Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Salzburg: Đau thương & lãng mạn

Nhưng những cổ vật và di tích, bất luận thuộc nhóm văn hóa hay tôn giáo nào, nếu còn sống sót sau các cuộc xung đột, vẫn được bảo tồn một cách bình đẳng nơi đây.
Khi đi qua những cây cầu, mà tôi thích gọi là những cây cầu của đức tin ở thành phố nhỏ bé ấy, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện. Di sản văn hóa UNESCO từ năm 1997 - có rất ít dấu tích của các cuộc tàn phá, song rất nhiều chứng tích lịch sử khác - còn cho tôi nhiều bài học mới. Rằng sau những nhân vật có công xây dựng và bảo tồn - từ vua chúa, giáo sĩ đến nô lệ, chính những người dân bản xứ - nhập cư hay dời bỏ, và cả những du khách như tôi đây nữa, đã và sẽ góp phần làm nên vóc dáng một di sản văn hóa.
Tôi đến Salzburg, thành phố lớn thứ tư của Áo với vỏn vẹn 150 ngàn dân, trong một ngày hè khá ướt át và thiếu nắng. Từ trên pháo đài Hohensalzburg nhìn xuống, là thấy ngay một bản nhạc chép tay thật lãng mạn và cổ xưa, với những nóc nhà thờ Baroque (đậm nét ở đây, hơn kiến trúc hậu Roman hay Gothic rất nhiều); những con đường mòn mờ hơi mưa, những bức tường dây leo vấn vít. Và sông Salzach chảy thành một dòng nhạc trôi vô định, không tiết tấu và màu sắc rõ ràng.
 
Alpes nhìn từ pháo đài Hohensalzburg 
Trước khi đổ về sông Inn, một nhánh tả ngạn rất thơ mộng của sông Danube bên Thụy Sĩ, Salzach mảnh khảnh kịp chạy qua nhiều đồng cỏ xanh tươi và những thành phố thanh bình của dãy Alpes, bao bọc 70km đường biên giới giữa xứ Bavaria thuộc Đức và nước Áo. Chắc nhiều người sẽ có cùng cảm nhận như tôi, rằng đây là một trong những vùng biên xinh đẹp nhất trên trái đất. Khi đọc thuật ngữ "Alpine setting", mô tả phong cảnh vùng Alpes này, tôi không hiểu lắm. Tôi cũng không chắc rằng sau vài ngày đi lướt qua đây, tôi đã thực sự có thêm nhiều hiểu biết. Nhưng ký ức đã kịp ghi lại những hình ảnh của một vùng đất không quá trập trùng hiểm trở và mênh mông, mà rất đỗi gần gũi và thân thiện. Những ngọn núi xanh ngắt ẩn hiện sau những dòng sông nhỏ và hồ nước xanh đậm, những con phố vắt vẻo quanh co, những mái vòm nhà thờ cổ kính, những lan can sắt cũ kĩ, những giàn hoa lẫn với ngói nâu và tường trắng hay xám nhạt làm cho vùng này không chỉ mang dáng dấp bán sơn địa, mà còn có sự pha trộn giữa nét hoang dã và trù mật.
Salzburg (nghĩa là "Lâu đài muối") cũng không ngoại lệ. "Lâu đài muối" không phải bước ra từ một câu chuyện cổ tích nào đó, mà chỉ những thuyền muối cập cảng về đây trước khi đường tàu hỏa được xây dựng. Nhưng dấu ấn của cuộc cách mạng công nghiệp mấy thế kỉ trước có lẽ không sâu sắc bằng ảnh hưởng của những làn sóng dân cư đổ về đây. Những nghệ sĩ, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tới đây cư trú từ giữa thế kỷ 18 đã làm cho thánh địa Công giáo được xây dựng từ thế kỉ thứ bảy bớt vẻ trang nghiêm. Ngay cả nhà thờ Saint Peter với mái vòm đặc trưng Vatican cũng không u tịch và đồ sộ. Salzach nom dân dã cũng khác xa Tevere thánh khiết. Chắc còn phải đi nhiều hơn nữa, thì tôi mới trút bỏ được kiểu cách luộm thuộm và ham hố của một du khách, tay lăm lăm máy ảnh và bản đồ dò đường, để bình tĩnh thưởng thức kiến trúc và những tác phẩm nghệ thuật cất giữ trong các giáo đường, bảo tàng, hay ngay trong những cửa hàng lưu niệm bé xíu.
Những cổ vật trưng bày trên pháo đài
Một ngôi nhà cổ từ thế kỷ 17

Vội vã bước qua khu vườn Mirabell Palace Gardens, qua những bậc thềm của nhà thờ Chúa Ba Ngôi, tôi vòng qua ngôi nhà tuổi thơ, được phục chế sau Thế chiến II, của cư dân đặc biệt nhất, Wolfgang Amadeus Mozart, lúc nào cũng nườm nượp khách thăm quan. Rồi hối hả chạy tới bờ sông, qua cây cầu Staatsbrücke để vào khu phố cổ. Trên đường đi, không quên liếc mắt nhìn sang cây cầu sắt cũng mang tên ông, tôi cố hình dung xem có phải cây cầu này chính là nơi thần đồng đánh rơi một bản nhạc tuổi thơ. Ngay cả câu chuyện vừa nghe kể ấy là có thực hay không, tôi cũng chưa kịp tìm hiểu. Song điều đó nào quan trọng gì, các di sản văn hóa sống còn không nhờ những kiểm chứng quá xác thực hay những tư liệu khô cứng. Chúng chỉ không thể sống lâu như vậy, nếu mỗi viên gạch hay ô cửa kia không chất chứa một câu chuyện mờ ảo nào đó.

Chính vì thế mà tôi cố nán lại lâu hơn trên quảng trường, cũng mang tên Mozart, ngắm nhìn bức tượng đồng rất bề thế của nhạc sĩ thiên tài, ra đời ở một căn gác cách đó không xa, mà không cần tìm hiểu nó được đúc năm nào. Chỉ lắng nghe tiếng vó ngựa lõm bõm gần xa, và âm thanh rộn rã của mấy ban nhạc dân gian đường phố. Các festival văn hóa liên tục được tổ chức ở đây suốt mấy tháng hè. Những màn trình diễn này, cùng tour dạo phố miễn phí và các ấn phẩm hướng dẫn đẹp đẽ đã góp phần làm tăng độ hấp dẫn của thành phố di sản. Nhiều du khách khó tính thường ngại khi chứng kiến quang cảnh xô bồ của các địa điểm du lịch nổi tiếng. Song ở đây họ sẽ cảm thấy dễ chịu. Những bậc thang và con đường dốc đứng dẫn lên pháo đài Hohensalzburg, dành cho những người không thích lên đó bằng xe chạy điện, dù đông đúc nhưng khá thư thái dễ chịu. Phong cách của các du khách cũng rất văn minh. Salzburg có tới ba trường đại học, và những nhóm sinh viên tuy khá ồn ào nhưng đã làm cho không khí thêm sinh động.
Một ban nhạc đường phố
Căn gác nơi Mozart sinh ra
Tôi gặp trong sân pháo đài một gia đình người Amish, những tín đồ Thiên Chúa giáo trọng cổ, bảo lưu một lối sống không áp dụng tiện nghi và các tiến bộ kỹ thuật. Hai vợ chồng cao lớn mặc lễ phục rất chỉn chu. Người vợ vấn tóc đuôi sam sau diềm mũ vải, và bận váy dài sát gót chân, người chồng mặc bộ veston truyền thống là lượt thẳng tắp. Họ khoác tay nhau, dắt hai con dạo qua những tủ kính trưng bày cổ vật phong phú, cười điềm đạm trước súng lục, dao găm, áo giáp, thậm chí khố và đai dương vật bằng sắt của lính tráng. Quá khứ, hiện tại, sự giao lưu của các dòng văn hóa và tôn giáo như hiện hữu nơi đây, trong ánh sáng trầm trầm của các gian phòng cổ, hay qua những ô cửa vẫn còn nguyên các nòng súng thần công.
Ô cửa có nòng súng thần công trên pháo đài Hohensalzburg

Chính những cổ vật chiến tranh hay hòa bình, và ngay cả những phù điêu khắc họa hình ảnh uy nghi của các hồng y hay các câu chuyện Kinh thánh rất quen thuộc cũng nhắc nhở một quá khứ khác, không diễm lệ như trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nghệ sĩ từng sống ở đây, thuộc trường phái Lãng mạn, những kẻ “leo núi” thời Hoàng kim thế kỉ 18-19, mà đau đớn hơn. Salzburg không chỉ lưu lại dấu tích của các trận bom và một trại tập trung người Do thái trong Thế chiến II, mà còn cả những di vật của các cuộc thanh trừng tôn giáo. Tôi đứng trên sân pháo đài, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu nhỏ. Trong hơn nghìn năm lịch sử của pháo đài này, đã có bao nhiêu cuộc giao tranh? Và những cây cầu kia được xây vào những năm nào, tên chúng là gì? 

Có thể đọc được và cố nhớ những điều ấy từ các sách báo hay trang mạng du ký và lịch sử, nhưng nếu không đi, không đến và hít thở bầu không khí nơi đây, thì không thể có cảm nhận như tôi lúc đó. Không khí ngột ngạt và bi phẫn chắc đã từng bao trùm những cây cầu bình yên dưới kia, nếu chúng kịp ra đời trước thời gian đó, vào những năm 1731-1734. Trong những năm này và nhiều thập kỉ tiếp theo, nhiều vạn giáo dân, sau khi bày tỏ niềm tin vào Cải cách Tin lành 95 điểm của Martin Luther, đã bị ép phải rời bỏ quê hương. Họ đã bỏ lại nhà cửa, của cải, thậm chí con cái thuộc lứa tuổi thiếu niên vì bị bắt vào học các trường đạo Công giáo. Trước đó, vào các thế kỷ 15-16, cũng có những cuộc trục xuất tương tự dành cho các giáo dân Do thái.
Nhưng những cổ vật và di tích, bất luận thuộc nhóm văn hóa hay tôn giáo nào, nếu còn sống sót sau các cuộc xung đột, vẫn được bảo tồn một cách bình đẳng nơi đây. Ngay trong tác phẩm của đại thi hào Goethe, Hermann và Dorothea, về cuộc trục xuất người Tin lành tang thương ấy, vẫn đầy ắp những dòng của đức tin nhưng chan chứa tình người:
Khi chàng trai trên đường trường rảo bước,

trong ánh hoàng hôn, chàng vẫn dõi nhìn 

theo bóng thiên thạch đang dần xa khuất 

theo đá lăn, lẫn trong bóng tối, im lìm.” 
(Người viết dịch)
Hành trình qua các di sản sẽ là những chuỗi bất tận của đọc và ghi nhớ, đi và trải nghiệm như thế.
Bài & ảnh: Lã Hoa

Trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg của nước Áo là Di sản văn hóa thế giới năm 1996.
Salzburg là thủ phủ của tiểu bang Salzburg thuộc Cộng hòa Áo.
Salzburg là thủ phủ của tiểu bang Salzburg thuộc Cộng hòa Áo. Với dân số 150.269 dân cư Salzburg là thành phố lớn thứ tư của Áo sau Viên, Graz và Linz. Salzburg còn được biết với tên thành phố của Mozart vì nhà soạn nhạc thiên tài Mozart đã sinh ra và sống nửa cuộc đời tại đây. Trong lịch sử, thành phố này được xây dựng và hình thành từ thế kỷ thứ V, khi đó thành phố có một Tu viện rất lớn mang tên thánh Peter. Cái tên Salzburg xuất hiện lần đầu tiên trong các văn bản, giấy tờ năm 755. Thành phố Salzburg có nhiều điểm đặc biệt trong đó phải nói đến trung tâm lịch sử của thành phố: Vào cuối thế kỷ XI, một pháo đài lớn đã được xây dựng tại đây để phục vụ mục đích quân sự. Pháo đài có tênHohensalzlurg, đây là công trình kiên trúc lịch sử lớn nhất trong khu vực Trung Âu thời Trung cổ. Hiện nay pháo đài này là một trong những công trình kiến trúc quan trọng của trung tâm lịch sử thành phố.
Salzburg còn được biết với tên thành phố của Mozart vì nhà soạn nhạc thiên tài Mozart đã sinh ra và sống nửa cuộc đời tại đây.
Toàn cảnh trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg.
Toàn cảnh trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg.
Khoảng cuối thế kỷ 18, Salzburg trở thành một trung tâm của văn hóa, nghệ thuật trong khu vực. Năm 1921, Salzburg đã tổ chức 1 cuộc trưng cầu ý dân lớn chưa từng có để quyết định Salzburg sẽ thuộc về đế chế Đức hay ở lại với người Áo. Cuối cùng, với quyết tâm giữ lại Salzburg, ngày nay người Áo rất tự hào về một thành phố có tới 4.000 sự kiện văn hóa mỗi năm và hàng trăm các công trinh kiến trúc mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn.
Khoảng cuối thế kỷ 18, Salzburg trở thành một trung tâm của văn hóa, nghệ thuật trong khu vực.
Người dân ở Salzburg vô cùng tự hào về thành phố của mình, người dân Salzburg thường giới thiệu với khách du lịch rằng chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử mà Salzburg không để lại những công trình kiển trúc đáng giá.
Chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử mà Salzburg không để lại những công trình kiển trúc đáng giá.
Toàn bộ khu vực phố cổ - trung tâm lịch sử của Salzburg là những công trình kiến trúc độc đáo có lịch sử từ hàng trăm đến hàng nghìn năm trước. Những công trình kiến trúc nổi bật ở đây khá nhiều như: khu phố Nonntal, Mulln, Lâu đài Hellbrunnn và vườn hoa quanh lâu đài, Đại lộ Hellbrunn, Dinh thự Salzburg, Đường hầm xe cơ giới lâu đời nhất Trung Âu, Ngôi nhà của Mozart...Các công tình nhà thờ gồm có: Nhà thờ lớn Salzburg, Tu viện thánh Peter, Nhà thờ của Đai học Salzburg, Nhà thờ Dòng Franxico, Nhà thờ Micheal..
Hệ thống sân và vườn hoa quanh lâu đài Hellbrunn
Biểu tượng của thành phố Salzburg là thành cổ Hohensalzburg. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, thành cổ Hohensalzburg đến nay vẫn sừng sững "trơ gan cùng tuế nguyệt". Với hệ thống phòng thủ hoàn hảo, thành từng được coi là mộtpháo đài bất khả xâm phạm từ thời Trung Cổ. Kinh qua bao trận chinh chiến, ngày nay Hohensalzburg được sửa chữa để làm bảo tàng cho khách thăm quan. Với những ai đam mê du ngoạn để thưởng thức bóng dáng ngày xưa qua những công trình kiến trúc, sẽ phải hài lòng khi tới thăm lâu đài Hellbrunn với vườn hoa lâu đài và các đài phun nước, cùng quang cảnh vườn hoa chung quanh đại lộ Hellbrunn, đại lộ này được xem như đại lộ lâu đời nhất thế giới.
Biểu tượng của thành phố Salzburg là thành cổ Hohensalzburg.
Thành từng được coi là một pháo đài bất khả xâm phạm từ thời Trung Cổ.
Và nếu đã nói đến những cái "nhất" của Salzburg, phải kể thêm hầm xe cơ giớilâu đời nhất của Áo và tuyến đường sắt leo núi có dây kéo lâu đời nhất thế giới.
Salzburg có Tu viện Thánh Peter (Phêrô) là tu viện lâu đời nhất cho đến nay vẫn tồn tại
Còn nếu nói về tín ngưỡng, Salzburg có Tu viện Thánh Peter (Phêrô) là tu viện lâu đời nhất cho đến nay vẫn tồn tại. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Tu viện Nonnberg, đây là tu viện dành cho nữ giới lâu đời nhất thế giới tính đến nay.
Nhà thờ Salzburg được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, đây là nhà thờ Baroque đầu tiên phía Bắc dãy núi Alps, sừng sững và uy nghi tỏa bóng dưới những rặng núi xa mờ.
Những công trình kiến trúc trong Trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg vẫn giữ được vẻ đẹp như thời kỳ huy hoàng của nó.
Là nơi sinh ra nhà thiên tại âm nhạc của thế giới Mozart, nếu có dịp đến với Salzburg du khách không thể bỏ lỡ điểm đến quan trọng đó chính là ngôi nhà của nhà soạn nhạc vĩ đại này.
Không chỉ các công trình kiến trúc ở Salzburg đẹp mắt, khi đến với Salzburg, du khách sẽ dễ dàng nhận rằng kiến trúc, quy hoạch tổng thể ở đây vô cùng hài hòa. Đi dạo trên các con phố nhỏ, ngoằn nghèo trong khu vực trung tâm lịch sử cũng đủ để cảm nhận được vẻ đẹp các công trình kiến trúc nơi đây.
Unesco đã công nhận Trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg của nước Áo là Di sản văn hóa thế giới năm 1996.
Từ năm 1973, để bảo vệ các công trình kiến trúc trong Trung tâm lịch sử, Chính phủ Áo đã ra quy định chỉ đi bộ trong khu phố cổ này. Các quy định về du lịch thăm quan các công trình ở đây cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Có lẽ vì những lý do đó và suốt bao thế kỷ qua, những công trình kiến trúc trong Trung tâm lịch sử của thành phố Salzburg vẫn giữ được vẻ đẹp như thời kỳ huy hoàng của nó.
Theo disanthegioi.info

Salzburg, đời cũng như phim

Đến thành phố Salzburg thuộc phía tây nước Áo, nhiều người phải thốt lên: “phim thật giống như đời!”. Toàn bộ cảnh phim ca nhạc kinh điển The sound of music được quay ở đây không hề thêm thắt chút kỹ xảo màu mè. Salzburg thế nào thì lên phim như vậy, khiến hàng triệu du khách đổ về đây mỗi năm để được sống trong khoảnh khắc phim và đời là một.

Lắng nghe giai điệu hạnh phúc ở Salzburg

The sound of music – Giai điệu hạnh phúc công chiếu từ năm 1965 nhưng đến nay bộ phim vẫn hấp dẫn các thế hệ ra đời sau nó hàng mấy chục năm. Đến Salzburg, đoàn khảo sát lữ hành Saigontourist chúng tôi được mời thưởng thức phim ngay trên xe. Trong khi hành khách vừa xem phim vừa háo hức quan sát xem cảnh nào quay ở đâu… thì bác hướng dẫn Maroine Dib tỏ ra tâm đắc: “Khoảng 85% du khách đến Salzburg chỉ vì The sound of music. Salzburg có Mozart và có The sound of music. Những khung cảnh đang hiện ra trước mắt quý vị chính là phim trường thực tế của bộ phim này”.
DN581_DDDT311014_Salzburg
Salzburg ngày đầu thu
Mỗi chặng dừng ở đây du khách lại như thấy Maria, nữ gia sư cho bảy đứa con của vị thuyền trưởng đang bước ra khỏi tu viện và cất giọng hát thánh thót, đang chèo thuyền trên dòng sông lấp lánh nắng hay bối rối trao nụ hôn đầu tiên trong khu vườn đêm hoa cỏ đẫm sương và bàng bạc ánh trăng. Salzburg tuy nhỏ nhưng có tất cả những gì du khách mong đợi cũng như tưởng tượng: Thành phố sở hữu những công trình lịch sử của nhiều thời đại và đa dạng với các kiến trúc thời Trung cổ, cho tới giai đoạn Phục hưng, thời Lãng mạn hoặc Baroque và hầu hết đều còn nguyên vẹn.
Băng qua cung điện Hellbrunn được xây dựng từ thế kỷ XVII, đoàn chúng tôi đi cáp trượt lên núi để thăm Hohensalzburg – pháo đài lịch sử lớn nhất Trung Âu. Hàng triệu người đã từng chọn vị trí này để ngắm toàn cảnh sân khấu Salzburg tuyệt đẹp từ trên cao. Một phần dãy núi Alps bao quanh những tu viện, thảm cỏ, khu công viên, dòng sông, nhà thờ… Tất cả mở ra như cuốn phim quay 3D góc độ toàn cảnh sắc nét nhất.
DN581_DDDT311014_Salzburg-4
Salzburg có nhiều công trình lộng lẫy, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc các thời kỳ
Khi chúng tôi đang mải mê chụp ảnh, bỗng một giai điệu lạ kỳ cất lên giữa đỉnh núi cao. Tất cả dừng lại, cùng nhắm mắt để mọi giác quan dồn cả vào đôi tai: thì ra là 35 chiếc chuông nhà thờ cùng cất tiếng thánh thót theo cung bậc khác nhau lan ra giữa không trung, rồi dải âm thanh cuối ngân lên và tụ lại khiến ai nấy có cảm giác mình đang đứng giữa một quả chuông khổng lồ. Quả chuông ấy bao chụp lấy mọi người trong thứ ánh chớp sáng kỳ ảo và trong thứ âm thanh vang động vừa du dương đại ngàn vừa trong trẻo tinh tế mà không một nhạc trưởng nào, không một khán phòng nào có thể mang lại. Salzburg lúc này đúng là một sân khấu ngoài trời vĩ đại nhất mà tôi từng biết.
DN581_DDDT311014_Salzburg-3
Một nhà thờ cổ xưa uy nghiêm
Từ pháo đài Hohensalzburg có thể thấy tu viện Nonnberg – giáo đường cổ nhất thế giới dành cho các nữ tu, cũng là bối cảnh quay The sound of music. Chúng tôi cứ gắng căng mắt nhìn xem đâu là nơi Mẹ bề trên và các sơ giúp gia đình Maria trốn trong tu viện khi bị Đức quốc xã vây lùng. Cảnh vợ chồng Maria cùng đàn con trốn thoát thành công trong đêm tối để tiến lên vùng núi Alps (phía Thụy Sĩ) đón ánh bình minh ngày mới chính là giai điệu hạnh phúc đẹp nhất mà người ta muốn được nghe và được thấy. Ở Salzburg chỉ một ngày ngắn ngủi nhưng nhiều người đã thấy giai điệu hạnh phúc ấy giữa đời thực.

Xuống lòng đất xem pháo hoa

Trên cung đường tuyệt đẹp từ Salzburg tới Berchtesgaden vào những ngày thu lá vàng, lá đỏ đã phủ lớp áo rực rỡ khắp các triền đồi, rừng thông, đồng cỏ và dệt thảm trên mái nhà nhỏ xinh chênh vênh sườn núi, chúng tôi đến với mỏ muối Berchtesgaden hơn 500 tuổi.
Người châu Âu giỏi ở chỗ không bỏ phí bất cứ thứ gì, một tòa nhà cổ xưa đổ nát, một hầm than hay mỏ muối khai thác đã hàng trăm năm trước đây không hề bị bỏ quên hay vùi lấp. Tất cả được giữ lại, phục chế, thiết kế trở thành một bảo tàng và luôn là bài học sống động để con người hôm nay theo hành trình ngược thời gian tìm lại những giá trị đơn giản nhất, nhưng thiết yếu nhất của sự sống.
DN581_DDDT311014_Salzburg-2
Những ngôi nhà cổ bình yên trong nắng sớm
Ấy là bài học về muối ở Berchtesgaden. Nổi trên mặt đất là ngôi nhà nhỏ rất giản dị. Chỉ đến khi người ta yêu cầu du khách mặc thêm trang phục của thợ mỏ muối ngày xưa để giữấm, nhiều người mới bắt đầu thấy hồi hộp. Xe lửa chạy theo một trục ray hút sâu xuống lòng đất. Đường hầm hẹp dần, càng xuống sâu càng lạnh và ẩm ướt. Khi có người bắt đầu thắc mắc bao giờ được trở ra với ánh nắng trên kia thì một khán phòng có sức chứa hàng trăm người, bốn bề tường đá rắn chắc hiện ra. Ở đây có cả phòng cầu nguyện dành cho thợ mỏ phải làm việc theo chu kỳ ít nhất một tháng dưới lòng đất. Theo máng trượt dốc 45 độ, du khách tiến đến những điểm dừng chân kế tiếp để thử cảm giác di chuyển hằng ngày của cánh thợ mỏ. Ai yếu tim được khuyến cáo dùng thang bộ. Một thế giới dưới lòng đất khá bề thế, phòng nào cũng ngăn cách bằng cửa gỗ lớn, mỗi phòng là một câu chuyện thú vị về muối thông qua lối kể trực quan sinh động bằng hệ thống tia lazer quét thẳng lên tường đá mô tả quá trình khai thác muối hàng trăm năm trước. Mỗi ngày thợ muối dùng tay đục sâu vào vách được khoảng 2cm, thời gian sau hiện đại hơn, có máy móc hỗ trợ thì đào được từ 8 – 12cm.
DN581_DDDT311014_Salzburg-5
Khu vườn xinh đẹp ở cung điện Hellbrunn
Căn phòng số 4 là một rạp phim ngay dưới lòng đất. Chúng tôi ngồi quanh khối hộp thủy tinh 3D mô phỏng cấu trúc tinh thể muối để cùng xem một bộ phim về quá trình phân tách, lọc muối từ những tảng chất rắn trong lòng đất. Mùi vị muối mặn phảng phất trên đầu, dưới chân. Phòng trưng bày “đá quý” chính là cách người dựng bảo tàng muối này muốn cho khách tham quan thấy tận mắt muối cũng chính là một loại đá quý: Những khối tinh thể muối nguyên chất được bày trong tủ kính lấp lánh như kim cương đủ hình dạng, màu sắc với các mặt cắt đa dạng. Tưởng rằng mỏ muối dừng lại ở đây, nào ngờ lại một cánh cửa nữa mở ra, trước mắt cả đoàn là hang động có mái vòm khá cao và chân tôi đang bước trên tấm gương khổng lồ. Người ta mời khách lên thuyền, đèn phụt tắt, mọi người nhận ra mình đang di chuyển trên một hồ nước muối lớn nằm ngay trong lòng đất. Giờ thì du khách đã hiểu tại sao có thể tìm thấy muối ở dưới lòng đất: Bởi vì qua sự biến đổi địa chất, một vùng biển bị chìm sâu dưới đất tạo thành mỏ muối ở Berchtesgaden.
DN581_DDDT311014_Salzburg-6
Cung đường đồng quê nên thơ
Bỗng nhạc giao hưởng của Beethoven nổi lên, chùm tia lazer nhảy nhót trên mái vòm và hai bên vách phản chiếu tinh thể muối kết thành nhiều kiểu hoa văn chuyển động như màn pháo hoa bung tỏa ra từ lòng đất. Đối với tôi, đó không phải là màn pháo hoa tạm biệt bắn ra từ ngàn vạn tinh thể muối được chiếu sáng đơn thuần. Đó là hoa văn của bàn tay thợ mỏ, là hoa của sự sống, và là niềm hân hoan ngắm nhìn vẻ đẹp lao động của con người tỏa sáng.
Chợt hiểu rằng người ta có thể sống thiếu kim cương chứ không thể thiếu muối, và mình thực sự may mắn khi được đặt chân đến mỏ muối này.
  • Đoàn Thanh Trà

Không có nhận xét nào: