Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Ghé thăm những bảo tàng “dị” nhất thế giới

Đối với một số người nói tới bảo tàng là gợi lên hình ảnh một phòng trưng bày những đồ vật có giá trị lịch sử với bầu không khí có phần trang nghiêm. Thế nhưng, trên thế giới lại có những bảo tàng “phá vỡ” các quy tắc trên khi sở hữu những hiện vật có phần tầm thường như bệ xí, các tác phẩm nghệ thuật bị vứt sọt rác hay một bảo tàng toàn… gián.

Bảo tàng “minh chứng” cho tình yêu đôi lứa một thời
 
 
Từ năm 2006, Olinka Vištica và Dražen Grubišic đã cùng nhau thành lập nên viện bảo tàng giới thiệu các sản phẩm, đồ vật còn sót lại của những mối quan hệ đã bị đổ vỡ tại Croatia. Dražen Grubišic cho biết: “Viện bảo tàng này là bộ sưu tập các quà tặng của những cặp đôi đã chia tay. Mỗi một thứ đồ ở đây đều có một câu chuyện tình đi kèm”. Một số gây cười, có chuyện lại mang tới sự châm biếm hay có khi lại chỉ mang tới sự đau lòng. Ý tưởng “ra đời” viện bảo tàng này là do 2 người đồng sáng lập Vištica và Grubišic (từng là người yêu một thời) không thể quyết định ai sẽ sở hữu chú thỏ đồ chơi sau khi họ chia tay. Vì vậy họ đã nảy ra ý tưởng tạo một dự án nghệ thuật có thể lưu giữ những thứ đồ khó phân chia như chú thỏ trên, đồng thời tạo ra một lối thoát cho nỗi đau của sự chia tay. Lúc đầu, họ nhận được những đồ quyên góp từ gia đình, bạn bè và phải đi khắp nơi thực hiện triển lãm. Đến năm 2010 khi ý tưởng của họ được lan truyền nhiều trong cộng đồng, họ đã dựng lên một viện bảo tàng cố định tại Zagreb. Hiện mỗi năm có khoảng hơn 40.000 du khách ghé thăm viện bảo tàng độc đáo này. Năm 2011, bảo tàng còn giành được danh hiệu “sáng tạo nhất” tại Giải thưởng Bảo tàng châu Âu.
 
Bảo tàng trưng bày những tác phẩm “thất bại”
 
 
Bảo tàng của những tác phẩm “xấu” được nhà buôn đồ cổ Scott Wilson thành lập vào năm 1994 với mục đích giống như tên gọi - trưng bày những sản phẩm nghệ thuật bị đánh giá thấp. Khẩu hiệu của viện bảo tàng này là “Nghệ thuật xấu đến nỗi không thể bị phớt lờ”.  Ý tưởng thành lập viện bảo tàng được nảy ra khi Wilson nhìn thấy bức họa vẽ người phụ nữ nhảy múa ở cánh đồng bị vứt một cách lạc lõng giữa 2 thùng rác. Hiện, viện bảo tàng này không chỉ có website riêng mà còn thu thập được 600 mẫu vật bày ở 3 địa điểm cố định tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ (song do không gian có hạn nên chỉ có 50-70 tác phẩm được trưng bày mỗi lần). Hầu hết các tác phẩm tại đây đều được tặng hoặc tìm thấy ở bãi rác. Các nhà phê bình cho rằng bảo tàng này là sự nhạo báng nghệ thuật. Tuy nhiên, chủ nhân của bảo tàng lại không đồng tình. Ông Wilson cho rằng sự thất bại cũng là một bước quan trọng trong quá trình sáng tác nghệ thuật.
 
Bảo tàng “nhà vệ sinh”
 
 
Bảo tàng quốc tế “nhà vệ sinh” Sulabh tại Ấn Độ được thành lập bởi một tổ chức phi chính phủ cung cấp các thông tin về lịch sử, sự tiến hóa của nhà vệ sinh từ năm 2500 trước công nguyên tới nay. Những công nghệ, tập quán xã hội liên quan đến “mao xí”, tập tục và bộ sưu tập quý hiếm các bài thơ hay về nhà vệ sinh cũng sẽ được giới thiệu trong bảng tàng này. Chẳng hạn như nhà vệ sinh đầu tiên được phát minh bởi nhà thơ John Harrington – dưới triều của Nữ hoàng Elizabeth I (năm 1596 sau công nguyên). Bên cạnh đó, còn có thông tin nhà vệ sinh từng được phát triển ở Chicago, Mỹ trong đó có chức năng kích thích phần mông để khắc phục tình trạng táo bón. Dù bảo tàng có phần kỳ quặc này có thể ghé thăm bất cứ lúc nào nhưng thời điểm tốt nhất để đặt chân tới đây khoảng giữa tháng 10 đến tháng 3 khi thời tiết dễ chịu với nhiệt độ ban ngày khoảng 20-28 độ C.
 
Bảo tàng rạp xiếc quốc tế
 
 
Bảo tàng rạp xiếc quốc tế nằm tại Baraboo, Wissconsin, Hoa Kỳ vì nơi đây là quê hương của rạp xiếc Ringling Brothers – một trong những rạp xiếc lâu đời và sống sót sau thời hưng thịnh của xiếc. Bảo tàng này được mở cửa từ ngày 1/7/1959 và trưng bày nhiều toa xe xiếc - chứng tích lịch sử một thời của các đoàn xiếc. Đồng thời sở hữu bộ sưu tập lớn về các vật dụng, công cụ, trang phục hỗ trợ trong việc biểu diễn, những tờ áp phích quảng cáo, bức hình các tiết mục xiếc từ khắp nơi trên đất nước Mỹ. Tới đây, các du khách sẽ được nghe kể về các câu chuyện trong ngành giải trí này cũng như tác động của xiếc tới nền văn hóa Hoa Kỳ.
 
Bảo tàng “gián”
 
 
Gián là một trong những loài côn trùng không được mấy ai yêu thích ngay từ buổi sơ khai đến ngày nay. Ở trong nhiều hộ gia đình thì chai thuốc xịt gián là vật dụng không thể thiếu trong nhà bếp. Thế nhưng tại, thành phố Plano, Texas có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới có hẳn một bảo tàng dành riêng dành cho loài “hôi hám” này. Một điểm đặc biệt nữa là nó được thành lập bởi một chuyên gia diệt bọ, côn trùng – Michael Bohdan.
 
 
Với nhiều kinh nghiệm đối phó với các con bọ, một ngày Bohdan nghĩ rằng đã đến lúc phải làm điều gì đó để người dân loại bỏ hận thù với côn trùng. Ông đã hoàn thành nguyện vọng của mình khi cho ra đời bảo tàng – nơi mọi người có thể nhìn những con gián qua góc nhìn nghệ thuật. Và viện bảo tàng không chỉ mang tới không gian giải trí cho người dân tại thành phố mà còn hấp dẫn hàng ngàn du khách nơi khác tới và thậm chí thu hút cả truyền hình lẫn các nhà sản xuất phim. Bảo tàng này gồm bộ sưu tập “trang trí” cho 25 chú gián (tất nhiên là đã không còn sống) trong những bộ trang phục để trở thành những phiên bản khác của những người nổi tiếng, nhân vật lịch sử. Du khách đến với bảo tàng có thể thưởng thức các tác phẩm kinh điển như Marilyn Monroach, David Letteroach, Ross Peroach…Ngay cả những người sợ côn trùng cũng thấy rằng viện bảo tàng này rất thú vị và đánh giá cao công sức của chủ nhân bảo tàng khi đã tỉ mẩn thiết kế những chi tiết nhỏ nhất cho các bộ trang phục.
 

 
 

Không có nhận xét nào: