Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Đánh dấu 10 nơi phải đến ở Melaka - Malaysia

Melaka nằm trên tuyến đường biển giao thương giữa nhiều nước nên văn hóa và kiến trúc rất đa dạng, mang đến nhiều trải nghiệm lạ cho du khách.
Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) khoảng 160 km về hướng Nam, Melaka (Malacca) là điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia trong những năm gần dây. Là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan nên Melaka sở hữu một nền kiến trúc và văn hóa đa dạng, mang lại những trải nghiệm ấn tượng về vùng đất này.
1. Pháo đài A Famosa
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia
Pháo đài Bồ Đào Nha này là một trong những công trình kiến trúc châu Âu lâu đời nhất còn sót lại tại châu Á. A Famosa hay Porta de Santiago được xây dựng vào đầu những năm 1500 trên một đỉnh đồi ven biển nhằm mục đích bảo vệ Melaka sau khi bị vương quốc Hồi giáo hay có thể là từ một quốc gia châu Âu khác chinh phục.
Không lâu sau khi trở thành thuộc địa của Hà Lan, pháo đài đã được bàn giao cho người Anh để ngăn cho Melaka không rơi vào tay Napoleon. Sợ rằng Melaka sẽ bị chiếm đóng, người Anh đã phá hủy pháo đài. Nhờ vào sự thuyết phục của Sir Raffles - người sáng lập Singapore, một cổng của pháo đài đã được giữ lại cho tới ngày nay.
2. Nhà thờ Hồi giáo Masjid Selat
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-1
Masjid Selat được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 với lối kiến trúc kết hợp giữa Trung Đông và Malaysia. Nằm trên một hòn đảo nhân tạo tại Malaka, nhà thờ được thiết kế có thể nổi khi mực nước dâng lên cao.
Phía bên ngoài nhà thờ được sơn trắng với điểm nhấn là nhiều đường viền màu sắc rực rỡ. Lớp kính của cổng tò vò có màu vàng và xanh là điểm đặc trưng của các nhà thờ Hồi giáo. Vào ban đêm, với một loạt các ánh đèn lung linh, Masjid Selat trở thành một trong những thắng cảnh đẹp nhất nơi đây.
3. Bảo tàng cung điện vương quốc Malaka
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-2
Là bản sao của cung điện dưới triều vua Mansur Shah (1456 - 1477), công trình này được xây dựng lại vào năm 1984 nhằm mục đích bảo tồn lịch sử của vùng. Cung điện có rất nhiều bức tranh mô tả cuộc sống thời bấy giờ như hình ảnh những quan lại, thương nhân… chờ bên ngoài sảnh chính để cống nạp và gửi tấu sớ tới nhà vua. Mặt trước của cung điện được xây dựng với hơn 1300 chi tiết là điểm nhấn của tòa kiến trúc này.
4. Tòa thị chính
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-3
Tòa thị chính cũng như hầu hết các kiến trúc cổ khác ở Melaka được sơn màu đỏ. Trước đây, tòa nhà này từng là văn phòng của Thống đốc và Phó thống đốc Hà Lan, sau đó được dùng làm trường học để dạy tiếng Anh miễn phí dưới thời đô hộ của Anh. Ngày nay, nơi đây là bảo tàng Lịch sử và Dân tộc học, nơi lưu giữ những trang phục truyền thống và đồ tạo tác qua nhiều thời kỳ lịch sử của Melaka.
5. Tháp xoay Taming Sari
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-4
Tháp xoay Taming Sari là một lựa chọn tuyệt vời để ngắm toàn cảnh Melaka. Mỗi lượt tham quan kéo dài bảy phút và tháp có thể phục vụ 80 người cùng một lúc. Ngoài ra, dưới chân tháp là một số các hoạt động khác mà du khách cũng có thể thử như cưỡi ngựa và thuê xe hơi điện để dạo quanh thành phố. Những tour trọn gói cũng bao gồm vé tham quan tháp kết hợp với một số địa điểm thú vị khác ở Melaka.
6. Đền Cheng Hoon Teng
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-5
Được xây dựng từ năm 1646, Cheng Hoon Teng là ngôi đền đa tôn giáo lâu đời nhất ở Malaysia với Đạo giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Ngôi đền này nằm trên đường Harmony, là nơi tọa lạc của nhiều đền và nhà thờ Hồi giáo khác. Sảnh chính của đền thờ thần Kuan Yin, nữ thần của lòng nhân từ, sảnh phụ là nơi thờ các vị thần giàu có, sinh sôi và thịnh vượng.
7. Bảo tàng Baba và Nyonya
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-6
Bảo tàng được thành lập bởi ông Chan Kim Lay - triệu phú đời thứ tư của gia tộc từng sinh sống tại ngôi nhà này. Bảo tàng là nơi tái hiện văn hóa Trung Hoa và Malaysia, hay còn gọi là Baba Nyonya với một số lượng lớn các đồ thủ công được làm từ gỗ, gốm, sứ. Bảo tàng trưng bày nhiều tấm thảm lớn có khung trạm khắc cầu kỳ mô tả nền văn hóa Trung Hoa và Tây phương xen lẫn nền văn hóa bản địa.
8. Nhà thờ St. Paul
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-7
Nhà thờ St Paul được xây dựng trên đỉnh đồi cùng tên bởi một thuyền trưởng người Bồ Đào Nha vào năm 1521 nhằm tưởng nhớ St. Francis Xavier, nhà truyền giáo đầu tiên tại Malaysia. Trong chuyến đi năm 1552, ông mắc bệnh nặng và qua đời tại Trung Quốc. Thi hài của Xavier được an táng tạm thời tại nhà thờ này trước khi chuyển tới Goa. Du khách có thể tham quan ngôi mộ cũ của ông bên trong nhà thờ bên cạnh một bức tượng đá cẩm thạch mô tả cảnh St. Francis Xavier đang quan sát thành phố.
9. Phố Jonker
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-8
Jonker là khu phố tàu của Melaka. Lúc đầu, nơi này dành cho đầy tớ của các quý tộc người Hà Lan. Tuy nhiên, sau đó, nó trở thành nơi ở của chính các quý tộc. Khi người Trung Quốc chuyển đến đây, họ trang trí lại khu phố với những mái vòm đặc trưng. Vào mỗi tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật khu phố này cấm xe cộ qua lại và do đó, nơi đây trở thành khu chợ đêm cho khách du lịch thỏa sức mua sắm.
10. Nhà thờ Christ
danh-dau-10-noi-phai-den-o-melaka-malaysia-9
Nhà thờ Christ được xây dựng vào thế kỷ 18 sau khi Hà Lan chiếm Melaka từ người Bồ Đào Nha, là một trong những biểu tượng của thời kỳ này. Ban đầu, nhà thờ có màu trắng nhưng đến năm 1900, nó được sơn lại màu đỏ như hầu hết các công trình khác. Một số bia đá bên trong nhà thờ được khắc với nhiều thứ tiếng như tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ắc-mô-ni. Ngày nay, những bia đá này cung cấp một cái nhìn thú vị về thời kỳ thuộc địa trước đây.
Xuân Lộc (theo Touropia)

Ở Melaka cần chi vội vã


TTO - Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây trong quán Baboon House, chăm chú đọc cuốn sách mang theo, trong lúc nghe hương cà phê dịu dàng quyện với vị ngọt đượm của kem dừa. Sách hay, cà phê ngon, vậy là đủ cho một buổi chiều nắng đẹp ở Melaka (Malaysia). 

Ở phía đối diện, luồng sáng từ khoảng giếng trời rọi thẳng xuống bức tường vẽ hình thù kỳ quái phủ đầy dây leo xanh mướt. Trong quán chỉ có vài người khách đang trò chuyện rất khẽ, dường như sự ồn ào trở nên quá thừa thãi ở đây.
Tôi cũng chăm chú đọc cuốn sách mang theo, trong lúc nghe hương cà phê dịu dàng quyện với vị ngọt đượm của kem dừa.
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 1.
Melaka thanh bình, cổ kính và giàu bản sắc văn hóa
Hành trình kỳ thú giữa những ngõ phố
Chiếc xe bus thả tôi xuống Melaka trong một buổi chiều vàng nắng sau hai tiếng rưỡi di chuyển từ thủ đô Kuala Lumpur. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã biết mình phải lòng nơi này rồi và sẽ lưu luyến lắm đây khi phải rời đi.
Mặc dù khu di sản của Melaka không quá rộng lớn nhưng việc dạo bước trên những con phố ở đây là cả một cuộc hành trình đầy kỳ thú. 
Những ngày ở Melaka, tôi thấy mình giống như một đứa trẻ cầm trên tay tấm bản đồ bí ẩn, tò mò lần theo các chỉ dẫn và rồi reo lên đầy thích thú với những điều ngạc nhiên thú vị mà thành phố này dành cho mình.
Hãy bắt đầu cuộc hành trình từ Jonker Walk, con phố được xem là linh hồn của Melaka. Hẳn bạn sẽ tự hỏi rằng mình có thực sự đang ở trên đất Mã Lai hay không? Bởi những mái ngói, khung cửa hay cột nhà kia đều gợi lên những nét rất "Trung Hoa". 
Đừng ngạc nhiên chứ, cùng với sự phát triển của giao thương đường biển, một bộ phận người Hoa đã di cư đến Melaka vào thế kỷ 14. 
Họ sinh sống, lập nghiệp và kết hôn với người bản địa, để lại di sản là phong cách văn hóa Baba-Nyonya (còn gọi là Peranakan), mang những nét đặc trưng của cả Trung Hoa và Mã Lai.
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 2.
Bảo tàng Baba-Nyonya
Ở Jonker Walk, người ta vẫn sống giữa những giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm nay. Trong cửa hàng nhỏ mang tên Wah Aik nằm chếch phía bên kia đường so với đền Cheng Hoon Teng, hai anh em Raymond và Toni Yeo vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu mà ông nội để lại. 
Họ là thế hệ thứ ba trong một gia đình gìn giữ nghề thêu những chiếc hài Peranakan truyền thống. Ngày nay, không còn phụ nữ nào phải chịu đau đớn do hủ tục bó chân nữa nhưng những chiếc hài vẫn được bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm. 
Ở một góc phố khác, người chủ nhà tươi cười đứng sẵn ở cửa, mời tôi ghé thăm bảo tàng Baba-Nyonya. Được thành lập năm 1985 bởi ông Chan Kim Lay - thế hệ thứ tư sống trong ngôi nhà, bảo tàng tái hiện sống động nền văn hóa với những cổ vật được bày trí ngay trong các không gian sống như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn...
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 3.
Một ngôi đền Trung Hoa ở Jonker Walk
Phía bên kia sông lại là một Melaka hoàn toàn khác. Nếu như chỉ mới vài phút trước, bạn còn ngỡ như đang ở một cổ trấn Trung Quốc thì giờ đây, bạn lại thấy mình đứng giữa quảng trường Hà Lan với những công trình mang âm hưởng châu Âu.
Thời kỳ thuộc địa của Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha đã để lại dấu ấn sâu đậm trên những đường nét kiến trúc kiêu hãnh mà bạn thấy ngày hôm nay. 
Bạn có thể đi từ tòa nhà Stadthuys và nhà thờ Christ đỏ rực nằm ngay trung tâm quảng trường đến pháo đài Porta de Santiago hay leo lên đỉnh đồi chiêm ngưỡng nhà thờ không nóc và bức tượng thánh Paul trắng muốt.
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 4.
Nhà thờ Christ đỏ rực nằm ở trung tâm quảng trường Hà Lan
Melaka còn là thành phố "không vội được đâu" nên hãy cứ thảnh thơi tận hưởng những giây phút "sống chậm". Ở Melaka, bạn sẽ nhận được nụ cười ý nhị của cô chủ quán cơm gà lúc tám giờ tối: "Rất xin lỗi bạn, nhà hàng đã đóng cửa. Bạn hãy quay lại vào lúc chín giờ sáng mai nhé!". 
Ở Melaka, bạn sẽ không phải lắc đầu ngán ngẩm trước những buổi tiệc tùng huyên náo inh ỏi tiếng nhạc và nhung nhúc khách du lịch vui vẻ quá đà. 
Ở Melaka, chẳng cần phải vội vã, cứ thư thả tận hưởng một buổi sáng rực nắng trên đồi hay nhâm nhi một tách cà phê ngon hay đi dạo dọc bờ sông lộng gió.
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 5.
Bên cạnh nét cổ kính, Melaka cũng có những sắc màu hiện đại như thế này
Bạn có dám mơ ước không?
Tôi tình cờ gặp Anna và Willem khi đang dạo chơi ở Jonker Walk. Ai hờ hững vô tâm sẽ chẳng để ý đến gian hàng nhỏ bé của họ, nằm lọt thỏm giữa vô số những gian hàng khác trên con phố này. Nhưng nếu dừng chân đứng lại, bạn sẽ được nghe kể về hành trình đi xuyên châu Á trong một năm của họ.
 Ngắm nhìn đồi chè xanh mướt lướt qua khung cửa sổ trên chuyến tàu hỏa từ Kandy đến Ella (Sri Lanka), sống cùng người bản địa ở bang Chin và Kachin (Myanmar), lái xe máy băng qua những thảo nguyên bát ngát và cả những hoang mạc tít tắp ở Mông Cổ... là những trải nghiệm tuyệt vời mà Anna sẽ kể cho bạn. 
Hành trình của họ còn là nhiều đêm tá túc ở góc nhà của người mới quen, những lần đi nhờ xe hay làm đủ mọi công việc để có thể tiếp tục chuyến đi. Giờ đây họ dừng chân ở Melaka, bán các món đồ tự làm để kiếm tiền quay trở lại Iran, đất nước mà họ đặc biệt yêu mến.
Tôi mua một tấm bưu thiếp, chúc họ sớm thực hiện được ước mơ và hẹn hai người nếu có dịp hãy ghé thăm Việt Nam. Là dân đi bụi, tôi cũng chẳng giàu có hơn họ là bao nhưng tôi thấy vui vì số tiền ít ỏi của mình phần nào giúp họ tiếp tục hành trình.
 Hơn nữa, tôi đi không chỉ để đi mà còn để nhìn ngắm thế giới lớn rộng này nơi mỗi con người trong đó là một mảnh ghép, một câu chuyện, một sắc màu khác nhau.
Ở Melaka cần chi vội vã - Ảnh 6.
Tác giả cùng với Anna và Willem
Như cái cách mà Willem đã truyền cảm hứng cho tôi và biết bao người khác: "Ước mơ của bạn không nhất thiết phải là du lịch. Đó có thể là bất cứ thứ gì: mở trang trại trồng hồ trăn, kinh doanh nhà trọ, ngắm nhìn cánh đồng hoa hướng dương, đưa bà của bạn tới bãi biển, xây ngôi nhà của riêng bạn, trở thành nhạc sĩ, chuyển đến sống ở một thành phố khác, học nhảy salsa... Bất cứ thứ gì!
Đừng để cuộc sống của bạn bị dẫn dắt bởi nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của người khác. Đừng để bản thân phải hối tiếc: "Ước gì mình đã làm điều đó khi còn trẻ" .
Vậy bạn có dám mơ ước không?
• Thời gian lý tưởng để du lịch Melaka là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, các bạn cũng nên cân nhắc vì khoảng thời gian từ cuối tháng 12 đến tháng 1 trùng với nhiều kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Lúc này, lượng khách du lịch tăng cao và chi phí dịch vụ cũng đắt đỏ hơn những thời điểm khác.
• Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Melaka nên trước hết, bạn phải đáp chuyến bay tới thủ đô Kuala Lumpur. Từ Kuala Lumpur, xe bus là phương tiện thuận lợi nhất để đến Melaka. Thời gian di chuyển khoảng hai tiếng rưỡi.
• Ở Melaka, các bạn hãy đi bộ hoặc đi xe đạp để cảm nhận trọn vẹn nhịp sống thanh bình cũng như nét văn hóa, lịch sử độc đáo trong từng ngôi nhà, ngõ phố nơi đây. Ngoài ra, dạo phố trên những chiếc xe trishaw ba bánh cũng là trải nghiệm nên thử nhưng các bạn nhớ mặc cả nhé.

Bài và ảnh: MINH PHẠM

Khám phá Melaka - thành phố “mẹ la cà”

27/05/2015 15:41 GMT+7
Một bức tranh tường ấn tượng

TTO - Con trai tôi gọi Melaka (Malaysia) là thành phố “mẹ la cà”. Một phần vì sự đồng điệu trong cách phát âm, nhưng lý do chính đáng hơn bởi ở đó chúng tôi đã không ngừng nghỉ lang thang từ bình minh đến tận khi tắt nắng.

Một bức tranh tường ấn tượng
Một góc phố xưa với bức tranh tường ấn tượng mang đầy hơi thở cuộc sống hiện đại - Ảnh: Đức Hùng
Từ sân bay LCCT (Kuala Lumpur), chúng tôi dễ dàng mua vé xe khách tới Melaka (còn gọi là Malacca). Con trai tôi vô cùng phấn khởi khi nhận ra người đàn ông ngồi cùng xe buýt về phố cổ nói tiếng Việt dù có rất nhiều người Việt Nam sang Malaysia sống và làm việc. 
Sau khoảng hai giờ chạy xe là đến bến trung tâm. Từ đây, đón xe buýt số 17 là xe sẽ đi qua quảng trường đỏ Stadthuys, trái tim hồng của Melaka.
Nằm hai bên bờ con sông cùng tên đổ ra eo biển Malacca, Melaka là thành phố cổ nhất của Malaysia. Lịch sử thăng trầm đã mang đến cho nơi đây một bức tranh văn hóa đa dạng và sắc màu, kết hợp tinh hoa của nhiều dân tộc.
Trong quá khứ, Melaka từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và từng là một hải cảng thương mại sầm uất trên con đường hương liệu trong thế kỷ 15 với sự góp mặt của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và các quốc gia châu Âu khác.
Ngày nay, dấu ấn của lịch sử vẫn hiển hiện rõ nét ở trung tâm phố cổ, nơi dòng Malacca - “Venice của châu Á” lững lờ chảy trôi ra biển với bờ tây - “bức họa đa sắc” và bờ đông - “dấu ấn châu Âu”.
Bức họa đa sắc 
Ở bên kia bờ tây sông Malacca khác hẳn với bờ đông của một châu Âu cổ kính là nơi cư ngụ của cộng đồng người Hoa tạo nên một bức họa đặc sắc với sự góp mặt hoàn hảo của văn hóa Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Baba Nyonya.
Thoạt nghe đã thấy phức tạp. Nhưng khi cất bước đi tìm hiểu, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng.
Jalan Hang Jebat (hay Jonker Street) là con phố nổi tiếng nhất trong rất nhiều con phố góp mặt vào bức họa bờ đông. Tất cả khách du lịch tới Melaka không ai không biết con phố này, đặc biệt vào những tối cuối tuần.
Ban ngày trên phố là các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đồ cổ, hàng hóa xưa cũ được trang trí và tô điểm bằng những họa tiết Trung Hoa điển hình như linh vật, bùa chú, đèn lồng. 
Lang thang trên phố vẫn cảm nhận một không khí trầm tĩnh, chậm rãi bao trùm lên các dãy nhà cổ cũ kỹ liền kề san sát, mặt tiền giáp với mặt đường.
Phố Hoa Kiều ở Malacca
Phố Hoa kiều ở Malacca - Ảnh: Thủy Trần
Một quán bar trên phố Jonker Street
Một quán bar trên phố Jonker Street - Ảnh: Thủy Trần
Vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, Jalan Hang Jebat biến thành một chợ đêm, nơi những người bán hàng rong tụ tập chật phố với trên trời dưới biển là hàng hóa, và một thiên đường ẩm thực mang đậm phong cách truyền thống, nhất là những món ăn độc đáo mang dấu ấn Baba Nyonya.
Đền Cheng Hong Teng là ngôi đền cổ nhất của người Hoa ở Malaysia và là công trình tiêu biểu cho kiến trúc đền đài phía nam Trung Quốc mang dấu ấn của các nghệ nhân và thợ thủ công bậc thầy đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông.
Dạo chơi Cheng Hong Teng vào buổi sớm mai khi mới có ít người đến đây cầu an trong mùi hương trầm phảng phất là một trải nghiệm đáng giá.
Ngôi đền được trang hoàng cầu kỳ và bề thế là không gian linh thiêng để bao thế hệ người Hoa gửi gắm đức tin trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm 400 năm.
Đền Cheng Hong Teng
Đền Cheng Hong Teng - Ảnh: Đức Hùng
Điều thú vị là ngôi đền Phật giáo này nằm cùng trên phố Jalan Tukang Emas cùng với hai ngôi đền khác của đạo Hồi và đạo Hindu. Trong đó nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling được xây dựng năm 1748 là ngôi đền Hồi giáo có tuổi đời lâu nhất ở Malaysia.
Nằm tại đoạn giao giữa phố Jalan Tukang và Jalan Lekiu với tháp đền cao vút màu trắng nổi bật, Kampung Kling là sự kết hợp của thiết kế đông tây với các loại vật liệu của cả châu Âu và châu Á, tạo ra một tổng thể thẩm mỹ phản ánh ảnh hưởng đa văn hóa trên đất Malacca.
Nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling
Nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling - Ảnh: Đức Hùng
Năm 1781 Ấn Độ giáo cũng đánh dấu sự có mặt của mình ở Malacca bằng một ngôi đền Hindu cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á - đền Sri Poyyatha Moorthi.
Đền được xây bởi Thavinayagar, lãnh đạo của người Chitty, thờ thần voi với phong cách kiến trúc đơn giản hóa, khác hẳn với sự phức hợp của những ngôi đền Hindu khác, luôn có nhiều tầng mái tháp với họa tiết trang trí cầu kỳ và đa dạng.
Tôi nhận ra sự khác biệt của ngôi đền bằng mùi hương liệu tỏa lan trên phố. Người Chitty thân thiện, hiếu khách, họ sẵn sàng mời khách lạ vào đền tham dự lễ cầu nguyện và chia sẻ lễ vật.
Nếu Jonker Street làm nhiều du khách bối rối hay thậm chí mệt mỏi bởi sự ồn ào, đông đúc thì việc ghé thăm ngôi đền Hindu này sẽ mang lại một cảm giác yên tĩnh tuyệt vời.
Ngôi đền Sri Poyyatha Vinayagar Moorthi.
Ngôi đền Sri Poyyatha Vinayagar Moorthi - Ảnh: Đức Hùng
Nằm ở phố Jalan Tun Tan Chen Lock với ba ngôi nhà liền kề có kiến trúc tương đồng cùng nhiều căn khác ở khu phố cổ Trung Hoa là Bảo tàng di sản Baba Nyonya.
Đây là cửa ngõ để khám phá các giá trị văn hóa và lối sống được kế thừa bởi cộng đồng và các gia đình người Baba Nyonya - hậu duệ của những người Trung Quốc đầu tiên di cư đến vùng đất quanh eo biển Malacca và kết hôn với người Malaysia bản xứ. 
Bảo tàng di sản Baba Nyonya
Bảo tàng di sản Baba Nyonya - Ảnh: Thủy Trần
Dòng Malacca - Venice của châu Á
Trải dọc theo dòng sông chia thành phố làm hai bờ đông tây này là những quán cà phê trữ tình và lãng mạn.
Cũng giống như nhiều du khách khác, tôi đã dạo bước theo hai lối mòn bên sông mà không hề cảm thấy mệt mỏi, cho đến khi nhận ra mình đã đi quá xa điểm xuất phát, tôi qua cầu và tiếp tục rảo bộ theo hướng ngược lại.
Dọc sông có những bến tàu, và nhiều người lười biếng trễ nải chọn cho mình cách khám phá “Venice của châu Á” bằng cách mua vé tàu thủy cho hành trình ngược xuôi trên sóng nước.
Sông Malacca chia thành phố làm hai nửa đông – tây
Sông Malacca chia thành phố làm hai nửa đông - tây - Ảnh: Thủy Trần
“Venice của châu Á”
“Venice của châu Á” - Ảnh: Thủy Trần
Khá nhàn nhã và thoải mái, con tàu chậm chạp đưa khách lướt qua những tòa nhà cũ, tham quan những bức tranh tường ấn tượng và quan sát cuộc sống của người bản địa.
Tàu thủy chạy trên sông cả ban ngày và ban đêm, nhưng tốt hơn cả bạn hãy lựa chọn thời điểm mặt trời xuống để cảm nhận sự bình yên và thơ mộng của dòng sông.


THỦY TRẦN






Không có nhận xét nào: