nhiều hình thù ngộ nghĩnh.
Nam Phi ăn Tết
Tại Nam Phi, chuông nhà thờ báo hiệu năm mới trong đêm giao thừa và thường có lễ bắn súng chào mừng. Mọi người ăn mặc sặc sỡ và nhẩy múa đón chào một năm mới sắp đến. Người ta cũng đổ ra đường rất đông và cùng nhau cầu nguyện.
Anh Quốc sang xuân
Ở nước Anh, phong tục ''xông nhà'' rất được coi trọng. Người ''xông nhà'' phải là đàn ông, nhất thiết không được là phụ nữ hay người có tóc đỏ hoặc vàng, do họ có quan niệm những người này sẽ mang đến những điều xấu cho cả nhà.
Cây tầm gửi được coi là cây lộc tốt nhất bởi nó sẽ mang đến nhiều niềm hạnh phúc và sự may mắn cho con người. Nông dân Anh thường chúc nhau có nhiều con cái, gia súc, hay mùa màng bội thu.
Người Áo đón năm mới
Người dân nước Áo kỷ niệm năm mới vào ngày 1/1 dương lịch. Đêm giao thừa được gọi là Sylvesterabend – tức đêm của thánh Sylvester. Người ta thường pha rượu đỏ trộn với bạc hà và đường để dâng lễ thánh.
Các quán xá và nhà hàng được trang hoàng đẹp đẽ bằng những vòng hoa bao quanh lá xanh ngắt. Trong đêm giao thừa, mọi người hò hét vui chơi, nhảy múa, bắn hoa giấy và chạm cốc sâm panh. Người ta cũng trao nhau những nụ hôn để chúc tụng và thể hiện niềm hạnh phúc khi đón chào năm mới.
Pháo hoa được bắn tại khắp các thành phố lớn. Món ăn tối truyền thống trong năm mới là lợn sữa, con vật tượng trưng cho những điều tốt lành đối với người dân nước này.
Đan Mạch đón tết
Tại Đan Mạch, vào ngày đầu năm mới, bạn sẽ được coi là người gặp may mắn quanh năm nếu mở cửa ra mà nhìn thấy rất nhiều bát đĩa vỡ trước cửa nhà.
Người Đan Mạch thường để dành bát đĩa cũ để ném trước cửa nhà bạn bè hay người thân trong đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ trước nhà trong năm mới có nghĩa bạn càng có rất nhiều bạn.
Hoàng Gia Đan Mạch có bài phát biểu chúc mừng toàn nhân dân dịp năm mới trên các phương tiện truyền thông vào 6h chiều và 12h đêm. Thực đơn cho bữa tiệc năm mới ở đây là cá tuyết hấp, cải bắp xoăn hầm và đùi lợn quay hoặc rán.
Đón tết ở châu Mỹ
Tại châu Mỹ trong đêm giao thừa người ta thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn và đủ màu sắc với ánh đèn và hoa giấy.
Mọi người ăn nhiều một loại đậu đen trong đêm giao thừa vì người ta cho rằng ăn nó vào ngày đầu năm sẽ có nhiều điều tốt lành. Trong bữa tiệc năm mới, các loại bánh ngọt và sâm panh là thực phẩm được ưa thích.
VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét