Dù trong sổ tay lữ hành, Gunma là tên gọi khá xa lạ, nhưng riêng với người nghiện tắm suối khoáng nóng (onsen), Gunma là địa danh quen thuộc bởi sở hữu một trong ba suối nước nóng nổi tiếng nhất tại Nhật là Kusatsu (hai onsen kia là Gero và Arima). Nguồn nước khoáng nóng ở Kusatsu, với nồng độ khoáng chất và axit cao, có khả năng diệt khuẩn, trị các bệnh ngoài da rất tốt, bởi thế trên chuyến tàu từ Tokyo đến Gunma, khi biết tôi sẽ ghé qua Kusatsu, những người bản địa đã bông đùa rằng: “Đến Kusatsu phải tắm khoáng nóng nhé, đấy là nước mầu nhiệm trị bách bệnh, trừ món thất tình là không chữa được thôi!”.
Thiên đường Onsen Kusatsu
Từ nhà ga chính ở Kusatsu, tôi tản bộ theo con đường Sai-no-Kawara dẫn lối đến Yubatake - được ví là đệ nhất onsen không chỉ riêng thị trấn Kusatsu mà với cả Nhật Bản bởi vẻ đẹp cảnh quan và nguồn nước khoáng nóng dồi dào với lưu lượng cung cấp trung bình gần 700 lít/giây, có sức nóng lên đến 94 độ C. Con phố Sai-no-Kawara với cửa tiệm nhỏ xinh, nằm san sát, hầu hết đều là những kiến trúc nhà truyền thống đã trên 100 tuổi, thế nên cảm giác cứ như đang đi trong phim ảnh cổ xưa chứ chẳng phải ngay giữa đời thường. Đồng hành cùng từng bước chân, là một mùi hăng hắc ép lấy lồng ngực, bao trùm cả không gian.
Mất chưa đầy 10 phút tản bộ, tôi đến được trung tâm thị trấn Yubatake, khu vực này tựa như một quảng trường rộng lớn với tâm điểm là hồ nước nóng đang sùng sục sôi, tỏa khói nghi ngút, thì ra thứ nồng hăng khó ngửi vương trong không khí kia chính là mùi lưu huỳnh phả ra từ nguồn suối khoáng nóng của Yubatake. Nguồn nước từ mỏ khoáng lộ thiên này cung cấp cho các onsen khác trong toàn thị trấn, nhưng do nhiệt độ quá cao, nên người Kusatsu đã thiết kế cách làm nguội nguồn nước đặc biệt chỉ có riêng ở vùng Kusatsu. Nước chảy từ nguồn được dẫn vào hệ thống gồm 7 máng dẫn làm bằng gỗ thông, dài gần 50m để mặt nước tiếp xúc với không khí và nguội đi gần phân nửa nhiệt độ (khoảng 50 độ C). Lịch sử ghi lại những vị tướng quân (shogun) nổi tiếng của Nhật Bản như Tokugawa, Yoshimune, Ieharu... thời kỳ Edo đều sử dụng nguồn nước này để “làm đẹp” cơ thể và giúp sảng khoái tinh thần.
Hệ thống làm nguội nước đặc biệt ở thị trấn Onsen Kusatsu
Nguồn nước từ Yubatake chảy về các onsen khác ở Kusatsu nhưng nếu vẫn ở nhiệt độ cao, người địa phương còn có một cách làm nguội truyền thống khác mà nay trở thành một “đặc sản”: những phụ nữ Kusatsu trong trang phục kimono sử dụng các thanh gỗ có chiều dài 1,8m, ngang 0,2m đảo nước trong hồ theo nhịp điệu và cất lên những bài dân ca. Kiểu làm nước nguội dần này được gọi là yumomi, hiện vẫn được lưu truyền ở onsen Netsu-no-Yu ngay cạnh Yubatake để khách tham quan có dịp trải nghiệm.
Theo thống kê, thị trấn Kusatsu hiện có hơn 7.000 cư dân nhưng hàng năm đón 3 triệu lượt khách tham quan đến khoảng 200 điểm tắm onsen trong toàn thị trấn. Nhờ lợi thế về địa hình, Kusatsu nằm ở điểm thấp nhất (1.200m) trong vùng lòng chảo của 3 đỉnh núi lửa vẫn đang hoạt động là Tengu (1.385m) - Motoshirane (2.171m) - Kusatsu Shirane (2.160m), thế nên lượng nước khoáng thiên nhiên ở Kusatsu luôn dồi dào và là một trong những nguồn nước chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe nhất tại Nhật.
Dừng chân nơi lữ quán
Từ thị trấn Kusatsu, tôi theo người dẫn đường là Tsuyoshi Abe để trở về ngôi nhà - cũng là một lữ quán (Ryokan) truyền đời, phục vụ lữ khách theo phong cách cổ xưa do Tsuyoshi làm chủ. Lữ quán của Tsuyoshi Abe có tên Tenku-no-Yu Nakaya Ryokan, nghĩa là “phòng tắm lộ thiên” Nakaya. Ở Nhật, một điều không thể thiếu trong lữ quán là phòng tắm lộ thiên hòa với cảnh sắc của thiên nhiên, rừng núi.
Nakaya Ryokan ở sâu tuốt trong vạt rừng thuộc thượng nguồn dòng Yubiso-gawa, nơi nhà cửa quanh vùng rất thưa thớt, vắng người qua lại, và đã hơn ba thế hệ đón lữ khách - chủ yếu là các gia đình người Nhật tìm đến an dưỡng vào những ngày nghỉ lễ trong năm. Khi ngồi trong căn phòng đón khách wasitsu ở lữ quán Nakaya, thật ngạc nhiên khi gặp ở nơi khỉ ho cò gáy này hai nhân viên người Việt là Uyển và Hà, hai bạn sinh viên mới ra trường, được chính chủ nhân lữ quán sang tận TP.HCM tìm gặp, phỏng vấn và mời sang công tác tại lữ quán với hy vọng sẽ có dịp phục vụ du khách Việt đến nghỉ dưỡng.
Chủ nhân Tsuyoshi Abe phục vụ khách trong bữa tối ở lữ quán Nakaya
Câu chuyện gắn bó với Việt Nam được Tsuyoshi chia sẻ trong bữa cơm tối truyền thống Kaiseki Ryouri với các món ăn nhỏ xinh trình bày trong các chén đĩa rất đẹp và bắt mắt: “Hơn 10 năm trước, tôi đến du lịch Việt Nam, có một bạn trẻ khi gặp tôi ở phố cổ Hà Nội, đã bắt chuyện làm quen muốn luyện nói tiếng Nhật và giúp tôi rất nhiều, từ việc đổi tiền cho được giá, ăn các món đường phố, dùng xe máy đưa tôi đi các điểm tham quan, khám phá Hà Nội. Tôi đã du lịch qua nhiều nước, nhưng chưa gặp tình huống tương tự, điều đó khiến tôi rất ấn tượng, cảm kích và gần đây khi mối quan hệ Việt - Nhật và du lịch giữa hai nước ngày càng phát triển, tôi nghĩ đến việc sẽ có ngày mình đón các du khách Việt Nam đến lữ quán”.
Ở lữ quán của Tsuyoshi, từ chủ đến nhân viên đều mặc trang phục yukata truyền thống, lữ khách khi đến cũng được hướng dẫn chọn trang phục yukata để mặc trong những ngày lưu trú, và công việc này được Uyển và Hà hướng dẫn rất thuần thục; nếu không nhìn bảng tên thì thật khó nhận ra đây là hai cô gái Việt. Hà và Uyển kể về công việc đang thực hiện: “Khi đến làm việc ở đây, ông bà chủ coi tụi em như con trong nhà, chỉ dạy mọi thứ; lúc mới qua cũng xa lạ và buồn vì đi quanh vùng chỉ toàn gặp núi rừng, thiên nhiên hoang sơ, không người qua lại. Ở lữ quán tụi em được dạy cung cách phục vụ theo lối cổ xưa của Nhật, từ việc gấp quần áo, hướng dẫn khách mặc yukata, cách gấp chăn gối, cách phục vụ món ăn... Ngày thường thì tụi em tập hợp thông tin về những địa danh du lịch nổi tiếng quanh Gunma chuyển ngữ sang tiếng Việt để khi có cơ hội dùng phục vụ khách Việt”.
Ở tỉnh Gunma, Nakaya là lữ quán đầu tiên có nhân viên Việt Nam, ông chủ cũng dành hẳn những ưu ái về giá lưu trú dành riêng cho khách Việt khi chỉ phải trả 10.000 yên/đêm thay vì 16.890 yên với các du khách khác. Cũng trong bữa tối, Tsuyoshi bật mí với tôi về niềm đam mê ẩm thực Việt, đặc biệt là nước mắm - một “bửu bối” trong tủ bếp mà Tsuyoshi không cho ai đụng đến trừ khi lữ quán đón khách Việt. Thế nên trong món cá nướng Ayu hôm ấy, không khó để nghiệm ra vị mặn mòi cùng mùi thơm đặc trưng khi Tsuyoshi dùng nước mắm ướp cá trước khi nướng. Thứ cá Ayu thường sống nơi dòng nước xiết, thịt ngọt, thớ dai, nướng thơm nức, khi ăn lại đậm đà vị nước mắm mà Hà và Uyển cho tôi biết ông chủ quý từng giọt khi nêm nếm vì món này rất khó mua ở Nhật, khiến tôi cùng những thực khách hôm ấy vui lây cùng nỗi hào hứng của gia chủ.
Ở nơi xa tít chốn văn minh đô hội, công việc kinh doanh của gia đình Tsuyoshi vẫn rất đều đặn, lữ quán luôn kín du khách Nhật và phương Tây dịp cuối tuần, nhưng qua những gì Tsuyoshi thể hiện ở lữ quán Nakaya, tôi hiểu ông chủ đang mong đợi tiếp đón những “cư dân nước mắm”, có lẽ đơn giản chỉ vì một ấn tượng của chuyến du lịch từ hơn 10 năm trước, bởi một mùi nước mắm rất yêu mà Tsuyoshi đã nghiện trong phong vị ẩm thực Việt.
Bài và ảnh Lam Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét