Yakutsk, thủ phủ của Cộng hòa Sakha thuộc Nga, có nhiệt độ trung bình khoảng âm 34 độ C trong những tháng cuối năm.
Cao tốc Kolyma còn được gọi là Con đường xương gợi nhớ đến hàng nghìn tù nhân đã chết khi xây dựng tuyến lưu thông này trong cái lạnh âm 40 độ C vào những năm 1930. Không có đường sắt đến thành phố, Kolyma là đường bộ duy nhất để ra vào Yakutsk.
Quảng trường trung tâm thành phố với bức tượng Lenin ở góc phải. Yakutsk được biết đến là thành phố lạnh nhất trên thế giới, có dân số khoảng 300.000 người. Mức nhiệt thấp kỷ lục ghi nhận tại đây là âm 64 độ C.
Nhiệt độ cao nhất khu vực này từng ghi nhận trong mùa hè là 35,5 độ C. Tuy nhiên, Amos Chapple - nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh về cuộc sống của con người ở Yakutsk, cho biết, những tháng hè rất ngắn ngủi còn mùa đông kéo dài dường như bất tận.
Nữ sinh viên chờ xe bus để trở về nhà từ trường đại học. Ban đầu, phần lớn dân cư của thành phố là người bản địa. Sau này, nhiều người ở các tỉnh thành khác của Nga và Ukraine đã chuyển đến Yakutsk. Ở đây, mọi chuyến đi chơi đều được lên kế hoạch cẩn thận, không đi những đường vòng vèo và không mua sắm tùy hứng. “Cái lạnh quyết định mọi thứ. Hay nói đúng hơn, đó là cách cơ thể bạn hành động để phản ứng với cái lạnh”, Chapple nói.
Steeve Iuncke, một du khách từng đến Yakutsk, kể lại: “Đây là vùng đất nguy hiểm, bạn rất dễ bị lạc khi không thể nhìn thấy gì ở quá 10 m vì sương mù và những con phố rất giống nhau. Bạn hoàn toàn có thể bị đóng băng ngoài trời”. Iuncke ví cá tươi bày bán ngoài trời được sắp xếp như “những chùm hoa” và không sợ hỏng do nhiệt độ cực lạnh. Ảnh: Steeve Iuncke.
Sự giàu có dưới lòng đất của Yakutsk bù đắp cho những thách thức về thời tiết. Các mỏ tại địa phương cung cấp khoảng 1/5 sản lượng kim cương của thế giới, trong khi các địa điểm khác chứa khí đốt tự nhiên, dầu, vàng, bạc và các khoáng sản khác. Phần lớn những gì công nhân Yakutsk ăn là cá sống đông lạnh, như cá hồi, cá có thịt trắng, thậm chí cả gan ngựa. Khẩu phần hàng ngày cũng có nhiều súp thịt.
Người lái ôtô ở nhiệt độ thấp phải giữ cho hệ thống hoạt động liên tục để tránh động cơ bị đóng băng. Các trạm xăng dọc theo tuyến đường từ Yakutsk đi các thị trấn xung quanh luôn mở cửa 24 giờ một ngày. "Công nhân trong các trạm xăng bị cô lập làm việc hai tuần, nghỉ hai tuần", Chapple nói.
Yakutsk là cửa ngõ vào Oymyakon, thị trấn có người ở lạnh nhất hành tinh chỉ cách vòng cực Bắc 350 km. Phải mất hai ngày để đến đó nếu khởi hành từ thành phố. Kỷ lục nhiệt độ ghi nhận tại thị trấn này năm 1924 là âm 71,2 độ C.
Cột mốc dựng từ thời Liên Xô gần lối vào của thị trấn đánh dấu nhiệt độ kỷ lục âm 71,2 độ với dòng chữ "Oymyakon, Cực lạnh".
Kiều Dương
Ảnh: Amos Chapple
Ảnh: Amos Chapple
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét