Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya

Trong một hồ nước ngầm tuyệt đẹp giữa rừng lại ẩn chứa những bí ẩn ghê rợn về một đế chế Maya cổ đại hùng mạnh.

Maya là một trong những nền văn minh cổ đại nhất của nhân loại. Bên trong đế chế này luôn tồn tại sự bí ẩn to lớn. Giải mã được một phần những bí ẩn của người Maya đã đem đến cho nhân loại nhiều điều bất ngờ. 

Một trong số đó là việc các nhà khoa học phát hiện ra một "giếng thánh" tuyệt đẹp của người Maya, nhưng qua đó, họ lại vô tình có được bằng chứng ghê rợn về hủ tục tế người man rợ của đế chế này…

Cùng hiểu hơn về nền văn minh cổ đại và truy tìm những bí mật trong thế giới ngầm của người Maya qua chùm ảnh dưới đây.

Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 1
Nền văn minh Maya được xây dựng bởi một bộ tộc thổ dân châu Mỹ trên vùng đất mang tên Cuello cách nay 4.000 năm. Từ mảnh đất này, người Maya phân chia thành nhiều nhánh, trong đó, nhánh lớn nhất tiến về vùng đất là vịnh Mexico ngày nay. Tại đây, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục khai quật hàng loạt các thành phố cổ đại lớn nhỏ.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 2

Một trong số đó là thành phố Chichen Itza - tuyệt phẩm của nền văn minh Maya. Trong tiếng Maya, “chichen” có nghĩa là “miệng giếng” còn “Itza” là “của người Itza”. Như vậy Chichen Itza có nghĩa là “miệng giếng của người Itza”. 

Sở dĩ nơi đây có cái tên như vậy vì Chichen Itza nằm trong khu vực khô hạn của Trung Mỹ và nguồn nước chủ yếu lấy từ những hang động trên núi đá nham thạch, thành cổ nằm gần nguồn nước quan trọng, nên mới được gọi bằng cái tên như vậy. 


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 3
Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Maya thành Itza. Các vị thần như thần Mặt trời, Thủy thần luôn được coi trọng bởi họ tin, vị thần này có ảnh hưởng lớn đến những vụ mùa bội thu. Kim tự tháp ở Chichen Itza cũng được xây dựng vì mục đích đó. Nơi đây diễn ra các nghi lễ thờ cúng các vị thần ngự trên đỉnh tháp.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 4
Đặc biệt hơn, ở cách thành phố chừng 1,5km có hai hồ nước tự nhiên đường kính khoảng 60m. Một hồ được dùng làm nước tưới sinh hoạt trong nông nghiệp thời cổ đại. Còn hồ kia dùng vào mục đích quan trọng hơn, đó là “giếng thánh” nơi diễn ra các hoạt động tế Thủy thần đẫm máu.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 5

Theo các văn bản cổ đại của người Maya ghi lại, thời tiết hạn hán là do Thủy thần nổi giận. Để làm cho vị thần trở nên vui vẻ, họ phải đưa vào giếng một cô gái đồng trinh 14 tuổi. Người xưa quan niệm rằng, cô gái khi được vứt vào giếng sẽ trở thành người hầu của thủy thần, được ăn ngon mặc đẹp và tận hưởng cuộc sống an nhàn.

Tuy nhiên, dù cho khí hậu quanh năm ổn định, không có hạn hán hay thiên tai, giới tăng lữ ở Maya cũng chọn một cô gái xinh đẹp để cám ơn Thủy thần. Người dân khắp nơi kéo đến tập trung ở ngôi miếu thần cạnh giếng phép. Ngôi miếu này dài 60m, cao 30m, đồng thời trong miếu còn khắc hình của Thủy thần, một con rắn có cánh.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 6
Cô gái được tuyển chọn mang một bộ đồ lộng lẫy, ngồi đợi trong miếu. Đứng cạnh cô gái là nhiều chàng trai khỏe mạnh khoác trên mình một bộ giáp vàng, sẵn sàng đưa cô dâu của thần mưa tới giếng thánh “an toàn”. 


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 7

Buổi lễ sẽ bắt đầu vào lúc rạng sáng, “cô dâu” của Thủy thần được đặt trong kiệu hoa và được các pháp sư làm phép, chúc phúc. Cô gái tội nghiệp còn được uống một thứ nước ma thuật giúp an thần, giữ bình tĩnh. Đoàn người sẽ rước cô gái tới giếng thánh trên một con đường dài 400m. 


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 8

Khi tới nơi, cô gái trẻ bị các chàng trai vệ sĩ tung lên không trung rồi rơi tự do vào giếng thánh. Lúc này tiếng trống nổi lên, đám đông sẽ nhảy múa hát hò, những người giàu có sẽ ném vàng bạc, châu báu xuống giếng để cầu xin sự bình an.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 9
Từ giữa thế kỷ XVI, thực dân châu Âu chinh phục Nam Mỹ, các thành phố Maya như Chichen Itza dần diệt vong. Từ đó trở đi, không còn ai tổ chức cúng tế người sống ở giếng thánh nữa. 

Ngày nay, những cư dân của ngôi làng Yaxuná - khu vực gần nhất với thành phố Itza chuyển qua sử dụng dê và gà để thờ cúng Thủy thần thay vì người như trước. Trong những buổi lễ cầu mưa và cám ơn tổ tiên đó, những người đàn ông sẽ đi vòng tròn quanh vật hiến tế. Những đứa trẻ sẽ ngồi xuống dưới bàn giả tiếng ếch kêu khi trời mưa để mong được "mưa thuận gió hòa".


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 10
Cuộc sống của người dân Maya hiện đại không khác gì lắm so với tổ tiên xa xưa. Những người dân làng Yaxuná còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Vài năm gầy đây, nhờ lượng du khách đổ về ngày một đông mà cuộc sống của dân cư tại làng Yaxuná đã dễ thở hơn.


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 11
Giếng thánh là một trong những khu vực hấp dẫn khách du lịch. Tại đây, du khách được xem người dân bản địa tái diễn lại lễ tế Thủy thần. Buổi lễ có sự tham gia của đầy đủ các pháp sư, vật tế cùng nhiều chàng trai vạm vỡ mặt giáp vàng, những bộ hóa trang kỳ dị cùng âm nhạc ma quái… Mọi người sẽ được đắm chìm trong quá khứ thần bí của nền văn minh Maya cổ đại. 


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 12
Mặt khác các giếng thánh rất lý tưởng để các nhà khảo cổ tác nghiệp. Việc khám phá chúng sẽ giúp các nhà khoa học trả lời nhiều câu hỏi hóc búa như: con người có mặt ở châu Mỹ vào thời gian nào, lục địa được hình thành ra sao…


Thế giới ngầm và tục hiến tế "lạnh gáy" của người Maya 13
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 100 bộ xương người dưới đáy giếng thánh, nhiều châu báu, đồ dùng thời xưa. Đó chính là mô tả rõ ràng nhất những đặc điểm cơ thể, văn hóa của người Maya cổ đại. Từ đấy giúp nhân loại dần khám phá sự phát triển và suy tàn của đế chế vĩ đại này. 
Theo
 Sơn Hải / Trí Thức Trẻ

Chichen Itza Kỳ quan thế giới mới
(LV) - Đến với Mexico, bạn không thể không đặt chân tới Chichen Itza, di tích khảo cổ của nền văn minh Maya ở phía Bắc bán đảo Yucatan.
Vùng đất của những điều thần bí
Bán đảo Yucatan là một vùng đất khô cằn không có sông suối, chỉ có hai chiếc giếng lộ thiên lớn cung cấp nước ngọt quanh năm cho Chichen và cũng là điều kiện để tồn tại của người Maya tại khu vực này. Trong hai chiếc giếng đó, giếng Sagrado được gọi là Giếng Thiêng vì người Maya coi miệng giếng là cánh cửa để đến một thế giới khác, họ thả các vật quý và cả người xuống để tế thần mưa Chaac.
Chichen Itza thực sự phát triển vào khoảng năm 600 SCN, khi đó khu vực này là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và đời sống tư tưởng của vùng đất thấp Bắc Maya, nhờ công của vua Toltec, Quetzalcoatl tiến quân vào vùng đất cùng với người dân địa phương biến Chichen thành thủ đô của mình. Theo biên niên sử của người Maya, Chichen Itza suy tàn sau nội chiến và khởi nghĩa nổ ra năm 1221, quyền cai trị Yutacan rơi vào tay người Maya, trung tâm quyền lực không nằm ở Chichen nữa mà chuyển về Mayapan.
Khu di tích đền thờ Kukulcan ở quần thể Chichen Itza
Khu di tích đền thờ Kukulcan ở quần thể Chichen Itza.
Dấu ấn từ nền văn minh đã mất
Công trình chính của quần thể Chichen Itza rộng 6,5km2 là các kim tự tháp của người Maya có niên đại trên 1.500 năm. Nổi bật nhất trong khu di tích là đền thờ Kukulcan (tên Maya của vua Quetzalcoatl), thường được gọi là EL Castillo (Lâu đài). Đây là một công trình kim tự tháp bậc với các mái phẳng cùng bậc thang ở cả bốn cạnh dẫn đến ngôi đền trên đỉnh. Mỗi cạnh của kim tự tháp có 91 bậc, nhân với 4 là 364 bậc, cộng với 1 bậc lên đỉnh là 365 bậc.
Công trình cao 24m, ngôi đền trên đỉnh cao 6m, mặt phẳng chân đền có chiều dài cạnh là 55,3m. Những con số trên cho thấy sự phát triển của người Maya về Dương lịch. Tại thời điểm Xuân phân và Thu phân, vào lúc mặt trời mọc và lặn, góc của công trình đổ bóng râm thành hình con rắn có lông Kukulcan dọc theo cầu thang phía Bắc. Vào 2 ngày Xuân phân và Thu phân, bóng râm từ các bậc góc trượt theo cạnh phía Bắc kim tự tháp cùng với chuyển động của mặt trời. Những điều đó cho thấy cách tính thời gian của chủ nhân Maya qua Kim tự tháp đã phát triển đến một trình độ rất cao.
Đền thờ các chiến binh ở quần thể Chichen Itza
Đền thờ các chiến binh ở quần thể Chichen Itza.
Các nhà khảo cổ đã tìm ra bảy sân bóng ở Chichen, trong đó sân lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc EL Castillo, có kích thước 166m x 68m. Các bức tường bao quanh cao 12m và trên đó là các vòng chạm khắc hình các con rắn uốn lượn vào nhau. Dưới chân các bức tường là những tấm phù điêu hình cầu thủ, có tấm còn khắc hình cầu thủ bị chặt đầu. Quanh sân bóng còn có bốn đền thờ. Một số người cho rằng người Maya sẽ tổ chức “đá bóng” khi có tranh cãi hoặc để cầu mưa. Hai đội tượng trưng cho sự đối đầu giữa thần trên trời và thần dưới lòng đất, trái bóng tượng trưng cho mặt trời. Trong môn thể thao này, người chơi sẽ dùng hông, cổ tay hay cùi chỏ để đẩy bóng vào khung thành đối phương. Theo một số giả thuyết, chỉ có những người cao quý nhất mới được vào sân bóng còn thị dân thì xem trận đấu bằng tai từ bên ngoài với hệ thống âm thanh có thể tường thuật ra ngoài.
Ở Chichen Itza còn có Đền thờ các chiến binh. Cũng xây với lối kiến trúc gần giống như El Castillo, nhưng Đền thờ các chiến binh chỉ có 2 lối lên. Bên ngoài Đền thờ các chiến binh còn có 1.000 cột nổi tiếng chạm khắc tinh xảo hình chiến binh người Toltec...Nhiều cho rằng trên những cột này là một cái mái dùng làm nơi họp chợ.
Chichen Itza trở thành địa điểm du lịch từ hơn một thế kỷ nay kể từ khi tác giả người Mỹ John Lloyd Stephens phát hành cuốn sách của ông mang tên Incidents of Travel in Yucatan năm 1843. Được Unesco công nhận là Di sản văn hóa Thế giới từ năm 1988, Chichen Itza trở thành địa chỉ hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm khi đến đất nước Mexico. Tháng 7 năm 2007, Chichen Itza được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới cùng với phế tích Machu Picchu, lâu đài Taj Mahal, Vạn lý trường thành… càng làm cho Chichen Itza trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Trong tiếng Maya, “chichen” có nghĩa là “miệng giếng” còn “Itza” là “của người Itza”. Như vậy Chichen Itza có nghĩa là “miệng giếng của người Itza”. Sở dĩ nơi đây có cái tên như vậy vì Chichen Itza nằm trong khu vực khô hạn của Trung Mỹ và nguồn nước chủ yếu lấy từ những hang động trên núi đá nham thạch, thành cổ nằm gần nguồn nước quan trọng, nên mới được gọi bằng cái tên như vậy.
Thiên Phong

Không có nhận xét nào: