Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Nước mắt thinh không ở Berlin

Chiều đông Berlin, bước chân lãng du đưa tôi đến một nơi không có trong lịch trình. Một chốn hiện hữu, nhưng trống rỗng và hư vô, bởi nó tưởng niệm những con người bị tước đoạt tất cả. Tinh thần “hư không” đó được điêu khắc gia Dani Karavan chuyển tải bằng chất liệu tương ứng: vô ngôn, vô danh, vô kim, vô thạch.
Người Roma trong trại tập trung Buchelwald. Ảnh: TL
Vốn nổi tiếng là nghệ sĩ khéo tận dụng những yếu tố thiên nhiên như mây, gió, cát, sóng… nhằm tối ưu hoá hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm, Dani Karavan đã dựng nên một quần thể tối giản mà xứng tầm kiệt tác. Chỉ có hồ nước tròn tượng trưng cho nước mắt, và từng dòng khách viếng bước chầm chậm xung quanh. Khách đến đây chắc cũng không ít kẻ như tôi – chưa hề biết nơi đây tồn tại một đài tưởng niệm như thế.
Các gia đình người di-gan bị trục xuất sang Ba Lan, 22.5.1940. Ảnh: TL
Đó là Đài tưởng niệm người Sinti và Roma (tên gọi của hai bộ lạc du mục lớn nhất châu Âu) bị Đức Quốc xã sát hại trong giai đoạn 1933 – 1945. Cách không xa cổng Brandenburg (nơi đội tuyển bóng đá Đức ăn mừng chiến thắng sau khi giành chức vô địch World Cup 2014) và toà nhà Quốc hội Đức, nhưng đài tưởng niệm này cho tôi cảm giác đặt chân vào một thế giới khác. Trầm mặc, trang nghiêm giữa những hàng cây, và thinh lặng như thể cách xa đô thị sầm uất hàng trăm cây số.
Nạn nhân nhỏ tuổi Settela Steinbach (1934 – 1944) trên đường bị giải từ Westerbork đến Auschwitz. Ảnh: TL
Trên bức tường bao quanh khu tưởng niệm là những dòng lược sử cuộc diệt chủng người Sinti và Roma bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Những dòng chữ, con số bình thản, lạnh lùng mà khi đọc nó tôi có cảm giác người viết, người dịch phải nén nỗi xót thương, uất hận đến tận đáy lòng. Tuy nhiên, cảm xúc con người vẫn chuyển tải vẹn nguyên trong từng con chữ, và nhân lên trong hàng ngàn, hàng triệu khách tham quan khi họ lặng lẽ, chăm chú đọc biên niên sử bi thương ấy.
Trung tâm của khu tưởng niệm là một cái hồ tròn, sóng sánh nước đen. Dòng người đến thăm đi quanh hồ, in ngược bóng mình xuống cái hố sâu, tràn trề nước – nước mắt. Bầu trời trùm lên bóng nhân gian trong bức tranh đáy nước. Giữa hồ là một phiến đá hình tam giác, đều đặn mỗi này nổi lên, chìm xuống. Trên phiến đá đặt một bông hoa tươi được thay mới hàng ngày, để chúng ta mỗi ngày đều thêm một lần ghi nhớ, liên tục, đời đời. Mặt nước luôn bao phủ bầu trời, dẫu là bầu trời xanh biếc, xám xịt hay đen kịt, bầu trời đầy mây, ngập tràn ánh sáng hay chìm trong đêm đen, thì mặt nước gợn sóng kia cũng nuốt chửng nó. Chỉ còn sót lại tiếng vĩ cầm đơn độc tấu lên giai điệu giết chóc, bình thản trong đau đớn.
Quanh thành hồ khắc bài thơ của thi sĩ Ý Santino Spinelli:
Chìm sâu trong khuôn mặt
những đôi mắt đã bị dập tắt ánh sáng
đôi môi lạnh giá
im lặng
một trái tim rách nát
không hơi thở
không lời nói
không nước mắt. 
Phát biểu trong lễ khánh thành đài tưởng niệm này (ngày 24.10.2012), Thủ tướng Đức Angela Merkel xúc động: “Mỗi một số phận trong cuộc thảm sát này đã phải chịu nỗi thống khổ vượt khỏi giới hạn hiểu biết của con người. Mỗi một số phận đều khiến tôi đau buồn và xấu hổ. Điều quan trọng là phải nhớ rằng những hành động tàn bạo đó không được tái diễn. Đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của mỗi một cá nhân chúng ta. Bởi vì chính trong sự thờ ơ, trong lối sống “không phải chuyện của tôi”, mầm mống của sự khinh miệt những giá trị con người bắt đầu phát triển”.
Nghi thức đặt hoa tưởng niệm trên tượng đài của  sắc tộc Di gan. Ánh: TL
Khi ngoái lại nhìn đài tưởng niệm đang dần khuất sau hàng cây, tôi thấy lá cờ Liên minh châu Âu tung bay trên nền trời đông xám xịt. Tiếng vĩ cầm vẫn tấu khúc bi ai...
Trại Di-gan ở Litzmannstadt , năm 1942
Lược sử cuộc thảm sát
Dưới sự cai trị của Đức Quốc xã, hàng trăm ngàn người ở Đức và các nước châu Âu khác bị ngược đãi vì là “gypsy” (di-gan, dân du mục). Mục tiêu của Đức Quốc xã là huỷ diệt hoàn toàn nhóm thiểu số này: đàn ông, đàn bà và trẻ em bị bắt giữ và đưa đi, bị giết ngay tại chỗ hay trong trại tập trung và lò hành hình.
1933: Người Sinti và Roma đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc khốc liệt hơn: tước đoạt quyền lợi, loại trừ ra khỏi xã hội. Họ bắt đầu bị dồn vào trại tập trung, bị ép triệt sản.
1935: Trại tập trung mọc lên thêm ở nhiều thành phố của Đức, nhằm thu gom người di-gan, hạn chế tự do của họ, bắt họ đăng ký, cô lập và biến họ thành nguồn lao động cưỡng bức. Hai tuần trước lễ khai mạc Thế vận hội 1936 do Berlin đăng cai, hàng trăm người bị bắt vào trại ở Marzahn, Berlin.
1936: Theo luật Nuremburg về chủng tộc và quyền công dân (1935), người di-gan, ngoài những cấm đoán khác, còn bị cấm kết hôn và hoạt động trong nhiều ngành nghề.
1938: Hơn 2.000 người Sinti và Roma ở Đức và Áo, gồm cả trẻ em từ 12 tuổi trở lên, bị bắt đưa đi Dachau, Buchenwald, Sachsenhausen, Ravensbrück, Mauthausen và những trại tập trung khác. Văn phòng Nghiên cứu vì chủng tộc thuần khiết đã chuẩn bị 24.000 “ý kiến chuyên gia về sắc tộc”, làm cơ sở để đẩy nạn nhân từ trại tập trung sang lò hành hình.
1939: Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, Văn phòng An ninh Quốc gia – bộ óc kiến tạo cuộc diệt chủng – lên kế hoạch trục xuất tất cả những ai đăng ký là “gypsy” (di-gan). Để chuẩn bị, chúng ra lệnh các đối tượng không được rời khỏi nơi cư trú trước khi có thông báo mới.
1940: Cuộc trục xuất bắt đầu. Người di-gan bị đưa từ Đức sang Ba Lan, lúc này cũng bị Đức chiếm đóng. Trong trại tập trung, người Sinti và Roma bị buộc lao động khổ sai. Ở nhiều nơi, họ bị buộc phải mang giấy nhận diện hoặc đeo dải băng với chữ cái Z (Zigeuner, tiếng Đức nghĩa là di-gan).
1941: Cuộc thảm sát có hệ thống bắt đầu ở những vùng đất thuộc Liên Xô cũ bị Đức chiếm đóng và những vùng lãnh thổ ở Đông Nam châu Âu. Một đơn vị đao phủ lưu động tường trình từ Crimea: “Vấn đề di-gan đã được giải quyết”. Khoảng 5.000 người Roma và Sinti bị đưa từ vùng Burgenland (Áo) đến trại tập trung Litzmannstadt (Ba Lan). 600 trong số họ đã chết ở trại tập trung này. Những người sống sót bị đầu độc bằng hơi cay ở Chelmo vào tháng 1.1942.
1942: Sau cuộc họp với Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels về việc chuyển tù nhân từ hệ thống tư pháp đến SS, Bộ trưởng Tư pháp Otto Thierack ghi chú: “Người Do Thái và di-gan phải bị tận diệt. Tận diệt là ý tưởng tốt nhất”.
1943: 23.000 người Sinti và Roma ở khắp châu Âu bị trục xuất vào tháng 2. Đích đến là trung tâm giết chóc Auschwitz-Birkenau mà SS gọi là “trại di-gan”. Chỉ trong vài tháng, đa số nạn nhân đã chết vì đói, bệnh tật và bạo lực. Vô số trẻ em trở thành nạn nhân cho những cuộc thí nghiệm của bác sĩ trại SS Josef Mengele.
1944: Ngày 16.5, nhiều người trong số 6.000 tù nhân còn sống sót của “trại di-gan” ở Auschwitz-Birkenau đấu tranh chống lại cuộc thảm sát đang đến gần. Một nửa số đó bị bắt tới những trại tập trung khác để lao động khổ sai. 2.897 người còn lại – phần lớn là trẻ em, phụ nữ, người già, bị giết bằng hơi độc trong đêm 2 rạng 3.8.
1945: Cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ hai, có khoảng 500.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em bị dán nhãn “di-gan” đã trở thành nạn nhân của cuộc diệt chủng dưới tay Đức Quốc xã. Con số chính xác thì không thể thống kê được.
Từ năm 2005, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 27.1, ngày giải phóng Auschwitz-Birkenau (27.1.1945) hàng năm làm ngày tưởng niệm nạn nhân của nạn diệt chủng, bao gồm 6 triệu người Do Thái, 1 triệu người di-gan, 250.000 người khuyết tật, và 9.000 người đồng tính đã bị phát xít Đức tàn sát. 
Thi Diên

Không có nhận xét nào: