Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở

Vào mùa hoa Ashoka nở (Ashoka còn có tên gọi là hoa A – Dục hay hoa Vô ưu), những tán cây linh thiêng đồng loạt trổ hoa đỏ rực trước hàng hiên những ngôi chùa cổ kính, trong sân chùa, hai bên đường, Luang Prabang của Lào trở nên đẹp hơn bao giờ hết..
Nằm ở phía Bắc thượng Lào, đất nước láng giềng hiền hòa của Việt Nam, thành phố Luang Prabang, một thành phố êm đềm với rất nhiều ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm và những công trình hoàng gia tráng lệ, gần đây đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhiều người.
Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở - 1
Cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 425km về phía Bắc, cố đô Luang Prabang từng là thủ đô Hoàng gia của Vương quốc Lào cho đến năm 1975. Thành phố nhỏ xinh nằm giữa ngã ba sông Mê Kông và sông Nậm Khan, với dân số chỉ khoảng 22.000 người, nếp sống hết sức bình dị hiền hòa, nhưng có thể để lại trong lòng người đến thăm những dấu ấn khó quên..
Vào mùa hoa Ashoka nở, những tán cây linh thiêng đồng loạt trổ hoa đỏ rực trước hàng hiên những ngôi chùa cổ kính, trong sân chùa, hai bên đường, Luang Prabang của Lào trở nên đẹp hơn bao giờ hết..
Hoa Ashoka là một loại hoa linh thiêng khắp các vùng tiểu lục địa Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka. Tương truyền rằng Đức Vua Ashoka, tức là vua A – Dục, vị vua trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 TCN, vốn rất sùng kính đạo Phật và rất thích loại hoa này, nên đã cho trồng khắp nơi ở những chốn thiêng liêng  như cửa chùa, sân chùa, các khu vườn nơi Đức Phật hành đạo.. Vì thế loài hoa này đã được mang tên ông, chính là Ashoka, để tưởng nhớ đến vị vua đã khuyến khích trồng loại hoa này.
Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở - 2

Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở - 3

Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở - 4

Hiện nay, hoa Ashoka vẫn được trồng tại những chỗ thiêng liêng trên khắp đất nước Ấn Độ như chùa chiền và các đền thờ Ấn Độ giáo. Loài hoa này cũng được nhắc đến trong cuốn sử thi Ramayana nổi tiếng trong văn học Ấn. Đây có thể là loại hoa mang tâm tưởng, linh hồn của người Ấn Độ.
Theo chân những tín đồ Phật giáo, hoa Ashoka đã tìm đến thành phố Luang Prabang, là vùng đất thiêng của Đạo Phật trên vương quốc Lào. Hoa được trồng khắp nơi ở những ngôi chùa nổi tiếng, hoặc trên những trục đường chính của thành phố. Phố Sakkaline, con đường chính với rất nhiều  ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm đứng cạnh nhau, vào mùa hoa Ashoka như cháy lên rực rỡ cả một vùng. Bên những khoảng tường trắng muốt, những tán hoa đỏ rực buông xuống, và trong không gian đó, thỉnh thoảng lại chầm chậm bóng một vị sư bước qua, mang đến những cảm xúc an bình không tả được.
Hoa Ashoka nở quanh năm, nhưng rộ nhất từ tháng hai đến tháng tư. Loại hoa này kỳ lạ là luôn nở vào bên trong những tán cây. Nhìn bên ngoài lá rất xanh một màu xanh sẫm, nhưng dưới những tán lá đó là những chùm hoa to nặng rực rỡ màu vàng cam, sau chuyển sang đỏ rực trước khi tàn. Đứng dưới những tán hoa mát rượi, nhìn ngắm những ngôi chùa lộng lẫy sơn son thiếp vàng, những bức tượng Phật hiền từ ẩn hiện sau những chùm hoa rực rỡ, thấy cuộc sống phút chốc quên đi những phiền não, sầu muộn, chỉ còn cảm giác bình yên thanh tịnh lâng lâng trong lòng..
Luang Prabang, mùa hoa vô ưu nở - 5 
Luang Prabang có khoảng 31 ngôi chùa lớn và vài ngôi chùa nhỏ, nằm ở trung tâm thành phố cũng như rải rác khắp nơi. Những ngôi chùa được xây dựng từ những triều đại khác nhau, mang đậm dấu ấn kiến trúc đặc trưng, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Nổi tiếng nhất là Wat Xieng Thong, và các Wat Aham, Wat Mai Suwannaphumaham, Wat Manorom, Wat Wisunarat.. Rất nhiều wat (chùa) trồng hoa Ashoka và cảnh quan đó làm rung động bất cứ ai tìm đến..
Luang Prabang, thành phố được Unessco công nhận là di sản văn hóa của thế giới, vốn đã đẹp và bình yên, vào mùa hoa Ashoka nở lại càng toát lên vẻ đẹp tráng lệ, thâm nghiêm và thiêng liêng của nó.
Theo Huỳnh Thu Dung (Một thế giới)

Lên hang xuống thác ở Luang Phrabang

[140179]anh_1
Luang Phrabang, vương quốc đầu tiên của Lào (1350 – 1545), từng là trung tâm quan trọng của truyền thống nghệ thuật và tôn giáo. Ở một góc độ khác, Luang Phrabang còn có những danh thắng thiên nhiên gắn liền với hoàng triều, với cư dân bản địa. Đó là một hệ thống hang Phật huyền bí, một thác nước được mệnh danh là vua thác rừng xanh, tất cả đang trở thành điểm đến kỳ thú của lữ khách khắp thế giới.
Đường lên hang Phật
Từ cố đô Luang Phrabang, theo bến thuyền ngược dòng Mekongđộ 30km là đến hang Pak Ou, nằm bên dòng Nậm Ou, được vị vua Sethathirat khám phá ra từ thế kỷ 16, nơi có hàng ngàn pho tượng Phật an trí trong hang, nên Pak Ou còn được gọi là hang Phật. Nguyên do mỗi khi Luang Phrabang xảy ra chiến tranh, hoàng tộc và người dân đưa các tượng Phật vào giấu trong hang để tránh bị phá hủy. Qua nhiều thế kỷ, đến nay số lượng tượng Phật thống kê được đã hơn 8.000.
Người Lào thường quan niệm rằng, bất kỳ hang động nào trong rừng cũng có những vị thần thiện ác trú ngụ. Vì vậy, để cầu mong bình an, người Lào thường đưa các tượng Phật vào trong hang nhằm xua đi những xấu xa ma quỷ, ác thần. Hang Pak Ou cũng là một dạng hang Phật tiêu biểu như thế.
Hệ thống hang Pak Ou gồm hạ động Tham Ting và thượng động Tham Theung. Ở Hạ Động, các tượng Phật lớn nhỏ, đủ kích cỡ xuất hiện khắp nơi trong hang, với đa phần là tượng đứng, hai tay buông xuôi, đây là một nét độc đáo trong văn hóa Phật giáo chỉ tìm thấy ở Lào. Dáng đứng này có tên gọi Chiêu vũ Phật, tức Phật gọi mưa. Tượng được hình thành vào khoảng thế kỷ 15, tương truyền vào thời điểm đó ở cố đô Luang Phrabang, hạn hán thường xuyên xảy ra, những nghệ nhân khi điêu khắc tượng Phật đã nghĩ ra một dáng thế khác lạ, Phật đứng thẳng, hai tay buông thõng như muốn gởi lời khấn nguyện của mọi người cầu cho mưa xuống để mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi.
Rất nhiều những tượng Phật trong Hạ Động không còn nguyên hình dáng ban đầu, nguyên do được người dẫn đường lý giải, các tượng Phật thường có đôi tay được bọc vàng, hoặc khảm các viên đá quý lên tượng Phật. Do không được bảo quản, nên nạn trộm cắp thường xuyên xảy ra và kết quả để lại là những tượng Phật không còn nguyên vẹn.
Tiếp bước theo các bậc thang lên Thượng Động, là một hang sâu, tăm tối, nhưng còn lưu lại nhiều dấu tích rõ rệt về một khu vực dành riêng cho hoàng tộc, là nơi thờ cúng linh thiêng. Vẫn còn đó những trụ gỗ, nền nhà và đặc biệt là các tượng Phật lớn nhỏ, mà theo lý giải của các nhà khảo cổ học, tượng ở Thượng động đa phần làm từ thế kỷ 15, với nét tiêu biểu là phật tọa trên các chân đế cao, khác hẳn với dòng tượng Phật được làm sau này.
Thượng động vừa là nơi thờ tự linh thiêng của hoàng tộc ở cố đô, và cũng là nơi lánh nạn của người dân và quân đội nhà vua khi có chiến tranh. Vòm động ngoài miệng hang, vẫn thấy những mảng đá ám khói, dấu tích của thời gian dài sử dụng làm nơi nấu ăn cho con người. Thế giới phương Tây biết về hang động này từ thế kỷ 19 khi bức vẽ đầu tiên về hang Phật Pak Ou được công bố bởi nhà thám hiểm người Pháp là Francis Garnier thực hiện trong chuyến thám hiểm sông Mekongvào năm 1865 – 1867.
Ngày nay, trong tâm trí người Lào, hang Pak Ou vẫn là một hang thiêng, để hàng năm, tín đồ Phật giáo khắp nơi tìm đến hành hương, tìm một khoảng an lành trong tâm hồn khi diện kiến hàng nghìn tượng Phật của động Pak Ou.
Vua thác rừng xanh
Đất bạn Lào có rất nhiều thác nước ở vùng Nam Lào như Li Phi, Khon Phapheng, Tad Nam Tok Katamtok… nhưng dòng thác đẹp nhất chính là Kwang Xi ở Thượng Lào, cách Luang Phrabang hơn 30km, được người bản địa ví như chốn bồng lai tiên cảnh, khiến người phàm xưa kia khi lạc chân vào sẽ không biết đường ra.
Kwang Xi – vua thác trên miền đất cố đô Luang Phrabang
Kwang Xi – vua thác trên miền đất cố đô Luang Phrabang
Trước khi đến với dòng thác này, ông Xiang Somli, người bản Na Sao, kể tôi nghe về huyền thoại thác Kuang Xi rằng: “Xưa kia, trong khu rừng có một Ngược – là thần sông vẫn còn sống ở đó, và khu vực thác là rừng rậm, có rất nhiều muông thú dữ, hổ, gấu, rắn… đặc biệt có rất nhiều hưu, và ở Lào, hưu gọi là Kuang Xi, vì vậy người ta gọi tên thác là thác Kwang Xi, nghĩa là thác Hưu. Ngày trước, ông bà kể lại ai đi rừng lạc vào thác, chỉ có đi chứ không có về, vì đó là khu rừng thiêng. Tôi sống cách thác Kuang Xi gần 20km, nhưng chưa bao giờ đi đến ngọn thác này. Những ngày trời lặng, đêm đến có thể nghe tiếng thác ì ầm vọng về từ rừng sâu”.
Tôi đến thác Kwang Xi với miên man những huyền thoại về một dòng thác đẹp, cho đến khi đứng dưới chân thác, cảm được hơi nước mát lạnh ùa về, để bắt đầu hành trình đi tiếp theo dốc núi để khám phá Kwang Xi. Từng tầng thác đẹp như tranh của vua thác bắt đầu ẩn hiện ra dưới tán rừng già. Nước xanh ngắt màu ngọc bích, mát rượi đổ xuống theo triền núi, hình thành những hồ nước nhỏ, xếp tầng lên nhau như những bậc thang khổng lồ của tạo hoá.
Giữa lưng chừng núi, mở ra một không gian rộng thoáng, một đoạn thác Kuang Xi cao gần 40 mét xối dòng nước xuống chân núi như mái tóc bạc phảng phất trong rừng xanh bao la. Đây là khu vực thác có độ cao nhất, nhưng người dẫn đường của tôi hôm ấy cho biết muốn thấy bồng lai tiên cảnh của Kwang Xi, phải băng rừng lên đỉnh thác.
Men theo dòng nước chảy quanh co đi tiếp lên đầu nguồn. Đường mỗi lúc mỗi dốc, chỉ có lối đi duy nhất là theo dòng chảy của nước đi ngược lên trên nguồn, vì xung quanh toàn rừng rậm, dốc đứng. Chưa kịp hoàn hồn sau đoạn đường trơn ướt ngược lên theo dòng thác, khung cảnh trước mắt mở ra, một tầng thác cao gần 20m khiến tôi sững sờ vì vẻ đẹp hoang sơ chốn rừng xanh.
Nước tuôn từ đỉnh thác, không quá dữ dội mà dịu êm thành từng dòng nhỏ, nhẹ nhàng buông xuống chân tầng thác thứ nhất, đọng lại thành từng hồ nước trong xanh rồi lại tiếp tục tràn xuống tầng thác kế tiếp.
Cứ thế, dòng thác nhẹ nhàng đưa tôi vào những cảm nhận đẹp, nhìn khung cảnh kỳ vĩ hoang vu, không bóng người, hẳn là chốn bồng lai tiên cảnh. Chẳng thế mà, người Lào đã khéo chọn lựa một dòng thác đẹp để khi kể câu chuyện về thác Kuang Xi – họ cho rằng dòng thác ấy chính là nơi vị thần của những dòng thác trên đất Lào ngự trị.
Nguyễn Đình
Ảnh: Hạ động Tham Ting với muôn vàn tượng Phật trong hang Pak Ou


Luang Prabang, thành phố của các ngôi chùa

Đăng Bởi  - 
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua

Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có biển, chỉ có núi non và cánh rừng bạt ngàn… thế nhưng nét quyến rũ của Lào đối với tôi không phải là những khu rừng nguyên sinh, là núi non mà là cuộc sống êm đềm thấm đẫm tinh thần Phật giáo của người dân nơi đây. 

Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Từ Hà Nội, bạn có thể chọn xe bus đi đến Thủ đô Viên Chăn rồi từ đó đi tiếp đến Luang Prabang. Với năm cửa khẩu đường bộ tiếp giáp với Việt Nam, không cần visa và việc đi lại bằng xe bus hiện tại khá thuận tiện thì một chuyến du hành đến Lào không quá khó.
Vượt qua chặng đường quanh co từ thủ đô Viên Chăn, chúng tôi đến Luang Prabang khi thành phố đã lên đèn. Nằm nép mình bên hai dòng sông Nậm Khan và Mê Kông, Luang Prabang có lịch sử hơn 200 năm là kinh đô của Lào trước khi kinh đô được chuyển về Viên Chăn. Tuy nhiên, thành phố này vẫn bảo tồn được địa thế của nó như một cái nôi của Phật giáo và nền văn hóa, kiến trúc đa dạng của Lào.
Thành phố của các ngôi chùa
Luang Prabang được biết đến như một trung tâm Phật giáo vì ở đây hiện diện gần 40 ngôi chùa được xây dựng từ những triều đại khác nhau. Mỗi công trình đều mang nét kiến trúc riêng, đa phần vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Từng ngôi chùa Lào là kết tinh của niềm thành kính và bàn tay khéo léo của các người thợ, vì thế việc viếng thăm hàng loạt các ngôi chùa ở đây là một việc nên làm: Từ Wat Mai đẹp lộng lẫy đến ngôi chùa Vat Visoun cổ nhất Luang Prabang hay Vat Xieng Thong, ngôi chùa linh thiêng với nhiều tượng Phật và những bức tường trang trí tinh xảo.
Kiến trúc mái ngói nhiều tầng, lấp lánh hàng cột, xà nhà sơn son thiếp vàng mang lại nét đẹp “hoàng gia“ cho các ngôi chùa ở Lào. Khác hẳn với những ngôi nhà giản dị có phần cổ kính của người dân, dường như mọi thứ đẹp đẽ trong nhân gian đều được tập hợp trong chùa. Vì thế chúng tôi có thể thỏa thích ngắm những bức tượng Phật làm bằng ngọc khối nguyên chất hay những bức tường dát vàng được chạm khắc tỉ mỉ.
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
 Bạn nên khám phá Luang Prabang bằng xe đạp len lỏi trong dãy phố cổ (mà tôi có cảm giác thân thương như đang ở Hội An) với những ngôi nhà gỗ của người Lào xen lẫn những ngôi nhà kiến trúc Pháp dấu ấn của một thời thuộc địa, tĩnh lặng trong không gian của các ngôi chùa. Nếu không, bạn nên đi thuyền cắt dòng Mê Kông sang những làng nghề làm lồng đèn, nấu rượu bên kia sông.
Hành trình của du khách có thể khác nhau nhưng kết thúc luôn bằng niềm háo hức vượt qua 328 bậc đá để chinh phục đỉnh Phousi, thăm ngôi chùa nằm trên đỉnh núi và ngắm hoàng hôn buông trên dòng Mê Kông. Tôi vẫn thường đùa với đám bạn rằng Phousi chính là nơi mà chúng tôi có thể gặp được toàn bộ khách đến thăm thành phố trong ngày hôm ấy. Từ đây có thể ngắm trọn Luang Prabang cổ kính dần chìm vào ánh hoàng hôn.
Triết lý khất thực
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua
 Hiện diện trên các bức tranh về Luang Prabang luôn là hình ảnh của các nhà sư trong sắc áo vàng cam ung dung giữa đời thường. Đến đây tôi mới biết vào mỗi sáng sớm khi mặt trời còn chưa thức dậy, các nhà sư sẽ hành lễ khất thực trên các con phố. Mỗi sáng sớm người dân ở đây với tấm lòng thành kính sẽ trải một chiếc chiếu trước hiên nhà, chuẩn bị các thực phẩm cúng dường, thông thường sẽ là xôi, bánh kẹo, hoa quả.
Các nhà sư đi theo từng đoàn dài, mặc áo cà sa đỏ, tay nâng một chiếc bát to, từng bước trên đôi chân trần đi qua các con phố nơi mà người dân đang chờ đợi để được dâng lên thức ăn. Khi các nhà sư đến, những người dâng thức ăn sẽ quỳ xuống, nâng đồ ăn lên ngang trán và khấn nguyện. Mỗi nhà sư nhận một ít thức ăn rồi đọc một câu kinh hoặc một lời chúc phúc. Không nhà sư nào nhận quá nhiều thức ăn, chỉ vừa đủ, nhường lại cho nhà sư tiếp theo.
Truyền thống khất thực này đã có từ thời đức Phật và vẫn tồn tại ở các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Nhà sư đi khất thực không đơn giản là hành khất xin thức ăn, đó là quá trình thực tập, hạnh nguyện của các nhà sư. Khất thực vừa là phương tiện sinh sống vừa là thời gian để các nhà sư hành đạo.
Đối với các Phật tử, hình thức cúng dường cũng là cơ hội để thực hiện công hạnh, hướng đến thiện nguyện. Vì thế, họ không bao giờ làm điều đó với thái độ ban ơn hay bị bắt buộc. Trước khi cúng dường, người ta phải sửa soạn thân thể sạch sẽ, chuẩn bị thực phẩm với tất cả tấm lòng thành kính trân trọng. Người cúng dường sẽ có những lời cầu phúc cho người thân chứ không cầu chúc cho riêng mình.
Nếu là người yêu đạo Phật, có lẽ bạn nên đến nơi đây, bạn sẽ tìm thấy những giây phút yên bình và ý nghĩa nhất, cùng với người dân nước Lào.
Luang Prabang, thanh pho cua cac ngoi chua

Thông tin du lịch:

- Chọn hành trình : Hà Nội – Viên Chăn – Luang Prabang – bằng máy bay hoặc xe bus liên vận Việt Lào ở bến xe nước ngầm (Hà Nội). Hoặc qua các cửa khẩu khác tại Nghệ An, Hà tĩnh, Thanh Hóa…

-  Nên đổi tiền Kip Lào từ nhà hoặc các cửa khẩu để được tỉ giá tốt nhất. Có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng ở các thành phố lớn như Viên Chăn – Luang Prabang.

- Nên thưởng thức bia Lào và món Lạp (một loại salat rau thịt ăn với xôi trắng) và món cá sông Mê Kông tươi nướng tuyệt ngon.

Theo Thanh Tâm (Elle.vn)

Chùa ở LuangPrabang

Tháng tư, tôi luôn nhớ cái màu vàng lộng lẫy của hoa muồng ở LuangPrabang, cố đô của đất nước Triệu Voi bên dòng Mekong thơ mộng. Nhớ những sáng theo chân các nhà sư đi khất thực, nhớ những chiều ngồi im nơi góc phố, lặng lẽ nắm tay tình nhân và ru ngủ trái tim, nhớ những ánh đèn đêm lung linh như muôn vàn mắt sao sà xuống… LuangPrabang – nơi ấy thật bình yên.
01.jpg (2400×1590)031.jpg (2400×1600)
Những bức tranh tường sống động ở LuangPrabang
Tôi nhớ Wat Souvannakhiri nằm cuối đường Sakkarin, đối diện với ngôi chùa Wat Xieng Thong quan trọng bậc nhất thành Luang. Khác hẳn với vẻ bề thế, uy nghi và sang trọng của “linh hồn” đất cố đô, Wat Souvannakhiri tạo cho tôi cảm giác bình yên và tin tưởng, với một bờ tường bao thấp, gần gũi, hoa tóc tiên được trồng trên lối đi, hoa bóng nước khe khẽ nở trong khoảng vườn nho nhỏ.
051.jpg (2400×1639)
Các nhà sư trẻ ở Wat Xieng Thong chuẩn bị cho lễ khất thực buổi sớm mai
Tôi luôn bắt đầu buổi sáng khất thực theo chân các nhà sư từ ngôi chùa này khi trời vẫn còn tờ mờ tối, màu áo cà sa cứ dần rực lên theo màu của bình minh. Nhón bước chân trần trên phố sớm, tôi lặng lẽ đi theo dòng người hòa với hàng trăm nhà sư đến từ hàng chục ngôi chùa khác nhau của thành Luang.
141.jpg (2400×1600)
Khất thực là một nét văn hóa đặc biệt thú vị của Phật giáo tiểu thừa LuangPrabang nói riêng và một vài nước Đông Nam Á nói chung. Theo đó, chính người dân sẽ dâng hiến đồ ăn cho các vị sư trong chùa, mỗi ngày một lần vào buổi sớm, thường vào lúc 6g sáng; và trong vòng nửa tiếng, buổi khất thực sẽ kết thúc. Các nhà sư sống bằng sự hảo tâm và thương yêu của đồng bào trong vùng; vị sư trụ trì chùa có trách nhiệm giúp các nhà sư trẻ rèn luyện sức khỏe, đạo đức và học tập trước khi họ trở về với đời thường.
Wat Xieng Thong tọa lạc ngay tại nơi sông Mekong gặp sông Nam Khan, cổng chính của ngôi chùa nhìn xuống đường Khem Khong. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1560 dưới thời vua Setthathirat, với một khuôn viên rộng lớn và nhiều hạng mục tuyệt đẹp về kiến trúc, đặc biệt là nghệ thuật ghép mảnh mosaic trên các bức tường, tái hiện rất nhiều truyền thuyết hay các câu chuyện của nhà Phật một cách sinh động và kỳ thú. Vào các dịp lễ lớn như Tết té nước hoặc lễ tắm Phật, Wat Xieng Thong là điểm đến của rất đông phật tử.
221.jpg (2400×1600)
24.jpg (2400×1600)
Wat Xieng Thong huy hoàng và lộng lẫy
Các ngôi chùa gần như nằm san sát, có khi chỉ cách nhau một con đường, thậm chí chùa này thông với chùa kia bằng các lối mòn đi qua sân vườn. Dân chúng cư ngụ quây quần quanh đó, thật gần gũi và ấm áp. Các chùa Wat Saen, Wat Sop Sickharam, Wat Sensoukharam, Wat Sirimungkhun, Wat Si Bun Heuang nối tiếp nhau trên đường Sakkarin. Đi nối lên phố Sisavangvong là “viên ngọc đỏ” Wat Mai Suwannaphumaham (1821) nổi tiếng với kiến trúc năm tầng mái ngói đỏ chồng lên nhau lộng lẫy nằm ngay cạnh Bảo tàng Cung điện Hoàng gia gần chợ Pak Kham, ngước lên là đỉnh Phousi – “vọng cảnh đài” của hoàng hôn sông Mekong.
041.jpg (2400×1600)
Bảo tàng Cung điện Hoàng gia, nhìn từ trên núi Phousi
Kiến trúc chùa ở LuangPrabang thoạt nhìn khá đơn giản, nhưng tôi ngay lập tức bị cuốn hút bởi những họa tiết sơn son thếp vàng cầu kỳ tinh xảo trang trí trên tường nhà, ô cửa, cột đỡ, mái đầu đao… Đặc biệt, mái ngói chồng ba tầng cao vút kiêu hãnh nhưng chân mái lại hạ xuống gần mặt nền, tạo cảm giác thân thiện. Sàn của các ngôi chùa đều xây cao hơn hẳn so với mặt đất; mọi người đều bỏ giày dép, mặc quần áo kín đáo khi bước lên đi vào trong chùa. Ngoài các ngôi chùa nổi tiếng như Wat Xieng Thong hay Wat Mai và Wat Wisunarat (còn có tên gọi khác là Wat Visoun) có thu phí, các ngôi chùa khác của thành Luang vô cùng gần gũi đến nỗi khi bước vào, ta có cảm giác như được trở về nhà.
Nằm cách xa khu cố đô chừng 15 phút đi bộ là Wat Wisunarat – ngôi chùa cổ nhất ở LuangPrabang (xây năm 1513) và có tên trong danh sách Di sản Văn hóa Thế giới. Chùa Wat Wisunarat đã từng được trùng tu và xây dựng lại vào cuối thể kỷ 19 nhưng các nhà sư cho biết, những ô cửa sổ chấn song con tiện của chùa vẫn là “nguyên bản”. Ngay trước mặt chùa này là một ngôi mộ tháp uy nghi Tha Pathum, cùng chung lớp sơn trắng ải màu thời gian và mưa nắng. Kiến trúc của Wat Wisunarat giản dị, tạo nên cảm giác trầm lặng và như thể ngôi chùa đang tìm cách “ngủ quên”.
102.jpg (2400×1600)
Nắng lên, khiến bức tường khảm vàng thêm lấp lánh
Nếu như các ngôi chùa ở LuangPrabang đều có một khuôn viên với khoảng không thư thái, đầy cây xanh êm đềm và khoáng đạt, thì nơi sinh hoạt, học tập và rèn luyện của các nhà sư trẻ trong màu áo vàng cam lại rất sống động và thú vị. Ngoại trừ vị sư trụ trì và một vài vị sư chính, các nhà sư trẻ đều nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên; họ rất hồn nhiên, tinh nghịch và rất hiếu khách, đặc biệt với du khách nước ngoài. Tôi thật ngạc nhiên khi biết các nhà sư ở đây, mỗi người tự học một thứ ngôn ngữ khác nhau mà họ yêu mến như tiếng Thái, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý và cả tiếng Việt Nam.
Không phải vô tình mà tôi đã yêu mến LuangPrabang và coi đó như một mảnh đất ngọt ngào của mùa trăng mật. Tôi đã quên thời gian khi lặng người chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc biệt của đất nước Lào. Tôi có thể ngồi cười khúc khích và nói chuyện hàng giờ với những nhà sư trẻ, vắt vẻo trên bờ tường rào hay chiếc ghế gỗ nơi góc phố ngắm cuộc sống chậm chạp đi qua những ngõ nhỏ đầy hoa dắt ra phía bờ sông. Tôi nhớ những buổi sớm mai được hòa vào dòng áo màu cam đi khất thực, tìm những phút tĩnh lặng cho tâm hồn, nhớ quá chai bia Lào mát lạnh giữa trưa hè cháy nắng bên bờ Mekong lộng gió, nhớ đến ngẩn lòng những lối mòn loanh quanh yên ả khi đêm về …
Thế nên, tháng tư về, tôi lại nhớ quá, thành Luang ….
Bài & ảnh: Thủy Trần
KTNĐ tháng 4-2012

Không có nhận xét nào: