1.
“Có được Rhett bên cạnh, nàng không còn sợ gì cả, dầu bom đạn lửa cháy hoặc quân Yankee. Rhett lên ngồi cạnh nàng, cầm lấy dây cương. Bỗng Sacrlett kêu lên “Chết chưa, chờ một chút, tôi quên khóa cửa”
Rhett bật cười nhịp roi lên lưng ngựa.
-Ông cười gì vậy?
-Tôi cười cô. Cô định  để ngăn bọn Yankee vào?
 Con ngựa cất bước chậm chạp và miễn cưỡng. Ngọn đèn trên lề đường leo lét  trong đêm thành một  vũng sáng vàng vọt  càng lúc càng nhỏ dần…”  (Cuốn theo chiều gió, chương 23, bản dịch của Vũ Kim Thư).
Một cảnh kinh điển trong phim Cuốn theo chiều gió. Ảnh:LƯU TRỮ
Một cảnh kinh điển trong phim Cuốn theo chiều gió. Ảnh:LƯU TRỮ
Tôi thì thích nhất đối thoại này của sách và  nhớ hoài  cảnh này sau khi xem phim. Ấy là một khoảnh khắc trong đêm Atlanta thất thủ (1864), một cách vắn gọn, khi Rhett Butler tới giúp Scarlett cùng người thân, gia nhân  rời Atlanta về đồn điền Tara. Nội chiến, loạn lạc, phải di tản, rút lui, nhà cửa có thể bị đối phương đốt cháy cướp bóc bất cứ lúc nào, trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy, người đàn bà thông minh đáo để đầy ý chí và ham tiền là Scarlett ấy một cách rất bản năng nhớ tới việc rời nhà thì phải khóa cửa. “Chết chưa, chờ một chút, tôi quên khóa cửa” - trời, một chi tiết nhỏ nhoi tận cùng nữ tính trong bộ tiểu thuyết đồ sộ mang tính sử thi về cuộc Nội chiến của nước Mỹ và thời kỳ Tái thiết (1861-1871), về tình yêu đam mê cuồng nhiệt, về số phận  các  cá nhân cuốn trong vòng xoáy lịch sử…
Nhà văn margaret mitchell. Ảnh:LƯU TRỮ
Nhà văn margaret mitchell. Ảnh:LƯU TRỮ
Chính cái chi tiết nhỏ đấy khiến tôi cảm tình với Scarlett hơn, thích tài viết của Margaret Mitchell hơn.
Và tôi lại nhớ tới chi tiết này khi cùng chị Ba tôi bước vào Nhà lưu niệm Margaret Mitchell ở Atlanta (MMH).
Trưa cuối thu, sau một vòng tham quan trụ sở CNN, chị em tôi quyết định đi tàu điện ngầm tới MMH. “Tới Atlanta, đi phương tiện công cộng như tàu điện ngầm là một trải nghiệm nhớ đời!” -  Thắng Lê - một người bạn mới quen sống ở Atlanta nói. Ga tàu vắng quá, khách chờ tàu nhiều người da đen. Cũng vậy trong toa tàu. Tôi chìa địa chỉ hỏi một người đàn ông trung niên da trắng.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương -  Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
“Quái, sao có hai  mụ đàn bà Châu Á tới giờ vẫn còn say mê Cuốn theo chiều gió, hả? Với  tụi tao, cuốn sách đó chả có gì hay ho, có nhiều thứ phân biệt chủng tộc  người da đen không được tôn trọng, bị khinh miệt”. Một thanh niên da đen cao to giọng nhừa nhựa nói to.
Và tôi, hít một hơi, nhìn thẳng vào mắt anh  ta trả lời “Vì thích”. Người đàn ông trung niên da trắng cao giọng “Anh thôi đi”, rồi nói khẽ với chúng tôi, “anh ta có lẽ say, đừng sợ. Tôi sẽ dẫn các chị tới MMH”. Người đàn ông ân cần dẫn chúng tôi tới tận cửa MMH, rồi quay trở lại hướng ga tàu, bởi ông cần tới con đường theo hướng ngược lại.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
2.
Chúng tôi khẽ khàng bước vào MMH. Căn hộ số 1 nơi vợ chồng nhà văn từng sống ở ngay tầng trệt - có lúc nhà văn gọi đùa là “Ổ rác” cũng là nơi  bà hoàn thành tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió - cuốn sách mang lại cho bà vinh quang và  người hâm mộ. 
“Tại MMH, có thể biết hơn về Peggy  trước, trong, sau khi  viết sách, về bộ phim, về buổi công chiếu  đầu tiên ở Atlanta khi người ta không cho phép diễn viên Mỹ gốc Phi tham dự, cho dù phim có 1 giải Oscar giành cho vai người nô lệ da đen - bà vú Mammy”,  nhân viên MMH giới thiệu với chúng tôi.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Ngắm nhìn, quanh quẩn trong căn hộ, chúng tôi cảm nhận điều gì đó  thân thiết ấm áp. Thật dễ chịu, khách tham quan có thể chạm từng đồ vật, thậm chí ngồi làm dáng “vờ vịt” sáng tác trên chiếc ghế trước máy đánh chữ  bên khung cửa nơi Margaret Mitchell  từng ngồi sáng tác. Chiếc máy đánh chữ đấy có phải chính là chiếc máy hiệu Remington ông chồng John Robert Marsh mua cho Margaret Mitchell không nhỉ?
Thủa thanh xuân, Margaret Mitchell cương quyết lập danh bằng nghề viết báo - một cái nghề những năm ba mươi thế kỷ trước ở Mỹ  được xem là chỉ dành riêng cho đàn ông. Trước khi viết văn, Margaret Mitchell là một nhà báo năng động, tài năng, cây viết phóng sự số 1 của tờ “Atlanta Journal”. Chỉ vài  năm làm ở tờ báo này, bà đã viết trên 200 phóng sự, bút ký, bình luận… Thật đáng nể!
Chúng tôi ngắm nhìn chân dung Margaret Mitchell - người  đàn bà đẹp thông minh quyến rũ và vẻ bướng bỉnh. Có bao nhiêu điểm giống nhau giữa  Margaret Mitchell và Scarlet O’Hara? Về Scarlett, nhà văn từng nói “Tôi cố gắng không dựng nên một người đàn bà tuyệt  hảo…”. Mặc kệ,  biết bao độc giả lãng mạn bị Scarlett  hấp dẫn cuốn theo đi vào mối tình với Rhett Butler…
3. 
Sách và phim Cuốn theo chiều gió, 80 năm qua, cũng được xếp vào nhóm “tác phẩm tượng đài, kinh điển” của văn hóa Mỹ, có ảnh hưởng tới hàng triệu con người. Và đương nhiên, được cảm nhận khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Trước khi tới Atlanta, tại thủ đô Washington DC, chúng tôi đã đi thăm Bảo tàng quốc gia lịch sử Hoa kỳ; Bảo tàng quốc gia người Mỹ gốc Phi, Bảo tàng quốc gia Thổ dân da đỏ; Thư viện Quốc hội; tới Atlanta, sau MMH, chúng tôi  thẳng tới Bảo tàng lịch sử Atlanta. Kịp nạp cho mình chút kiến thức về sự hình thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Nhiều người Việt năm sáu chục năm qua biết tới, dần quan tâm tìm hiểu lịch sử đất nước hoa cờ, cũng có phần là nhờ đọc, xem  Cuốn theo chiều gió. Nhưng cuộc Nội chiến và thời kỳ Tái thiết (1861-1871) chỉ là một phần của lịch của nước Mỹ.
Và rồi đâu đó trong vài văn bản tư liệu  chúng tôi  đọc  về tác phẩm để đời của Margaret Mitchell, thấy nhiều văn bản có ý chỉ trích tác phẩm - đặc biệt ở sự phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ…
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Cuối tháng 11.2018, trên trang FB của mình, Giáo sư sử học - Nhà nghiên cứu Ngô Vĩnh Long - ĐH Maine (Hoa kỳ)  có “biên một cái tút” vẻ như sơ lược nhưng với nhiều bạn đọc là hết sức thú vị có nhiều điểm mới  về Nội chiến của Mỹ (American Civil War), về Tổng thống Lincoln và vấn đề nô lệ da đen.
GS Ngô Vĩnh Long viết: “Tôi nói việc cho rằng Lincoln đưa quân vào miền Nam nước Mỹ tham chiến để giải phóng người nô lệ da đen là một huyền thoại. Chính ra ông ấy muốn trục xuất người da đen xuống Nam Mỹ (và một số nơi khác nhưng tôi không đề cập đến trong câu trả lời của tôi). Câu cuối mới là cái tôi muốn nói: “Bên thắng cuộc thường viết lại lịch sử.”
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Tại Nhà lưu niệm Margaret Mitchell (Atlanta, bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tuyền Trương - Tâm Trương.
Cũng theo GS Ngô Vĩnh Long, “Một điều đáng chú ý là hơn 150 năm sau nước Mỹ vẫn chưa hoà hợp, hoà giải. Phân hoá Bắc-Nam vẫn còn bộc lộ trong các tranh luận trên báo chí và các diễn đàn chính trị, rất rõ là trong Quốc hội Mỹ…”
“Chẳng ai thích nói mãi về chiến tranh”. Tất cả các cuộc chiến tranh đều để lại những vết thương hàng trăm năm, hàng ngàn năm, bao nhiêu thế hệ con người khó lòng xóa, hàn gắn được…
Và tôi đọc lại Cuốn theo chiều gió. Vẫn thấy mình như bị Scarlett cuốn theo đi, nhưng tôi đã biết neo sự chú ý của mình nhiều hơn ở những vấn đề lịch sử.
Mà, thực ra, Margaret Mitchell “dựng nên” nàng Scarlett O’Hara và những người xoay quanh nàng chính là để cuốn người ta vào lịch sử, số phận nước Mỹ đấy chứ? Và lịch sử bao giờ chẳng là những bài học lớn.
Margaret Mitchell và con số 9… định mệnh
-8.11.1900: Margaret Mitchell sinh ra  trong một gia đình trí thức tại Atlanta (bang Georgia).
-1929: Phần lớn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió hoàn thành. 30.6.1936,  tác phẩm ra mắt bạn đọc. Năm 1937 tiểu thuyết  đoạt giải Putlizer. Năm 1939, hãng MGM mua bản quyền truyện để sản xuất phim.
-9.9.1939: Nhà sản xuất phim David O Selznick  cùng vợ, nhà đầu tư John “Jock” Whitney và biên tập viên Hal Kern  tới Riverside (California) xem trước phim Cuốn theo chiều gió  tại rạp Fox.
-15.12.1939:  Phim Cuốn theo chiều gió ra mắt khán giả tại Nhà hát lớn Loew  (Atlanta); trong 3 ngày, 300.000 người Atlanta đổ ra đường tham dự, xem sự kiện này.
-219 phút là độ dài của phim Cuốn theo chiều gió. Phim giành được 10 giải Oscar tại lễ trao  giải lần thứ 12.
-8.1949: Khi cùng chồng John Robert Marsh băng ngang đường Cây Đào tới  rạp chiếu bóng, Margaret Mitchell lâm tai nạn ôtô, 5 ngày sau-16.8.1949, qua đời ở tuổi 49.
-Ngôi nhà  của vợ chồng Marget Mitchell sống từ 1925-1932 - nay là Nhà lưu niệm Margaret Mitchell ở số 979  đại lộ Trăng lưỡi liềm (khu Midtown) xây năm 1899. Năm 1989 được chính quyền TP Atlanta  công nhận là một trong những điểm đến quan trọng của thành phố. Cũng trong trong  năm 1989, phim Cuốn theo chiều gió được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn, bảo quản  trong  Lưu trữ phim Quốc gia.