Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Những phong tục đón năm mới kỳ lạ trên thế giới

(Toquoc) – Với nhiều quốc gia theo lịch phương Tây, năm mới đã bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia đón tết theo lịch âm, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, có một điểm chung, đó là dù là bất kỳ quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới cũng đều có những lễ hội hay phong tục đón mừng năm mới. Có nhiều phong tục chào đón năm mới vô cùng độc đáo và kỳ lạ, xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú cũng như những tín ngưỡng văn hóa của mỗi một vùng miền.
Mặc đồ lót màu vàng và đỏ để đón năm mới ở Colombia, Bolivia và Mexico
Ở nhiều nước Mỹ La Tinh như Colombia, Bolivia và Mexico, người dân có tục lệ mặc đồ lót màu vàng để chào đón năm mới. Không rõ phong tục này bắt đầu từ khi nào và như thế nào, nhưng theo họ, mặc đồ lót vàng sẽ đem lại sự sung túc cho người mặc trong năm mới.
Người ta cho rằng bạn sẽ còn may mắn hơn nếu nhận được món quà là một món đồ lót màu vàng trong năm mới. Đặc biệt, theo người Mexico, nếu muốn gặp được một nửa còn lại đích thực, hãy mặc đồ lót màu đỏ vào dịp năm mới.
Đi viếng mộ người thân ở thành phố Talca, Chile
Người dân ở thành phố Talca, Chile có phong tục đi thăm mộ của người thân vào đêm giao thừa. Sau bữa tối, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau tới nghĩa trang, mang theo ghế, ngồi quanh mộ và đón năm mới cùng những người quá cố, thể hiện tình yêu thương của người còn sống với người đã khuất. Phong tục độc đáo và không kém phần nhân văn này được một gia đình ở đây thực hiện vào năm 1995 và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Xem phim hài “Dinner for One” ở Đức
Ở nhiều thành phố tại Đức, người dân có cách đón năm mới cũng khá kỳ lạ mà không ai biết chắc phong tục này đã có từ bao giờ. Đó là các thành viên trong gia đình sẽ ngồi xem một bộ phim hài có tựa đề là Dinner for One, tạm dịch là Bữa tối cho một người trong lúc chờ đón giao thừa. Đây là một bộ phim về một người phụ nữ Anh, năm nào trong ngày sinh nhật mình cũng dọn bàn ăn đón tiếp 4 vị khách đã mất từ cách đó nhiều năm.
Ném muối qua vai để xua đuổi xui xẻo
Người dân Mỹ có cách xua đuổi những điều xui xẻo và đón may mắn bằng cách ném muối qua vai nhau, đổ hết quần áo bẩn trong giỏ đem đi giặt hay không để cây thông Noel qua năm mới. Ngoài ra, rất nhiều người Mỹ sẽ ăn đậu đen hoặc đậu xanh để mong gặp tốt lành và rủng rỉnh tiền tiêu trong năm mới. Đặc biệt, ở phía Nam của nước Mỹ, người ta còn ăn má lợn để cầu may trong năm mới.
Lễ hội Takanakuy, Peru
Năm mới thường là thời điểm thích hợp cho những khởi đầu mới của bạn, ví dụ như kế hoạch giảm cân ngắn hạn, hoặc bỏ thuốc lá, nhưng người dân ở Chumbivilcas, gần thành phố Cuzco, Peru, lại có một sự đầu mới khác biệt, đó là lễ hội Takanakuy, có nghĩa là “Khi máu sôi lên”. Những người tham gia bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em tập hợp trong một vòng tròn và tham gia một trận chiến với nhau mà không có các thiết bị bảo vệ. Cảnh sát sẽ đóng vai trò là trọng tài. Tuy nhiên, bạn cũng không cần lo lắng vì các cuộc thi có mục đích vui là chính chứ không nhằm gây trọng thương cho đối thủ. 
Mặc dù những người ở nơi khác sẽ thấy đây là phong tục kỳ lạ, nhưng những người dân ở Chumbivilcas lại rất vui khi năm mới bắt đầu từ những cái ôm thân thiện trước và sau trận đấu, bỏ lại những điều không vui ở phía sau.
Phong tục “Hogmanay” ở Scotland
Người Scotland có một phong tục khá kỳ lạ vào ngày cuối cùng của năm, còn gọi là Hogmanay, đó là cố gắng trở thành người đầu tiên bước lên bậc thềm nhà của bạn bè hay hàng xóm để có nhiều may mắn nhất. Ngoài ra, họ còn có một trò chơi có tên gọi là Loony Dook, trong đó hơn 1000 người sẽ cải trang, lặn xuống dòng nước giá buốt của con sông Forth để bắt đầu một năm mới thật mới mẻ và tràn đầy năng lượng.  
Nhảy khỏi ghế và đánh vỡ bát đĩa ở Đan Mạch
Ở Đan Mạch, nhiều người dân đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bằng cách cùng nhảy ra từ ghế khi tiếng chuông điểm 12 tiếng trong đêm giao thừa. Theo quan niệm của họ, việc làm này sẽ giúp họ xua đuổi tà ma của năm cũ và hướng tới một năm mới may mắn nhất.

Một phong tục khác nữa là đập vỡ những chiếc đĩa sứ ở cửa nhà hàng xóm. Trái với suy đoán của nhiều người, đây không phải là một hành động bày tỏ sự tức giận hay lăng mạ người khác, mà nó tượng trưng cho tình hữu nghị và đoàn kết. Nếu nhà ai có càng nhiều mảnh vỡ ở ngoài cửa, họ sẽ càng thấy vui vì nó báo hiệu một năm mới thật suôn sẻ ở phía trước.
108 tiếng chuông ở Nhật Bản
Mọi người thường quen với việc nghe thấy 12 tiếng chuông báo hiệu thời khắc chuyển giao sang năm mới đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng những người theo đạo Phật ở Nhật Bản không chỉ đánh 12 tiếng chuông. Theo một tục lệ có tên là Joya no Kane, người Nhật đánh tới 108 tiếng chuông. Mỗi một lần chuông ngân lên tượng trưng cho một điều xấu mà con người có thể nghĩ đến hoặc đang ấp ủ. Cùng với tiếng chuông này,  những điều xấu đó sẽ tan đi, giúp thanh lọc tâm hồn con người và hướng tới những điều tốt đẹp.
Té nước ở Myanmar
Ở Myanmar, người dân sẽ té nước lên nhau trong lễ hội Thingyan để mong mọi người gột rửa hết những bụi bẩn của năm cũ, hoàn toàn thanh khiết bước sang năm mới. Mọi người sẽ té nước lên các thành viên trong gia đình cũng như hàng xóm và thậm chí là những chiếc xe chạy qua. Những người có quần áo ướt đẫm sẽ là những người nhận được nhiều lời chúc may mắn nhất trong năm mới.
Ăn mặc những thứ có hình tròn ở Philippines
Tết ở Philippines rơi vào ngày 1/1 dương lịch. Vào dịp này, mọi người sẽ chia sẻ những món ăn và quần áo có hình tròn trong dịp năm mới. Tại sao lại như vậy ư? Theo quan niệm của người dân Philippines, hình tròn tượng trưng cho đồng xu, cũng có nghĩa là sự thịnh vượng, giàu có. Do đó, họ chọn ăn những đồ ăn hình tròn, ví dụ như quả nho, cam và mặc các quần áo hoặc đi giày dép có hoa văn chấm tròn trong các lễ hội.
Chọn người để kết hôn trong năm mới ở Belarus
Năm mới của người dân Belarus, điều may mắn trong năm mới chính là việc kết hôn. Những cô gái còn độc thân sẽ cùng tham gia các cuộc thi đòi hỏi kỹ năng và sự may mắn. Người chiến thắng sẽ là người làm đám cưới vào tháng sau. Một trong các cuộc thi bao gồm việc xếp những bắp ngô trước các cô gái. Sau đó họ sẽ cho một chú gà trống chạy ra, nếu chú gà trống chọn bắp ngô của cô gái nào, thì đó sẽ là cô gái may mắn lấy chồng trong năm mới.
Nhảy xuống hồ nước lạnh ở Canada, Hà Lan
Người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, Hà Lan có một phong tục đón năm mới rất độc đáo mang tên “Lặn như gấu Bắc cực”, trong đó bạn phải nhảy xuống một con sông, hồ hay ao gần nhất và lạnh nhất. Bạn có thể mặc quần áo hoặc không tùy thích. Và càng nhảy xuống sát giờ giao thừa thì càng may mắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tạo ra sự may mắn cho mình bằng cách làm này. Vì với những người không có sức khỏe tốt, thì cách chào đón năm mới “Lặn như gấu Bắc cực” chắc chắn sẽ kết thúc bằng một cơn cảm lạnh.
Nhảy xuống hồ băng Balkan ở Nga
Cũng là một phong tục tương tự như ở Canada và Hà Lan, nhưng dường như việc lặn xuống hồ Balkan ở Nga trong năm mới có vẻ nguy hiểm hơn, vì Balkan là hồ nước ngọt lớn nhất và sâu nhất thế giới. Những thợ lặn chuyên nghiệp sẽ đục một lỗ tròn trên mặt hồ lúc này đã đóng băng, sau đó lặn xuống độ sâu tới 40m. Tục lệ này đã có từ năm 1982. Một trong số các thợ lặn sẽ mang cây năm mới xuống đáy hồ, mang theo các thiết bị nặng tới hơn 100kg, và những thợ lặn khác sẽ nhảy múa xung canh cái cây ấy. Họ cũng sẽ mang theo Nữ thần Băng giá và ông già Tuyết, hai nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Nga, tượng trưng cho các lễ hội ở quốc gia này.
Ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ ở Nam Phi
Ở ngoại ô thành phố Johannesburg của Nam Phi, năm mới được đánh dấu bằng phong tục ném đồ đạc qua cửa sổ trong đêm giao thừa. Theo quan niệm của người dân nơi đây, việc làm này sẽ giúp nhà cửa trở nên sạch sẽ, sẵn sàng đón những điều tốt lành vào nhà vào năm mới. Tuy nhiên, hy vọng trước khi ném, mỗi chủ nhà đều để ý xem có ai đang đi qua cửa sổ nhà mình hay không. 
Đốt pháo hoa theo công nghệ cao ở Philippine
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, trước đây người dân Philipine chào đón năm mới bằng những tràng pháo nổ giòn giã. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị thương. Đó là lý do chính phủ Philippine đưa ra một giải pháp công nghệ cao cho phép dân chúng chào đón năm mới một cách rộn ràng nhưng cũng không kém phần an toàn. Bộ Y tế Philippine đã đưa tiếng pháo nổ lên trang web của mình và khuyến khích mọi người download các file âm thanh dưới dạng mp3 này xuống một cách miễn phí và bật lên thật to trong đêm giao thừa. Đây là một biện pháp khá hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và nên được áp dụng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới./.

Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới

Người dân tại các quốc gia trên thế giới đều có những phong tục độc đáo để cầu may cho một năm mới tốt lành, thuận lợi.


Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 1
Nga: Một trong những truyền thống đón năm mới ở Nga là viết điều mong muốn thành hiện thực trong năm sau lên một mẩu giấy, sau đó đốt tờ giấy lấy tro thả vào một cốc sâm-panh và uống ngay sau khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng vào đêm cuối năm.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 2
Peru: Người Peru có rất nhiều phong tục đón năm mới, từ mặc quần áo mới, thắp nến đến viết ra điều ước để đem lại may mắn trong năm tới. Một trong những truyền thống thú vị là đoán xem năm sau sẽ thế nào bằng… khoai tây. Theo truyền thống, ba củ khoai tây sẽ được đặt dưới gầm ghế hoặc sofa, một củ đã gọt, một củ gọt một nửa và một củ chưa gọt. Vào nửa đêm, họ sẽ chọn một củ bất kỳ để dự đoán tình hình tài chính năm sau: củ gọt hết là không gặp may mắn về tiền bạc, củ gọt một nửa là một năm bình thường, và củ chưa gọt là sẽ có một năm “tiền vào như nước”.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 3
Philippines: Người dân Philippines có cả chục phong tục nhằm đem lại may mắn cho năm mới. Một trong số đó là mở cửa ra vào và cửa sổ trong đêm giao thừa để xả hết những năng lượng tiêu cực và đón khí tốt vào nhà.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 4
Nam Phi: Ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ trở thành một truyền thống đón năm mới ở thành phố Johannesburg của Nam Phi. Chính phủ địa phương đã cố gắng thay đổi truyền thống này do nhiều người đi đường bị thương vì trúng phải đồ đạc ném xuống.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 5
Tây Ban Nha: Theo truyền thống của Tây Ban Nha, ăn 12 quả nho trước khi đồng hồ điểm 12h đêm sẽ đem lại may mắn cho 12 tháng trong năm mới. Truyền thống này thường làm phát sinh cuộc thi xem ai có thể nhét nhiều quả nho vào miệng nhất.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 6
Puerto Rico: Ở Puerto Rico, các truyền thống liên quan tới nước được thực hiện quanh năm. Một trong số đó là hắt một cốc hay một xô nước ra khỏi cửa sổ vào đêm giao thừa năm mới để đuổi tà ma.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 7
Ireland: Ngày cuối năm còn được gọi là “Ngày của bánh mì” trong tiếng Gaelic. Ở Ireland, người dân sẽ dùng bánh mì đập lên cửa và tường để đuổi xui rủi ra khỏi nhà và mời vận may vào.
Những cách cầu may năm mới "độc" nhất thế giới 8
Brazil: Người Brazil có truyền thống mặc đồ màu trắng để đem lại may mắn trong năm mới. Sau đó họ thường ra bãi biển tung hoa xuống nước trong lúc ước một điều gì đó.
 
Theo Zing

Không có nhận xét nào: