Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Ai có về bên bến sông Sadarghat

Ngày từ Kolkata, Ấn Độ xin thị thực Bangladesh, tôi nhận được khá nhiều cái lắc đầu, câu hỏi, thắc mắc của người thân, sơ biết chuyện. Có chút khó khăn, nhưng khi là người duy nhất bữa đó nhận visa cho phép lưu trú 28 ngày, trong khi các bạn Âu Mỹ nộp hồ sơ chung chỉ được phép 7 hoặc 14 ngày, tôi bắt đầu tò mò và quyết chí đi hết thời gian đó. Dù nói thiệt là ban đầu không định vậy.

“If you’re happy, I’m happy too”
Ngỡ ngàng vì những gì mục sở thị không như đồn đãi, tôi vui vì quyết định đó. Cũng nói thiệt, nếu chuyện không êm xuôi thì thiếu gì đường xa bay cao chạy, dù tốn kém tý đỉnh. Ban đầu, cũng vì nghe lời đàm tiếu trên mạng, tôi không dám đến thủ đô Dhaka trước tiên mà đi đường bộ qua biên giới để từ từ tính tiếp.
Vì không chỉ thời điểm tôi sang Bangladesh mà từ đó đến nay, miền thủ đô thủa xa lắc lơ từng được ví von là Venice phương Đông hiện là thành phố ô nhiễm nhất nhì địa cầu, liên tiếp nằm trong danh sách các thành phố chất lượng sống tệ nhất thế giới. Cuối cùng khi rị mọ tới Dhaka, thấy cũng đúng đúng những gì nghe đọc. Nhưng rất nhanh, tôi chạm ngõ những nét hay đẹp khác ẩn dưới cuộc sống ở miền đất còn khá nhiều khó khăn này. Ít nhất là theo cảm nhận riêng của cá nhân.
 ai co ve ben ben song sadarghat hinh anh 1
Hoàng hôn mang lại nét duyên chiều cho bến sông Sadarghat.
Ngay đêm đầu chân tê cứng bước xuống trạm buýt kế bên Gulistan Bazaar đông ken, khi hỏi thăm đường đến phố Nawabpur nhiều lữ điếm, một thanh niên đi cùng xe thay vì chỉ trỏ đã dắt tôi chen lấn qua chợ đi đến tận nơi rồi mới quầy quả quay đi.
Tiếp đó, khi lang thang trong con đường lờ mờ vàng vọt đèn đêm tìm kiếm, với những thông tin đã quá lạc hậu về các điểm nghỉ ngơi giờ không còn hoạt động, một cậu bé chừng hơn mười tuổi đang chơi đá cầu với bạn ngừng cuộc chơi, tự động hỏi rồi dẫn tôi đi tìm bằng được khách sạn nhỏ vừa ý. Quăng đồ đoàn xuống phố kiếm cái bỏ bụng, lại gặp nhóc. Khi nghe tôi trả lời về nơi ngơi nghỉ, câu nói của cậu làm kẻ lang bạt này nghẹn, và chắc sẽ không bao giờ có thể quên: “If you’re happy, I’m happy too!”.
 ai co ve ben ben song sadarghat hinh anh 2
Xe xích-lô đạp, nét đặc trưng của Dhaka còn nổi  danh với cái tên Rickshaw Capital of the World.
Nên sau buổi sáng bỡ ngỡ làm quen với thành phố hơn 17 triệu người đông, tôi lò dò đến những nơi được các chú các anh ở khách sạn nhiệt tình giới thiệu. Đầu tiên là cái bến Sadarghat nằm cuối đường Nawabpur tôi “tạm trú”. Ngay trong khu phố cổ Old Dhaka mà mấy ngày sau đó tôi la cà đến mức nhiều cô chú nhẵn mặt.
Bến sông đen lấp lánh muôn màu cuộc sống
Tôi chọn đến Sadarghat trước vì nhiều lẽ. Các bến sông thường luôn được ưu tiên trong các hành trình lang bạt, nơi có thể quan sát được cuộc sống thương hồ nhộn nhịp, ẩn chứa nhiều nét đặc trưng bản địa khó thấy mấy chốn phồn hoa khác. Thứ đến, thêm con sông Buriganga làm tăng sự lôi cuốn. Từ ngày còn chưa bước chân ra khỏi quê nhà, Hằng Hà xứ Ấn vẫn luôn là khao khát, cả những gì liên quan đến sông thiêng. Mà Buriganga, tiếng bản địa nghĩa là Hằng Hà Cũ, ngày trước từng là nhánh sông Hằng, nên đương nhiên tôi bị rù quến. Tiếp nữa, Sadarghat nằm trong khu vực bao quanh nhiều di tích xưa, phố thị cổ… càng hấp dẫn.
 ai co ve ben ben song sadarghat hinh anh 3
Bến đò không hề chao chát, lôi kéo, ai quen, ai thích đò nào thì cứ đi.
Nên dù biết bây giờ Buriganga lừng danh sông đen thì tôi có lạ gì đâu khi cũng chưa xa mấy ngày những con kênh Sài phố cũng vậy. Sadarghat bị mang tiếng chát chao thì cẩn thận tý, bao bọc kỹ, tránh xa đám đông thì hề hấn chi... Nhưng tới nơi thấy lo lắng hơi thừa. Buriganga đen, bốc mùi thiệt, nhưng không thấy chuyện lôi kéo lừa lọc đi đò du lịch, mua đồ lưu niệm hay trộm cắp móc túi… mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của người bản xứ. Nhất là mấy chú nhóc lam lũ quần quật mang, vác, khiêng… cũng luôn sẵn sàng cười tươi cho những pô hình. Dòng Buriganga sẫm màu bỗng chuyển sắc lạ trong hoàng hôn loáng nắng cũng khá hay. Nhất là được nhấn nhá bởi những chuyến đò, phà, tàu thuyền ngược xuôi ngang dọc như mắc cửi.
 ai co ve ben ben song sadarghat hinh anh 4
Tòa lâu đài Ahsan Manzil rực rỡ, chỉ cách bến sông Sadarghat vài bước chân.
Điểm cộng cho Sadarghat là những con phố hẹp nhiều nét xưa cũ. Chen cứng người khuân, vác, cõng, đội, cùng xe ngựa, xe kéo, xe đẩy, xích lô… Ngồn ngộn từ thực phẩm, cây trái, rau củ đến vải vóc, vật liệu xây dựng… Sẽ là thiên đường cho những nhà nhiếp ảnh muốn chụp hình street-life. Tặng thêm là các di tích ngày Dhaka còn là Venice phương đông. Những toà lâu đài hồng, những nhà thờ Hồi giáo trắng toát lấp lánh những vì sao, mấy pháo đài xưa hoành tráng nhưng không hề thiếu nét chi tiết, tinh xảo đẹp… càng thêm cuốn hút.
Từ sau buổi đó, tôi vẫn thường tạt ngang Sadarghat mỗi khi quay lại Dhaka. Cả hôm leo lên chim sắt tiếp tục hành trình lang bạt khác cũng có ghé. Xa đã lâu rồi vẫn còn nhớ rất nhiều. Nên nếu có ai về bên bến sông đen, cho tôi gửi ké chút tình về miền thương cũ với nhé!
Theo Thái Hoãn (Thế giới tiếp thị)

Không có nhận xét nào: