Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Myanmar, miền đất Phật giáo linh thiêng

Trong số hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ, nổi tiếng nhất là Chùa Vàng Shwedagon ở Yangon và Chùa Hòn Đá Vàng (Golden rock) ở thị trấn Kyaikto, quận Thaton.
Chùa Vàng Shwedagon ở Yangon, được lưu truyền đang lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật, là biểu tượng tâm linh tôn nghiêm bậc nhất của người dân Myanmar. Được xây dựng ở thời Đức Phật còn tại thế cách đây hơn 2.500 năm, quần thể Chùa Vàng Shwedagon gồm hàng trăm ngôi chùa tháp lớn nhỏ, trong đó ngôi tháp cao nhất 98 m ở trung tâm được trang hoàng toàn bằng vàng ròng với hàng ngàn viên kim cương, hồng ngọc, bích ngọc, và đặc biệt là viên kim cương sáng chói 76 carat trên đỉnh tháp.

Tường, cột, trần bên trong các ngôi chùa, tháp của quần thể Chùa Vàng Shwedagon đều được dát vàng với ánh sáng lấp lánh tạo nên một khung cảnh vừa tráng lệ, vừa tôn nghiêm.

Một vị sư ngồi thiền trong Chùa Vàng Shwedagon.

Người dân Myanmar thành tâm kính lễ trong Chùa Vàng Shwedagon.

Chùa Hòn Đá Vàng (Golden rock) nằm trên ngọn núi thuộc thị trấn Kyaikto, quận Thaton, cách Yangon khoảng 200 km. Ở độ cao trên 1.100 m, Chùa Hòn Đá Vàng cũng là nơi rất linh thiêng và huyền bí của người dân Myanmar. Tương truyền nơi đây đang lưu giữ một sợi tóc của Đức Phật. Hòn Đá Vàng nằm chênh vênh ngay trên đỉnh núi với phần tiếp xúc rất nhỏ còn được gọi với cái tên “hòn đá linh thiêng” nơi tiếp đón hàng ngàn Phật tử hành hương chiêm bái mỗi ngày. Nhiều người tin rằng, chính một sợi tóc của Đức Phật được đặt trong ngọn tháp cao 7,3m trên đỉnh “hòn đá linh thiêng” đã giữ cho hòn đá thiêng tồn tại qua năm tháng. 
Tiếng lầm rầm tụng kinh, niệm phật của các Phật tử cùng với tiếng chuông gió leng keng trong đêm khuya càng tạo nên một không gian linh thiêng, huyền bí.

Hòn đá linh thiêng được bao quanh bởi một hàng rào sắt mà chỉ có nam giới mới được vượt qua hàng rào sắt để chạm tay trực tiếp vào hòn đá, dát những lá vàng mỏng vào hòn đá cầu bình an cho gia đình và người thân. Phụ nữ không được chạm tay trực tiếp vào hòn đá linh thiêng mà chiêm bái ở bên ngoài hàng rào sắt.

Một ngôi chùa sáng bừng trong ánh hoàng hôn trong quần thể chùa Hòn Đá Vàng, trên đỉnh núi thuộc thị trấn Kyaikto.

Du khách cũng có thể lên Hòn Đá Vàng bằng kiệu do 4 người khiêng từ lưng chừng núi.

Tượng 4 vị Phật ngồi ở chùa Kyaikpun trên đường đi Bago.

Pho tượng Phật nằm ngoài trời với chiều dài 55 m ở chùa Shwethalyaung, Bago.

Các thầy tăng đi khất thực hàng sáng

Hàng ngày, dòng người hành hương ùn ùn về những ngôi chùa nổi tiếng ở Myanmar.

Thanakha là mỹ phẩm của người Myanmar có tác dụng dưỡng da, chống nắng. Người ta lấy thân cây Thanakha mài vào các phiến đá, hòa với một chút ít nước và dùng để bôi hàng ngày.

Phụ nữ Myanmar thường dùng mỹ phẩm Thanakha để dưỡng da, chống nắng.

Và trẻ em cũng thường bôi mỹ phẩm này.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

Hành hương Myanmar

PN - Vừa đến Mandalay (Myanmar) từ Yagon bằng chuyến xe buýt đêm, tôi vội vã thuê một chiếc xe honda để vòng quanh thành phố, nơi một thời là kinh đô cuối cùng và cũng là trung tâm Phật giáo lớn nhất của người Môn.
    Bên trong ngôi chùa Mahamuni, từng đoàn người hành hương xếp hàng rồng rắn để được làm lễ. Với những Phật tử Myanmar mộ đạo, đây là ngôi chùa thứ hai họ cần phải hành hương trong cuộc đời.
    Những ngôi stupa trắng toát ở chùa Mahamuni - một nét đặc trưng của Myanmar
    Chùa Mahamuni
    Các thầy tu trẻ tuổi đang cầu nguyện trong chùa giải thích cho tôi hiểu thêm về sự linh thiêng của ngôi chùa. Theo ngôn ngữ Bhasa, Mahamuni có nghĩa là “nhà hiền triết vĩ đại”. Năm 554 TCN, khi đức Phật Gautama trên đường đến Dhanyawadi - tiểu bang phía bắc của vương triều Rakhine để truyền bá đạo Phật, nhà vua Sanda Thurija và hoàng hậu Sanda Mala cùng đoàn tùy tùng 1.600 người đã đến đồi Salagiri nghe đức Phật giảng kinh. Họ chìm đắm trong những lời thuyết pháp của ngài và ghi nhớ những điều ngài đã dặn dò. Sau buổi thuyết pháp, nhà vua đã đề nghị đức Phật cho tạc tượng để thờ cúng.
    Lời đề nghị của nhà vua đã làm cho đức Phật Gautama ngồi dưới gốc cây bồ đề trầm tư mặc tưởng đúng bảy ngày. Lúc bấy giờ, trên chín tầng mây, hai đức Phật Sakka và Vissakamma cảm nhận được tư tưởng của đức Phật Gautama bèn “sáng tạo” trên khuôn mặt của đức Phật Gautama hình ảnh sống động của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc ngài còn hiện diện trên thế gian. Sự sáng tạo này chỉ hiện đúng một tuần khi đức Phật Gautama ngồi dưới gốc cây bồ đề. Bức tượng bằng gỗ quý đã ra đời và thể hiện đúng nhất khuôn mặt đức Phật Thích Ca.
    Tượng Phật ra đời kèm theo lời đồn về chín hiện tượng kỳ diệu đã khiến ngôi chùa trở nên linh thiêng. Để thể hiện sự sùng đạo và cũng muốn thể hiện sức mạnh “quyền lực” của mình, vua Sanda Thujira thường đem vàng dát lên tượng Phật. Tập tục này được thực hiện theo kiểu “cha truyền con nối” và ăn sâu vào tiềm thức của các Phật tử Myanmar, vì thế tượng Phật càng to hơn bởi lượng vàng thật được dát lên ngày càng nhiều.
    Trong hương khói nghi ngút trên chánh điện, những người mộ đạo lần lượt quỳ xuống và dâng mâm lễ cúng. Tượng Phật tọa lạc giữa chánh điện phản chiếu ánh nắng mai lọt vào từ một khoảng trống nào đó trên mái hiên, tạo thành sắc vàng óng ánh. Hai bên tượng Phật là những người làm công quả tiếp nhận các mâm lễ và đắp vàng thật vào tượng. Bên ngoài hành lang chánh điện, đoàn người đang xếp hàng để chờ đến lượt vào làm lễ.
    Tượng Phật linh thiêng được dát vàng
    Trên đỉnh Sagaing
    Đồi Sagaing bắt đầu ẩn hiện trong sương mù khi tôi đến ngôi chùa Shwe Kyet Yet. Một cây cầu với những nhịp hình vòng cung bắc ngang dòng sông Irrawaddy hiền hòa bên dưới. Lố nhố những ngôi tháp trắng nằm trên đồi Sagaing khi đứng nhìn từ phía bên này đầu cầu. Theo truyền thuyết, chính đức Phật Gautama đã thuyết pháp cho nhà vua Sanda Thurija và hoàng hậu Sanda Mala trên đỉnh đồi Sagaing (Salagiri ngày xưa).
    Tôi hơi ngán ngẩm khi nghĩ đến cảnh vượt từng bậc thang để leo lên ngôi chùa Soon Oo Ponnya Shin trên đỉnh đồi, rồi chợt ngẫm nghĩ, dù sao mình cũng đã đến đây, cần phải chiến thắng bản thân. Bỏ đôi dép lê vào ba lô, tôi từng bước một đi trên các bậc thang quanh co và đôi khi dốc thẳng đứng lên đỉnh đồi.
    Trong ngôi chùa lộng gió, tiếng chuông trầm ấm ngân vang cho tôi cảm giác yên bình. Một vị sư già đã giải thích cho tôi những thắc mắc về những ngôi chùa ở Myanmar. Thừa hưởng tấm lòng mộ Phật giáo từ các thời vua chúa để lại nên người dân Myanmar rất mộ đạo. Khi bước vào cổng chùa, người dân phải bỏ dép đi chân trần.
    Điều đặc biệt, khi làm có bao nhiêu tiền, những phật tử đều mua vàng lá đến để dát cho tượng Phật hoặc xây dựng chùa. Những người mộ đạo hy vọng rằng, việc dát vàng lên tượng Phật hay xây chùa sẽ giúp cho họ có sức khỏe và cuộc sống thịnh vượng.
    Ngoại trừ Đức Phật Thích Ca ngồi giữa chính điện luôn mở đôi mắt về phía trước, các tượng còn lại hai bên đều ở trong trạng thái thiền. Trạng thái thiền của các tượng Phật còn lại giải thích cho sự tĩnh lặng của cái tâm mà quên đi các biến cố đang xảy ra, và dường như đang suy nghĩ về cuộc đời của chính những người Myanmar.
    Dưới đồi Sagaing, dòng sông Irrawaddy quanh co uốn khúc chảy trong sương mù. Trên những bậc thang cao vút ấy, tôi nhìn thấy mùa đông đang đến.
     NGUYỄN CHÍ LINH

    Không có nhận xét nào: