Máy bay vừa hạ cánh xuống Guwahati – thành phố lớn nhất bang Assam vùng Đông Bắc Ấn Độ, ai nấy trong đoàn chúng tôi đều muốn thu mình lại dưới cái nóng 40 độ C. Nằm giữa sông Brhmaputrra và cao nguyên Shillong, Guwahati điển hình cho các thành phố quy mô trung bình ở xứ Ấn.
Một số tòa nhà hiện đại đang vươn lên giữa phố phường lụp xụp. Phương tiện di chuyển công cộng phổ biến là những chiếc xe bus không máy lạnh, chỉ có chiếc quạt máy nhỏ ở mỗi hàng ghế luôn phát ra tiếng kêu phành phạch dù mũi quạt được mạ vàng khá diêm dúa. Nhìn ra cửa xe thấy ôtô và môtô phân khối lớn chen chúc trên đường.
Thành phố bên sông
Dù điểm đến chính của hành trình là Shillong, điểm nghỉ mát cách nơi chúng tôi hạ cánh đến mấy trăm cây số mọi người vẫn không thể không quan sát Guwahati thật kỹ. Những đô thị kiểu Ấn khó có thể nói đẹp hay bình yên, nhưng vẫn cứ thu hút du khách phải ngắm nhìn bằng tất cả sự tò mò.
Người Ấn Độ yêu màu sắc đến kỳ lạ, nhà cửa phố chợ dù xây dựng sơ sài thì vẫn cứ phải màu mè đến hết mức có thể. Đền đài tất nhiên không thể thiếu, Ấn Độ có đến mấy trăm ngàn ngôi đền song chẳng đền nào giống đền nào. Các đền thờ ở Guwahati cũng là những báu vật độc nhất vô nhị kiêu hãnh tọa lạc giữa phố chợ xô bồ.
Mà nhắc đến chợ thì không thể bỏ qua chợ trung tâm của Guwahati với những khu bán thực phẩm rộng mênh mông. Các sạp hoa quả, gia vị, rực rỡ tràn trề hàng hóa. Có cả dãy gian hàng bán củi nằm cạnh dãy bán trầm thơm ngào ngạt. Rồi từng vựa hoa cúng xen giữa vựa lá dừa khô (để lợp nhà), vựa cỏ lau khô (để làm chổi).
So với chợ Việt Nam, chợ Ấn Độ có phần thanh sạch hơn do không bán nhiều thịt cá. Người đi chợ chủ yếu mua rau củ quả, gia vị, ớt xanh ớt đỏ. Đặc biệt, người dân ở đây vẫn còn ăn trầu cau nên đi đâu cũng thấy từng bao tải đầy ắp loại cau vỏ vàng nhẵn bóng bên cạnh sạp lá trầu xanh mơn mởn.
Bờ sông Guwahati cũng là nơi phô bày một phần đời sống của người dân thành phố. Sông có bãi cát trắng mịn rộng đến 50 mét – nơi sinh sống của mấy xóm đánh cá. Sông Guwahati còn thường xuyên nhộn nhịp nhờ lực lượng giặt quần áo thuê.
Đô thị này có những trung tâm nghiên cứu công nghệ nổi tiếng cả châu Á nhưng vẫn còn hàng vạn người ăn trầu bỏm bẻm và đi giặt quần áo thuê kiếm sống! Một số ít khác cũng sống nhờ vào dòng sông nhưng theo cách thông minh hơn. Đó là đội ngũ chủ các quán ăn nhỏ dọc bờ sông, các quán xá này hấp dẫn du khách ở chỗ tận dụng được các xác thuyền sắt làm chỗ cho khách ngồi ăn và ngắm cảnh hóng mát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét