Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Cappuccino, cornetto và những phút giây bình dị

logo Đối với tôi, d'Antoni là một thế giới đậm chất Italia, cái thế giới mà tôi thuộc về kể cả khi tôi không mang quốc tịch Ý.
Một quán bar cà phê chỉ rộng chừng 30m2, với một quầy bar lúc nào cũng đông người đứng uống, một tủ kính dài ngập những bánh ngọt thơm phức mà bà chủ già sáng nào cũng bưng ra trên khay, một anh chàng đứng thu tiền là con bà chủ lúc nào cũng tươi cười và một không khí lúc nào cũng huyên náo, với tiếng "Ciao" râm ran, tiếng người nói chuyện lao xao, và mùi cà phê thơm ngậy.
 
Cappuccino-cornetto
Mỗi tuần dăm lần, luôn là một góc nhỏ của d'Antoni, thưởng thức sự tự do, bình thản và vui sống của chính mình, và hưởng thụ một cách thích thú một phần cuộc sống Italia trong không gian chẳng lấy gì làm lớn ấy. Một tách cappuccino, một chiếc cornetto (bánh sừng bò) nhân chocolate và chừng nửa tiếng đắm chìm trong thế giới ấy. Một ngày không cappuccino hay espresso tự dưng thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Thiếu ở đây không phải là cà phê, mà là một không gian đúng kiểu Ý. Tôi đã ở đây đủ lâu để hiểu được cách sống ấy, và tự dưng thấy mình bị nhiễm thói quen la cà và cappuccino ở những không gian như thế lúc nào không biết nữa.

Cuộc sống ngọt ngào theo định nghĩa của tôi đôi khi chỉ đơn giản như thế. Ta ngồi đó, trong một góc quán, quan sát nụ cười của anh chàng đứng bar, cái liếc mắt của một nhân viên trẻ xinh đẹp dù có vẻ hơi béo đang rắc bột chocolate thành hình trái tim trên lớp bọt cappuccino, những động tác nhanh gọn và dứt khoát của người pha cà phê, khâu đầu tiên và cực kì quan trọng trong cái dây chuyền trông có vẻ lặp đi lặp lại hàng ngày nhưng với ta lại đầy cảm xúc, và cái tủ kính trưng bày cơ man là bánh ngọt mà bà chủ quán luôn hãnh diện đấy là một phần của nước Ý trên khía cạnh ẩm thực. Bà có lí. Có cả trăm loại bánh ngọt khác nhau trong tủ kính, và ngồi tỉ mẩn ăn mỗi hôm một loại, rồi so sánh cái vị và hương thơm của chúng với những thứ bánh ngọt khác tôi đã từng ăn ở Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Áo, mới hiểu rằng, tại sao người Ý có thể tự hào về ẩm thực như là một nét văn hóa rất đặc trưng đến vậy.
D'Antoni nổi tiếng trước tiên ở khu Centocelle sát ngoại ô Roma này nhờ bánh ngọt, nhưng bây giờ, cà phê cũng làm cho quán trở thành một điểm hẹn lí tưởng của những cư dân khu phố, những phụ huynh đưa đón trẻ con đi học ở ngôi trường phía trước quán ghé qua đôi khi chỉ 15 phút, "buôn" dăm ba câu chuyện từ bóng đá, chính trị, Berlusconi, đến chuyện chồng con hay bồ bịch, và cả những người thích mở đầu một ngày theo cách nhẹ nhàng và giản dị như tôi.
Cappuccino-cornetto
D'Antoni, đến nay đã mở cửa được tròn 40 năm, chỉ là một trong số hàng vạn quán bar cà phê lớn nhỏ hàng ngày phục vụ không biết bao nhiêu lượt người trong một thành phố mà ai cũng kêu bận rộn trong cuộc mưu sinh bươn trải, nhưng dường như chẳng bao giờ tiếc từ 15 phút cho đến cả tiếng đắm chìm trong những không gian, thường là nhỏ bé, của những quán ấy. Một nhà xã hội học người Italia đã từng bảo rằng, bar cà phê là biểu tượng của một cuộc sống bình đẳng kiểu Ý: không phân biệt giai cấp, giàu hay nghèo, tất cả đều có thể vào một quán bar, gọi một tách cappuccino hay espresso, với giá chỉ 1 hoặc hơn 1 euro một chút (vào trung tâm thì đắt hơn, và đắt hơn nữa nếu bạn không đứng bar, mà ngồi bàn và đợi phục vụ bưng những cái tách nóng hổi đang bốc khói đến). Các chính trị gia ngồi tán gẫu trong các bar ở phía trước Palazzo Chigi (dinh Thủ tướng); đám cổ động viên bóng đá không đến sân và nhà không có kênh truyền hình thuê bao trả tiền tụ tập trước những màn hình lớn, vừa nhấp cà phê hoặc nốc bia và gào tướng lên những câu vui vẻ hoặc tục tĩu; các du khách tìm một chỗ nghỉ chân hoặc đơn giản là vào một quán bar để đi toilet rồi ngồi nhâm nhi cà phê ở một góc, ngắm Roma lặng lờ trôi qua cửa kính. Người ta gặp nhau, yêu nhau, tỏ tình với nhau, đôi khi cãi nhau, bày tỏ thiên kiến chính trị hoặc có thể ngồi một mình để thưởng thức nỗi cô đơn trong những quán cà phê như thế.

Mà cái thế giới bar cà phê ấy chẳng thiếu thứ gì. Có cà phê, dĩ nhiên rồi, có cả máy chơi xèng, có bán cả báo lẫn xổ số, có nơi còn có cả dịch vụ thu tiền điện hay tiền phạt vi cảnh, có cả những chỗ để thể hiện tình yêu với bóng đá, như quán bar của một ông già Napoli gần nơi tôi sống. Đấy là một thế giới về Napoli và Maradona những năm trên đỉnh vinh quang. Bây giờ, quán đã chuyển chủ. Ông già người Napoli và cô con gái đứng thu tiền ở quầy bar đi đâu không rõ, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhơ nhớ cái vị cà phê thơm trong miệng rõ lâu của quán, nhớ những bức ảnh Napoli thời quá khứ nay đã bị chủ mới bóc đi, nhớ những câu chuyện mà ông kể về thời hoàng kim của Maradona. Những ông chủ mê bóng đá như thế ở Ý nhiều lắm. Những bức tường trong quán trở thành nơi trưng bày "tôn giáo" bóng đá của họ và tự nhiên, bar cà phê của họ đã không chỉ là nơi những người thích buôn chuyện đến hẹn hò hay ăn sáng, ăn trưa bằng dăm ba chiếc bánh ngọt hay pizza mà còn là nơi những người cùng xuất xứ hoặc cùng yêu một đội bóng tụ tập.
Một bar kiểu đó ở khu Testaccio là nơi điển hình cho tình yêu bóng đá. Đội bóng số 1 của thủ đô nước Ý, A.S. Roma, xuất hiện ở mọi ngóc ngách của quán. Những bức tường treo đầy ảnh các ngôi sao, những chiếc áo đấu, những bài báo ca ngợi các chiến công lịch sử. Tại nơi nổi tiếng về tình yêu bóng đá và cũng là nơi đội Roma đã sinh ra này, cà phê không có gì đặc biệt. Nhưng thực ra, uống cà phê ở đây chỉ là chuyện rất phụ. Chuyện chính là Roma bây giờ đá ra sao, thắng hay thua, ngôi sao nào tỏa sáng, cầu thủ nào "ăn hại" đáng bị tống ra đường, huấn luyện viên trận vừa rồi có vài quyết định sai lầm ra sao... Họ chẳng bao giờ chán những chủ đề như thế, 7/7 ngày trong tuần và 365 ngày trong năm.
Cappuccino-cornetto
Với người Ý, bar cà phê không đơn thuần là nơi họ tụ tập chỉ để ăn sáng hay ăn trưa. Trước kia, khi "café-chantant" (cà phê phòng trà), một trào lưu nhập khẩu từ Pháp vào cuối thế kỉ 19 tràn vào Roma, thì cà phê chỉ dành cho người giàu. Ở đấy, người ta ngồi nhấm nháp cà phê hoặc ăn tối cùng với gia đình, bạn bè và xem các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Bây giờ, loại hình quý tộc và sang trọng ấy không còn tồn tại, nhưng chất nghệ thuật của café-chantant chưa hề mất đi, mà đã hóa thân vào loại hình tạp kĩ của Ý trên truyền hình. Người Italia nghiện tạp kĩ trên ti vi chẳng kém gì nghiện cà phê, và họ nghiện cà phê bởi vì thực ra các bar cà phê đem đến cho họ một không gian để họ thể hiện chất Ý nhiều nhất: họ không thể sống mà không "buôn chuyện" - họ "buôn" đủ thứ với âm điệu trầm bổng lúc như hát, lúc lại như cãi nhau, và nói chưa đủ, họ còn vung tay, làm đủ điệu bộ. Bar cà phê trở thành nơi mà họ thể hiện mình một cách không che giấu.
Hình như với người Ý, trước khi Facebook hay Twitter tồn tại và lan tràn rộng rãi, thì các quán cà phê đã đóng vai trò của một mạng xã hội thực ăn sâu bén rễ trong lòng họ, đến mức, ngay cả khi hai mạng xã hội ấy ngày càng được nhiều người Italia sử dụng, thì các bar cà phê vẫn tồn tại như một thực thể không thể tách rời khỏi cuộc sống của thị dân.
Triết lí “mạng xã hội” của người Ý không phải là màn hình, bàn phím, mà là xương, thịt và caffeine, với cốc cappuccino, espresso, macchiato, và những câu chuyện mà họ nói với nhau hàng ngày. Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, mỗi năm, người Italia tiêu trung bình 1.200 euro cho việc ăn uống nhẹ trong các bar cà phê, nhiều hơn 32% so với người Pháp và 53% so với người Đức. Nghiên cứu này làm ngạc nhiên không ít người. Bởi khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Italia còn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tỉ lệ người thất nghiệp, đặc biệt là ở thanh niên độ tuổi đi làm, vẫn ở mức cao, buộc người ta phải thắt lưng buộc bụng trong các chi tiêu cá nhân, thì người Ý vẫn không hề mất đi thói quen sử dụng các quán bar cà phê như một nơi tụ tập với bạn bè và người thân. Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu tác động đến chính các quán bar cà phê ở Italia, khiến giá của mỗi tách cà phê tăng lên vài chục xu, thì báo chí ghi nhận những phản ứng tức giận từ không ít người vẫn hàng ngày coi nơi đây là điểm hẹn hò hoặc ăn sáng. Họ tức giận bởi một lẽ đơn giản, thứ đồ uống thông dụng nhất và cũng là rẻ nhất trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người Ý đang bị "xâm phạm". Họ sợ cái cảm giác khủng hoảng làm hỏng một thú vui hiếm hoi còn lại của cuộc sống đầy áp lực.
Cappuccino-cornetto
Nhưng có lẽ họ cũng sẽ sững sờ trước những thông tin mà báo chí đưa ra cho biết, người Hoa đã nhảy vào thâu tóm rất nhiều quán bar và sự xuất hiện của họ cho thấy bất chấp khủng hoảng, kinh doanh bar cà phê vẫn hốt bạc, vì vào bất cứ giờ nào, những quán ấy không bao giờ vắng khách. Tôi có hồi vẫn hay uống cappuccino ở một quán gần nhà một người bạn. Cô chủ to béo người Hoa lúc nào cũng cười, và cậu bưng bê gầy còm có nụ cười rất hiền lành không bao giờ ngần ngại bưng cho khách quen ở bên kia đường nếu như được gọi. Cô chủ vẫn giữ nguyên cách bài trí quán bar như người chủ Ý trước đây, thậm chí còn làm việc chăm chỉ và cởi mở hơn ông già khó tính ấy, nhưng cà phê bây giờ tôi không thấy ngon nữa. Cô chủ cũng biết vậy, và bảo rằng mình sẽ cố gắng hơn. Nhưng những người chủ mới đến từ một nền văn hóa khác, một ngôn ngữ khác, và nếu cà phê ở đó không như trước nữa thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Họ không xuất thân từ nơi này, không thuộc về nền văn hóa ở đây và có lẽ không hiểu gì nhiều về văn hóa bản địa. Một quán cà phê Ý luôn là một không gian Ý, không phải chỉ đơn thuần nói đến những tách cà phê, về vị ngọt hay nhạt, pha nhiều hay ít sữa.

Có ai đó, khi cứ so sánh cà phê ở đây đậm hay nhạt hơn cà phê ở nhà, hay so kè giữa cà phê nước này với cà phê nước kia ngon hay dở, có hiểu được điều này?
Cappuccino-cornetto
Cappuccino-cornetto
Cappuccino-cornetto 

Nhà báo/BLV Trương Anh Ngọc, tác giả các cuốn ký sự được yêu thích “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”, "Phút 90++"..., gửi tặng độc giả Tạp chí Đẹp series "Những bức thư từ Italia". Đây không chỉ là những ghi chép, cảm nhận của anh về đất nước và con người Italia, nơi anh đang làm việc, mà còn về tất cả những nơi anh sẽ ghé chân trong suốt nhiệm kỳ 3 năm sắp tới.

Bài & ảnh: Trương Anh Ngọc

Không có nhận xét nào: