Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Chu du cùng vị cà-ri châu Á

(Sắc màu thế giới) - Nói đến món “quốc hồn quốc túy” của Ấn Độ, ắt hẳn bạn nghĩ ngay đến cà-ri. Không dừng lại ở đó, theo chân những thương buôn trên con đường tơ lụa, cà-ri du nhập đến mọi quốc gia của lục địa châu Á.


Nói đến món “quốc hồn quốc túy” của Ấn Độ, ắt hẳn bạn nghĩ ngay đến cà-ri. Không dừng lại ở đó, theo chân những thương buôn trên con đường tơ lụa, cà-ri du nhập đến mọi quốc gia của lục địa châu Á. Với mỗi vùng đất mới, nó lại biến đổi để “nhập gia tùy tục” và càng hấp dẫn hơn.
Theo các nhà khoa học, từ hơn 2.000 năm trước Công nguyên, người dân vùng đồng bằng Ấn Hằng đã biết nghiền mịn hỗn hợp bao gồm mù tạt, rau thì là, hạt thì là và quả me để làm gia vị thêm vào món ăn ưa thích của họ. Qua thời gian, cà-ri xuất hiện như món ăn truyền thống phối trộn nhiều loại gia vị và thảo mộc phức tạp. Việc lựa chọn chính xác tỷ lệ gia vị thay đổi theo truyền thống văn hóa vùng, tôn giáo, và mức độ nào đó là sở thích của từng gia đình. Vì vậy, mỗi món cà-ri tại Ấn Độ đều được gọi bằng tên cụ thể nhằm phân biệt thành phần, hương vị và cách nấu.
Linh hồn của món ăn chính là phần bột cà-ri mịn tạo nên hương vị đặc trưng. Dù trên thế giới có hàng nghìn loại bột cà-ri bày bán sẵn, người dân bản địa lại ưa dùng sản phẩm do chính họ nghiền, trộn và gia giảm cho từng bữa ăn. Để tự làm phiên bản đơn giản nhất của bột cà- ri kiểu Ấn Độ, bạn có thể sử dụng công thức sau: rang hỗn hợp gồm hai muỗng cà phê hạt ngò, một muỗng cà phê hạt thì là Ai Cập (cumin), một muỗng cà phê hạt hồi hương (thì là fennel), và hai quả ớt khô xắt nhuyễn trên chảo với lửa vừa trong vòng khoảng 12 phút, đến khi chúng chuyển màu và tỏa mùi thơm. Sau đó để nguội, dùng cối xay mịn và trộn thêm một muỗng cà phê bột nghệ.
Chu du cung vi ca-ri chau A
Hỗn hợp gia vị cà-ri Thái khác biệt khi có thêm vị chua để che đi mùi tanh của cá, hải sản
Ban đầu kari (theo cách gọi của người địa phương), là món hầm với thịt gà hay thỏ ăn cùng với cơm. Dần dần, những loại ớt từ Nam Mỹ du nhập vào và đem thêm vị cay nồng cho cà-ri, chẳng hạn Vindaloo Curry là “đặc sản” của ẩm thực vùng Goa ở miền Tây Nam Ấn Độ và được coi là phiên bản cay nhất của món cà-ri Ấn.
Ngược lại, món cà-ri Madras với phong cách phù hợp thị hiếu phương Tây trong những năm thuộc địa lại rất dễ gây nghiện, vì được tạo ra bằng cách kết hợp hương vị ngọt ngào, thơm ngon và beo béo của sữa dừa (nước cốt dừa), hạt hồi, gừng, ớt bột và bột nghệ. Nhìn chung, món cà-ri ở khu vực miền Nam Ấn Độ cay hơn hẳn “người họ hàng” ở miền Bắc.
Điểm dừng chân tiếp theo cũng nổi tiếng với món cà-ri là Thái Lan. Theo Leela Punyaratabandhu - chuyên gia ẩm thực sinh sống tại Bangkok, món cà-ri Thái thường nấu từ sữa dừa hoặc nước, cà-ri sệt (curry paste) và thịt. Cà-ri Thái có xu hướng lỏng hơn so với người anh em họ ở Ấn Độ, với vị béo ngậy, cay nồng từ thảo mộc và gia vị, kết hợp thêm nhiều loại thủy sản ít gặp ở món cà-ri truyền thống.
Loại cà-ri nước tiêu biểu nhất là cà ri chua (gaeng sohm plah) thường được chuẩn bị với cá và me, hay cà-ri Jungle (gaeng pah) là món cà-ri rau có ít hoặc không có thịt, và thường rất cay. Sở dĩ có sự khác biệt về màu sắc và hương vị là do tùy thuộc vào thành phần bột cà-ri, với màu vàng từ củ nghệ, màu đỏ của ớt xay trong khi cà-ri xanh lại làm từ ớt xanh siêu cay cùng nhiều loại thảo mộc khác, trong đó có lá húng quế Thái, được cho vào cuối cùng trong công đoạn chuẩn bị gia vị. Thế nên bạn đừng vì màu xanh bắt mắt mà bị “dụ dỗ” bởi món ăn cay “cấp bảy” này.
Trái ngược với vị cay “xé lưỡi” của phiên bản Thái Lan, khi đến Nhật Bản, cà-ri biến đổi để trở thành món ăn thông dụng dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Ước tính, trung bình mỗi năm một người Nhật tiêu thụ khoảng 78 phần cà-ri, và có thể nói rằng chẳng đứa trẻ nào tại đây lại không “ghiền” món cà-ri đặc biệt của mẹ nấu. Phiên bản phổ biến nhất là kare raisu - cơm cà-ri ăn cùng rau củ lên men, thường xuất hiện trong bữa trưa của học sinh Nhật Bản.
Để làm món cà-ri, người nội trợ sẽ cho hành tây, cà rốt, khoai tây, cần tây, và thịt vào nấu chín trong một chiếc nồi lớn; đôi khi họ còn bỏ thêm táo xắt nhuyễn hoặc mật ong để bổ sung vị ngọt hay thêm vào các loại rau khác tùy sở thích. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà là nguyên liệu chính được yêu thích nhất, và cà-ri có thể ăn cùng cơm, bánh mì, mì udon hay ramen.
Ngọc Hạ (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: