Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ghé thăm "ngôi nhà của thần Shiva"

Prambanan là một quần thể đền thờ thần Hindu ở Trung Java, cách thành phố Yogyakarta khoảng 18 km về hướng đông. Prambana đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1991 do những yếu tố độc đáo của kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa của đền.
Là ngôi đền Hindu giáo lớn nhất Java, Indonesia ở mọi thời đại, Prambanan tập trung tất cả những tinh hoa về kiến trúc, điêu khắc do vua Rakai Pikatan xây dựng, nhằm thể hiện sự hưng vượng của vương triều lên các nét trang trí ngôi đền. Vẻ đẹp ngàn năm của Prambanan cho đến nay vẫn là một biểu tượng rõ nét nhất trong lối xây dựng đền đài Hindu giáo ở Java.
Theo các tài liệu ghi lại, tên gọi ban đầu của đền Prambanan là Shiva Grha có nghĩa là “ngôi nhà của thần Shiva” với tháp chính – là tháp lớn nhất trong tổng số 140 tháp của đền được dành để thờ thần Shiva. Tên gọi Prambanan sau này lấy từ tên của ngôi làng gần vị trí mà ngôi đền toạ lạc.
Đền Prambanan với 240 toà tháp lớn nhỏ, là một kiệt tác về kiến trúc, điêu khắc, được xây dựng vào khoảng năm 856, thờ ba vị thần cao cả nhất của Hindu giáo là Shiva (đấng huỷ diệt), Vishnu (đấng bảo hộ) và Brahma (đấng tạo hoá).
Phần tháp chính có tên gọi Loro Jonggrang bao gồm sáu toà tháp bố trí thành hai hàng theo trục Bắc Nam, ba toà tháp lớn nhất nằm ở vị trí trung tâm, với tháp giữa thờ thần Shiva cao đến 47m, hai tháp còn lại thờ thần Vishnu và Brahma. Cả ba cửa đền đều quay mặt về hướng đông – hướng của sự sống – một kiểu xây dựng quen thuộc thường thấy ở đền đài Hindu giáo. Cửa hướng đông là cửa mở duy nhất, ba cửa còn lại của mỗi ngôi đền đều được bít kín, gọi là cửa dụ, vì người Hindu giáo quan niệm rằng cửa mở chỉ dành cho người phàm, còn thần linh có phép thần thông sẽ ra vào các cửa dụ.
Có ba tháp nhỏ hơn nằm đối diện ba toà tháp chính, gọi là Candi Vahana, thờ ba vật cưỡi: bò thần Nandin của thần Shiva, ngỗng thần Hamsa của thần Brahma và chim thần Garuda của thần Vishnu. Trong ba đền này chỉ có ngôi đền chính giữa là có linh vật bò thần Nandin được tạc từ một khối đá rất lớn, còn lại hai toà tháp kế cận thờ chim thần Garuda và ngỗng thần Hamsa, nhưng không có linh vật bên trong gian thờ chính, thế nên các nhà khảo cổ học không gọi hai đền này theo tên mà định danh đền ở hướng bắc là tháp A và hướng nam là tháp B.
Vào thế kỷ 16, một trận động đất lớn xảy ra tại Indonesia đã khiến cho tháp chính và nhiều đền tháp nhỏ trong quần thể sụp đổ. Bởi không có kinh phí và không còn được quan tam như thời hoàng kim nên chính quyền địa phương thơì kỳ đó đã bỏ mặc khu phế tích này.
Vào năm 1811, dưới thời kỳ đô hộ của vương quốc Anh, nhà thám hiểm Collin Mackenzie đã tình cờ tới Prambanan và phát hiện ra quần thể đổ nát này. Ngay lập tức chính quyền vương quốc anh đã cho khám phá toàn bộ khu phế tích. Tuy nhiên sau đó, khu vực này không được trùng tu mà còn bị thực dân Hà Lan và Anh lấy trộm các bức phù điêu của đền về trang trí tại vườn nhà riêng của mình.
Đến năm 1880, nhiều nhà khảo cổ tâm huyết đã tìm đến khám phá, nghiên cứu khu vực phế tích song những việc làm đó chỉ càng khiến cho quần thể đền tháp được biết đến nhiều hơn và các hiện vật bị trộm nhiều hơn. Cho đến tận năm 1918, việc trung tu, tôn tạo mới thực sự được bắt đầu và đến năm 1930 thì công việc này mới bắt đầu quy chuẩn với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Nhưng vì quá nhiều tác phẩm bằng đá, các bức phù điêu đã bị lấy mất nên việc phục chế không thể hoàn tất. Cho đến hiện nay, nhiều đến tháp nhỏ vẫn chưa được phục dựng lại, chỉ thấy nền móng xưa còn sót lại vẫn hiện rõ trên mặt đất.
Trận động đất năm 2006 lại làm cho khu đền hư hỏng nghiêm trọng và hiện phải đóng cửa để phục dựng tránh gây nguy hiểm cho khách thăm quan.
Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, tổng thể Prambanan hôm nay dẫu không còn nguyên vẹn 240 toà tháp như nền tảng ban đầu, nhưng với những gì lưu lại, đủ để hấp dẫn lữ khách từ khắp nơi tìm đến, khám phá một thời kỳ hưng thịnh trong nghệ thuật kiến trúc Hindu giáo đạt đến trình độ đỉnh cao ở Java khi xưa.
Là một trong những ngôi đền Hindu giáo đẹp và đồ sộ nhất thế giới, Prambanan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá từ năm 1991, vẻ đẹp của Prambanan đến từ những chi tiết điêu khắc trang trí, với các tích truyện chép từ sử thi Ramayana của Hindu giáo thể hiện lên nền đá núi lửa, một loại chất liệu địa phương quen thuộc trong xây dựng kiến trúc ở miền trung Java.

Chip (TTVN)
.

Không có nhận xét nào: