Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

ĐẾN THÁI LAN NGẮM HOA HƯỚNG DƯƠNG RẠNG RỠ Ở LOPBURI

(Inlook.vn) - Nằm cách thủ đô Bangkok, Thái Lan khoảng 150 km về hướng Đông Bắc, vào những ngày cuối tháng 10, những bông hoa mặt trời bắt đầu nở rực rỡ trên toàn Lopburi.
Lopburi không phải là cái tên xa lạ với người Thái vì đây là nơi chuyên trồng hoa hướng dương để sản xuất hạt và ép dầu cho toàn đất nước chùa tháp. Nhưng trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách lại là điều mới với thị trấn này trong vài năm trở lại đây, khi các vị khách sẵn sàng chạy xe buýt đi và về trong ngày để được đắm mình trong những cánh đồng hoa tuyệt đẹp.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 1
Nằm về phía cố đô Ayutthaya nổi tiếng nhưng xa hơn một chút, đường đến Lopburi thuận tiện với rất nhiều chuyến xe buýt và tàu hỏa qua lại hàng ngày. Từ Bangkok, nếu đi tàu, bạn có thể chọn tàu có hành trình Hua Lamphong - Lopburi, khởi hành vào lúc 7h sáng và đi trong khoảng 2 tiếng đồng hồ với giá bình dân. Sau khi đến Lopburi, có nhiều chuyến xe buýt đợi khách để chạy thêm vài chục km nữa vào sâu vùng núi, nơi có những cánh đồng hướng dương mang tên Khao Chin Lae.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 2
Rời khỏi thành phố đông đúc, những tuyến xe chạy hàng ngày đưa khách tiến dần vào vùng nông thôn của mảnh đất Thái, những thửa ruộng trồng hoa hướng dương bắt đầu xuất hiện hai bên đường, từ thưa thớt rồi ken dày, càng gần đến chân núi, những cánh đồng hoa càng trải ra ngút ngàn tầm mắt. Và chẳng mấy chốc, xe đã đi giữa những thảm hoa vàng rực, bánh xe cuộn màu đất đỏ phía xa.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 3
Đến lúc này, thật khó có thể ngồi lâu trên xe được nữa, đa phần du khách trẻ sẵn sàng nhảy xuống giữa đường để ùa vào những cánh đồng hoa vàng bát ngát. Những bông hoa hướng dương to và cao hơn đầu người, nghiêng mình hướng về cùng một hướng mặt trời. Đi dưới những đóa hoa rực rỡ, hãy cẩn thận để tránh không làm nát hoa.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 4

Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 5
Còn nếu bạn không vội, hãy đến tận thị trấn nhỏ rồi bắt đầu từ một quán café xinh đẹp có hướng nhìn ra toàn cánh đồng hoa, nơi bạn có thể vừa ăn chút điểm tâm, nhâm nhi tách café, sưởi ấm trong nắng sớm và ngắm nhìn những bông hoa rạng rỡ cùng vô vàn những đàn ong mật và đàn bướm đủ màu sắc rộn ràng lượn quanh.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 6

Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 7
Hoa hướng dương tại Lopburi được trồng để lấy hạt và ép dầu, đây cũng là vựa hoa lớn nhất Thái Lan. Từ đầu tháng 11 đến tháng 1 là mùa đẹp nhất ở Lopburi với những thảm hoa hướng dương rực rỡ, nở khắp các triền đồi, tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp cho toàn mảnh đất Khao Chin Lae. Ba tháng cuối năm này cũng là ba tháng đông khách nhất của Lopburi. Những năm trước, đa số du khách là người Thái Lan, còn một hai năm trở lại đây, các vị khách nước ngoài cũng đã có mặt tại đây.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 8
Phần lớn du khách sẽ đi theo tuyến lộ trình Băng kok đến Auyutthaya rồi đến Lopburi, sau đó tiếp tục lên Pai, Chiang Mai và Chiang Rai. Nếu có thời gian, bạn nên đến và ngủ lại tại đây một đêm, để chơi thoải mái trên khắp cánh đồng từ khi bình minh lên cho đến khi hoàng hôn tắt nắng cuối chân trời.
Đến Thái Lan ngắm hoa hướng dương rạng rỡ ở Lopburi 9
Đi xuyên qua cánh đồng hoa, có đôi lúc bạn chẳng tìm thấy nhau vì hoa lá ken dày và bạn hoàn toàn được những tán ô hoa che nắng trên đầu. Hoa nở một màu cam rực rỡ, cùng với hoa là vô vàn những đàn ong và bướm. Mùa hoa nở cũng là mùa bận rộn của những người nuôi ong lấy mật. Những chai mật ong từ hoa hướng dương được bày bán trong làng là món quà ngon tuyệt cho bất cứ du khách nào. Ngoài ra, trong làng còn bán những bông hoa hướng dương khô, hạt hướng dương và dầu ăn hướng dương dinh dưỡng.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với các cánh đồng hoa ngày một đông, các nông dân trồng hoa trước mùa thu hoạch đã mở thêm dịch vụ nhỏ như đi xe ngựa, một vài quầy hàng ăn uống đơn giản cho khách đến chơi. Bóng mặt trời khuất dần xa xa, những bông hoa hướng dương rạng rỡ vẫn hướng mình về phía nắng. Hoa sẽ rũ cánh, ngủ một giấc dài trong đêm, để sáng mai lại bừng bừng "những mặt trời" rạng rỡ trên khắp cánh đồng.

Hội hè Lopburi – tắm lại nỗi nhớ thiếu thời

???????????????????????????????
TGTT số 37 có giới thiệu lễ hội khỉ Lopburi, chộn rộn sắp xếp công việc tôi đi. Hào hứng trong mùa vui hội hè Lopburi. Như ngày xưa cũ, chưa xa lắm nhưng đã hiếm thấy trên đất Việt.
Hội chợ nhớ thương
Bangkok đi Lopburi bằng minivan từ bến Mo Chit hay bùng binh Victory mất 80.000 đồng, hai giờ. Buýt rẻ hơn chậm hơn, mất ba giờ. Tàu lửa rẻ nhất, chỉ 9.000 đồng, bốn giờ. Từ Lopburi đi ngắm hướng dương, nhiều nhất ở Khao Chin Lae, xe buýt 601 mất 10.000 đồng/40 phút. Ngày thường khách sạn vắng vì khách chủ yếu đi về trong ngày, nhưng một đêm lang thang, ngồi nhâm nhi bên bóng những ngôi đền vài trăm năm tuổi ngay giữa phố cũng khá thú vị.
Đến Lopburi sớm, tôi lăn vào hội chợ tưng bừng mừng lễ hội. Như về lại thời thơ dại, ngày tết những năm còn gian khó, khi hội chợ là thú vui chờ đợi cả năm dài của trẻ quê. Giờ, hội chợ kiểu đó ít thấy xứ mình hay cũng đã biến hình phai phôi, nhưng ở đây lại gặp những gì mấy mươi năm trước, vui quá chừng. Từ đoàn môtô bay ngày xưa 2 – 3 năm mới ngang qua tỉnh lỵ làm đám trẻ mắt tròn mắt dẹt, từ những trò lôtô dễ chơi nhưng hồi hộp, trò phóng phi tiêu bong bóng, tố lon, ném vòng cổ chai, câu cá, bắn súng… ngày nao mê mẩn, đến trò mới như hớt cá bằng vợt giấy mỏng teng dễ rách, chui vào bóng tròn dập dềnh trên hồ… nhắc nhớ sao ngày thơ ấu. Không kềm lòng khi thấy các bé, nam thanh nữ tú hăng hái chơi, khách giang hồ cũng ham hố tham gia, mong tìm chút hương xưa ngày cũ (!).
Dĩ nhiên, hội chợ không thể thiếu phần ẩm thực. Bánh trái Thái nhiều màu, xinh xắn, mấy cô hàng sáng tạo nhiều hình dáng, màu sắc dễ thương… nhưng tôi lẩn quẩn miết những gian quà quê. Từ nổ rang, bánh nổ, chuối sấy, bánh tráng nướng, thèo lèo, bánh ống… kể cả những chiếc bánh thuẫn cứ nghĩ độc quyền nước mình cũng thấy ở đây – nhớ sao những ngày xưa thèm quá chút ngọt. Cạnh đó là những quầy thức ăn truyền thống Thái như khao lam (cơm nếp ngọt nướng ống lam), pad thai (hủ tíu xào), som tam (gỏi đu đủ ba khía), các món nướng quen thuộc, các mâm côn trùng các bạn Tây mê mẩn chụp hình, nhăn mặt cắn răng thử…
Còn nhiều thú vui, phẩm vật địa phương cuốn hút của hội chợ lớn nhất nhì trong năm. Nhưng sẽ chưa đủ nếu không sà xuống đất ngồi cùng người quê, vừa ăn uống, nhâm nhi, ngắm nghía (nhưng chẳng hiểu gì!) sân khấu ca múa nhạc, xem tuồng xưa tích cũ, nghệ sĩ áo quần sặc sỡ, kim tuyến lấp lánh rõ nét Thái… Y như ngày nao trốn nhà đi coi cọp đoàn cải lương hiếm hoi tạt ngang phố, bay bổng mơ mòng với những hoàng tử công chúa… Chơi hội chợ Lopburi, tôi như đang về những ngày quê xưa, nhớ thương làm sao!
Cuốn hút lễ hội khỉ Lopburi
Nhưng điểm nhấn chính vẫn là lễ hội khỉ. Khỉ sống chung với người ở Lopburi xưa mức nào ít ai biết, nhưng từ lâu chúng quây quần quanh ngôi đền xưa hơn 800 năm tuổi Phra Prang Sam Yot như một cộng đồng nhỏ của phố. Tuy nhiên, lễ hội khỉ Lopburi thì rất “trẻ”, tính đến năm nay chỉ mới 26 lần. Thành công với hệ thống khách sạn Yee Lopburi Inn với logo là chú khỉ thân thiện ở quê nhà, ông chủ Yongyuth Kitwatananusont, người Lopburi, về quê tổ chức buổi tiệc tạ ơn con cháu thần Hanuman, theo ảnh hưởng của Hindu giáo vẫn rất mạnh ở đây. Từ bữa ăn cho các chú khỉ tại các ngôi đền thiêng ngày 25.11.1989, lễ hội khỉ ra đời, dần dà phát triển, lồng ghép, tô đậm thêm bằng những nét duyên xưa của miền đất dày lịch sử này. Tổ chức vào chủ nhật cuối tháng 11 hàng năm, lễ hội được vinh danh không chỉ ở Thái Lan – National Geographic (Mỹ), Telegraph (Anh)… nhắc đến như một trong các hội hè nhiều sắc màu, lạ lẫm nhất hành tinh.
Chỉ là tiệc cho khỉ nhưng thức ăn khác nhau, trang trí cầu kỳ theo chủ đề từng năm, như Bữa tiệc cho khỉ dài nhất thế giới, Bữa tiệc khỉ xếp hình chữ Hán lớn nhất thế giới… Năm nay là “Monkey Party Sky Lounge”, tạm dịch “Đại tiệc khỉ giữa thanh thiên”. Lopburi còn nổi tiếng với hướng dương, nên không khó thấy những bông hướng dương – những lát xoài như cánh hoa xếp quanh nhuỵ trái lê vàng, toả sáng giữa trời xanh – những khoanh thanh long nhuộm xanh… cùng nhiều bàn thực phẩm bày biện công phu, đẹp đẽ để các chú khỉ phá tan ngay sau đó.
Nhiều nghi thức mới và xưa, nhưng rất ấn tượng là những điệu múa truyền thống của trai thanh gái lịch Lopburi bên bóng ngôi đền Khmer 800 năm tuổi Phra Prang Sam Yot. Xiêm y rờ rỡ, nét thanh tân, vũ điệu uyển chuyển duyên dáng… được tôn thêm bởi dáng đền cũ trầm mặc đã mòn mỏi dấu xưa, dưới trời xanh mây trắng nắng vàng… làm khách mẩn mê như quên thời gian.
Mùa này những đồng hướng dương mênh mang vàng Lopburi chớm rộ. Nên, nếu trót lỡ hội vui, khách du đi Thái cũng có thể tranh thủ viếng di tích xưa, chụp dăm tấm hình mấy chú khỉ tinh quái, nhấm nháp quà quê đẫm tình… và tận hưởng những đồng vàng ngút ngàn, không người chen lấn giẫm đạp như chuyện biết-rồi-khổ-lắm-nói-mãi xứ mình. Vậy sao không đi?
Những mâm cỗ dành cho khỉ được bày biện công phu, bắt mắt.
Những mâm cỗ dành cho khỉ được bày biện công phu, bắt mắt.
Cô hàng bánh khéo tay biểu diễn các công đoạn vẽ hình lên bánh.
Cô hàng bánh khéo tay biểu diễn các công đoạn vẽ hình lên bánh.
Lôtô, khách lạ có muốn chơi cũng không được nếu không biết tiếng Thái.
Lôtô, khách lạ có muốn chơi cũng không được nếu không biết tiếng Thái.
Các cô gái cũng hiên ngang chơi trò bắn súng nhận quà.
Các cô gái cũng hiên ngang chơi trò bắn súng nhận quà.
bài và ảnh: Thái Hoãn

Lopburi: vàng rơi – thu mênh mang

Lễ hội buffet khỉ Lopburi vào chủ nhật cuối tháng 11 khá nổi tiếng. Tháng này còn thu hút du khách đến đây thăm những đồng hướng dương.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Cách Bangkok 150km, hơn hai giờ xe, nhưng khách Việt ít ghé đến cố đô Thái – thành Lopburi. Không lừng lẫy như cố đô Ayutthaya, Lopburi có những nét độc đáo riêng khi những nhà mới, đường phố khang trang chen lẫn bên ngồn ngộn những đền đài cũ, với những kiến trúc, điêu khắc tinh xảo của tháng ngày vinh quang xưa.
Sự dung hoà cũ mới
Ra đời từ năm 648 bởi tiểu vương Kalavarnadish đến từ Punjab, Pakistan bây giờ, Lopburi từng được Marco Polo kể đến trong cuốn du ký nổi tiếng. Dấu ấn thời đế quốc Khmer hùng mạnh ngự trị vùng này vẫn còn lưu dấu trong nhiều đền đài, dù thời hoàng kim của Lopburi chỉ đến sau đó, khi trở thành kinh đô của vương triều Sukhothai, rồi vương triều Ayutthaya giữa thế kỷ 17, rồi cả Siam sau đó…
Nhiều lớp phế hưng của các triều đại quàng lên những di tích xưa Lopburi nhiều dấu ấn. Có thể tìm thấy những dấu tích của kiến trúc Khmer, Sukhothai, Ayutthaya… rạng ngời sắc sảo trên những đền đài, kể cả trong đống đổ nát của cung điện hoành tráng do đại đế Narai để lại. Vài nét gothic cổ cũng được lưu lại bởi các sứ thần Tây phương, thời vương triều Ayutthaya hùng cứ tiếng tăm vang dội cả trời tây. Dâu bể, chiến tranh… nhiều di tích giờ là nơi cát cứ của con cháu thần Hanuman, vẫn được tôn trọng, thờ phụng trong sự giao thoa tôn giáo miệt này – cũng là lý do của lễ hội buffet Khỉ vui nhộn hàng năm. Nhưng nét rất riêng của Lopburi là (chỉ trừ ít ngôi đền có bán vé) nhiều đền xưa đài cũ nằm ngay trong phố mới, chẳng có rào chắn, tường ngăn… đều được giữ gìn bảo quản cẩn thận. Do vậy, lang thang ở phố xưa Lopburi, bên tường thành cung điện sừng sững, giữa những đền đài trên dưới nửa thiên niên kỷ tuổi tác Si Ratana Mahathat, Prang Sam Yot… rất ít những cách ngăn, vẫn rạng ngời trong đổ nát, du khách rất dễ cảm được sự dung hoà, tôn xưa trọng cũ của dân lành Lopburi, một nét rất khó tìm thấy, gìn giữ được ở các miền di tích.
Các chạm trổ, điêu khắc tinh xảo ở những ngôi đền trên dưới nửa thiên niên kỷ tuổi tác.
Các chạm trổ, điêu khắc tinh xảo ở những ngôi đền trên dưới nửa thiên niên kỷ tuổi tác.
Thu mênh mang vàng
Trên đường, khi ngang qua mấy đồng hướng dương ven đường, thấy tôi nhấp nha nhấp nhổm, bác tài khoát tay kêu ngồi xuống làm tôi càng lo tợn. Đến khi thấy một trời hoa vàng trước mặt, chẳng cần tôi nhấp nhổm, bác tài dừng xịch xe trước cánh đồng kêu tôi xuống. Gặp các bạn trẻ Thái Lan, mới biết hoa nở theo vùng, theo thời gian và nơi tôi được bác tài thả xuống đang đẹp nhất lúc này.
Từ Bangkok có thể đi về Lopburi, kể cả thăm thú đồng hướng dương trong ngày. Có buýt (60.000 – 80.000đ), minivan (80.000đ) mất khoảng hai đến hai tiếng rưỡi, đi từ bến Mo Chit hoặc từ bùng binh Victoria. Nhưng rẻ nhất, được khách đi bụi yêu thích nhất, dù chậm nhất (ba tiếng rưỡi) là tàu lửa, vé ngồi cứng chỉ 9.000đ, ga lại ngay phố cổ đỡ tốn 5.000đ đi buýt từ bến xe vào. Lopburi quanh năm thưa thớt, nhưng đến Lễ hội buffet khỉ cần đặt phòng trước, giá cũng chỉ từ 100.000đ phòng đơn giản, là nơi tập trung dân du lịch balô, với nhiều nguồn tin thú vị. Nhiều đặc sản từ thức ăn đến vật phẩm, kể cả loại vải quý mudmi tốt nhất xứ Thái, do những người Lào di cư đã mang theo kỹ thuật dệt nhuộm đặc sắc đến đây vào cuối thế kỷ 19.
Mà đẹp thiệt! Cánh đồng hướng dương vàng rực đẹp tuyệt thì chắc tôi không nên tả, vì khó thể diễn đạt hết, để hình ảnh thay lời. Còn nhiều thứ khác cũng đẹp không kém. Tỷ như dãy núi đá vôi xanh ngắt nhiều dạng lô nhô làm phông nền cho đồng vàng mênh mông vừa lạ vừa thêm duyên. Tỷ như đồng vàng chạy ngút ngàn bên hàng cổ thụ xanh thênh thang làm tốn thêm phim, pin máy ảnh.
Tỷ như bên đồng hướng dương, lạ thay hàng đọc-khun, quốc hoa xứ Thái, vốn chỉ nở rộ vào tháng 4, giờ này cũng khoe sắc vàng thắm, bên lũ sứ phô hương nồng… Những cái đẹp khác là những cánh đồng vàng mênh mang hướng dương không rào chắn không thu phí, cứ thoải mái chụp hình.
Chỉ khi leo lên view-point của quán càphê đẹp ven đồng để ngắm, chụp mới phải đóng 10 baht (7.000đ), còn dưới đồng thì thoải mái. Vậy mà đồng vẫn đẹp tinh tươm, không rác, không thấy cành, thấy hoa bị vứt bỏ, chà đạp sau khi chụp hình. Cả những em bé cũng chỉ nép bên hoa để ba mẹ chụp hình chứ cũng chẳng cầm tay cái bông nào, như cảnh tượng thường gặp nhiều nơi quê mình…
Còn nhiều thứ đẹp nữa, như việc được các gia đình đi picnic lôi kéo kẻ lang bạt một mình đến ngồi chung vui, hỏi han, chia sẻ, chia nhau những ngụm Chang nồng nàn hương lẫn tình. Như việc ham hố mê ngắm, chụp, bị lỡ chuyến buýt cuối, tôi được các bạn trẻ Thái cho quá giang về Lopburi…
Đêm về phố, nhâm nhi hạt hướng dương béo thơm, ngon hơn hẳn bất kỳ loại hướng dương Tàu cao cấp thấp cấp đầy tràn xứ Việt, chờ món đặc sản khô ba chỉ nướng thơm phức, trà-dư-bia-hậu mới biết nơi đây còn lắm trò vui.
Như chương trình Tập làm quân nhân, trải nghiệm rất thật và học nhiều kỹ năng sinh tồn, kể cả việc ăn côn trùng, thú vui leo lên những ngọn núi đá vôi để ngắm thảm hoa vàng bên dưới hay thong dong trên gương hồ xanh Pa Sak Cholasit, Ang Sap Lek, hay viếng thăm những chùa thiêng lưng chừng núi đá…
Nên dù ghé Lopburi đã ba lần, vẫn mơ mòng ủ mưu, nhân “cái cớ” lễ hội buffet Khỉ, biết đâu cuối tháng 11 này lại lò dò tìm về!
Lũ khỉ hồn nhiên làm trò không chỉ của… khỉ.
Lũ khỉ hồn nhiên làm trò không chỉ của… khỉ.
Món khô ba chỉ thơm lừng những đêm Lopburi
Món khô ba chỉ thơm lừng những đêm Lopburi
bài và ảnh: Thái Hoãn

Không có nhận xét nào: