MIN, THEO HELINO
Những món ăn hầu như ai là mọt phim kiếm hiệp hay cổ trang Trung Hoa đều thuộc tên nằm lòng, nhưng về nguồn gốc của chúng, mấy ai biết rõ?
Màn thầu
Với tần suất xuất hiện dày đặc nhất từ trước đến nay trong các bộ phim cổ trang - màn thầu chắc có lẽ là “nhân vật phụ” tiêu biểu của nền công nghiệp phim ảnh kiếp hiệp cổ trang của Trung Quốc. Chúng ta chắc có lẽ không còn lạ gì với những phân cảnh các đại hiệp đại tẩu ngồi ăn ngấu nghiến màn thầu sau một ngày đi đường xa, hay là cô cậu bé nghèo không có vì đói bụng nên tiền đành lén trộm cái màn thầu mềm nóng của vị thúc bá bán lề đường...
Có thể nói màn thầu xuất hiện hầu như khắp mọi nẻo đường của bối cảnh trong phim cổ trang, thậm chí là một phần của lịch sử của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Màn thầu có thể hiểu nôm na là bánh bao chay, hoàn toàn không có thịt, chỉ toàn bột mì, vị của nó có thể ngọt nếu ăn không hoặc nhàn nhạt để ăn kèm với một số món mặn khác.
Màn thầu được cho là có nguồn gốc từ thời Tam Quốc, cụ thể Gia Cát Lượng sau khi đã vượt qua được con sông hung dữ bằng cách xoa dịu nó thông qua giết thịt bò ngựa nhét vào những chiếc bánh nhỏ có hình dạng giống đầu người và quay trở về vương quốc của mình. Ông đã gọi những chiếc bánh đó là "bánh đầu người dã man" (man đầu), đến ngày nay nó có tên là màn thầu.
Rượu Nữ nhi hồng
Không chỉ vang danh ở khắp các bộ phim cổ trang kiếm hiệp, được nhiều vị anh hùng hảo hán ưa thích khi đến với một tửu lầu nào đó, “Nữ nhi hồng” còn là một loại rượu nổi tiếng của thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Và nó còn là sính lễ xuất giá không thể thiếu của những cô nương vào thời xưa tại vùng đất này.
Riêng cụ thể tại vùng Giang Nam, người dân ở đây từ xưa đã có một tập tục cụ thể liên quan đến loại rượu này như sau: nếu nhà nào sinh con gái, người cha sẽ ủ 3 bình rượu từ gạo nếp hảo hạng, sau đó chôn dưới gốc cây hoa quế sau vườn. Cho đến khi con gái lớn lên và xuất giá, 3 bình rượu quý sẽ được đào lên để làm sính lễ cho con gái mang về nhà chồng. Ba bát rượu đầu tiên của bình rượu sẽ được tân nương dành cho cha chồng, cha ruột và người chồng của mình với ý nghĩa cầu chúc trường thọ, gia đình hưng thịnh.
Kẹo hồ lô
Đây có lẽ cũng là cái tên không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực đường phố trong phim kiếm hiệp cổ trang. Với màu đỏ rực rỡ lại được xỏ thành từng xâu, cắm vào những bó rơm và bày bán khắp mọi nẻo đường, kẹo hồ lô xứng đáng là điểm nhấn tạo nên nét ấn tượng của một cả một dòng phim và qua đó còn giúp truyền bá thêm về ẩm thực Trung Hoa xưa cho bạn bè thế giới.
Về lịch sử, kẹo hồ lô vốn cũng đã xuất hiện trong khá nhiều câu chuyện dân gian liên quan đến một vị phi tần thời Nam Tống. Cụ thể, sau khi ăn món kẹo này đều đặn nửa tháng trời, vị phi tần đã khỏi căn bệnh u uất suy nhược và vui vẻ trở lại. Chính vì điều này, mà trẻ con Trung Hoa khi xưa nay được cha mẹ mình cho ăn kẹo hồ lô để chữa bệnh suy nhược cơ thể, may mắn là bọn trẻ cũng rất thích mòn quà vặt này. Đến tận ngày nay vẫn còn nhiều gia đình kinh doanh luôn kẹo hồ lô theo kiểu cha truyền con nối.
Kim Ngọc Mãn Đường
Món ăn đơn giản, thanh đạm chỉ được làm với nguồn nguyên liệu giản dị như bắp, bí đỏ, cà rốt, trứng gà, bún tàu và các loại đậu như đậu hà lan, đậu xanh trộn đều với dấm, dầu, muối, rau thơm, vậy mà Kim Ngọc Mãn Đường có thể xem như là món ăn tiêu biểu cho vùng văn hóa ẩm thực Lưỡng Quảng.
Nói rõ thêm một chút, Trung Hoa có đến 4 vùng văn hóa ẩm thực chính, ngoài Lưỡng Quảng còn có Tề Lỗ - Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hoài Dương. Trong 4 vùng này, Lưỡng Quảng là vùng văn hóa ẩm thực tập trung vào các món thanh đạm, tươi sống với nguyên liệu chủ yếu là hải sản, rau củ được ninh, hấp, chưng cách thủy... Nhưng trái với nguồn nguyên liệu dễ tìm kia, thì cái khó là các món ăn này đòi hỏi người nấu phải canh nhiệt độ lửa và thời gian cực kỳ tốt.
Cái tên Kim Ngọc Mãn Đường của món ăn Lưỡng Quảng này có ý nghĩa cầu chúc cuộc sống luôn no đủ.
Bánh quế hoa rễ sen
Ở một vài phân cảnh trong bộ phim Chân Hoàn Truyện nổi tiếng, bánh rễ hoa quế rễ sen đã được nhắc đến khiến không ít người phải tò mò. Ngoài ra, trong nhiều bộ phim khác, món bánh này cũng là thứ quà vặt được nhiều phi tần mỹ nữ trong cung ưa thích khi mùa hoa quế nở rộ. Và dựa theo màu sắc của hoa quế theo từng thời gian nở, bánh quế hoa chia ra thành 4 loại: quế tứ quý (vàng nhạt), đan quế (đỏ cam), kim quế (vàng tươi) và ngân quế (vàng nhạt).
Một số chi tiết trong phim có liên quan đến loại bánh quế hoa này có đề cập, khi hoàng đế hay hoàng thất vi hành đến vùng Giang Nam đều không thể không nếm thử loại bánh ngọt này. Thật vậy, bánh quế hoa rễ sen chính là món quà vặt đặc trưng của Giang Nam. Trong khi đó, bột rễ sen và đường của hoa quế cũng đặc sản nổi tiếng của Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Phật Nhảy Tường
Món ăn có tên khá kỳ lạ này lại được nhắc đến rất nhiều lần trong không ít các bộ phim cổ trang, nhưng giải thích theo kiểu đơn giản thì đây là món ăn quý, ngon đến mức các nhà sư cũng phải tìm cách nếm thử. Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh tên gọi của món ăn này, vì nhiều người cho rằng nó quá là dung tục và báng bổ.
Trái lại, cũng có một số sử liệu về ẩm thực đời nhà Thanh tại Trung Hoa lại nói rằng, món ăn này có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Châu với tên gọi gốc là Phúc Thọ Toàn, nhưng trong tiếng Phúc Châu, cái tên này lại đồng âm với "Phật Nhảy Tường", thế là từ đó nhiều người thay vì gọi món này là "Phúc Thọ Toàn" thì lại gọi là "Phật Nhảy Tường" để gợi sự tò mò.
Phật Nhảy Tường được 18 loại nguyên liệu chính, 12 loại thuốc bổ với nhiều sơn hào, hải vị như vi cá, hải sâm, gà, gân thú, sò hến khô, nấm hương, bào ngư... chế biến thành, quy trình chế biến cũng rất kỹ lưỡng. Món này có giá trị dinh dưỡng cao nên rất được Hoàng thất Thanh triều yêu thích. Ngày nay. món này vẫn còn được bán tại một số nhà hàng cao cấp, tất nhiên cái giá của nó cũng không hề rẻ.
"Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ"
Đây là món ăn có phần hơi quái lạ với những ai biết đến, nó đã xuất hiện trong bộ phim Thần Điêu Đại Hiệp kinh điển và được chính Hoàng Dung làm cho Hồng Thất Công ăn. Theo tìm hiểu, món ăn có tên dài ngoằng mỹ miều này thực chất chỉ là thịt nguội nguyên tảng, bên trong khoét những lỗ tròn để bỏ những viên tàu hũ non hình cầu vào rồi đậy thêm một lớp thịt nguội nguyên tảng bên trên. Sau đó cứ thế mang đi chưng cách thủy liên tục trong suốt 2 ngày.
Khi hoàn thành, phần tàu hũ non được đánh giá là ngon hết chỗ chê vì thấm đậm vị thịt nguội thuần túy mà không cần ướp gia vị, chưa kể từng viên tàu hũ lại mềm, mịn và mướt vô cùng, hương thơm cùng ngào ngạt nên hoàn toàn xứng đáng với tên gọi mỹ miều "kiếm hiệp" bên trên.
Huyết yến
Gần đây, trong bộ phim Diên Hy Công Lược đang nổi đình nổi đám có một phân cảnh đề cập tới việc sau khi Thư Quý Nhân (Nạp Lan Thuần Tuyết) bị cung nữ Minh Ngọc từ chối cho vào Trường Xuân Cung để thăm Phú Sát Hoàng hậu, cô ta liền đem huyết yến tới để lấy lòng Cao Quý Phi. Tuy nhiên, Cao Quý Phi lại chẳng thuận mắt nên liền hất cả khay huyết yến quý hiếm xuống đất, khiến không ít khán giả tiếc đứt ruột đứt gan. Trước đó, cũng có không ít bộ phim khác đã mô tả lại việc các cung tần mỹ nữ thời xưa rất chuộng loại yến này để bồi bổ phụng thể.
Về nguồn gốc của loại tổ yến có màu sắc kỳ lạ này, dân gian cũng truyền miệng không ít câu chuyện để thần thánh hóa nó lên, cho xứng tầm với hai từ "quý hiếm". Nổi tiếng nhất là chuyện chim yến thay vì dùng nước bọt để xây tổ thông thường thì với huyết yến, chim yến đã tạo nên bằng cách hòa máu của mình vào, hoặc vì vất vả kiếm ăn, nhiều chú chim yến đã thổ huyết trong quá trình làm tổ, huyết yến từ đó ra đời.
Thực chất, qua nhiều cuộc nghiên cứu, người ta đã vén được tấm màn bí ẩn về loại yến này. Ban đầu tổ yến được tao ra có màu trắng bình thường, nhưng với sự kết hợp chính xác giữa các yếu tố khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, các khoáng chất tự nhiên đã tạo nên một môi trường vật chất đặc biệt thúc đẩy quá trình lên men hữu cơ xảy ra, trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng đã tạo nên những tổ yến với màu sắc khác nhau, trong đó có huyết yến.
"Bát tiên quá hải náo la hán"
Vốn xuất hiện từ trong bộ phim Đao Kiến Tiếu, một phim võ thuật cổ trang từ 10 năm trước, "Bát tiên quá hải náo la hán" đã làm cho không ít người phải tò mò. Thực tế, đây là một món ăn có thật và vô cùng nổi tiếng của dân tộc Hán với 8 loại nguyên liệu quý hiếm như vi cá, hải sâm, bào ngư, bong bóng cá... tạo thành tên gọi "bát tiên". Các món nguyên liệu được sắp vào một cái khay với 8 ngăn nhỏ, ngăn ở giữa bỏ vào thịt gà băm nhỏ xếp thành khoen đồng tiền la hán. Tất cả món ăn đều đã được nêm gia vị trước đó và đem hấp chín. Sau đó thêm vào rau cải, gừng thái lát và rưới lên nước dùng gà đã luộc trước đó là có thể ăn.
Liên hệ một chút tới truyền thuyết về Bát tiên, ngoài truyện "bát tiên quá hải", còn có "bát tiên khánh thọ". Bát tiên vốn là thần tiên trừng trị điều ác, khen ngợi điều thiện, giúp đỡ người khó khăn. "Già có Trương, trẻ có Lam, Hàn, chỉ huy có Chung Ly, thư sinh có Lã, phú quý có Tào, quyền lực có Lý, phụ nữ có Hà". Bát tiên phần nào phản ánh các độ tuổi của con người trong xã hội, nam nữ già trẻ, phú quý bần cùng, văn sĩ tướng võ, khỏe mạnh thương tàn, đáp ứng hết nhu cầu tôn bái các giai tầng trong xã hội Trung Hoa xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét