Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani

Đường đến thung lũng Ziro

11/05/2017 09:42 GMT+7
TTO - Lần theo những thông tin ít ỏi trên một số tạp chí quốc tế, phóng viên Tuổi Trẻ đã đặt chân đến vùng đất Ziro huyền bí và tận mắt chứng kiến những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong cổ tích...
Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani: Đường đến thung lũng Ziro
Chân dung phụ nữ bộ tộc Apatani - Ảnh: Đăng Nam
Sau bốn chặng bay vật vã cả quốc tế lẫn nội địa, chúng tôi hồ hởi tiến về thung lũng Ziro (bang Arunachal, Ấn Độ) nằm sâu dưới chân núi Himalaya.
Nhưng tất cả đã bị chặn đứng ngay tại sân bay Guwahati (bang Assam) bởi Ziro thuộc khu vực “nhạy cảm”. Muốn vào Ziro, khách du lịch phải được chính quyền sở tại chấp thuận bằng một tờ giấy thông hành.
Chật vật xin giấy thông hành
Sau hơn một giờ bay nội địa từ sân bay Kolkata (bang Tây Bengal, phía đông Ấn Độ), chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ từ từ hạ cánh xuống sân bay Guwahati (bang Assam).
Qua ô cửa máy bay, thành phố Guwahati hiện ra với lúp xúp những bụi cây không cao quá đầu người. Bụi đỏ cuộn theo sau những đoàn xe bán tải xuất phát từ sân bay hướng về thành phố tạo thành một vệt dài tít tắp.
Cảng hàng không Guwahati tiếp đón du khách bằng một chiếc xe buýt dài khá cũ kỹ, phía bên ngoài từng đoàn xe tuk tuk đủ màu sắc xếp thành hàng dài chờ đến phiên đón khách. Nhưng tất cả những hình ảnh đó nhanh chóng bị lu mờ đi khi trước mặt chúng tôi là một nhóm cảnh sát với đủ các loại súng ống.
Không tham gia việc kiểm soát hành khách, phần lớn số cảnh sát này đứng quan sát với ánh mắt chăm chú, nhất là với những người “lạ”, khiến không khí bên trong sân bay trở nên căng thẳng.
Sau nhiều lần dò hỏi đường đến Ziro từ những hành khách đi cùng chuyến bay nhưng đều nhận được cái “lắc đầu”, chúng tôi quyết định tìm gặp nhóm cảnh sát đang đứng ngay cửa kiểm soát vé.
“Ông vui lòng chỉ giúp tôi điểm bán vé tàu lửa đến Ziro?”, nghe vậy, Sonelal Kumar - một viên cảnh sát - nghiêm mặt: “Các ông muốn đến đó phải có giấy thông hành”. Nói rồi, Kumar chỉ tay về góc hành lang sân bay, nơi có dòng chữ “Arunachal tourism”.
Sau khi nghe trình bày, nữ nhân viên văn phòng lữ hành này bảo: Đây là vùng biên giới rất nhạy cảm nên cảnh sát lập rất nhiều chốt chặn không cho người “lạ” xâm nhập vào Ziro.
Không có giấy thông hành sẽ không vào được. Còn đi chui nếu phát hiện sẽ bị phạt rất nặng trước khi bị trục xuất. Muốn có giấy thông hành phải về Guwahati.
Sau hai ngày “bó chân” quanh quẩn Guwahati chỉ để làm một việc: đi tìm địa chỉ văn phòng cấp giấy thông hành, nhưng tất cả đều mờ mịt vì chẳng ai biết cái trụ sở đó ở đâu. Cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm thấy địa chỉ cần đến.
Đó là một văn phòng lụp xụp nằm tít sâu trong một con hẻm, cách Guwahati hơn 10km về phía nam. Sau hơn một giờ đồng hồ ngồi kê khai đủ những thông tin cá nhân liên quan, viên công chức chịu trách nhiệm cấp giấy vẫy tay ra hiệu mỗi người phải nộp 3.500 rupee (khoảng 1,1 triệu đồng VN). Lấy tiền bỏ túi xong, viên công chức vẫy tay hẹn cả nhóm đúng 18h chiều cùng ngày quay lại.
Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani: Đường đến thung lũng Ziro
Cảnh sát địa phương kiểm tra hộ chiếu của du khách muốn vào Ziro - Ảnh: Đ.Nam
Vùng đất “nhạy cảm”
Cầm trong tay giấy thông hành với chi chít những con dấu, chúng tôi bắt đầu ngược lên thị trấn Intalagal thuộc bang Arunachal bằng chuyến tàu hỏa đêm trước khi đến Ziro.
Đã gần nửa đêm, nhưng ga tàu hỏa tại Guwahati vẫn ken cứng người, phần lớn là dân Ấn Độ từ các vùng quê đổ về thành phố kiếm việc làm.
Sau hơn tám giờ đồng hồ di chuyển xuyên đêm, thị trấn Intalagal hiện ra trong làn sương trắng lẫn khuất trong núi đồi lô nhô. Từ Intalagal, cả nhóm phải di chuyển thêm 15km bằng xe buýt đông nghẹt người mới đến được trung tâm thị trấn Nahalagal. Từ đó đi ôtô để tiếp tục đến Ziro.
Tại bến xe Nahalagal, đón chúng tôi là một tài xế khá đẹp trai và vui tính có tên Nuru Arka. Sau khi trò chuyện theo kiểu dò hỏi “Không phải đến từ China chứ?”, “Đã được cấp giấy thông hành chưa?”, Nuru Arka vui vẻ trèo lên nóc xe cột lại hành lý cẩn thận trước khi cho xe xuất bến.
Xe di chuyển chưa được 30km thì gặp ngay chốt chặn đầu tiên. Nuru Arka cho xe dừng lại ngay trước barie, xuất trình giấy tờ. Thấy trong xe có người “lạ”, lập tức nhóm cảnh sát tiến lại đưa tay ra hiệu, yêu cầu cho xem passport và giấy thông hành.
Nuru Arka quay lại nhìn cười bảo: “Còn rất nhiều chốt chặn khác nữa. Càng gần Ziro càng nhiều”.
Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani: Đường đến thung lũng Ziro
Hai phóng viên Tuổi Trẻ chụp ảnh lưu niệm với một nhóm binh sĩ làm nhiệm vụ tại Ziro - Ảnh: Mai Hương
Sau một hồi xem xét kỹ lưỡng, hai viên cảnh sát trả lại giấy tờ rồi vẫy tay ra hiệu lên đường. Cung đường từ thị trấn Nahalagal đến Ziro cứ quanh co theo những triền núi từ thấp lên cao. Đã là cuối tháng 4 nhưng hai bên đường hoa vẫn nở bạt ngàn trắng xóa như thể mùa xuân vẫn còn đâu đó trên thung lũng hoang vu này.
Và dù đã chuẩn bị kỹ tâm lý khi có thông tin một chiếc xe buýt vừa lao xuống hẻm núi sâu thuộc khu vực Himalaya, miền bắc Ấn Độ khiến 44 người thiệt mạng, chúng tôi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh mỗi khi Nuru Arka đánh vô lăng hết mức.
Lâu lâu gặp phải xe chạy ngược chiều, Nuru Arka lại đạp phanh tạo ra tiếng động lớn giữa bánh xe và lòng đường khiến cả nhóm nhìn nhau rùng mình.
Càng tiến sâu về Ziro, chốt chặn càng dày đặc hơn. “China, China?”- nhóm binh sĩ đứng sát lề đường thò mặt vào cabin hỏi tài xế trước khi mở cửa xe xét hỏi từng người một. Những ánh mắt của nhóm binh sĩ chỉ bớt đi vẻ hồ nghi khi xem xong giấy tờ.
Tất cả họ rời đi và chiếc xe lại tiếp tục hành trình. Nuru Arka bảo: “Vì là vùng biên giới nhạy cảm nên rất ít người Trung Quốc được cấp phép vào khu vực này. Thời gian gần đây không hiểu sao rất đông binh sĩ được tăng cường đến đây”.
Bốn giờ đồng hồ để vượt qua cung đường 150km với rất nhiều chốt chặt như nêm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Ziro khi chiếc ôtô lao vun vút xuống một con dốc dựng đứng.
Làng mạc hiện ra với những cánh đồng lúa đang vào mùa làm đất nối dài từ thung lũng này qua những chân đồi khác. Dù đã quá trưa nhưng không khí nơi đây vẫn se se lạnh, mây phủ ngang lưng đồi, ẩn hiện phía dưới là những mái nhà rất đỗi bình yên...
Thung lũng Ziro hiện là nơi an cư của hàng nghìn gia đình người Apatani. Đây chính là bộ tộc có rất nhiều phụ nữ đẹp từng làm mê mẩn nhiều tù trưởng và là khởi nguồn của những cuộc chiến tranh giành phụ nữ từ hàng trăm năm về trước.

Chiến tranh vì phụ nữ


TTO - Chính sắc đẹp của người phụ nữ Apatani xưa kia là “ngòi nổ” những cuộc chiến giữa các bộ lạc dưới chân núi Himalaya.
Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani (2): Chiến tranh vì phụ nữ
Chân dung một suman (phù thủy) ở thung lũng Ziro - Ảnh: Mai Hương
Chúng tôi không thích chiến tranh với bất kỳ bộ tộc nào khác. Người Apatani chỉ muốn sống hòa bình. Bởi vậy để không mất thêm phụ nữ và tránh xảy ra những cuộc đụng độ đẫm máu nên buộc lòng người Apatani chúng tôi phải bỏ làng ra đi
Phù thủy Bullo Boga
Cuối cùng bộ lạc Apatani buộc phải ra đi rời bỏ Tây Tạng để giữ gìn những cô gái đẹp ít ỏi còn sót lại. Cả bảy ngôi làng ở thung lũng Ziro đều mang trong mình câu chuyện ly kỳ về cuộc thiên di định mệnh ấy.
Những kẻ săn sắc đẹp
Ngồi lặng lẽ trong căn nhà của mình ở làng Hong, bà Bullo Yangssing tiếp chúng tôi bằng một nụ cười chân thành nhưng không giấu nổi vẻ rạng rỡ khiến chiếc mũi của bà rộng thêm ra, xấu xí một cách đến kỳ lạ.
Nhưng với bà Yangssing hay bất kỳ một phụ nữ Apatani nào cùng trang lứa thì đó lại là... niềm tự hào, hãnh diện.
Lấy tay che ngang mặt, bà Yangssing bắt đầu chậm rãi kể về hồi ức của bộ tộc mình mà theo bà là “được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ và chẳng sử sách nào ghi chép lại”. Với bà, cụm từ “săn lùng” là nỗi ám ảnh của người Apatani từ hàng trăm năm về trước.
Thuở xưa ấy, Apatani là tộc người sản sinh rất nhiều phụ nữ đẹp. Và vẻ đẹp quyến rũ ấy của họ đã dấy lên sự thèm khát của những người đàn ông ở các bộ lạc lân cận. Đã có rất nhiều thiếu nữ Apatani đẹp như lan rừng liên tục bị bắt đi trong những cuộc giao tranh khốc liệt.
Cuộc sống bình yên của tộc người Apatani đã không còn nữa khi sắc đẹp của các phụ nữ trong bộ tộc làm điên đảo nhiều tù trưởng các tộc khác.
Khi đã lọt vào tầm mắt của những tù trưởng, họ đã bị săn lùng, bị bắt cóc để các chiến binh bộ tộc khác mang về làm vợ.
Nỗi đau mất phụ nữ và lòng tự trọng khiến đàn ông Apatani phải lao vào cuộc chiến.
Cạnh nhà bà Yangssing là nhà của bà Bullo Yagyang - giống như một bảo tàng lưu giữ những ký ức chiến tranh thuở ấy của bộ tộc Apatani, nơi bóng dáng của các cuộc chiến từ hàng trăm năm trước vẫn còn nguyên vẹn trên những cây giáo dài, cùng những tấm khiên được làm bằng da gấu đen... Chúng được bà Bullo Yagyang lưu giữ một cách cẩn thận.
Tháo một bộ khiên được làm bằng da gấu đen từ trần nhà xuống, anh Bullo Tasser - con trai bà Yagyang - cho biết: “Tấm da gấu này đã có hơn 200 năm. Đó là một phần tự hào của người Apatani chúng tôi”.
Nói rồi anh Bullo Tasser hào hứng chỉ tay lên nóc nhà, nơi đang lưu giữ những cây giáo dài 7m: “Ông nội tôi bảo rằng nhờ vũ khí đó mà dân làng Apatani, trong đó có bà nội tôi, được bảo vệ bình yên trong một khoảng thời gian dài”.
Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani (2): Chiến tranh vì phụ nữ
Một góc ngôi làng trong thung lũng Ziro của người Apatani - Ảnh: Đ.Nam
Rời bỏ Tây Tạng
Đứng trên cao nhìn xuống, thung lũng Ziro chạy dài tít tắp. Michi Tajo - người dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Ngày xưa nơi đây chưa có tên. Ziro chính là tên gọi đầu tiên của tộc người Apatani cổ khi tổ tiên chúng tôi còn lang thang ở tận Tây Tạng xa xôi.
Nhưng rồi chiến tranh triền miên giữa các bộ tộc, đặc biệt là các cuộc săn lùng đẫm máu để bắt đi những phụ nữ xinh đẹp khiến người Apatani mệt mỏi, họ đành tìm cách di tản và rời xa Tây Tạng bằng một cuộc thiên di định mệnh.
Họ chẳng khác gì loài chim phải tìm cách trốn khỏi mùa đông lạnh giá trên Tây Tạng đầy băng tuyết để tự cứu mình.
Khi đến đây, vốn là một thung lũng bằng phẳng, tổ tiên chúng tôi quyết định dừng lại. Họ vào rừng chặt tre trúc dựng nhà, ngăn suối bắt cá và lấy nước vỡ ruộng để sản xuất lương thực... Từ đó thung lũng này mới có tên gọi Ziro”.
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về vùng đất Ziro, người dẫn đường lái xe đi khắp các ngôi làng: “Có tất cả bảy ngôi làng người Apatani sống dọc quanh thung lũng và nông nghiệp lúa nước là nghề chính của họ”.
Nói rồi Tajo dẫn cả nhóm vào một ngôi nhà của suman (phù thủy) của làng. Đó là nhà của ông Bullo Boga - một căn nhà được dựng bằng tre trúc từ mấy chục năm về trước.
Bên bếp lửa hồng, phù thủy Bullo Boga bảo: “Chúng tôi không thích chiến tranh với bất kỳ bộ tộc nào khác. Người Apatani chỉ muốn sống hòa bình.
Bởi vậy để không mất thêm phụ nữ và tránh xảy ra những cuộc đụng độ đẫm máu nên buộc lòng người Apatani chúng tôi phải bỏ làng. Đó cũng chính là lý do chúng tôi 
không có bất kỳ sử sách gì ghi lại câu chuyện của bộ tộc mình”.
Anh Bullo Tasser buồn rầu nói: “Đàn ông Apatani dù có anh dũng đến mấy cũng không thể nào chống trả lại những bộ tộc khác sống quanh dãy núi hùng vĩ Himalaya trong cuộc chiến bảo vệ những người phụ nữ của họ.
Những cuộc chiến triền miên đã lấy đi không ít đàn ông mạnh khỏe, và tộc người Apatani sau đó cũng mất không ít những cô gái quyến rũ nhất làng”.
Để tự bảo vệ mình, nhiều phụ nữ trong làng đã nghĩ cách ngụy trang, tự làm xấu mình bằng việc xăm mặt và khoét mũi.
Bà Yangssing bảo rằng: “Tất cả phụ nữ Apatani lớn lên buộc phải xăm mặt, khoét mũi để chỉ mong giảm bớt đau thương đánh nhau triền miên giữa các bộ lạc”.

Quá trình khoét mũi, xăm mặt


TTO - Bà Mi Llo Yanya và Mi Hin Yapyang đang cúi gập người dọn cỏ giữa cánh đồng ven sườn đồi quanh làng. Đây là hai trong số những phụ nữ được cho là đẹp nhất làng Mudan Tage vì cả hai có những chiếc mũi to bè cùng hình xăm kỳ lạ trên mặt. 
Bí ẩn phụ nữ bộ tộc Apatani- Kỳ 3: Quá trình khoét mũi, xăm mặt
Bà lão Millo Yaza với chiếc mũi kỳ dị đang uống rượu được ủ từ lúa rẫy - Ảnh: TRẦN MAI
Chúng tôi không giống bất kỳ một bộ tộc nào. Người (phụ nữ) Apatani là số 1
Bà TIGAL, 80 tuổi
Để có được những “nét đẹp” hoàn hảo ấy, những phụ nữ như bà Mi Llo Yanya hay Mi Hin Yapyang đã phải trải qua một quá trình đớn đau về thể xác.
Sau đau đớn là hạnh phúc
Khi nghe có tiếng gọi đúng tên mình, cả hai phụ nữ già nua ngừng tay không nhổ cỏ nữa, bà Yanya kéo tay người bạn cùng trang lứa là Yapyang tiến lên bờ ruộng.
Sau một hồi lắc đầu như không muốn nhắc đến những chuyện xưa cũ, cuối cùng bà Yanya cũng ngồi bệt xuống đất bắt đầu kể về hành trình làm nên chiếc mũi mà theo người làng Mudan Tage là “đẹp nhất vùng”.
Không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi, nhưng bà Yanya vẫn khẳng định chắc chắn rằng năm lên 8 tuổi, bà được gia đình tổ chức một nghi thức trang trọng: khoét mũi.
Kèm theo đó là một bữa tiệc với đầy đủ những món ăn truyền thống của người Apatani gồm rượu ủ bằng lúa rẫy, thịt heo hun khói gác bếp, măng rừng nướng và thịt gà nấu bằng ống tre.
Thầy phù thủy xuất hiện trong nghi lễ ấy, ông bắt đầu cúng tế thần linh và đưa cô bé Yanya ra giữa buổi lễ trước khi giao trả cho người mẹ để tự tay khoét mũi con mình.
“Khi ấy tôi chỉ biết đó là nghi thức mà bất kỳ đứa trẻ nào ở tuổi chúng tôi đều phải thực hiện. Chúng tôi đã lớn và biết là cần phải làm vậy” - bà Yanya nói.
Khung cảnh thơ mộng của thung lũng Ziro càng thêm thân thuộc khi vài cô bé có độ tuổi như bà ngày xưa đi qua nở nụ cười chào.
Bà Yapyang hiền từ cười đáp lại. “Cứ hình dung ngày đó chúng tôi có khuôn mặt y chang bọn trẻ bây giờ, trắng trẻo, không có lấy vết sẹo nào trên mặt.
Thế rồi mẹ chúng tôi dùng một thanh tre nhọn để khoét mũi chúng tôi. Tôi đã khóc rất nhiều vì đau, nhưng mẹ tôi khuyên đó là việc phải làm của phụ nữ Apatani, cho nên tôi phải để bà tiếp tục khoét mũi cho đến khi hoàn tất” - bà Yapyang nói.
Nhìn vào chiếc mũi to bè của hai bà lão cũng phần nào thấu hiểu được sự đau đớn của họ. Bà Yanya bảo bà không may mắn như người bạn của mình bởi sau một thời gian khoét mũi, mảnh tre nhỏ bằng hạt đậu dùng để gắn lên mũi (vào chỗ khoét) đã gây nhiễm trùng.
“Tôi đã có những trận sốt li bì kéo dài cả nửa tháng trời. Thậm chí khóe mũi của tôi cũng bị rách đi sau khi trải qua đợt nhiễm trùng nặng” - bà Yanya nhớ lại.
Và rồi cứ mỗi mùa lúa trôi qua, những thiếu nữ vùng Apatani lại được mẹ của mình thay cho một miếng tre lớn hơn vào chỗ bị khoét, khiến chiếc mũi xinh đẹp dần biến dạng.
Mãi đến khi miếng tre trên mũi to bằng ngón tay cái thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây để tồn tại cho đến cuối đời.
Cứ mỗi lần vào bếp, phụ nữ Apatani phải đưa tay quẹt nhọ nồi rồi thoa đều lên thớ gỗ mây để nó trở nên bóng nhẵn nổi bật trên chiếc mũi to bè.
Nhưng thiếu nữ Apatani không chỉ bị khoét mũi, họ còn phải tiếp tục trải qua thời khắc đau đớn khác là xăm mặt với 4-5 đường xăm dài từ trán xuống tận cằm.
Thuốc xăm được làm bằng cây rừng và dụng cụ xăm là một cây kim sắt được thợ rèn trong làng luyện nên. Bà Yanya bảo rằng “Khi trải qua hết những đau đớn ấy, chúng tôi mới thật sự hạnh phúc bởi chiếc mũi và hình xăm trên khuôn mặt mình”.
Bí ẩn phụ nữ bộ tộc Apatani- Kỳ 3: Quá trình khoét mũi, xăm mặt
Một nhóm ba người phụ nữ Apatani thích thú khi thấy hình của mình được ghi lại trong máy ảnh của du khách - Ảnh: TRẦN MAI
Không muốn mình giống người khác
Trong căn nhà ấm cúng của mình, Hage Ko Mo cùng vợ tất bật lo bữa ăn đãi khách. Theo lời Ko Mo, người Apatani có tục cứ hễ nhà có khách thì nhất định phải lấy thịt khô treo giàn bếp xuống thết đãi.
“Đây là thố thịt mà gia đình chúng tôi đã kỳ công cất giữ suốt 30 năm đấy. Nó chỉ được đem xuống khi làng có lễ hội và khách quý từ phương xa đến mà thôi” - vợ Ko Mo nói.
Và dẫu mới 35 tuổi nhưng với người Apatani, Hage Ko Mo được xem là “nhà văn hóa”, bởi đơn giản Ko Mo đã có trong tay rất nhiều bài hát viết về dân tộc mình.
Ngồi trầm ngâm bên ly rượu, “nhà văn hóa” Ko Mo bắt đầu hát những bài hát ca ngợi về bộ tộc Apatani với những lời điệu du dương, trầm bổng như thể anh đang thả hồn lang thang trên những thảo nguyên bao la xưa cổ của bộ tộc mình.
“Anh có biết vì sao người Apatani chúng tôi phải xăm mặt, khoét mũi không?” - Ko Mo bất chợt ngưng hát và hỏi. Rồi anh trả lời: “Chúng tôi không muốn mình giống với người Tây Tạng hay Trung Quốc. Đơn giản là vậy”.
“Vậy còn những cuộc chiến tranh giành phụ nữ?”, nghe hỏi, Ko Mo cho rằng đó cũng là một cách lý giải khác của người Apatani xưa cổ mà đến bây giờ chưa có sử sách nào ghi lại. Tất cả chỉ lưu truyền qua lời kể mà thôi.
Theo lời Ko Mo, ban đầu người Apatani xưa cổ vì quá mệt mỏi với những cuộc chiến tranh giành phụ nữ nên họ đành phải ngụy trang bằng cách tự làm xấu mình. Nhưng rồi chính sự xấu xí ấy lại tạo nên một bản sắc riêng biệt không một tộc người nào ở vùng Himalaya có được.
Dần dần nó trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Người Apatani từ đó thấy mình “đẹp hơn những bộ tộc khác” vì khoét mũi và xăm mặt.
Thậm chí cũng vì người Apatani không muốn mình giống người Tây Tạng hay Trung Quốc nên họ bắt phụ nữ của mình phải khác với người Trung Quốc hay Tây Tạng. Với quy chuẩn của họ, những phụ nữ có bộ ngực đẹp là những người phụ nữ xấu xí.

Theo thống kê, hiện ở thung lũng Ziro còn khoảng 1.000 phụ nữ Apatani đang theo tục xăm mặt, khoét mũi. “Đây sẽ là những phụ nữ cuối cùng sở hữu những chiếc mũi kỳ dị trên thế giới” - “nhà văn hóa” Ko Mo xác nhận.

Trở về nét đẹp tự nhiên


TTO - Sau hơn 40 năm từ bỏ dần tục khoét mũi, xăm mặt, giờ đây những cô gái Apatani ở tuổi xuân thì đã vô tư tung tăng trên đường làng cùng những chiếc váy hoa điệu đàng với nét đẹp hoàn hảo...
Trở về nét đẹp tự nhiên
Thế hệ trẻ Apatani đã chính thức "lột xác" trở nên lộng lẫy. Trong ảnh là cảnh một nhóm học sinh Apatani múa trong một lễ hội mùa xuân - Ảnh: TRẦN MAI
Bọn trẻ giờ xinh đẹp lắm. Chúng không còn mang khuôn mặt của chúng tôi nữa.
Bà MICHI OTUNG
Từ bỏ đớn đau
Bà Michi Otung có chiếc mũi to bè đang ngồi bên người cháu gái tên Michi Rinyi. Mới 14 tuổi nhưng Michi Rinyi đã như một thiếu nữ trưởng thành bởi cô bé đang sở hữu một chiếc mũi đẹp cùng hàm răng trắng xóa khiến khuôn mặt của Rinyi khi nào cũng như đang cười.
Để làm duyên cho cháu gái của mình trước khi ghi hình, bà Otung tự tay ra vườn hái một chùm hoa lê rồi cài lên mái tóc duyên dáng của cô bé. “Bọn trẻ giờ xinh đẹp lắm. Chúng không còn mang khuôn mặt của chúng tôi nữa”.
Theo lời bà Otung, từ năm 1975 khi sự hội nhập bắt đầu len lỏi vào thung lũng Ziro, những con đường lớn được mở ra, kéo cộng đồng người Apatani về gần với cuộc sống văn minh ở các đô thị lớn của Ấn Độ như Guwahati hay Kolkata.
Lúc ấy, những chiếc mũi to bè có hai thớ gỗ đen bóng trên khuôn mặt người phụ nữ đã trở thành vật cản cho công cuộc hội nhập của cộng đồng người Apatani. Bà Otung cũng như bao phụ nữ ở tuổi “thất thập” đang nhớ lại thời điểm mà người Apatani quyết định loại bỏ một tập tục vốn đã đi vào huyền thoại sắc đẹp của hàng chục thế hệ phụ nữ của bộ tộc.
Thời điểm đó là một ngày đầu xuân năm 1975 khi một nhóm thiếu nữ Apatani băng rừng tìm xuống Guwahati. Họ cũng là những người phụ nữ đầu tiên vượt khỏi sự cản trở của địa lý, bước ra khỏi thung lũng Ziro để đi tìm cái mới lạ bên ngoài.
Thế nhưng sự tươi mới của những phố thị ở Guwahati chưa kịp làm họ bất ngờ thì họ lại bất ngờ khi tiếp nhận cách nhìn của người dân thành phố dành cho khuôn mặt của mình. Cách nhìn đó đã làm mọi thứ phải thay đổi.
“Những người thành phố gọi chúng tôi là người rừng già và chúng tôi trở thành trò cười của họ với cái nhìn dè bỉu. Chính điều này đã khiến các tù trưởng Apatani quyết định không tiếp tục khoét mũi, xăm mặt cho con cái trong làng mình nữa. Đó là một quyết định táo bạo đầy khó khăn nhưng vô cùng đúng đắn”- bà Otung nói.
Bên bếp lửa trong cái lạnh tê buốt, nhìn hai thế hệ phụ nữ Apatani với hai vẻ đẹp khác nhau, chúng tôi cố thử hình dung nếu khuôn mặt xinh đẹp của cô bé Rinyi cũng được xăm và chiếc mũi bị khoét rộng ra hai bên cánh? Thấy tôi chăm chú nhìn Rinyi, bà Otung như hiểu ý liền bảo: “Nếu còn tập tục khoét mũi, bây giờ chúng tôi đã ép những thớ gỗ mây đầu tiên vào trong hốc mũi con bé rồi”.
Không còn khoét mũi, xăm mặt cũng đồng nghĩa với việc không còn đớn đau nữa. Vẻ đẹp của tự nhiên đã được trả lại. Giờ đây, những cô gái Apatani đã trở về đúng với vẻ đẹp tự nhiên của mình thay vì phải chối bỏ nó bằng một khuôn mặt khác. Vẻ đẹp lạ lùng của thế giới cổ xưa ấy đã trở nên thô kệch và xấu xí ngay khi cộng đồng người Apatani chính thức hội nhập.
Trở về nét đẹp tự nhiên
Michi Rinyi (14 tuổi) rạng rỡ với nụ cười trên môi - Ảnh: TRẦN MAI
Tiến ra thế giới
Không những sở hữu một khuôn mặt khả ái, đẹp như hoa rừng, Michi Rinyi còn là một vũ nữ sành điệu với những điệu nhảy sôi động. Nhìn cảnh Rinyi tham gia nhảy cùng nhóm bạn ở sân trường mới thấy sự thèm khát được hòa nhập của một thế hệ phụ nữ Apatani tươi trẻ.
Đã thế Michi Rinyi còn rất giỏi tiếng Anh, vậy nên cô bé là trợ thủ đắc lực cho cha mình mỗi lần có du khách ghé chơi nhà.
Ngồi bên bếp lửa giúp cha làm cơm đãi khách, Rinyi chậm rãi kể về những bạn học của cô ấy ở thị trấn Hapoli. “Học xong rồi, rất nhiều người bạn của cháu muốn về thành phố Guwahati để tìm việc làm. Riêng cháu thì rất muốn theo con đường âm nhạc”.
Người dẫn đường Michi Tajo nghe con gái nói về mơ ước của mình cũng đầy tâm tư. Từ khi không còn xăm mặt, khoét mũi, đã có rất nhiều cô gái trẻ Apatani từ bỏ bản làng lần lượt tiến về các thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm vì thu nhập cao hơn.
Cũng như cô bé Rinyi, Hage Tieg, 25 tuổi, làm nghề bán hàng ở cửa hàng điện thoại di động ngay thị trấn Hapoli cũng tỏ ra rất sành điệu khi mặc chiếc váy ngắn cách tân cùng mái tóc nhuộm màu hung.
Như những cô gái cùng tuổi, Tieg cũng sở hữu một khuôn mặt rạng ngời. Tieg cười tươi khi biết chúng tôi là du khách Việt Nam lần đầu đến Ziro.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết Tieg là con út trong một gia đình tám anh em. Mẹ Tieg thuộc tuýp người Apatani xưa cổ với khuôn mặt đầy hình xăm và khoét mũi, thế nhưng đến thế hệ của cô thì chẳng còn ai nữa.
Tieg bảo cả tám anh chị cô không ai ở thung sâu Ziro cũ nữa. Bốn người đang ở thị trấn Hapoli, bốn người đã xuống các thành phố Kolkata và Guwahati tìm việc làm.
“Một chị gái tôi đang là luật sư, còn một chị là giáo viên. Dĩ nhiên chúng tôi không xăm mặt. Thế hệ chúng tôi không còn xem đó là vẻ đẹp nữa. Tôi và bạn bè thích khuôn mặt trắng trẻo này hơn là có hình xăm và chiếc mũi to như cha mẹ chúng tôi”, Tieg nói.
Đã hơn 40 năm kể từ cái ngày những người mẹ Apatani quyết định không khoét mũi, xăm mặt cho con mình nữa, đã có rất nhiều người trẻ từ bỏ ngôi làng của mình để tiến ra hội nhập cùng thế giới.
Những bà già cô đơn
Khi vẻ đẹp khoét mũi, xăm mặt không còn “hợp thời” thì cũng là lúc những người phụ nữ già nua chấp nhận cuộc sống cô đơn, quanh quẩn trong những ngôi làng xưa cũ ở thung lũng Ziro.
Hôm chúng tôi đến nhà bà Ruliing ở làng Tajang, bà bảo rằng đã hơn hai tháng rồi mới có người ghé thăm.
Thời tiết lạnh dần khi những tia nắng cuối ngày sắp khuất dần sau chân núi. Tự tìm pha cho mình một cốc rượu uống chống lạnh, bà Ruliing nói như phân bua rằng con cái bà đã chuyển hết ra thị trấn sống từ lâu.
“Tụi nó có cuộc sống mới vui vẻ hơn nên chẳng chịu về làng nữa”- bà nói.
Đi dọc khắp các ngôi làng của người Apatani ở Ziro cũ, không khó để bắt gặp những người phụ nữ già cô đơn cùng chiếc mũi của mình.
Cũng như bà Ruliing, bà Hage Lingu ở làng Hari rất cô đơn. Từ ngày chồng chết, bà Lingu thui thủi một mình trong căn nhà đầy bóng tối.
Thế nhưng khi được hỏi về con cái, bà Lingu tươi vui bảo rằng: “Chúng nó đang sống một cuộc đời hội nhập chứ không ẩn dật ở Ziro như chúng tôi. Tôi không muốn con cháu mình bám lấy ngôi làng này và tự làm xấu mình bằng một hình trình đau đớn khoét mũi, xăm mặt như thời chúng tôi”.
>

TRẦN MAI - ĐĂNG NAM

Không có nhận xét nào: