Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Thổ Nhĩ Kỳ du ký

Á sang Âu chỉ cách một cái cầu

(iHay) 'Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô', câu nói đó của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte bây giờ không chỉ được người Istanbul mà cả Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đến như slogan của ngành du lịch.


  Xe ngựa, phương tiện đi lại chủ yếu trên đảo Hoàng tử - Ảnh: N.T.T
Đó là cách nói của Napoleon Bonaparte, còn dựa trên các tiêu chí đề ra, lần lượt qua các năm, Istanbul nhận được các danh hiệu: Thủ đô văn hóa thế giới, Thành phố toàn cầu, Đứng đầu danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới...
Chuyến bay của Turkish Airlines khởi hành từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 20 giờ 25, đúng 10 tiếng sau đã đến Istanbul. Theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) lúc đó vừa rạng sáng nhưng chẳng ai thấy mệt mỏi, trái lại, háo hức muốn đi đến các điểm tham quan ngay dù ở đây bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng.
Không háo hức sao được khi Istanbul là thành phố lớn nhất của TNK, và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với 13,5 triệu dân. Hơn thế, Istanbul nguyên là kinh đô thứ hai của đế quốc La Mã - Hy Lạp, có một nền văn hóa cổ xưa thâm hậu. Ngày nay, thành phố này vẫn là nơi giàu có thịnh vượng về kinh tế - thương mại, theo thời gian càng có nhiều danh hiệu được gắn thêm.
Istanbul nằm về phía đông bắc TNK, trên trục giao thương hàng hải bận rộn nhất ở giữa biển Marmara và biển Đen, nối liền hai lục địa Âu và Tiểu Á (Asia Minor). Vì vậy, đến Istanbul, chúng ta có thể ngủ khách sạn ở châu Âu và chỉ qua một cái cầu là có thể đến khu mua sắm ở châu Á.
Từ sân bay về thành phố, đi qua một chiếc cầu có rất nhiều người đứng câu cá trong ánh bình minh. Ở đây, người ta cho xe dừng lại trên cầu một thời gian nhất định để du khách có thể thuê cần câu và câu cá. Tất nhiên là để chụp ảnh nhiều hơn để… câu. Cầu Galata chỉ dài chừng 500m, không có gì đặc sắc về kiến trúc nhưng tràn đầy cảm xúc, người ta nói rằng các nghệ sĩ mê mải sáng tác về cầu Galata bởi cảm hứng mà Galata tạo ra không bao giờ cạn.
  Du khách trên đảo Hoàng tử
Qua cầu, tức là từ Á sang Âu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa nhà mái vòm kinh điển nguy nga; nhìn trên sông và bờ biển, du thuyền đậu san sát; ngoài xa, tàu trọng tải lớn đi lại như con thoi. Chúng tôi phải chờ xếp hàng để vào điểm tham quan đầu tiên vì đã có rất nhiều người đến trước. Quảng trường Hippodrome-Egyptian Obelisk được xây dựng năm 203 bởi hoàng đế La Mã Septime Sévèse có sức chứa 40.000 chỗ ngồi cho khán giả. Xưa kia, đây là nơi diễn ra những trận đấu của các võ sĩ, những cuộc đua xe ngựa, những buổi lễ tôn vinh các hoàng đế.
Tiếp đến là cung điện Topkapi nằm trên đồi cao. Đây là nơi cư ngụ và thiết triều của đế quốc Ottoman trong khoảng 400 năm trị vì của họ. Hầu như mọi thứ trong hoàng cung vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một nơi cực kỳ thú vị cho chúng ta hình dung cuộc sống của những vị quốc vương xứ Hồi giáo đầy quyền uy từng làm chủ cả một vùng rộng lớn của đế quốc Ottoman từ Trung Đông tới Bắc Phi.
Muốn xem cho tường tận chắc phải tốn vài ngày để đi từ hậu cung, cung điện, thánh đường… chiêm ngưỡng các hiện vật cổ quyền uy và mỗi hiện vật là một kiệt tác của con người. Xin điểm qua: các ngai vàng làm bằng vàng khối; thanh gươm của quốc vương Suleyman Magnificent có nạm ba viên ngọc lục bảo; hai chân đèn to lớn làm bằng vàng, mỗi cây nặng khoảng 50 kg; một rổ ngọc lục bảo gồm mấy chục viên ngọc lớn; viên kim cương nặng 86 carat tên Spoon Maker’s, xung quanh có thêm 49 viên nhỏ khác…
Thích nhất, phòng trưng bày các loại đồng hồ cổ, chỉ tiếc ở đây không cho chụp ảnh và lúc nào cũng có một người bảo vệ đeo súng ngắn đi kè kè. Khó có thể ghi lại hết những điều thú vị về thành phố mà mỗi nơi đều là một điểm du lịch này.
Điều làm du khách thấy khoáng đạt nhất có lẽ là khi đi du thuyền trên sông để ngắm hai bờ Âu - Á và chuyến đi ra quần đảo Hoàng tử. Đó là một nhóm 9 đảo trong biển Marmara. Đảo lớn nhất là Buyukada, xung quanh biển xanh ngắt, trên là đồi thông, hai bên những con đường uốn lượn đều có biệt thự. Trên đảo phương tiện đi lại gồm xe ngựa, xe điện và xe đạp. Chỉ có ô tô cấp cứu và xe hơi của cảnh sát nhưng rất hạn chế.
Khó có thể ghi lại hết những điều thú vị về thành phố mà mỗi nơi đều là một điểm du lịch này.

Mua hàng mặc cả giảm tới... 70%

(iHay) Tôi nói bán hàng theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là vì, nó khác với kiểu bán hàng của Việt Nam. Nếu ở ta luôn kêu gọi niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết thì Thổ Nhĩ Kỳ ngược lại, niêm yết giá rất cao và bán giá rất thấp.

Niềm vui... mặc cả
 Giới thiệu sản phẩm đồ da Leattherium - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Năm trước, sau khi rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), tôi tự nhủ, nhất định phải quay lại đây ít nhất là một lần nữa.
Sự cám dỗ của nó bắt đầu từ trong lòng đất, nơi các thành phố cổ gắn liền với vô vàn truyền thuyết mà chúng ta mới chỉ được biết qua sách vở và phim ảnh. Nhưng lần này quay lại, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lại thuộc về những con người hiện đại, những con người mà dân du lịch thường tiếp xúc như là một phần không thể thiếu của chuyến đi: người bán hàng.
Danh xưng TNK trong tiếng Việt bắt nguồn từ dịch danh Trung văn của quốc hiệu TNK. Quen miệng mà gọi chứ tên thật của nó là Turkey.
Có lẽ do sự pha trộn Âu - Á nên người TNK rất đẹp. Chúng ta từng biết đến những anh chàng bị trục xuất vì quá đẹp trai, nhưng có thể nhiều người chưa biết, hầu như anh chàng bán hàng nào cũng đẹp trai cỡ người mẫu cả (bên đó phụ nữ đều ở nhà nội trợ).
Trước khi đi, nhiều người đã khuyên chúng tôi, mua hàng ở TNK phải trả thấp xuống ít nhất là 25%. Cô Cibel, tên gọi thân mật là Sisi, người bản địa, nói rằng mặc cả là nét đặc trưng về mua bán ở đây. Không chỉ 25% mà thấp nữa, có khi đến 70% họ vẫn bán. Vì sao thế? - tôi hỏi. Vì mặc cả tạo ra niềm vui, khi khách hàng mua được món hàng giá thấp (thực ra là giá họ định bán) họ sẽ có cảm giác như là đã chiến thắng người bán và mình đã mua được một món hời, sướng lâng lâng - Sisi cười.
Từ Grand Bazaar, chợ cổ lớn nhất Istanbul có lịch sử hơn 500 năm với hơn 3.000 gian hàng bán đủ loại thảm, đồ da, quà lưu niệm... cho đến khu mua sắm Taxim và các cửa hàng bán đồ thương hiệu mạnh... tất tần tật đều phải... mặc cả.
Hôm ở chợ, anh Trí cùng đoàn mua cả chục chuỗi hạt đeo tay được chế tác rất tinh xảo và phối màu rất đẹp với giá mỗi chuỗi 1 lira (10.000 đồng). Anh với tôi đang bàn luận, không hiểu tại sao họ làm ra thứ đẹp thế này lại bán giá rẻ thế kia, ngay cả công họ xâu chỗi hạt tinh xảo đó cũng đã đáng 10.000 đồng. Chị Ngọc trong đoàn biết được mới la vì sao không mặc cả. Trí nói, nó rẻ thế rồi mặc cả chi nữa? Chị Ngọc giở cái túi giấy ra, bảo chị mua 3 chuỗi chỉ... 1 lira nhưng 6 chuỗi khuyến mãi thêm 1 chuỗi!
Khách hàng là... thượng đế
Nhiều người từng nghe danh về sản phẩm đồ da, thảm và gốm trứ danh của TNK, nhưng chắc cũng nhiều người chưa lường được cái giá của nó. Sở hữu một vật phẩm ở đây, với thu nhập của người Việt thì phải đấu tranh để quyết định chọn sự yêu thích hay hao mòn túi tiền. Có điều, với cách bán và chất lượng hàng của họ thì hiếm khi mà “thoát” nổi.

Là một nước nằm trên cả lục địa Âu - Á, phần lãnh thổ chính tại bán đảo Anatolia phía tây nam châu Á, một phần nhỏ diện tích ở vùng Balkan phía đông nam châu Âu. TNK có chung biên giới với Bulgary ở phía tây bắc; Hy Lạp phía tây; Gruzia, Armenia và phần Nakhichevan của Azerbaijan ở phía đông bắc; Iran phía đông; Iraq và Syria phía đông nam. Ngoài ra, nước này còn có biên giới với biển Đen ở phía bắc; biển Aegae và biển Marmara phía tây; Địa Trung Hải phía nam. Ở vị trí địa lý “nhạy cảm” này nên khi nói rằng TNK là cái “chợ tình báo”, chúng tôi cũng chẳng lấy làm lạ.
Tại trung tâm thương hiệu đồ da nổi tiếng Leattherium ở Kusadasi, trước khi mua sắm, chúng tôi được xem một show biểu diễn thời trang. Trong khi người mẫu chuyên nghiệp diễn thì nhiều chuyên gia của họ lượn lờ xung quanh. Sau đó, họ mời khách hàng vào phòng, đưa cho mỗi người một cái áo da rồi bước ra sàn diễn cùng người mẫu của họ y như mình cũng là người mẫu. Mấy ai trong đời được bước lên sàn diễn hoành tráng như nơi này, thế là đã lắm rồi. Điều làm chúng tôi phục lăn là, sau đó, hầu như ai cũng chọn mua chính cái áo mà mình đã mặc để diễn. Có nghĩa, họ nhìn rất đúng phom người để chọn size và cả kiểu dáng.
Giá mỗi cái áo chúng tôi mặc (cả nam lẫn nữ) chưa phải là cao cấp nhất, đều được treo từ 2.250 - 2.500 USD. Nhưng sau một hồi mặc cả, giá bán cuối cùng bình quân khoảng 700 USD, tức chưa đến một phần ba. Trả tiền xong, những chuyên gia của họ nhìn từng người mặc rồi chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ cho hoàn chỉnh. Bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng ai nấy đều hỉ hả như mình đã mua được một món hời.
Ở trung tâm đồ gốm sứ hay thảm cũng thế. Khi khách hàng vào, họ tận tình hướng dẫn từng công đoạn làm thủ công cho đến khi hoàn chỉnh sản phẩm. Khách hàng cứ tham quan, không mua cũng vui như tết. Có điều ít khi “dứt áo ra đi” được.
Một tấm thảm của Blu Art cỡ bằng chiếc chiếu của ta được dệt bằng lụa tơ tằm có giá gần 22.000 USD, tất nhiên có thể trả xuống. Ví như anh Thọ quẹt thẻ để trả một tấm thảm cỡ 60 cm x 87 cm với giá 1.600 USD trong khi giá treo là 2.700 USD.
Mặc cả thoải mái, lựa chọn tùy thích, đổi đi đổi lại đều được phục vụ tận tình, không mua cũng vui vẻ, không có chuyện cằn nhằn hay đốt giấy xua vía như nhiều chợ của ta. Đó là điều khác biệt.

Đền cổ chữa bệnh

(iHay) Hiện nay người ta gọi là bệnh viện nhưng Asklepeion thực ra là ngôi đền (bảng hướng dẫn đề healing temple) điều trị bệnh. Đến đây mới hay, phân tâm học đã xuất hiện từ 2.000 năm trước khi có ngành phân tâm học và người cổ xưa đã ứng dụng để chữa bệnh.


Một góc Asklepeion - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Xe dừng lại ở trung tâm thành phố Bergama, nhìn lên núi cao là một thành phố cổ đã được khai quật lộ thiên, nhưng chúng tôi không lên đó mà đi hướng ngược lại, chừng 15 phút thì đến cổng Asklepeion, nơi người ta nói đến Thổ Nhĩ Kỳ mà không đến đây thì ân hận cả đời.
Đi qua giữa rặng thông cổ thụ sẽ thấy một con đường lát đá tảng, hiện nay vẫn còn dài hơn 800 m, đó là Con đường Thần Thánh (Sacred Way). 
Nhìn toàn bộ khu khai quật khảo cổ, với nhiều cột đá cao chạm trổ tinh xảo, nhiều tảng đá lớn rải rác một khuôn viên có đến hàng chục héc ta, đủ thấy bệnh viện cổ này từng có quy mô rất hoành tráng.
Cô Cibel, người bản địa, giới thiệu, theo các nhà nghiên cứu, Asklepeion được một hào phú tên Archias cho xây lên để điều trị bệnh cho những người giàu có, những bậc trưởng giả, những chức sắc cao cấp trong triều đình. Nó được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, vinh danh vị thần sức khỏe và ngành y, Aesculapius, trong truyền thuyết cổ Hy-La.
Toàn bộ hệ thống chữa bệnh, hý viện (có sức chứa lên đến 3.500 người), thư viện... tạo thành một quần thể. Bệnh nhân có thể đến đền thờ để cầu nguyện, đến hý viện để thư giãn, giúp trị bệnh và đến thư viện để đọc sách. Điều này chứng tỏ, trung tâm y tế cổ xưa này có thể đồng thời chữa trị được nhiều người, với nhiều phương pháp khác nhau. Asklepeion đến nay được cho là trung tâm y tế cổ nhất thế giới, với quy mô đúng nghĩa của nó.
Trong đống tàn tích, còn có nhiều đường hầm, hầu như còn nguyên vẹn. Các đường hầm dẫn đến những phòng chữa bệnh và các hồ nước. Loại nước chứa trong các hồ này dùng để uống. Các nhà nghiên cứu suy luận, ngày xưa người ta đã khai thác nguồn nước khoáng uống, ngâm để trị bệnh.

Đến Asklepeion ta có thể ý thức được mức quan trọng của mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác. Thời cổ xưa đó người ta đã xác định được, chính vì tâm có bệnh nên thân không thể khỏe mạnh. Do đó, người ta chú trọng điều trị cho tâm khỏi bệnh, giúp cho thân khỏe mạnh. Ngủ, tắm nước khoáng nóng và uống nước, nghe nhạc, đọc sách... là những phương thức trị bệnh của thời này.
2.000 năm trước đã có ngành phân tâm học
Các nhà khoa học nhận định, tại Asklepeion người ta đã biết nghiên cứu những giấc mơ của bệnh nhân để tìm hiểu nhân cách con người, từ đó có biện pháp trị bệnh. Như vậy, ngành phân tâm học đã xuất hiện từ 2.000 năm, trước khi có ngành phân tâm học do Freud đề ra. 
Chúng tôi vào một đường hầm, theo hướng dẫn của cô Cibel, một số người đi trong hầm, một người khác lên nóc hầm, ghé vào cái lỗ thông hơi rồi nói: “Các con ơi, các con hãy cố gắng lên, các con bỏ hết lại mọi điều sau lưng và đi về phía trước, đó mới chính là bản thân mình…”. Những người dưới đường hầm rợn tóc gáy vì tiếng nói vọng âm (như eco) nghe rất thần bí. Đó cũng là một trong những cách chữa bệnh ngày xưa.
Asklepeion trở nên nổi tiếng dưới thời ông Galen (131 - 210). Galen là một nhà vật lý, một triết gia, đồng thời là một bác sĩ nổi tiếng đã từng đi thụ huấn tại Hy Lạp và Ai Cập. Galen đã tới Asklepeion để học tập, rèn luyện và trở thành huấn luyện viên và là người chăm sóc sức khỏe cho những võ sĩ giác đấu. 
Hý viện mà chúng tôi thấy không chỉ là sân khấu bình thường mà còn là đấu trường cho các võ sĩ. Giữa đấu trường có một cái hào rộng để ngăn cách, không cho thú dữ làm hại khán giả. Ngoài ra còn có chỗ nhốt thú dữ, hay những nô lệ tham gia giác đấu.
Đền Asklepeios là một phần của trung tâm y tế Asklepion. Đền có mái bán cầu, đường kính bán cầu hơn 20 m, trông tựa như đền Pantheon ở La Mã. Đây chính là khu vực chữa trị bệnh nhân bằng phương thức ngủ.
Ngày nay, người ta phục chế lại vài phần của thành cổ. Người ta dựng lại một dãy mười bảy cây cột đá cao chót vót, dẫn tới tàn tích thư viện và hý viện cổ theo kiến trúc hình vòng cung của La Mã. Hý viện này đã được phục chế một phần, sắp xếp lại trên sườn đồi cho giống quang cảnh ngày xưa.
Vào những ngày hội, thành phố Bergama tổ chức những buổi trình diễn các vở kịch cổ điển. Người ta bố trí lính tráng, người phục vụ... ăn mặc, mang gươm giáo theo kiểu cổ. Du khách đến vào dịp này sẽ được tham dự và có cảm giác mình đang sống lại vào thế giới cổ xưa, cách đây 2.000 năm.
Chúng tôi rời ngôi đền chữa bệnh vào lúc chiều tà, nhiều du khách là những cặp vợ chồng già vẫn ngồi trên phiến đá, khung cảnh cổ xưa dù hoang phế nhưng mang lại một cảm giác khó tả, nó vừa bí ẩn vừa hiện thực. Đó có lẽ là một ý niệm về những phương pháp điều trị bệnh mà từ cổ xưa, tổ tiên của loài người đã khám phá được rất cần khám phá, ứng dụng.

Đền đài, thư viện và... nhà thổ

(iHay) Ephesus là thành phố La Mã lớn thứ hai trong thời kỳ cổ đại, nơi có ngôi đền Artemis - một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, được cho là điểm đáng tới thăm đầu tiên trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.


Thư viện Celsus - Ảnh: Nguyễn Thế ThịnhThư viện Celsus - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh 
Chúng tôi rời Kusadasi để đến vùng Pamukkale. Trong một ngày nắng chói chang dù ngoài trời chỉ 22oC, một khung cảnh vô cùng bi tráng hiện ra trước mắt: thành phố cổ đại trứ danh Ephesus.
Bước từng bước trên lối đi Curetes, qua hai hàng cột dài tít tắp kiểu Hy Lạp, nhìn bao quát một lượt để hình dung, nơi đây từng có 250.000 người sống dưới thời Roma. Hàng ngàn năm trước Công nguyên (TCN), vùng đất này rất gần với biển và có đến 4 hải cảng lớn. Theo thần thoại Hy Lạp, xứ Ephesus là do các nữ chiến binh Amazon xây dựng, trong đó có một nàng tên là Ephesus. Ephesus hiện tại là công trình do Lysimakhos, một vị tướng của Alexander đại đế, xây dựng khoảng năm 300 TCN. Thời Roma là trung tâm của đế chế La Mã. Kỳ vĩ là thế mà bây giờ là thế này đây.
Ephesus nổi danh với ngôi đền thờ nữ thần Artemis - Thần Mẹ, biểu tượng sinh sôi, được xếp là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, sánh ngang kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babylon…
Lịch sử ghi dấu kẻ đốt đền
Ngày 21 tháng 7 năm 356 TCN, một kẻ cuồng danh tên là Herostratus đã đốt đền, chính quyền khi ấy xử tử y và hạ lệnh muôn đời sau không ai được nhắc đến cái tên ô uế đó. Nhưng rồi nhân loại đã không ngừng nhắc đến hắn, thậm chí còn được đào sâu bằng nhiều quan điểm khác nhau như chúng ta đã biết qua các vở kịch kinh điển gắn với ba từ “kẻ đốt đền”.
Cách ngôi đền này không xa theo hướng từ cổng đi vào, chúng tôi thực sự choáng  ngợp trước sự hoành tráng của thư viện Celsus, từng là một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại. Thư viện được đặt theo tên viên thống đốc Celsus của phần châu Á thuộc đế chế La Mã. Bốn hốc tường phía trước thư viện đặt các bức tượng biểu tượng cho nhân cách của con người gồm Arete (dũng cảm), Ennoia (trí tuệ), Episteme (kiến thức) và Sophia (thông thái). Khi còn tồn tại thư viện có đến 12.000 đầu sách. Bao quanh là hai lớp tường với khoảng cách 1 m ở giữa nhằm tránh độ ẩm và nhiệt độ cao, mới hiểu, người cổ đại đã coi trọng kho tàng kiến thức đến mức nào.
Nhà thổ cạnh thư viện
Nhưng điều này mới thật là kỳ lạ. Đối diện với thư viện, bên kia đường là khu ăn chơi. Kỹ nữ ở trong những căn phòng trên tầng hai, tầng dưới là nơi đón khách và xướng ca. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được trong ngôi nhà này pho tượng Priapus, một người đàn ông mang dương vật ngoại cỡ. Bây giờ người ta mô phỏng để bán trong các cửa hàng lưu niệm nhưng chúng tôi không đủ can đảm để mang về nhà.
Nhà thổ này được xây dựng dưới triều hoàng đế Trajan (năm 98 đến năm 11 TCN). Trước lối vào nhà thổ có một phiến cẩm thạch lớn khắc hình bàn chân đàn ông. Đồn rằng khách làng chơi bước đến trước cửa phải rửa chân rồi đặt bàn chân mình lên đấy, phiến đá lập tức in hằn dấu chân khách. Người Hy Lạp, La Mã cổ đại tin rằng dấu chân tiết lộ kích thước dương vật để các kỹ nữ chọn.
Nhưng cũng có người lý giải đó là dấu chân các kỹ nữ, họ đặt lên đó để khách làng chơi đo đạc thế nào đó mà tính ra kích cỡ vùng kín các kỹ nữ mà lựa chọn. Lập luận này có vẻ có lý hơn. Rất lạ, ngay cả khi trời nắng gắt, phiến đá vẫn đẫm nước. Cô Sisi, người hướng dẫn tin rằng, đây là bằng chứng cho thấy công nghệ quảng cáo đã hình thành từ thuở xa xưa. Phía sau thư viện là một khu chợ rất lớn. Từ chợ có một đường hầm xuyên qua dưới con đường đá cẩm thạch để vào nhà thổ.
Từ thư viện, đi ngược lại lối vào, bên phải là khu nhà của các quý tộc vẫn còn nhận diện được do nó hoàn toàn bằng đá, bên trái là khu nhà tắm, cạnh đó là nhà vệ sinh công cộng với hàng chục bệ ngồi bằng đá cẩm thạch đặt sát nhau. Trình độ kiến trúc của người La Mã đã đạt đến sự phát triển cao khi thiết kế hệ thống nước chảy bên dưới và luồng không khí xoay vòng để đảm bảo vệ sinh. Cô Sisi nói, theo những gì cô đọc được thì mỗi khi ông chủ đi vệ sinh người đầy tớ phải đến ngồi trước cho bệ đá ấm lên.
Nhưng hùng vĩ hơn cả là nhà hát hình tròn, giống hình một sân vận động, hàng ghế là những bậc tròn cao dần lên hơn 30 m, có 25.000 chỗ ngồi, đây cũng chính là đấu trường.
Suốt gần 2.000 m, dọc theo phố Curates, những cột đá được chạm khắc tinh xảo, thể hiện một trình độ mỹ thuật đỉnh cao. Người ta nói, hầu hết họa sĩ đều là nữ, trong đó nữ họa sĩ Timarata là người đã vẽ và tạc hình Thần Mẹ Artemis. Còn nhiều nhân vật khác mà chúng ta từng nghe danh, trong đó nổi tiếng nhất là triết gia Heraclitus cũng được tạc hình tại đây.
Theo con đường lát đá cẩm thạch đi sâu vào thành, thấy mình vô cùng nhỏ bé trước sự kỳ vĩ do chính con người tạo ra. Nhiều du khách tin rằng họ nghe cả tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua, tiếng gào thét của các con thú và các võ sĩ giác đấu… Có lẽ vì bị ám ảnh, tôi cũng tin là mình đã nghe.
Nguyễn Thế Thịnh

Có hai con ngựa thành Troy

Những người yêu thích hai kiệt tác trong văn học Hy Lạp cổ đại Iliad và Odyssey của Homer, những người yêu thích bộ phim nổi tiếng Cuộc chiến thành Troy hẳn đã từng ước mơ được một lần đặt chân đến Troy...

Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 5: Có hai con ngựa thành Troy - ảnh 1
Con ngựa gỗ đặt trước thành Troy - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Từ Istanbul đi Canakkale, thành Troy hiện ra trước mặt, một thành Troy có thật bằng đất, bằng đá chứ không phải trong truyền thuyết, tự nhiên thấy lạnh cả sống lưng, bởi lâu nay vẫn bán tín bán nghi như câu chuyện là ở trong thần thoại.
Trước cổng thành là một con ngựa gỗ khổng lồ, được người Thổ Nhĩ Kỳ dựng lại theo tưởng tượng về con ngựa thành Troy năm xưa. Du khách đến đây ai nấy đều leo lên chiếc thang, chui vào bụng ngựa để thử một lần cảm giác làm chiến binh và tất nhiên là để chụp hình lưu niệm.
Truyền thuyết bi tráng về ngựa gỗ khổng lồ
Con ngựa thành Troy trở thành điển tích là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp  sử dụng để chiến thắng trong cuộc chiến thành Troia (cách gọi cổ).
Theo truyền thuyết, Paris - hoàng tử thành Troia tới viếng thành Sparta và đã gặp Helen, vợ của vua Menelaus, một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt vời. Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã chiếm được trái tim của Helen, và khi Paris rời Sparta, Helen bỏ Menelaus trốn theo Paris (cũng có truyền thuyết nói rằng Paris đã bắt cóc Helen, chi tiết này cũng được phim ảnh khai thác).
Tức giận, Menelaus tới cầu cứu anh là Agamemnon, vua của Mycenae, nhờ anh giúp trong công cuộc đoạt lại vợ. Nhưng đánh chiếm thành Troia không phải dễ, vì phải chuyển quân qua biển, và thành Troia nổi tiếng kiên cố với một đoàn quân thiện chiến, cầm đầu là dũng tướng Hector. Agamemnon nhờ Odysseus, vua của Ithaca, tới thuyết phục Achilles giúp đỡ. 
Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 5: Có hai con ngựa thành Troy - ảnh 2
Con ngựa gỗ được đoàn làm phim của Hollywood tặng lại
Achilles là con của Thetis, có mẹ thì bất tử nhưng bố là người trần. Để giúp con trường tồn, Thetis đã dốc ngược người cậu bé, hai ngón tay giữ gót chân, rồi nhúng cả người cậu vào nước sông Styx, vậy cả người Achilles là mình đồng da sắt, chỉ có gân nơi gót chân là không được nhúng nước. 
Trận chiến kéo dài mười năm bất phân thắng bại. Dù Achilles đã giết được Hector nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao vào được thành.
Một ngày kia Odysseus ra lệnh phá thuyền làm một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong rỗng, cho quân núp vào trong đó. Đoàn quân còn lại vờ nhổ trại, lên tàu rút lui ra khơi. Người dân Troia thấy con ngựa khổng lồ thì lôi vào thành ăn mừng chiến thắng. Tối đó khi mọi người đã say ngủ vì uống rượu và nhảy nhót thì các binh lính của Hy Lạp đã phá ngựa, chui ra mở cửa thành cho quân xông vào, thành Troia thất thủ. Trong trận chiến, Achilles bị Paris bắn trúng vào gân gót chân, tử trận. Đó cũng là cội nguồn của thành ngữ gót chân Achilles.
Dấu tích thành cổ
Con ngựa đặt trước thành làm bằng gỗ ván, đầu cúi xuống, hơi buồn. Có thể nói ít nhất không giống với tưởng tượng của bản thân tôi. Còn con ngựa gỗ trong phim Cuộc chiến thành Troy giống với tưởng tượng hơn. Con ngựa này đã được đoàn làm phim của Hollywood tặng cho TP.Canakkale, bây giờ đặt tại quảng trường kề bến phà vượt eo biển nối Canakkale với Istanbul. 
Nếu trước đó còn nhiều tranh cãi về sự hiện diện của thành thì vào năm 1865, nhà tài phiệt Heinrich Schiemann - người mở đầu cho hành trình gian nan đi tìm dấu tích thành Troy - cuối cùng cũng thành công. Đó là một đô thị rất cổ được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 năm trước Công nguyên với nhiều dấu tích như trong truyền thuyết. Năm 1998, thành Troy được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đường vào phế tích thành Troy hầu như chỉ có đá và đá. Cổng thành không như chúng ta tưởng tượng và cũng không giống trong phim. Nó được chất bằng đá tạo thành một lối vào ngoằn ngoèo, thấp hơn mặt đất bình thường (được lý giải là sụt xuống do động đất). Trong thành không bằng phẳng mà có nhiều thành nhỏ nằm trên các triền đồi tà tà. Thành ít cây cối, rải rác mới có những cây ô liu bám trụ kiên cường và xanh tốt cùng thời gian. Trong thành có một nhà hát xếp bằng đá theo hình vòng cung, khá nhỏ, chỉ chứa vài trăm người. Thỉnh thoảng có một cái giếng cổ, cạn, có lẽ hứng mạch nước ngầm chảy ra nhưng bây giờ đã không còn nguồn nước. Chúng tôi đến thành vào buổi trưa, thấy rất nhiều mèo hoang đi lại nhưng hiền lành và thân thiện khi du khách đưa thức ăn mời nó.
Từ bờ thành nhìn ra phía sau lưng là một thung lũng bao quanh, xa xa là eo biển Dardanelle nối giữa biển Aegeon và biển Marmara, nơi có thể kiểm soát mọi tàu thuyền từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải. Vì thế nhiều người cho rằng nàng Helen chỉ là cái cớ để Hy Lạp đem quân tấn công thành Troy, vì eo biển Dardanelle sẽ mang lại cho vị vua Agamemnon đầy tham vọng cả quyền lực lẫn lợi ích kinh tế.
Cái hay trong kiệt tác của Homer là để cho người đọc tha hồ tưởng tượng theo cách của mình.

Du ngoạn bằng khinh khí cầu

Chúng tôi là những người may mắn khi đi qua hầu hết những nơi đẹp như cổ tích của Thổ Nhĩ Kỳ, từ lòng đất cho đến bầu trời, thế mà vẫn trông chờ để khám phá vùng Cappadocia - ngôi sao sáng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.


 Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 6: Du ngoạn bằng khinh khí cầu
Bay khinh khí cầu ngắm cao nguyên huyền thoại - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Đọc truyện cổ tích từ không trung
Chúng tôi đến địa điểm tập kết ở Cappadocia vào lúc chưa rõ mặt người để tham gia chuyến du ngoạn bằng khinh khí cầu ngắm bình minh vùng đất trung tâm cao nguyên Anatolia huyền thoại. Cô Sisi, hướng dẫn viên và người trực tiếp điều khiển chuyến bay trên độ cao 600 m làm động tác thị phạm cho mọi người từ cách lên, cách đứng, cách làm sao để an toàn khi khinh khí cầu hạ xuống mặt đất rồi thông báo mỗi hành khách đã được bảo hiểm trị giá 1 triệu USD. Nghe rất “nghiêm trọng”.
Nhìn quanh một lượt, thấy cao nguyên lấp loáng nhiều đốm lửa, đó là khi người của 60 công ty khai thác dịch vụ này bắt đầu mở, đốt khí gas “bơm” hàng trăm chiếc khinh khí cầu chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trong ngày. 18 người trên cùng chuyến bay phân ra hai nửa, đứng vào hai ô, ở giữa là người điều khiển.
Mặt trời ló dạng. Trên bầu trời cao nguyên hàng trăm khinh khí cầu rực rỡ sắc màu cùng bay lên, đẹp như trong mơ. Từ trên cao nhìn xuống, cảm xúc dâng trào. Người điều khiển thiện nghệ khi cho nó bay cao, khi hạ thấp lượn trong thung lũng giữa hai vách núi, lúc chuyển hướng cho mọi người chụp ảnh khỏi phải ngược sáng.
Có cảm giác như chúng tôi đang đọc truyện cổ tích từ trên… trời. Vì thế, 60 phút trôi qua quá nhanh. Chiếc khinh khí cầu đáp xuống mặt đất nhẹ nhàng khiến ai nấy đều luyến tiếc bàn nhau móc hầu bao mỗi người 250 USD để bay thêm lần nữa. Nhưng sự quyến rũ của mặt đất cao nguyên nổi danh này đang chờ đợi với một sức hấp dẫn khác. Sau khi được nhân viên của Tập đoàn Dorak mở sâm banh mừng, chúng tôi được nhận mỗi người một bằng chứng nhận là đã có chuyến bay thành công, rất thú vị.
Cappadocia xuất hiện trên bản đồ văn minh từ thời Hittite (1800 - 1200 TCN), tiếp tục phát triển dưới sự kiểm soát của người Ba Tư rồi La Mã.
Người ta nói, có 3 thứ ở Cappadocia khiến ai cũng phải ao ước được một lần đặt chân đến đây: thiên nhiên độc nhất vô nhị, bề dày lịch sử kinh điển và văn hóa sống cực kỳ độc đáo. Ngay từ thập niên 1980, Cappadocia đã trở thành một vùng du lịch nổi tiếng.
Phong cảnh cao nguyên Anatolia huyền ảo như vậy là do hàng triệu năm trước, núi lửa phun trào tạo thành lớp macma nhiều tầng. Các ngọn núi vì thế có nhiều lớp với vô vàn màu sắc khác nhau, trong đó lớp trên cùng cứng nhất, ít bị tác động, lớp giữa và bên dưới mềm hơn. Mưa, gió và nước đã bào mòn các ngọn núi tạo thành những kiệt tác thiên nhiên với tầng tầng lớp lớp ngọn núi tạo vô vàn hình thù kỳ ảo, khi thì như ngôi nhà cao tầng, khi thì giống cây nấm khổng lồ, khi lại giống con lạc đà, khi lại như những con sư tử.
Nằm ở đáy thấp nhất trong tất cả các thung lũng bao quanh, Goreme là một quần thể rất nhiều cột đá khổng lồ mà người ta gọi là fairy chimney (ống khói xứ thần tiên). Ở bất cứ ngôi làng nào vùng Cappadocia, người dân địa phương đều tận dụng tối đa lợi ích từ việc khoét các lỗ hổng ở các cột đá để chế tạo thành nhà ở, nay được cải tạo để thành khách sạn hoặc nhà nghỉ.   
Lòng đất kỳ bí
Bầu trời khoáng đãng, cao nguyên huyễn hoặc và bây giờ là lòng đất huyền bí. Thành phố ngầm Kaymakli nằm ở phía nam thành phố Nevsehir - thủ phủ tỉnh Nevsehir, cùng với Derinkuyu là hai thành phố ngầm lớn nhất ở vùng Cappadocia. 
Người hướng dẫn khuyến cáo chúng tôi nếu ai bị bệnh về xương khớp hay cột sống thì không nên vào vì các đường đi lại rất thấp, phải cúi lom khom. Thành phố được đào trong lòng đá núi lửa gồm nhiều tầng ngầm với các công trình như phòng ngủ, nhà bếp, nhà thờ, hầm mộ, kho chứa, bể làm rượu nho… được tạo tác vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10, có diện tích rộng tới 2,5 km2. Đó là nơi tử thủ của người dân trong cuộc chiến mà người theo Thiên Chúa giáo bị quân La Mã truy sát.
Thành phố trong lòng đất này có 7 tầng nhưng hiện chỉ có 4 tầng ngầm mở cửa đón khách tham quan. Người ta đã khéo léo lắp các bóng điện vừa đủ sáng để không mất đi không gian thật của những người từng sinh sống ở đây.
Trong thành phố có nhiều căn hộ tương tự và nối với nhau bằng những lối đi là những đường hầm thấp cỡ 1,5 m. Các tầng thông với nhau bằng một lối như thang máy. Đây cũng chính là lối để người ta vận chuyển các thứ từ bên ngoài vào cũng như đưa chất thải từ trong ra. Lối chính của các tầng được lắp một cánh cửa bằng đá cứng hình tròn được thiết kế chỉ có bên trong mới mở được chứ người ngoài không thể nào xoay chuyển.
Đến các thành cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, thấy lịch sử vùng đất này gắn với những cuộc chiến tranh liên miên của thời trung cổ, và nhận ra một điều, con người thời đó đã không bao giờ chịu khuất phục, nhiều thành quách bị phá hủy nhiều lần và người ta đã xây dựng lại nhiều lần, lần sau hoành tráng hơn lần trước; nhiều cuộc truy sát đẫm máu và để tồn tại người thời đó đã đục đá, xây cả một thành phố ngầm dưới lòng đất. Câu nói của cô Sisi “thời đó chẳng có gì, chỉ có sức người” khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi

 Vừa đi vừa… ước

(TNO) Không chỉ thiên nhiên ưu đãi mà con người Thổ Nhĩ Kỳ từ thời cổ đại đã tạo ra vô vàn kiệt tác với mỗi thứ đều là một kỳ quan. Tài sản vô giá đó ngày nay được khai thác một cách khoa học khiến nó giống như các cỗ máy in tiền.


Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 7: Vừa đi vừa… ước - ảnh 1
Ngôi nhà Đức Mẹ Maria - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Từ Istanbul, chúng tôi theo đường bộ đi hơn 2.000 km để ghé thăm và chiêm ngưỡng những điểm du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK). Đường rộng và êm, xe du lịch ở đây lại quá đẹp, tốc độ cho phép đến 120 km/giờ nên nó đúng nghĩa là “hàng không mặt đất”. Dorak là tập đoàn lớn, họ khai thác du lịch bằng cách khép kín, xe chở khách rất xịn, đến vùng nào cũng có khách sạn 5 sao và nhà hàng tuyệt đẹp, tất cả là của họ. Chính vì thế mà giá thành mỗi tour đều tốt nhất.
Người dân ở đây không có thói quen bám mặt đường mà sống như ở ta. Vì thế đi trên đường cũng là đã tham quan. Hầu hết là những cánh đồng, triền đồi mênh mông, nơi thì hướng dương vàng rực, nơi thì ô liu xanh ngắt, thỉnh thoảng mới thấy những cụm nhà xa xa dựng trên đồi cao. Tôi hỏi, nếu sống trên những ngọn đồi đó thì lấy nước ở đâu, cô Sisi nói rằng ở đây nếu có một người dân làm một ngôi nhà trên một ngọn đồi cao thì dù xa mấy cũng được cấp nước, đó là quyền của họ. TNK lại nhiều nắng, nhiều gió nên hầu hết mỗi ngôi nhà đều tự trang bị hệ thống điện gió, điện mặt trời và nước nóng.
Bức tường Ước
Đến thành phố cổ trứ danh Ephesus, tất nhiên phải đến ngôi nhà Đức Mẹ Maria bởi du lịch tâm linh là một điểm đặc biệt mà hầu như con người đều hướng tới bất kể theo hay không theo tôn giáo nào.
Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi cao, trong rừng cây, khá khiêm tốn nhưng ngày nào cũng nườm nượp khách. Nhiều người chỉ đến chiêm ngưỡng nhưng cũng rất nhiều người đến cầu nguyện. Do gian phòng thờ Đức Mẹ khá nhỏ nên mỗi lần chỉ 6-7 người được cầu nguyện, cho dù thế, những người khác không hề sốt ruột, kiên nhẫn chờ.
Sau khi thăm ngôi nhà, mọi người có thể thắp nến ở bên ngoài đi xuống một nơi thấp hơn, ở đó có nhiều vòi nước dẫn ra từ mạch nước ngầm được cho là nước thánh. Rất nhiều người không chỉ uống mà còn đóng chai mang về.
Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 7: Vừa đi vừa… ước - ảnh 2
Cảnh quan tuyệt đẹp của lâu đài Bông - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Cạnh các vòi nước này có một bức tường, được gọi là Bức tường Ước. Như hầu hết các du khách khác, chúng tôi ghi điều ước của mình lên một tờ giấy và treo lên tường. Đồn rằng rất ứng nghiệm.
Vào đầu thế kỷ thứ 19, Anne Catherine Emmerich, một nữ tu dòng thánh Augustinô ở Đức bị bệnh nằm liệt giường, tường thuật một loạt các thị kiến rất chi tiết về cuộc đời của Giêsu, Maria và chuyến di cư của bà tới Ephesus từ hàng ngàn năm trước. Emmerich đã bị bệnh một thời gian dài trong tu viện nhưng đã nổi tiếng như một nhà thần bí và nhiều nhân vật tiếng tăm đã tới viếng thăm. Nhà văn Clemens Brentano người Đức đã ở lại tu viện 5 năm để gặp Emmerich mỗi ngày và ghi lại những gì bà tường thuật. Sau khi nữ tu Emmerich qua đời, Brentano đã xuất bản một quyển sách về những thị kiến của bà; và sau khi ông qua đời thì một quyển sách thứ hai gồm những ghi chú của ông cũng được xuất bản.
Một trong những thị kiến của Emmerich là sự mô tả ngôi nhà được cho là Maria cư ngụ đến khi lìa đời. Emmerich cung cấp nhiều chi tiết về địa điểm có ngôi nhà, địa hình của vùng lân cận. Quyển sách được xuất bản năm 1852 ở Đức.
Dựa vào sự mô tả trong quyển sách, tu sĩ người Pháp Julien Gouyet đã quyết định đi đến khu vực thành phố Ephesus cổ để tìm hiểu và ngày 18.10.1881, cuối cùng Gouyet đã phát hiện ra một ngôi nhà nhỏ bằng đá trên một ngọn núi nhìn xuống biển Aegea và những tàn tích của Ephesus. Ngày nay khu vực nơi có ngôi nhà đã thành thánh địa.
Trước khi bước vào căn phòng chính, nơi đặt tượng Đức Mẹ, có một căn phòng nhỏ đặt ảnh của Anne Catherine Emmerich.
Hôm đó, tôi đã ước, có một phép màu nào đó để mình biết được tất thảy điều ước của mọi người gắn lên bức tường này, chắc là vô vàn điều tốt đẹp. Nhưng đó cũng chỉ là điều ước.
Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 7: Vừa đi vừa… ước - ảnh 3
Du khách say mê chụp ảnh ở lâu đài Bông - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Lâu đài Bông
Nếu như đến ngôi nhà Đức Mẹ để “chăm sóc phần hồn” thì đến Pamukkale (lâu đài Bông) là để được chăm sóc về thể xác.
Lâu đài Bông nằm trong Hierapolis (tiếng Hy Lạp có nghĩa là thành phố thiêng liêng), là thành phố Hy Lạp - La Mã cổ đại ở Phrygia, nằm trên suối nước nóng ngầm ở phía tây nam Anatolia - quần thể cảnh quan văn hóa được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1988.
Các suối nước nóng được sử dụng như một bể tắm hơi kể từ thế kỷ thứ 2 TCN.
Thành phố bao gồm các phòng tắm lớn liên kết với nhau, được xây dựng bằng các khối đá khổng lồ mà không sử dụng chất kết dính nào khác. Cùng với đó là những bồn tắm, thư viện, phòng tập thể dục...
Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 7: Vừa đi vừa… ước - ảnh 4
Du khách tắm trong hồ nước khoáng ở lâu đài Bông - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Chúng tôi đến Pamukkale vào buổi chiều, khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Một cảnh tượng kỳ ảo hiện ra trước mặt: một thung lũng trắng xóa như tuyết nhưng đó là… đá. Người ta lý giải rằng khu vực nằm ở vết đứt gãy trong lòng đất do hoạt động núi lửa tạo ra các hang động chứa đầy khí cacbon dioxit và suối nước nóng Pamukkale, trầm tích do cacbon dioxit lâu ngày tích tụ tạo nên cấu trúc như những thửa ruộng bậc thang. Toàn khu vực có 17 suối nước nóng nhiệt độ từ 35°C đến 100°C.
Nước nóng thường có nhiều từ mùa xuân, khi đó, nước tích tụ vào từng ô bậc thang màu xanh biếc. Du khách có thể thoải mái ngâm mình để hồi phục sức khỏe và chữa bệnh.
Hằng ngày, lâu đài Bông thu hút hàng vạn lượt khách tham quan và ngâm mình trong nước khoáng.
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ thật là kỳ lạ, càng đi càng ước được đi.
Nguyễn Thế Thịnh


Không có nhận xét nào: