Dù nghệ thuật khắc mạt chược thủ công đang dần mai một, trò chơi này vẫn giữ nguyên sức hút với người dân Hong Kong (Trung Quốc) và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong những năm 1960, Hong Kong có tới hơn 20 thợ khắc mạt chược, thậm chí có cả hiệp hội dành cho ngành công nghiệp này. Nhưng hiện tại chỉ còn 4-5 cửa hàng sót lại, theo lời nghệ nhân Ho Sau Mei. Họ đóng cửa do doanh thu thấp.
Nghệ thuật khắc mạt chược được chính quyền đặc khu hành chính công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể" vào năm 2014. Trong khi nghề thủ công này dần mai một, trò chơi vẫn tồn tại với các cơ sở mạt chược mới mọc lên khắp thành phố.
Sản phẩm tâm huyết
Cửa hàng mạt chược Kam Fat của bà Ho Sau Mei tọa lạc ở Hồng Khám - phía đông khu vực Tiêm Sa Chủy trên bán đảo Kowloon của Hong Kong. Bà đã khắc mạt chược bằng tay từ năm 13 tuổi.
"Cha mẹ đã nuôi dạy tôi làm công việc này, vì vậy tôi có mối liên hệ rất mật thiết với mạt chược", nghệ nhân chia sẻ. Khi cha nghỉ hưu, bà được thừa hưởng cửa hàng của gia đình.
Nghệ nhân Ho Sau Mei khắc mạt chược từ năm 13 tuổi. |
"Ngành công nghiệp này đang chết dần. Thậm chí trước khi quân mạt chược được sản xuất hàng loạt, không nhiều người mua mạt chược khắc tay bởi khá tốn thời gian", bà Ho cho biết.
Dù ngành này đang suy thoái, bà Ho vẫn rất bận rộn. Danh sách chờ sở hữu bộ mạt chược khắc tay của bà đã lên ít nhất một tháng. Trước đây quân bài được làm bằng gỗ, ngà và tre, nhưng hiện nay chúng làm từ nhựa cứng - nguyên liệu phẳng và dễ khắc. Một bộ mạt chược cho 4 người chơi có 144 quân, chia thành 4 bộ khung, gồm các hàng: sách, văn, vạn, hướng gió và các quân đặc biệt như hoa, mùa và rồng.
Bà Ho dành 4-5 giờ một ngày tại căn xưởng nhỏ, dùng đèn sưởi làm mềm khối nhựa hình chữ nhật để có thể khắc. Sau khi khắc xong mẫu, bà dùng cọ sơn lên các rãnh màu đỏ, xanh lá hoặc xanh lam, lau đi phần màu bị lem, chỉ giữ lại họa tiết đã khắc. Tiếp đó, bà lại dùng đèn sưởi để làm khô sơn. Với sự tập trung cao độ, bà lặp lại quy trình này với các quân bài tiếp theo.
Bà Ho dành khoảng 4-5 ngày để hoàn thành một bộ mạt chược truyền thống, bán với giá 230 USD. Bà từng có ý nghỉ hưu, nhưng các khách hàng và công chúng là lý do bà tiếp tục công việc. Bên cạnh đó, bà muốn quảng bá môn nghệ thuật này cho người khác.
Trò chơi của mọi nhà
Xuất hiện vào những năm 1800, mạt chược vô cùng phổ biến trên thế giới, với khoảng 350 triệu người chơi chỉ tính riêng châu Á. Ở Hong Kong, mạt chược có mặt khắp nơi. Dù ngày hay đêm, bạn đều nghe thấy âm thanh các quân bài mạt chược vang vọng từ các cửa hàng tới hộ gia đình.
Mạt chược là trò chơi phổ biến ở Hong Kong (Trung Quốc). |
"Mỗi chủ nhật, tôi đều chơi mạt chược với các anh chị em. Môn này giúp mọi người giao tiếp tốt hơn. Khi mọi người chưa đủ gắn kết với nhau, mạt chược có thể cải thiện tâm trạng. Một số người lớn tuổi sẽ thấy chán nản nếu cả tuần không chơi. Họ nghiện mạt chược", bà Ho giải thích.
Bà nói thêm rằng người trẻ có xu hướng chơi mạt chược một mình trên điện thoại hoặc các bàn mạt chược điện tử hơn là chơi theo hình thức truyền thống.
Giữ gìn truyền thống
Trò chơi đã trải rộng khắp Hong Kong hàng trăm năm nay, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đưa mọi người xích lại gần nhau bên những chén trà và đồ ăn nhẹ.
Ngày nay, nhiều nhà hàng mở ra giúp người chơi mạt chược có không gian trải nghiệm. |
Bạn không cần phải vào một hộ gia đình ở Hong Kong để được trải nghiệm điều này. Hiện nay, nhiều nhà hàng với không gian hiện đại, phục vụ đồ ăn đầy đủ cho khách hàng tới chơi bài. Hơn nữa, các khóa học chơi mạt chược sẽ sớm mở ra, hướng tới người dân địa phương, người nói tiếng Anh cũng như người Hong Kong trẻ, nhằm giữ gìn truyền thống.
Theo CNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét