|
Cảnh rất thường thấy dọc đường từ cửa khẩu đi Phnom Penh: chùa
chiền, trường học và các khu dân cư nông thôn đều có xây cổng chào, kiểu
cách gần như giống nhau. |
(TBKTSG Online) - Chúng tôi đã nhiều lần tính chuyện cùng nhau đi thăm
xứ Chùa Tháp mà rồi năm này sang tháng nọ ước vọng vẫn loanh quanh trong
vòng ý tưởng. Đến nỗi lâu ngày đâm chán, gặp nhau tiu nghỉu giả lơ,
chẳng ai còn buồn nhắc nhở chi nữa. Đùng cái, một nhứ nhá bâng quơ và
hăm hở dồn dập đưa nhau tụ lại. Chúng tôi bám lấy ngay để không còn suy
nghĩ nhiêu khê mà làm ngay cho bằng được.
Đêm hôm trước, chúng tôi kéo nhau vào Sài Gòn trên chuyến tàu khởi hành
từ ga Nha Trang lúc 20g42. Ngủ gà ngủ gật mãi đến khi tàu dừng ở ga Hòa
Hưng vào tờ mờ sáng hôm sau. Cả bọn bắt taxi về quận 1, vào trọ tại một
nhà nghỉ trong ngõ nhỏ nối đường Bùi Viện với đường Phạm Ngũ Lão, khu
có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, tiệm ăn, phòng mát xa và các văn phòng
dịch vụ du lịch dành cho khách Tây. Bỗng dưng mình cũng được chia lây
chút đời sống bụi của giang hồ nước ngoài.
Đường phố đã rộn ràng xe cộ nhưng hàng quán và các văn phòng dịch vụ lữ
hành chưa mở cửa, cả bọn lăn ra nằm nướng một lát rồi dậy tìm chỗ ăn
sáng, cà phê trước khi mua vé xe cho chuyến đi ngay hôm sau. Đã hẹn
trước nên khi đến văn phòng của Lac Hong tours chúng tôi được tiếp đón
khá nồng nhiệt, vui vẻ và mọi việc hoàn tất chóng vánh. Chúng tôi mua 4
vé xe đi thẳng Siem Reap và thuê phòng ở khách sạn My Home; thanh toán
trước 100%.
Lên đường
|
Xe khách TPHCM - Phnom Penh - Siem Reap của hãng Sorya, Campuchia. |
Sáng hôm sau, chúng tôi ra xe rất sớm, tự động đem hành lý gửi rồi lên
xe tìm số ghế của mình, chẳng ai hỏi han, soát vé gì cả, vậy mà cũng
thông suốt. Ngồi tầng trên chiếc xe bus loại hai tầng, lòng tôi nao nao
nghĩ tới chuyến đi vì đây không phải là một chuyến đi có tổ chức, không
theo một tua có người hướng dẫn mà hoàn toàn có tính cách "bụi", y hệt
dân Tây ba lô.
Hãng xe tuy chạy đường Việt Nam, song chủ lại là người Khmer, xe mang
biển số Campuchia, kể cả cách trang hoàng, rèm che nắng, phim giới thiệu
hành trình đều mang màu sắc văn hóa và ngôn ngữ nước láng giềng. Xe
chạy đúng giờ, đến Mộc Bài khoảng 9 giờ, nhà xe thu gom hộ chiếu của
khách và lo hộ việc thị thực nhập cảnh. Hành khách chỉ việc vào chờ gọi
tên, nhận lại hộ chiếu lên xe đi tiếp sang cửa khẩu Bavet của nước bạn.
Thủ tục hải quan cả hai bên cửa khẩu khá đơn giản và được giải quyết
nhanh chóng, không rườm rà, thoải mái nên khách thấy dễ chịu. Khoảng hơn
nửa tiếng là xong, xe chạy vào lãnh thổ Campuchia.
|
Khách sạn và sòng bài nằm liền nhau một đoạn dài sát cửa khẩu Bavet, Camuchia. |
|
Campuchia cũng có Las Vegas cạnh Mộc Bài, Tây Ninh chứ đâu cần qua Mỹ xa xôi! |
Vừa qua cửa khẩu, liên chi hồ điệp là những dãy sòng bạc, giải trí kèm
khách sạn, nhà hàng, tất cả bề ngoài trông hiền lành, im lìm, dễ thương,
song chắc chắc bên trong đang hiển hiện bao nỗi âu lo, hồi hộp, lo toan
dự đoán vì những con bài, vòng quay ru lét hay đủ món bài bạc khác.
Xe đi sâu vào địa phận Khmer, đã thôi không còn những kiến trúc đồ sộ
hay các nhà cao tầng xây chắc chắn mà toàn là các nhà nhỏ lụp xụp, rải
rác trên những mảnh đất trống khô khan. Nhà làm bằng vật liệu nhẹ, mái
uốn cong ở các góc theo hoa văn địa phương, phần lớn được sơn với các
màu đỏ gạch, màu nâu hoặc màu xanh lá cây đậm.
|
Cảnh hai bên đường từ cửa khẩu Bavet đi Phnom Penh. |
Giữa cái nắng chói chang mà bắt gặp các màu "cứng" đó, ai cũng thấy như
dội thêm cái nóng hơn lên và có phần ngột ngạt vì chưa quen phong thổ
và cung cách sống đó. Đất Campuchia còn để trống nhiều, các nơi làm nông
nghiệp có lẽ trông chờ vào mùa mưa hoặc vừa xong vụ mùa nên khô và nứt
nẻ. Lơ thơ vài cây thốt nốt mọc rải rác bên đường.
Xe qua bến phà Neak Loeung, những con phà cũ kỹ, bến bãi đơn sơ, đường
vào ra không được cải tiến, tu bổ, xây dựng nên loại xe khách cao kềnh
càng thấy khó khăn khi xuống phà. Ít nhất có 3 lần chúng tôi nghe tiếng
cọ kèn kẹt dưới sàn xe vì mặt dốc lên phà nhô cao, trong khi gầm xe lại
quá thấp. Buôn bán trên phà là các đám hàng rong mời chào món côn trùng
chiên, xoài hoặc đường thốt nốt...
|
Chợ trung tâm Phnom Penh. |
Khoảng 12g, xe dừng ở bến 128, cạnh chợ trung tâm thủ đô Phnom Penh và
sẽ tiếp tục lăn bánh lúc 13g30 đi Siem Reap. Tại đây, khách đi chặng
TPHCM-Phnom Penh hoàn tất lộ trình, số khách đi Siem Reap tự lo tìm chỗ
ăn trưa và chờ đến giờ đi tiếp; nhà xe nhận thêm khách mới từ đây đi
Siem Reap. Bến xe nhỏ hẹp, các chuyến vào ra tới tấp nên luôn đông.
Khách lên xuống xe đều được đám xe ôm, xe tuk-tuk mời chào, nhưng không
có cảnh níu kéo hay bám riết và tranh giành nhau. Họ thường giúp đỡ nhau
hỏi han, phiên dịch hay giới thiệu các điều khách cần biết.
Bốn người chúng tôi kéo nhau vào chợ. Khu hàng ăn rộng, mái cao nên khá
thoáng, song các gian hàng sắp xếp thiếu hợp lý khiến cho mặt bằng trở
nên khá chật, bù lại nhìn khá sạch sẽ. Món ăn trong chợ khá phong phú,
nhìn sạch mắt. Vào giờ ăn trưa nhưng khách không đông lắm, người bán
tươi cười mời chào nhưng không quá vồn vã. Chúng tôi ghé vào một hàng,
nhìn và dùng tay chỉ món mình chọn. Mọi yêu cầu đều “nói” bằng tay, hai
mẹ con bà bán hàng không hiểu tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi lại
chưa học lóm được tiếng Khmer nào. Nhưng hai bên rồi cũng hiểu nhau và
chúng tôi có bữa trưa ngon miệng, vui vẻ.
|
Hàng trái cây chợ trung tâm Phnom Penh. |
Trước đây, tiền Việt Nam có thể dùng ở Phnom Penh và nhiều địa phương
khác nhưng nay chỉ có đồng riel của Campuchia hay đô la Mỹ được chấp
nhận thanh toán. Tuy nhiên, khu hàng ăn uống trong chợ này cũng không
nhận đô la Mỹ vì phiền phức với việc thối lại tiền thừa. Thế là ăn xong,
một người ngồi lại, để ba người đi tìm chỗ đổi tiền. May là bên kia
đường, cạnh chợ có mấy tiệm vàng nhận đổi tiền Việt sang đồng riel; tỉ
giá ở đây cao hơn ở cửa khẩu Mộc Bài. Lúc ở Mộc Bài, chúng tôi chỉ đổi
tạm một ít tiền riel để phòng khi tiêu vặt, ăn uống dọc đường.
Lướt qua Phnom Penh
Chuyến đi này, chúng tôi chọn hai điểm đến chính là Siem Reap và
Sihanouk Ville và chỉ ghé qua Phnom Penh trên lộ trình đi và về, vì thế
chỉ có thể quan sát thủ đô qua kính xe là chính.
Đường phố Phnom Penh không lớn, mật độ xe cộ lưu thông cũng nhiều, chủ
yếu là ô tô và xe tuk-tuk. Phần lớn xe chạy theo làn, không vội vã qua
mặt nhau. Khi cần vượt đều báo hiệu đèn và chờ an toàn mới thực hiện.
Tuy vậy không phải tuyệt đối ai cũng biết tôn trọng nhau, thỉnh thoảng
ta cũng gặp những cảnh bát nháo của một tay 'ba toạng', hoặc của một vài
du khách nước ngoài ở trên đường phố. Ví dụ một xe hai bánh đâm vọt ra,
cúp đầu ô tô. Được cái, gặp những trường hợp ba trợn như thế thì người
ta thường nhường nhịn và tha thứ cho nhau, chứ không quát nạt, văng tục
hay hầm hè trách mắng.
|
Cảnh sát giao thông ở Campuchia có vẻ nhàn hạ và hiền hòa. |
Điều khiến du khách dễ nhận ra là vắng tiếng còi xe ồn ào hay những vẻ
mặt bực bội vì cảnh xe cộ chèn ép nhau. Có lúc, ở ngã tư không có đèn
xanh đèn đỏ, ô tô và xe máy chen nhau từ từ đi, không ai bấm còi hay la
lối.
Thảng hoặc có một chiếc tay ga lấn lướt, chẳng thiết mở đèn báo hiệu
xin vượt, tài xế xe lớn từ tốn giảm ga, đạp thắng nhường đường (chiếc xe
chúng tôi đi hôm ấy và xe khác sau này cũng vậy). Cứ tưởng như vậy là
thôi, dè đâu khi chiếc xe tay ga qua lọt thì lại thấy người lái quay gật
đầu (xin lỗi hay cám ơn gì đó), đây hẳn là một điều khó gặp ở xứ ta.
Đi bất cứ nơi đâu đều gặp nụ cười nơi môi người bản xứ dù quen hay lạ;
dù họ đang mời chào bán hàng hay đơn giản chỉ là gặp gỡ nhau đối diện.
Vào cửa hàng dù thực lòng muốn mua hay chỉ xem đọ giá, họ đều vui vẻ
phục vụ, đon đả giới thiệu các món, khách có từ chối thì họ cũng nhã
nhặn cất dẹp. Nói như thế không phải ở Campuchia đều hoàn hảo, họ vẫn có
những mặt yếu kém về xã hội, nhưng là bề trái rất hạn chế mà bất cứ nơi
đâu trên thế giới cũng vậy thôi.
Đường vào Siem Reap
|
Ra khỏi Phnom Penh, xe qua cầu vượt sông Tonle Sap. |
Đoạn đường Phnom Penh đi Siem Reap xa lắc xa lơ, đi hoài không tới. Về
khoảng cách, từ TPHCM đi Phnom Penh 240km, (trong đó có 70km trên đất
Việt Nam), chặng Phnom Penh đi Siem Reap dài 314km. Đoạn chênh lệch 74km
không lớn, nhưng ai cũng thấy xa hơn rất nhiều bởi cuối chặng đường ai
nấy đều mệt mỏi và tâm lý ngóng trông đến nơi để nghỉ ngơi; mặt khác,
khi màn đêm buông xuống, hành khách không còn được ngắm cảnh dọc đường,
trên xe đèn mờ...
Xe chạy ra khỏi thành phố, cảnh nông thôn thoáng rộng, nắng nhạt dần,
chiều xuống nhanh. Trời tối hun hút, xe lao qua nhiều đoạn đường vắng
vẻ, đôi khi tạt ngang một khu đông dân cư thì điện đóm tù mù, xài toàn
bóng ruột gà vàng như nghệ, không ai đoán ra đó là một thôn, xã hay thị
trấn! Các cửa hàng cũng dùng rất ít bóng đèn; nhà dân xây to, nhiều
phòng cũng chỉ mở một hai bóng đèn như vừa đủ thấy đường đi.
|
Xe tuk tuk chạy vùng ngoại thành. |
Chúng tôi nói đùa với nhau, điện đóm kiểu này hẳn là sản lượng sinh con
phải tăng mỗi năm vì xe tạt qua những trung tâm buôn bán hay các nơi
hàng quán thì cũng chẳng thấy sáng sủa hơn. Cứ thế càng thấy đường xa
rất xa, không biết bao giờ mới tới, đoán mò đoán đại với nhau "sắp đến
rồi" cho đỡ sốt ruột. Tài xế bảo khoảng 20g30 sẽ đến nơi, nhưng đồng hồ
chỉ kim gần cận mà điện với đóm vẫn mù mù lịt lịt, chả lẽ thành phố du
lịch Siem Reap cũng tối hoe tối hoắt thế này?!
Tới gần 21g00, những đoạn đường đang tối nham nhở bỗng sáng hẳn lên,
xanh xanh đỏ đỏ đã lần lượt lướt qua trước mắt. Vào phố, ánh điện mắc
trên cầu đang mời chào cảnh Chợ Đêm mới yên chí Siem Reap cũng là một đô
thị lớn đấy chứ. Xe vào bến đỗ, bước xuống nhận hành lý đã thấy một
biển ghi tên nhóm chúng tôi. Đó là xe tuk-tuk của khách sạn (đã đặt chỗ)
ra đón chúng tôi.
|
Xe đưa đón công nhân vùng nông thôn làm việc cho các nhà máy. |
Vừa đặt chân đến Siem Reap, anh em tôi đã gặp ngay một chuyện kỳ quặc.
Xe tuk tuk chạy thẳng vào sân khách sạn EverGreen, trong khi chúng tôi
đặt phòng (đã thanh toán tiền) tại My Home - Tropical Garden Villa. Anh
chàng tuk tuk ngớ ra nhưng cũng phải đưa chúng tôi đến đúng địa chỉ.
Ngạc nhiên hơn, ở My Home, người quản lý không hề hay biết gì về nhóm
khách đến từ TPHCM này cả!
Tuy nhiên, mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa. Sau khi nghe chúng
tôi giải thích, quản lý khách sạn My Home làm thủ tục và giao phòng cho
chúng tôi vào nghỉ; lúc đó đã 22 giờ. Hỏi, thì anh tuk tuk nói là anh ta
nhận “lệnh” đón khách từ “ông chủ” ở TPHCM. Vậy là nhầm lẫn do phía văn
phòng Lac Hong Tour ở Sài Gòn.
Siem Reap - Xa mà gần
|
|
|
Siem Reap có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ đủ mọi giá, đáp ứng nhu
cầu đa dạng cho du khách. Tất cả đều có tiện nghi và phục vụ tốt . |
- Trong chuyến đi này, nhóm bốn người chúng tôi có hai
người đến Campuchia lần đầu, hai bạn thì đã từng đi theo tour. Bàn bạc
nhau, cả bọn thống nhất là dành nhiều thời gian cho Siem Reap, thăm thú
các thắng cảnh, di tích thuộc quần thể Angkor và một số khác.
Trước khi đi, chúng tôi đã “vẽ” sơ lộ trình với nhau, dự tính sẽ nhập
cửa khẩu Mộc Bài/Bavet cho lượt đi, lượt về sẽ từ Sihanouk Ville sang
tỉnh Kampot rồi qua cửa khẩu Hà Tiên vào Việt Nam. Vì vậy ngay trong
ngày đầu tiên chúng tôi đã đi một lèo hơn 500km. Mệt, nhưng cả bọn muốn
dành thời gian ngoạn cảnh nhiều vì ai cũng có máu mê chụp ảnh.
.
My Home - “Khu vườn nhiệt đới”
|
My Home guest house. Một khách sạn nhỏ đáng tin cậy ở Siem Reap. |
Cũng như nhiều nơi du lịch khác, Siem Reap có rất nhiều nhà nghỉ, khách
sạn, resort đủ hạng sao và đủ hạng giá. My Home - Tropical Garden Villa
là một khách sạn nhỏ, chúng tôi đã có ba ngày lưu trú thoải mái ở đó.
Đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một khách sạn yêu cầu
du khách cởi giày dép để ngoài cửa, đi chân không vào phòng tiếp tân.
Vào phòng ngủ khách mới mang dép của khách sạn. Khi ra hồ bơi ở sân sau,
họ cũng để sẵn dép khác cho khách mang. Kể ra cũng hơi phiền, nhưng
thái độ nhã nhặn đến lễ phép của nhân viên ở đây khiến chúng tôi không
thấy phiền phức mà vui lòng 'nhập gia tùy tục'.
Khách sạn cung cấp Wi-Fi miễn phí. Phòng khách cũng có hai máy vi tính
cho khách dùng 24/24. Ngoài bữa điểm tâm bao gồm cả cà phê hoặc trà miễn
phí, nhà hàng mini của My Home phục vụ các bữa ăn theo yêu cầu (giá khá
cao)... Nói chung, dịch vụ phụ trợ phục vụ 24/24 và khá đầy đủ. My Home
cũng có xe đạp cho khách mượn đi, dù miễn phí nhưng xe rất tốt và một
hồ bơi với quầy rượu, ghế nằm phơi nắng trong khung cảnh khá đẹp mắt và
tiện nghi.
Gia đình chủ nhân My Home sống ở một ngôi nhà nằm sau khách sạn, có lối
đi riêng. Suốt ba ngày, chúng tôi không hề thấy ông chủ và các con xuất
hiện trong khu vực khách sạn, chỉ có bà chủ ra sân trước thắp nhang vào
mỗi sáng sớm rồi lui ra khu nhà bếp và giặt giũ... Việc giao dịch, giải
quyết mọi việc với khách do hai thanh niên chừng hơn 30 tuổi thay ca
nhau trực tại quầy tiếp tân. Giúp việc cho hai anh quản lý này là mấy cô
cậu rất trẻ đến làm thêm để kiếm tiền đi học. Quầy giải khát, ăn uống ở
sân trước có ba cậu trai trẻ, thay nhau phục vụ từ 5g sáng đến 10g đêm.
Tất cả đều nói tiếng Anh rành rẽ và đặc biệt rất nhiệt tình và lễ phép.
Thái độ của các bạn phục vụ ở đây rất điềm đạm, thân thiện. Không gian
yên tĩnh và chúng tôi có cảm giác an toàn, thoải mái.
Đi và nhìn ngắm...
Nhắc lại một chút, đi dọc con đường Xuyên Á (AH1) nối với cửa khẩu sang
đất Việt Nam ở Tây Ninh, đi qua Phnom Penh đến Siem Reap, dù không chú ý
chúng tôi vẫn nhận ra một điểm nổi bật là hầu như hai bên đường chỉ có
các pano quảng cáo bia nội địa như Angkor, Anchor và Cambodia. Vào trong
khu nội thành, các loại bia này cũng nổi bật. Suốt mấy ngày trời chỉ
duy nhất một lần chúng tôi thấy lạc lõng bảng giới thiệu bia San Miguel
mà thôi. Sau này, khi đến Sihanouk Ville, chúng tôi mới thấy có biển
quảng cáo một loại rượu của Mỹ và bia Heineken. Nếu vào các khu chợ đêm,
bạn có thể gặp các loại bia, rượu khác nhưng vào khách sạn, nhà hàng
nhỏ thì hầu như chỉ có bia nội địa.
Về phương tiện di chuyển, Siem Reap không nhiều xe như Saigon hay Hà
Nội. Nhiều nhất là tuk tuk, xe máy và xe du lịch. Hầu như không thấy
taxi như ở Phnom Penh. Tìm hiểu mới biết là ở Siem Reap, có mấy công ty
taxi, nhưng họ cung cấp phương tiện theo yêu cầu của khách; nghĩa là anh
gọi điện thoại đến, tôi cho xe đến chở anh đi đâu anh muốn. Còn phương
tiện thì có thể là tuk tuk hoặc xe du lịch đời mới (4 chỗ, 7 chỗ, 16
chỗ...). Không có dạng meter taxi (ô tô) chạy lòng vòng đón khách như
các thành phố khác.
Trên mọi nẻo đường, ô tô cũng đa dạng, nhiều tên hiệu rất sang và đắt
giá, các nhãn xe như Mercedes, BMW, Toyota nhiều lủ khủ và có cả
Porghini, Rolls Royce. Xe Pháp rất ít, xe Mỹ cũng vậy, có lẽ vì dáng
kềnh càng và hao nhiều nhiên liệu nên không được chuộng. Có xe tay lái
thuận, có xe tay lái nghịch nhập từ Thái Lan, tuy nhiên cảnh sát giao
thông ít khi chặn can thiệp trên đường.
Quan sát dọc đường, tôi thấy hầu hết xe máy hai bánh chỉ có người cầm
lái đội mũ bảo hiểm, còn các người khác ngồi sau xe thấy không ai đội.
Cứ thế, lúc nào, ở đâu cũng thấy xe máy chở ba người nhưng chỉ một người
lái xe có mũ bảo hiểm, họ chạy trước mặt, cảnh sát giao thông cũng
chẳng có phản ứng gì.
Cảnh sát giao thông mặc đồng phục, nhưng lại đi xe máy riêng chứ ít
thấy dùng mô tô đặc chủng của đơn vị. Tất nhiên, họ cũng có loại mô tô
phân khối lớn gắn đèn chớp và còi hụ, nhưng dường như chỉ dùng vào việc
hộ tống yếu nhân hay ở các chốt quan trọng. Tác phong cảnh sát Campuchia
(Phnom Penh và Siem Reap) rất thoải mái, đến mức lè phè! Có ông còn
treo võng nằm ở góc ngã tư, hoặc mang dép cả lúc ra đường điều khiển
giao thông!
Những anh chàng ‘tuk tuk’
|
Lái xe tuk tuk đội mũ bảo hiểm chỉ mang tính cách hình thức, có người còn không có mũ. |
Nói về đi lại ở Campuchia, không thể bỏ qua giới lái xe tuk tuk. Hầu
hết có thể nghe và nói tiếng Anh khá thông thạo, vừa đủ để giao tiếp
thoải mái với du khách nước ngoài. Ở các điểm du lịch, phố chợ hoặc
trước khách sạn, nhà trọ... không hề thấy cảnh tranh giành khách. Tuy
nhiên, gặp bất kỳ bác tài tuk tuk nào đó lần đầu, khách luôn phải trả
giá trước khi lên xe.
Thuộc dạng xe tự chế như xe lôi ở các tỉnh Nam bộ Việt Nam nên mỗi
chiếc tuk tuk có lối trang trí, làm đẹp theo ý của chủ xe. Có xe bọc nệm
da, gắn hai kính chiếu hậu lớn như ô tô và có gắn loa phát nhạc suốt
dọc đường, tất nhiên là các bài hát của người bản xứ. Tính tình họ bặt
thiệp, sẵn lòng giới thiệu với khách các nơi cần xem, dưới nóc xe gắn
các hình ảnh để khác dễ thấy và không mè nheo đòi hỏi thêm tiền khi đã
thỏa thuận nhau về thời gian hoặc hành trình trước.
Xem ra họ cũng dễ tính, cùng đi với nhau, hễ gặp bữa mời thì họ vui vẻ
vào bàn với thái độ khiêm tốn. Họ nhiệt tình “thuyết minh” cho khách
biết những điều thấy được dọc đường đi, vui vẻ dừng xe và chờ đợi khách
chụp ảnh, giải thích những điều thuộc về tập quán sinh hoạt của người
bản xứ.
Ngày cuối cùng ở Siem Reap, khi hoàn tất lộ trình đã vạch ra chúng tôi
định quay về khách sạn để nghỉ ngơi một chút trước khi ăn tối rồi lên xe
bus chạy suốt đêm xuống Sihanouk Ville. Anh tuk tuk thấy còn sớm nên
hỏi chúng tôi có muốn viếng thăm khu người việt sinh sống ở Biển Hồ
không? (đoạn đường này khá xa). Anh ta còn nêu ra mấy khu đền đài nhỏ
dọc trên đường về, mô tả các đặc điểm của mỗi cụm tháp...
Anh em chúng tôi nói đùa với nhau “Nếu ở Việt Nam, thái độ của bác tài
này sẽ được hiểu là ‘vẽ vời’ để lấy thêm tiền xe”. Nhưng bác tài này đã
nói ngay từ đầu là anh ta thấy còn sớm nên muốn đưa chúng tôi đi thêm
vài nơi mà không tính thêm tiền ngoài khoản đã thỏa thuận trước; “Vì tối
nay các anh đi rồi, biết chừng nào trở lại Siem Reap nên đi thêm, biết
thêm vài nơi càng hay”, anh ta nói. Nhưng chúng tôi cám ơn và từ chối,
hẹn anh ta một dịp khác.
Theo tôi, đó là cung cách ứng xử đẹp mà tôi tin rằng muốn làm du lịch
giỏi cần phải được xây đắp từ những điều nhỏ nhoi, đơn giản như thế. Chả
nghe ai nói phải thế này, thế nọ song việc làm của các anh đã góp thêm
một nét son khiến chúng tôi nhắc mãi sau khi từ giã vương quốc Chùa
Tháp.
Chợ đêm Siem Reap
|
Khu chợ đêm mới bên kia sông chủ yếu là ca nhạc giải trí và ít hàng hóa hơn khu Pub Street ở chợ cũ. |
Ở Siem Reap hiện có hai chợ đêm cùng hoạt động - một gọi là chợ Cũ và
cái kia gọi là chợ Mới - chỉ cách nhau chừng vài trăm mét.
Khu chợ mới bao gồm khu vực thương mại bao gồm những đoạn phố đi bộ
(Pub Street). Trời vừa nhá nhem, đèn màu giăng mắc khắp nơi, nhộn nhịp,
rộn ràng. Các tiệm ăn, hàng quán tấp nập khách, bảng hiệu đua nhau chớp
nháy, âm nhạc xập xình, khách du lịch đủ màu da, đủ quốc tịch sánh bước
bên nhau. Gặp đúng đêm có chương trình trực tiếp truyền hình bóng đá,
các màn hình khổ lớn treo tứ phía phục vụ mọi người cùng xem. Hai đầu
phố, các xe mô tô của cảnh sát du lịch đậu hiền hòa, chẳng hỏi han đến
ai.
Dọc dài xen với các nhà hàng, snack bar, quán kem, tiệm spa, vũ
trường... có những dãy ghế nệm dựa ngửa mời khách du lịch thư giãn món
mát xa chân sau một ngày lội bộ tham quan các di tích. Đặc biệt, mấy ông
Tây bà đầm có vẻ thích ngồi ngâm chân vào hồ nước cho cá làm mát xa
bằng cách rỉa liên tục hai bắp chân và bàn chân.
|
Xe tuk tuk đậu hàng dài bên ngoài khu phố đi bộ, khách nam giới dạo qua đây thế nào cũng gặp 'cò' mời dịch vụ 'vui vẻ'. |
Đi qua đi lại trên phố là ‘bướm đêm’ mà chỉ nhìn thoáng qua, dù vô tư
cách mấy cũng biết liền. Xen lẫn có những tay xe ôm hoặc tuk-tuk cò mồi
mời chào, dụ khách ‘mua hoa’ hay mời lên xe hóng gió. Có anh còn dụ
chiêu đãi món "free looking" nữa. Thì ra bất cứ ở đẩu ở đâu, cái món
'ấy' khó vắng mặt.
So với các chợ đêm dành cho khách du lịch ở Việt Nam thì cái chợ đêm
Siem Reap này hơn hẳn về nhiều mặt. Từ các dịch vụ giải trí, thư giãn,
ẩm thực cho đến hàng hóa bày bán rất phong phú. Về hình thức, bên cạnh
những nhà hàng trang trí theo phong cách Angkor cũng có những quán trông
chẳng khác đang ở một nơi nào đó ở xứ Tây. Tất cả nằm cạnh nhau hài hòa
một cách dễ chịu; không xô bồ, hỗn độn.
Trong khu vực bán vải vóc, áo quần và các mặt hàng lưu niệm, khách ra
vào nườm nượp. Ở cuối dãy hàng là một sân khấu nhỏ, khán giả lưa thưa
(vì ai cũng mải đi xem hàng, chọn mua hàng là chính) nhưng các vũ công
và dàn nhạc truyền thống Khmer vẫn giữ chương trình biểu diễn liên tục
với các tiết mục ca múa nhạc của họ với thái độ trân trọng, nhiệt tình
và nghề nghiệp một cách đáng quý. Và không thể bỏ qua một điều đáng quý ở
giới kinh doanh bán lẻ ở đây. Khách mua hàng thoải mái trả giá, thoải
mái yêu cầu xem hàng rồi dù mua hay không, chẳng bao giờ khiến người bán
nhăn nhó, bực mình. Lúc nào họ cũng nhã nhặn và tỏ ra lịch sự với khách
xem hàng.
Chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu xem du khách mua hàng ở đây có
phả trả giá cao hơn so với một người địa phương cùng mua một thứ như
nhau hay không; nhưng tính toán vẫn thấy giá cả khá ‘phải chăng’, hợp
lý. Một bạn trong nhóm chúng tôi từng mua hàng ở chợ đêm này từ năm
trước, lần này anh đem đây tấm ảnh chụp một cô bán hàng trong chợ này
sang tặng cho cô. Cô bán hàng - chắc không nhớ khách - nhưng bất ngờ
được tặng tấm hình cô tỏ ra xúc động, vui vẻ cám ơn rối rít. Hóa ra lần
này sang Siem Reap, anh bạn này còn nhận mua giúp mấy người bạn ở Nha
Trang vài chiếc áo theo kiểu áo anh ta đã mua lần trước ở Siem Reap.
Phế tích Angkor
|
|
|
Mỗi bước chân trên nền đá của các đền đài ở Angkor lại thêm một câu
hỏi về chuyện người Khmer xưa đã làm thế nào tạo ra Angkor kỳ vỹ thế
này?! |
- Phế tích Angkor là tên gọi chung các di sản được xây
dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV còn tồn tại ở Siem Reap. Người Pháp
đặt cho cái tên là “Les ruines d’ Angkor” gồm nhiều khối đá lớn, nhỏ,
chồng chất lên nhau, ở rải rác trong một quần thể rộng 400 ki lô mét
vuông; có khi ở cạnh nhau, chỉ bên này bên kia con đường; có khi ở cách
xa nhau hàng chục cây số.
.
Nếu du khách muốn đến thăm Angkor để được nhìn tận mắt cho biết và chỉ đến những cụm di tích chính theo kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’ cũng phải mất ít nhất hai ngày và sau đó chỉ còn lại những tấm ảnh lưu niệm, làm chứng là ‘tôi đã đến đây’.
Nhưng nếu muốn vừa nhìn, vừa cảm nhận được phần nào giá trị các kỳ tích
xây dựng này và lại muốn đến nhiều nơi khác ngoài khu vực Angkor Wat và
Angkor Thom thì thời gian 7 ngày liên tiếp chắc là vẫn chưa đủ.
Mặt khác, nếu liên tục nhiều ngày thăm các đền tháp đã đổ nát, cảm giác
đơn điệu vì sự trùng lặp sẽ làm bạn chán nản bởi không có đủ thời gian
tìm hiểu những giá trị khác biệt của những đống gạch, đá ngổn ngang đó.
Có lẽ tốt nhất, nên đến Siem Reap, Angkor nhiều lần, mỗi lần vài ba ngày
thôi. Sau mỗi chuyến đi còn có thời gian ‘chuyển hóa’ cảm xúc, thông
tin ghi nhận được... thành cái nhìn riêng của chính mình về vùng đất
thiêng này. Tất nhiên, phải nói ngay một điều kiện là không đi theo lối
mua tour của các công ty lữ hành mà tự mình tổ chức, sắp xếp chương
trình và cũng cần có bạn đường đồng điệu, hợp 'gu'.
Nhóm anh em chúng tôi đi Campuchia với mục đích quan sát và 'lắng nghe
tiếng nói vô thanh’ từ những khối đá lớn nhỏ đó, để mường tượng lại một
thời oanh liệt của đế chế Khmer và nền văn minh đáng ngưỡng mộ của dân
tộc láng giềng phía tây nam. Thế nên chúng tôi lướt đi rất nhanh các chi
tiết để thả tâm hồn vào các điều mắt thấy, tai nghe (có khi đúng, có
khi sai) để gọi là tóm tắt một thoáng nhìn khác với những gì đã được
người khác ghi trong tài liệu hay các nguồn xuất xứ khác.
Ngày nay, Campuchia khai thác dịch vụ du lịch quần thể di tích rộng lớn
này khá hiệu quả, vừa quản lý chặt chẽ, bảo vệ môi trường tốt và tạo sự
thoải mái cho du khách. Tất cả một khu vực rộng lớn chỉ cần một cửa bán
và kiểm soát vé với giá chia làm ba loại: 20 USD/ngày; 40 USD/3 ngày và
60 USD/tuần. Trẻ em dưới 10 tuổi miễn phí. Trên vé có in ảnh chân dung
du khách để tiện kiểm soát. Từng người bước vào nơi bán vé, ảnh được
chụp tại chỗ và in ra ngay trên vé. Mỗi ngày, khi du khách qua cổng nhân
viên sẽ bấm một lỗ vào ngày trên vé.
Angkor Wat
|
Từ vị trí cao nhất ở thấp chính của Angkor Wat nhìn về hướng nam. |
Kiến trúc các đền đài đều na ná như nhau, hoặc xây trên một bệ cao đi
vào bằng các bậc cấp, hoặc lổn nhổn giữ nguyên vẻ sơ khai, phải bước qua
những đống đá vỡ được thu về xếp lại mà bước vào đền. Du khách đến thăm
như cũng hòa mình vào với sự nâng niu đó nên nhè nhẹ, rón rén, e sẽ làm
“đau lòng đá”. Nơi thờ thần Naga thì lối đi mang biểu tượng một bờ
thành dài hình đuôi rắn và kết thúc bởi hình rắn 7 đầu ở cửa vào chính
quay mặt ra hướng tây.
Nói thêm một chút, nghệ thuật kiến trúc đền đài thường theo khuynh
hướng kéo dài từ đông sang tây, nhưng mặt quan trọng là hướng tây, bởi
thế đền Angkor Wat có tới 5 ngọn tháp, nhưng nếu nhìn ở hướng đông chỉ
thấy 3 ngọn tháp cao và 2 ngọn tháp thấp không đều nhau. Phải chờ buổi
chiều chuyển sang hướng tây ta mới nhận đủ vẻ rực rỡ của 5 ngọn tháp
lung linh dưới bóng nước hồ mà nước bạn đã chọn làm biểu tượng trên quốc
kỳ của mình.
|
Mọi ngóc ngách đều được đục chạm, điêu khắc. |
Naga, tiếng Phạn và Pali có nghĩa là rắn khổng lồ. Theo Ấn giáo, Nagar
tượng trưng cho năng lượng của vũ trụ; là vị thần cai quản các giếng,
suối, sông ngòi, đem mưa đến và cả sự phì nhiêu…
Bao quanh các đền đài là các bờ tường với các phù điêu, có chỗ thể hiện
triết lý phồn thực, có chỗ mang tính cách lịch sử, mang dấu tích lập
thành xứ sở. Trải qua thời gian, thời tiết, nhiệt độ gió mưa bào mòn
hoặc sứt mẻ các đá một vài nơi, đá rời ra rải rác đã được thu nhặt, gom
lại và xếp thành từng đống nhỏ dọc dài theo lối đi hay quanh các chân
tường, khiến du khách khi bước đi cũng cẩn thận, sợ làm hư hỏng cảnh
quan. Tuyệt nhiên không thấy sự cẩu thả, lạm dung xi măng gắn kết làm dị
dạng nét uyên nguyên.
Chúng tôi như bị hớp hồn vì những khối đá nên mãi đến quá trưa vẫn loay
hoay chưa ra khỏi các hành lang, các đường vòng, các khoảnh sân, các
tháp đá. Cả nhóm như bị thôi miên bởi các tượng Phật đặt kín đáo trong
các khe đá, trầm trồ với những chót vót nguy nga, nhoáng nhoàng với cảnh
lăng xăng của nhiều dạng du khách. Ở đâu cũng hối hả, ở đâu cũng vội
vàng ngại bỏ sót, ở đâu cũng quýnh quáng xuýt xoa.
Một điều dễ nhận ra là khách du lịch sẽ gặp một phức hợp đa giáo nơi
các đền đài này. Nếu có nơi tượng Phật uy nghi thiết trí hẳn bàn thờ
nghi ngút khói hương để du khách chiêm bái thì cũng không thiếu những
linga, yoni mà du khách sẽ bắt gặp khi len lách qua các gian đền.
Angkor Thom
|
Cổng phía nam đi vào Angkor Thom. Hai bên cầu có hai hàng các Deva
ngồi nâng rắn thần Naga dài. Các tượng Deva, mỗi khuôn mặt hoàn toàn
khác nhau. |
Nếu ở Angkor Wat còn giữ được khá đây đủ nét đặc sắc của một quần thể
đền tháp, với các dãy hành lang mỹ thuật, được chống đỡ bằng các cột đá
chạm trổ tỉ mỉ bởi các chi tiết hoa văn, với những gian thạch thất cao
mát uy nghi và có vẻ huyền ảo, với những tháp cao đối xứng và những bức
tường mang các phù điêu kể về lịch sử, đời sống của đất nước Khmer thì ở
Angkor Thom hầu như đã bị thời gian phá hủy tất. Chỉ còn lưu lại một
nền cao cao, trống trơn với các gờ đá còn sót, nhiều chỗ trơ ra lối đi
toàn đất rắn khô, nói lên sự nghiệt ngã của thời gian, khí hậu và ngẫu
biến tang thương trải dài qua năm tháng.
Tôi đã từng đến thăm di tích đàn Nam Giao ở Huế, giờ gặp cảnh bao la
bát ngát hiu quạnh như vầy cũng chợt thấy chạnh lòng. Ngùi ngùi chúng
tôi nhớ tới lời tự hỏi khi đứng trên đàn Nam Giao ngày nào: hỡi ơi,
người xưa đâu, lễ lạc ngày nao đâu mà giờ vô cùng hoang vắng và im lặng
cỡ này? Cũng như thế, tâm trạng đó đeo đẳng chúng tôi khi bước đi trên
nền đền đài ở Angkor Thom.
Ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài tượng Phật đặt trên nền
đền, hoặc tượng sư tử ở cạnh các gờ nền cheo leo, từ đó trông sang bên
kia đường hai ngọn tháp con còn đứng vững mà thấy buồn, xót xa thân phận
của đá biết chừng nào. Cũng như đền chính, ở các bờ tường bao nền đền
tại đây mang nhiều dáng dấp về đời sống thường nhật của dân Khmer, trong
đó mô tả nhiều về voi, một động vật gắn liền với sinh hoạt thường nhật
của người Campuchia xưa.
Trước, người ta dùng những thớt voi làm phương tiện di chuyển, kéo vật
liệu nặng, dùng để vua ngự dạo quanh, thì ngày nay người ta dùng voi để
du khách dạo cảnh. Ở các đền, người ta đều tạo dựng những đài cao để du
khách dễ bước lên ngồi liền vào lưng voi. Hẳn nhiên, theo phong trào,
người ta làm những cái yên rộng đai trên lưng voi, chắc để du khách có
thể ngồi nghênh ngang đi một vòng chụp ảnh hay thả hồn theo mây gió.
Những thớt voi, ngoài việc được trang bị yên, anh nài còn phủ thêm vài
tấm vải đỏ tha thướt, mục đích để cuộc kinh doanh không đến nỗi tẻ nhạt.
|
Những hòn đá được chồng lên nhau, không có xi măng kết dính! |
|
Khu trung tâm Angkor Thom nhìn đâu cũng thấy voi. Một bức tường đá mô tả cảnh huấn luyện voi. |
Một đoạn tường dài cũng là bó nền khu đền voi ngày xưa còn một số hình
đầu voi, cái sứt vòi, cái gãy ngà, cái mẻ một khoảng nơi tai, một lẻo
nơi trán... song tất cả đều được giữ nguyên vẹn, không gia cố hoặc sửa
sang lại bằng xi măng hay vật liệu nào khác. Dù nhuốm vẻ tang thương đến
thế nào đi nữa thì đối với anh em cầm máy vẫn là cơ hội chộp lấy hầu
tạo nên những góc nhìn riêng của mình. Vậy nên không lấy gì lạ khi trong
số anh em, người lon von chỗ này, kẻ sa đà nơi kia, tủn mủn, chi li
chĩa ống kính vào các ngách, các chỗ hổng để mong hiến đến mọi người một
nét thoáng âm thầm vừa bao hàm vẻ đẹp của ảnh, vừa diễn lên tâm thức và
cái nhìn hóm hỉnh của nghệ nhân. Cứ thế, anh em bị lôi cuốn, vô tình để
thời gian tuồn tuột trôi đi, tới khi sực nhớ thì nắng đã ngả lúc nào.
Những tia đỏ quạch như trái cam mõm đang chui rúc vào tầng mây e lệ,
vươn những vạt cuối cùng sắp tắt. Vội vội vàng vàng anh em hối nhau thu
dọn chiến trường, gọi xe tuk tuk đưa anh em quay về đền Phnom Bakheng
nằm trên một ngọn đồi ở giữa Angkor Wat và Angkor Thom, nơi được coi là
vị trí thuận lợi nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Angkor trong buổi hoàng
hôn. Nhưng thời điểm đẹp nhất đã trôi qua mất rồi!
Trên đường quay về Siem Reap, anh lái xe tuk tuk hỏi chúng tôi có muốn
ghé vào một ngôi chùa khá lớn dọc đường về không, song chúng tôi - phần
đã có dịp chụp khá nhiều chùa chiền Khmer, phần thấy sắp tối - nên cám
ơn anh ta, hẹn sáng mai đến đón sớm để vào chụp khu đền Bayon nổi tiếng
với những khuôn mặt cười nằm cạnh lối vào Angkor Thom.
Đêm thứ hai ở Siem Reap
|
Xe cộ chạy rất cẩu thả nhưng người đi đường vẫn không thấy bị áp lực, có lẽ do người ta nhường nhịn nhau. |
Đã quá giờ tan sở nhưng đường phố Siem Reap vẫn tấp nập, xe cộ lưu
thông khá dày. Tuy vậy, ở đây không có chuyện giành đường, lấn tuyến và
còi bóp inh ỏi... như ở xứ ta, nhưng cảnh sát giao thông có vẻ quá hiền
lành, dễ tính nên xe máy chở ba, bốn người thoải mái và hình như chỉ cần
người cầm lái đội mũ bảo hiểm là được, mấy người ngồi sau... khỏi!
Chiều hôm ấy, chúng tôi bắt gặp một cảnh hơi "bị" lạ khi vào gần khu
trung tâm thành phố. Một cặp Tây ba lô chơi ngông mượn đường phố làm nơi
‘biểu diễn’ trượt ván. Một người ngồi sau xe tuk tuk, trong khi một anh
bạn đứng trên tấm ván có bánh xe, tay níu lấy thành xe tuk tuk để đi
theo.
Chả biết anh ta muốn chơi ngông hay có ý khoe tài khoe mẽ, tài xế chiếc
tuk tuk đó cũng cố ý giữ tốc độ vừa phải và ‘né’ phần đường cho anh
chàng lướt ván ‘ăn theo’ sức kéo của xe tuk tuk. Anh chàng lướt ván, lúc
thì đứng thẳng, lúc khom người xuống, có lúc uốn mình né xe ngược
chiều, len lách điệu nghệ trên đường phố.
|
Hàng ăn lề đường là lựa chọn phù hợp cho dân du lịch 'bụi', vừa tiết
kiệm lại có cơ hội giao tiếp với dân chúng ở mỗi địa phương. |
Tối hôm đó, chúng tôi ăn ngoài đường, đúng nghĩa dân đi bụi, "cơm hàng
cháo chợ", giải khát ở một quán bên cạnh mà cô bé bán sinh tố một hai đề
nghị chúng tôi dạy cho cách đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Việt. Cô ấy vừa
xay nước trái cây, vừa đon đả: “mọt, hai, pa, pốn...” thỉnh thoảng lại à
lên "xó rỳ, ai pho ghét " để xin chỉ lại, vừa xí xa xí xồ một tràng
tiếng Khmer với một anh chàng đứng cạnh, mà cô giới thiệu với chúng tôi
đó là chồng cô ta. Đúng là tây 'cà cộ' lại nói tiếng 'ba rọi', thế mà cả
hai phía đều hiểu nhau mới tài.
Đêm về nhà trọ vẫn còn mang theo cái nét nhí nhảnh của cô em bán sinh
tố, các màu đèn lung linh của chợ đêm cũ và mới, của con phố Pub street
đầy màu sắc. Chỉ đến khi đêm đã quá khuya, giữa cái không gian u tịch,
tôi bỗng mơ về Angkor Wat, Angkor Thom mà nghe như cát bụi đang lồng
lộng thổi u u vào đền đài và nền đá nơi đó.
Bỗng ngộ ra rằng trần gian này chẳng có gì là thực, chẳng không gian,
thời gian, chỉ có những hình bóng loáng thoáng qua, một ngày như mọi
ngày và mọi sự vô thường, không bền chặt. Vậy tại sao ai ai vẫn cố bám
vào để rồi phiền não, âu lo, tranh giành, chiến tranh, chết chóc và tang
thương dẫy đầy không dứt?
Câu hỏi rơi vào khoảng không, vun vút lao đi, không một lời đáp. Đôi
mi bỗng dưng nặng trĩu, tôi đưa hồn vào đêm, đêm rất dài và kín kẽ.
Bayon - những nụ cười bí ẩn
|
|
|
Bayon với những nụ cười bí ẩn. Ảnh: Mai Lĩnh |
- Bước sang ngày thứ hai ở Siem Reap, chúng tôi đến đền
Bayon khi nắng chưa lên. Ngôi đền này nằm ở vị trí trung tâm phế tích
kinh thành Angkor Thom, được Jayavarman VII xây dựng trong khoảng cuối
thế kỷ thứ XII và đầu thế kỷ thứ XIII, tương đối còn nguyên vẹn phần
chính là các ngọn tháp mang hình tượng bốn khuôn mặt mà theo các tài
liệu giải thích có nhiều điểm khác nhau.
.
Vào năm 1929, Robert J. Casey (trong cuốn sách tựa đề In Fact,
viết về khu di tích Ankor) cho rằng những khuôn mặt đá ở Bayon là hình
ảnh của thần Siva (Ấn Độ giáo). Nhưng đến thập niên 1930, các nhà khảo
cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ lại cho rằng đó là hình ảnh của Quán
Thế Âm (Avalokitesvara) theo mô-típ điêu khắc của Phật giáo Đại thừa.
|
Nhìn từ xa, dền Bayon như một hòn núi đá, gồm 54 tháp mang những khuôn mặt từ bi như phảng phất nụ cười bí ẩn. Ảnh: Mai Lĩnh |
Các nhà nghiên cứu này giải thích rằng, bồ tát là người đã giác ngộ như
đức Phật, nhưng thay vì nhập Niết bàn, các bồ tát ở lại trần gian để
cứu độ chúng sinh đang trầm luân trong khổ ải. Nụ cười bí ẩn của các
khuôn mặt đá biểu thị hình tượng các vị bồ tát - mà người Khmer gọi là
Lokesvara - đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Đồng
thời, cũng có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị
qua hình ảnh của Lokesvara.
Nụ cười từ bi bí ẩn
Đền Bayon có 54 tháp lớn nhỏ, cấu trúc thành ba tầng, trên mỗi tháp đều
có điêu khắc bốn khuôn mặt của Lokesvara, hay còn gọi là thần
Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn phương
của đất nước Campuchia.
|
Tượng chim thần Garuda. Ảnh: Mai Lĩnh |
|
Nữ thần Apsara. Ảnh: Mai Lĩnh |
Chính khuôn mặt từ bi của những bức tượng thần bốn mặt đó mà các vị vua
sau này vốn theo Ấn Độ giáo đã cho rằng đó là khuôn mặt của thần Shiva
nên tiếp tục hoàn thiện nó mà không đập bỏ. Khác với những công trình
kiến trúc được các vị vua trước theo Phật giáo cho xây dựng, đến thời
các vị vua sau theo Ấn Độ giáo sẽ đập bỏ. Hoặc ngược lại, khi các vị vua
sau theo Phật giáo cũng sẽ đập bỏ các công trình của những vị vua theo
Ấn Độ giáo xây dựng trước đó.
Vì thế, các công trình trong quần thể Angkor Thom thường không nguyên
vẹn do có sự kỳ thị cực đoan về tôn giáo. Một trong những ngôi đền tiêu
biểu cho sự kỳ thị tôn giáo gay gắt nhất là Ta Prohm. Bayon lại may mắn
hơn khi khuôn mặt Bồ Tát bốn mặt bị lầm tưởng là thần Shiva nên nó vẫn
tồn tại khá nguyên vẹn đến tận ngày nay, dù cũng bị đổ nát do chiến
tranh và thời gian.
Thuở bé, tôi đã được nhìn hình ảnh những tượng đá bốn mặt của Bayon
trên các con tem bưu chính với hàng chữ “Indochine Francaise”. Dạo đó
tôi còn tưởng tượng xa hơn, là nếu đến thăm ngôi đền này sẽ gặp thêm
những tượng tạc hình các vũ nữ múa điệu Apsara. Hầu hết các đền đài
Khmer, rải rác trên các bức tường đá đều có những hình ảnh, Bayon cũng
vậy; nhưng ở đây, đi đâu cũng nhìn thấy gương mặt tượng đá đang nhìn
mình, chỗ nào cũng thấy điểm một nét cười từ bi. Hình tượng gương măt đủ
cỡ: to có, nhỏ có, thấp có, cao có, chen giữa các vách đá có, đứng độc
lập có, trên lối vào có, dưới bệ đá có, tầng trên có, tầng dưới có...
Bên cạnh các mặt Phật nhìn ra đủ hướng, ta còn thấy xen lẫn là các
tượng tạc thần Vishnu, một vị thần linh thiêng được dân tộc Khmer xem
là đấng ân nhân sáng tạo ra đất nước họ và cả chim thần Garuda, khỉ thần
Hanuman, rắn thần Naga và tất nhiên là có rất nhiều phù điêu nữ thần
Apsara.
|
Một nữ cảnh sát du lịch tại đền Bayon. Ảnh: Mai Lĩnh |
Đáng chú ý là có nhiều mặt tượng bị sứt mẻ, chẳng hiểu nguyên do tại
sao, nhưng tất cả đều được giữ nguyên trạng, không tô vẽ lại, không đắp
sửa gì, kể cả những dấu vết rêu phong hay loang lổ do mưa gió gây nên.
Cho nên giữa khung cảnh đượm chút thiêng liêng, thần bí, người ta vẫn
không thấy giảm đi nét hoài cổ, gợi nhớ về người xưa, cảnh cũ của một
thắng cảnh du lịch tâm linh.
Như đã nói trên, chúng tôi đến nơi khi trời chưa có nắng. Phía nam đền
Bayon đang được thi công phục chế, tu bổ, công trường ngổn ngang máy
móc, hố móng và vật tư; anh chàng lái xe tuk tuk thả chúng tôi xuống xe ở
mạn bắc ngôi đền. Thoạt nhìn, tôi thấy chung quanh là một khoảng đất
rộng với rất nhiều khối đá lớn, nhỏ, có lẽ từ một hạng mục nào đó bị đổ
sập, vỡ vụn và người ta khiêng ra xếp lại cho gọn, như một kho bãi ngoài
trời để chờ ngày tu bổ, phục chế di tích. Không thấy lối vào, chúng tôi
trèo qua những khối đá để băng vào bên trong một khoảng sân nhỏ.
Người bán tranh ở đền Bayon
Đang loay hoay ngước nhìn lên các ngọn tháp đá tìm chỗ đứng chụp ảnh,
chúng tôi gặp một anh chàng xua tay nói một hơi bằng tiếng Anh khá lưu
loát: “Các ông đứng đó làm sao mà chụp ảnh đẹp được? Đứng ngay chân
đền thì không lấy được toàn cảnh, chụp cận thì chỗ ấy có gì mà chụp? Còn
các khuôn mặt đá thì đứng dưới này chụp lên chỉ là những khối đen nổi
trên nền trời ngược sáng. Lên các tầng trên mới chụp những khuôn mặt đá
được, nắng sắp lên rồi. Sau khi chụp xong cận cảnh, trung cảnh, trở
xuống, các ông đi ra xa mới lấy hết toàn cảnh được và lúc ấy nắng lên
cao, trời trong xanh mới thấy ngôi đền đẹp chứ bây giờ nó như khối đá
đen sì thôi”.
|
Bức tường phù điêu đá ở mặt phía đông đền Bayon mô tả trận chiến
giữa quân Khmer chống trả quân Chiêm Thành xâm lăng với sự giúp sức của
Trung Hoa. Ảnh: Quang Minh |
Tôi giật mình, nhìn anh chàng trông dáng lè phè, chân lê đôi dép xốp
mỏng, tay cầm lon nước ngọt vừa đi vừa uống, mà thắc mắc trong bụng:
Thằng cha này là ai mà nói trúng phóc nỗi thất vọng, lúng túng của tôi
hơn 10 phút vẫn chưa biết chụp chặp thế nào! Hắn không có vẻ là nhân
viên bảo vệ di tích, không túi xách hay máy ảnh như khách du lịch và
cũng chẳng phải dân hướng dẫn du lịch đang chào mời khách để kiếm tiền.
Hắn nói chuyện với chúng tôi cứ như thầy giáo dẫn học sinh đi dã ngoại
tìm hiểu di tích lịch sử vậy, hết sức tự nhiên và rất nhiệt tình.
Phải thừa nhận, hôm ấy chúng tôi nhờ anh chàng Khmer này rất nhiều, nếu
không sẽ khó có những bức ảnh ưng ý; ngoài ra lại biết nhiều chi tiết
thú vị về ngôi đền Bayon này.
Đứng trước một bức phù điêu chạm trên tường đá cao, rộng quay mặt về
phía đông - lối cổng chính vào đền - anh ta hỏi tôi, có phân biệt những
người trong bức tranh khắc đá này là người nước nào không? Tôi lắc đầu,
anh ta giải thích: "Trong lịch sử, Campuchia từng là một đế chế hùng
mạnh nhưng cũng từng có lúc không đủ sức kháng cự cuộc xâm lăng của
người Chiêm Thành. Người Khmer đã phải cầu viện Trung Hoa đem quân sang
cứu viện". Vừa nói anh ta vừa chỉ tay vào những hình người thuộc ba
dân tộc chia thành hai bên đang giao chiến, phân biệt các chi tiết về
trang phục.
|
Người bán tranh mộc bản ở đền Bayon có kỹ năng trò chuyện bằng tiếng
Anh khá lưu loát (đứng) rất nhiệt tình với du khách. Ảnh: Quang Minh |
Tuy nhiên, có một điều tôi vẫn thấy ngờ ngợ, đó là theo anh chàng này
thì Angkor Wat bắt đầu được xây dựng dưới đời vua Suryavarman thứ V và
được tái tạo hoặc cách tân bởi vua Jayavarman thứ VII. Và ngôi đền Bayon
này trước đó được xây ở một nơi khác cách vị trí hiện giờ 60 cây số; về
sau, do diện tích nơi cũ chật hẹp nên đã được dời chuyển về địa điểm
hiện nay cho thêm bề thế. Chuyện dời chuyển đền Bayon này, tôi chẳng
thấy tài liệu nào đề cập đến mà chỉ lần đầu tiên nghe anh ta nói.
Cũng nhờ anh chàng này cho biết, chúng tôi tranh thủ lên tầng ba ngôi
đền chụp ảnh kịp trước khi xe của các đoàn đi tour đưa khách đến tham
quan. Khi chúng tôi lên tầng trên, chỉ mới lác đác một số khách đi lẻ
như chúng tôi, sau đó thì rất khó chen chân khi khách đến đông. Đây cũng
là một điều khiến các nhà quản lý, bảo tồn di tích lo lắng. Du lịch
được gọi là 'công nghiệp không khói' nhưng nó thực sự phát sinh nhiều
vấn đề phức tạp về bảo tồn môi trường, cảnh quan và di tích... cũng như
ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội của các địa phương thu hút du khách.
Mãi khi du khách đến khá đông, chúng tôi mới biết anh bạn trẻ Khmer
đáng mến này làm nghề bán tranh mộc bản phong cảnh Angkor - Bayon khi
anh ta bày tranh ra trên nền đá ở tầng ba ngôi đền. Điều lạ là anh ta
không hề nói bất cứ câu nào gợi ý chúng tôi trả thù lao cho những điều
anh ta đã giúp chúng tôi mà thậm chí cũng không hề mời chúng tôi mua
tranh. Cũng may, đó là mặt hàng chúng tôi không muốn mua nên chúng tôi
gửi biếu anh một khoản tiền nhỏ và nói lời cám ơn sau khi mời anh ta
cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm.
Đá và người
|
Khách du lịch dâng hương lễ Phật và được đeo sợi chỉ may mắn. Ảnh: Mai Lĩnh |
Những tượng bốn mặt ở Bayon phần lớn nằm ở tầng trên, song có một góc
lại xen rẻo tầng dưới, với một lối đi rất hẹp, lên xuống bằng một thang
gỗ sơ sài. Lắm người cũng cất công đi qua những lối rất hẹp để gọi là
không bỏ sót một mảy may nào của thắng cảnh nơi đây.
Xen lẫn các khuôn mặt đá là những hốc hay hành lang dẫn vào những thất
thấp, nhỏ, nơi đó hoặc là lưu giữ hình tượng yoni hay linga. Cũng chính
trên các bệ đá mở ra nhiều phía của các lỗ hang này, du khách hay chọn
chụp các kiểu thuận hay ngược sáng vì nó bao hàm nhiều ưu điểm thiên
nhiên đã phú để ai cũng chộp được những bức ảnh đẹp. Những gian phòng có
tượng Phật ngồi, vài người địa phương tranh thủ kiếm tiền bằng cách đốt
nhang cho du khách dâng hương, đeo dây bùa may mắn vào cổ tay du khách
và gợi ý họ “cúng” tiền!
|
Cột đá nghiêng lại không có chân chắc chắn dựng ở mặt phía đông đền Bayon, du khách cần lưu ý tránh xa. Ảnh: Mai Lĩnh |
Có nhiều thiếu nữ da trắng vui vẻ chụp cho nhau các bức ảnh lưu niệm mà
thoạt trông vẻ hồn nhiên của họ ta bỗng bâng khuâng không hiểu thực và
mộng là đâu lúc này(?!). Du khách đông dần, tíu ta tíu tít, người ngồi
nghỉ chân, người dạo quanh như lùng sục kiếm tìm gì đó. Hôm ấy, phần lớn
là người châu Âu, một số là Trung Hoa hay Hàn, Nhật. Có lẽ bốn anh em
chúng tôi thuộc vào thiểu số du khách đến từ Việt Nam. Tuy vậy, tuyệt
nhiên ta không thấy có sự phân biệt ở đây, hầu như tất cả đều hòa chung
vào một niềm an lạc, nhen nhúm vừa toát ra từ "những nụ cười " hiền từ,
với chút bí ẩn của tượng đá.
Bayon tọa lạc ở một vị trí đẹp, tuyệt đẹp, nên vẻ lồng lộng bát ngát dễ
lôi cuốn du khách nhiều lên. Con người bước chân đến Bayon dường như bỏ
lại mọi bon chen, lấn giành mà chỉ biết khuyến hòa vào những nụ cười
bao dung, từ bi. Ở đây có những chỗ được giăng dây và yết bảng để lưu ý
du khách không mạo hiểm leo trèo trong lúc say sưa ngắm cảnh hay chụp
ảnh.
Có mấy cảnh sát du lịch lặng lẽ đi lại, dòm chừng và nhắc nhở du khách.
Họ dung dị, vui vẻ, chúng tôi mời chụp một tấm ảnh kỷ niệm, nhưng họ
đều từ chối, trừ phi bất chợt chộp được mà họ không biết thì thôi. Lan
man với việc chụp, chúng tôi quên cả giờ giấc, mặc dù nắng đã lên cao và
có mòi nóng rát. Khi trở xuống, chúng tôi đi ra phía đông ngôi đền,
chợt phát hiện một cây cột đá được xếp chồng mấy tảng đá vuông khít với
nhau nhưng chân đế không có mà kê lên một cách tạm bợ. Các bạn có dịp
đến đây cần lưu ý (xem ảnh), cột đá này có thể ngã đổ đè chết người để
tránh xa.
Ta Prohm: Những bộ rễ cây và ngôi đền đổ nát
|
|
|
Đền Ta Prohm bị hủy diệt bởi chiến tranh nhưng trở nên nổi tiếng nhờ những bộ rễ cây đại thụ. |
- Rời Bayon, chúng tôi đến Ta Prohm, một ngôi đền đổ
nát gần như toàn bộ nhưng lại nổi tiếng và hấp dẫn khách du lịch bởi
những bộ rễ cây đại thụ bám vào đá như những con trăn khổng lồ. Ta Prohm
nằm về phía đông Angkor Thom do vua Jayavarman VII xây dựng năm 1186,
làm một tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa; ban đầu được gọi là
Rajavihara (đền Hoàng Gia).
Ta Prohm là một trong những ngôi đền đầu tiên được vua Jayavarman VII
xây dựng để tôn vinh hoàng tộc của mình. Sang đến đời vua Jayavarman
VIII lên ngôi, đã hủy những hình ảnh liên quan đến Phật giáo để thờ linh
vật của đạo Bà La Môn. Trong suốt nhiều năm sau, đền chịu bao thăng
trầm của lịch sử, quan trọng nhất là cuộc xâm lăng của người Myanmar và
Thái Lan vào cuối thế kỷ XIII khiến đền Ta Prohm bị đổ nát rất nhiều,
nhiều báu vật trong đền bị cướp. Hiện nay, phía trong phế tích ngôi đền
chính vẫn còn dấu vết của nơi gắn kim cương. Tượng thờ hầu như không
còn, ngoài những linga và yoni.
Trên
đường đến Ta Prohm, chúng tôi gặp mấy khu đền đài đang được trùng tu
khá công phu, một số đền tháp nhỏ hoặc do bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn
lại chút ít dấu tích không còn hình dung được quy mô trước đây và cả cái
cổng chào trên đường đi nhưng không biết là cổng vào đâu vì nó còn cánh
Ta Prohm khá xa. Đến khu Ta Prohm, cái cổng chào cũng có tượng bốn mặt
đá nhìn tứ phương với nụ cười bí ẩn, khiến tôi chợt nghĩ là khu này cùng
phong cách kiến trúc như Bayon, nhưng vào trong thì biết ngay mình
nhầm.
Từ cổng chính, du khách phải đi bộ gần 500 mét dưới tán lá cây tỏa mát.
Một nhóm nhạc công trải chiếu bên lề đường, lặng lẽ ngồi hòa tấu các
bản nhạc với nhạc cụ truyền thống của người Khmer. Bên cạnh, họ dựng một
tấm bảng lớn, ghi bằng nhiều thứ tiếng ngoài chữ Khmer như Anh, Pháp,
Hoa, Hàn, Việt... cho biết họ thuộc hội những nạn nhân bị tàn tật do bom
mìn sau chiến tranh.
Bước
qua một chiếc cổng nhỏ nằm giữa bức tường thành xây đá ong cao khoảng 5
mét, vào bên trong ngôi đền, chúng tôi đã bị choáng váng bởi một bộ rễ
to đùng, ước chừng hàng trăm năm qua, bám phủ mái đền đá xanh và chảy
tràn ra mấy hướng như con suối. Khách du lịch như bị hút vào đó, chờ đến
lượt đứng vào chụp ảnh với bộ rễ khổng lồ.
Chưa hết. Chỗ này chỗ kia là các bộ rễ khác nhau, vàng rực có, nâu xỉn
có, xanh có, và cả những bộ rễ khô tựa hồ như sắp chết. Cái mọc ngang,
mọc dọc, cái đâm tít từ trên trời cao xuống, xuyên thủng một góc nhỏ mái
đền và loằn ngoằn bò như con rắn thần Naga nơi đền Angkor Wat. Đặc biệt
là tuy bộ rễ cực lớn như vậy mà các vết gãy vỡ lưu trên đá xem ra chẳng
thiệt hại lớn. Nhìn giống như một mũi dùi đâm nhẹ qua một lớp nhung
xanh để trườn dài ra khoe vẻ đẹp mềm mại cho mọi người chiêm ngưỡng.
Có nơi bộ rễ chạy dài theo nóc đền, vươn cả đỗi, rồi mới ngoan ngoãn
luồn vào cửa hông hay vách đá và bò ra khoảng không kế tiếp. Có nơi bộ
rễ khởi từ một ngôi đền bên này đường lan sang ngôi đền bên kia đường,
nối nhau thành một hợp thể, trông vừa lạ, vừa đẹp, vừa độc đáo. Du khách
đến đây chỉ cần ngước mặt lên nhìn một vòng thì thấy đâu cũng là rễ,
quyện với đá thành một cảnh quan phế tích tuyệt đẹp.
Loanh
quanh một đỗi, chúng tôi gặp một bộ rễ quá nặng, sắp đổ ụp xuống, ban
quản lý di tích đã phải dùng các thanh kim loại lớn chống đỡ mà vẫn bị
oằn xuống, nghiêng lệch đi. Dù cố nén sự lao xao trong tâm trí về hình
ảnh đổ nát ở đây mà lòng không chìu theo nên hứng thú chụp ảnh ở ngôi
đền này xem chừng cũng nguội đi khá nhiều. Khác với vẻ hoang tàn ở
Angkor Thom và những ngôi đền khác, ngoài yếu tố con người còn do sự tàn
phá của thời gian; ở Ta Prohm, chui vào từng ngóc ngách, cảm giác như
nơi đây vừa qua những cơn địa chấn, gây đổ sập chưa lâu, đá tảng chất
chồng lên nhau choán chỗ khắp nơi. Nhưng nơi này không bị tàn phá bởi
động đất, thiên tai mà do con người. Giờ đây, Ta Prohm chỉ còn là những
đống đá và những bộ rễ cây!
Trên một thân cây ở sân trước ngôi đền, tôi có thấy một tấm biển ghi
tên cây là “Sralao”, không biết tiếng Việt gọi là gì. Nhưng trong một
tài liệu thấy nói khu đền Ta Prohm có hai loại cây chính là cây tung và
cây kơ-nia (cây cày). Theo quan sát, chúng tôi không hề thấy cây kơ-nia ở
đó; còn cây tung, không biết có phải là tên khác của cây sralao hay
không (?!).
Có
thể nói chính nhờ những gốc cây cổ thụ này trùm bộ rễ khổng lồ và trở
thành giá đỡ cho các hạng mục chưa đổ sập, nhưng cũng có thể đổ lỗi cho
những bộ rễ cây này đâm xuyên tường làm tường, mái đền hư hỏng. Điều
này, chắc những người có trách nhiệm bảo tồn di tích ở Campuchia hiểu rõ
họ cần làm gì để gìn giữ hệ thống di tích lịch sử của đất nước họ.
Những cây tạo dáng cho Ta Prohm chẳng do ai trồng, cũng không mọc từ
dưới đất lên như những cây khác trong các khu rừng mênh mông chung
quanh. Chúng mọc ngay trên mái, trên bờ tường, do chim ăn trái trong
rừng về đây nhả hột. Cây con mọc lên và buông xõa bộ rễ xuống ôm lấy
những khối đá mát lạnh và cứ thế lớn lên. Những cây mọc bên ngoài đền
vươn bộ rễ tỏa ra chung quanh, bò lan trên mặt đất ra xa đến hàng chục
mét như đan lưới.
Chúng tôi quyết định về sớm để sáng mai đi khá xa về hướng vùng núi
Bantey Srei, nơi cả bốn người chưa từng có dịp đặt chân đến. Về đến nhà
nghỉ My Home cũng đã hơn 5 giờ chiều. Người chui về phòng nghỉ, người ra
ngâm mình nơi hồ tắm đến khoảng 7 giờ, chúng tôi mượn xe đạp của nhà
trọ, đèo nhau trên hai chiếc, túc tắc ra phố chợ Siem Reap dùng cơm. Cô
bé bán sinh tố vẫn lao nhao mời và lại tập đếm “mọt, hai, pa, pốn...”
bằng tiếng Việt...
Banteay Srei và vùng núi Kulen
|
|
|
|
|
Dọc đường đi Banteay Srei, nhà cửa thôn xóm cũng như vùng nông thôn
miền Trung Việt Nam, chỉ khác chăng là những cây thốt nốt bên cạnh cây
dừa trong vườn. |
(TBKTSG Online) - Trong hai ngày trước, chúng tôi đã đến Angkor Wat,
Angkor Thom và hai ngôi đền nổi tiếng là Bayon và Ta Prohm. Những điểm
đó ở gần nhau và cũng gần thành phố Siem Reap nên hầu như mọi du khách
đến Siem Reap đều thăm hết, không bỏ qua nơi nào, dù là khách theo đoàn
tour hay đi tự túc. Sang ngày thứ ba, chúng tôi dành cho một điểm mới,
cả bốn người chúng tôi chưa từng biết đến ở vùng núi Kulen.
Khi sắp rời Bayon sang Ta Prohm, chúng tôi gặp Sophia vừa dừng xe tuk
tuk để thả mấy người khách Tây xuống Bayon. Một người trong nhóm hỏi
thăm anh ta về đền “Thác Nước”, là nơi chúng tôi nghe một người bạn ở
Sài Gòn nói và khuyên chúng tôi nên đến thăm.
Thoạt nghe hỏi, Sophia không hiểu. Anh bảo, anh biết tất cả các ngôi
đền ở Siem Reap nhưng không có đền nào tên gọi như vậy. Nhưng chợt nghĩ
ra điều gì, Sophia chỉ lên cạnh mui xe tuk tuk và nói: “Có phải ý các anh là thác nước này không? Đó là nơi nhiều du khách rất muốn đến tham quan, nhưng ở đó không có ngôi đền nào hết”.
Dọc hai bên trong mui xe có dán hơn chục tấm ảnh các thắng cảnh và đền
đài ở Siem Reap. Một người trong nhóm chúng tôi chỉ vào tấm ảnh thác
nước và nói “Đúng là chỗ này”.
|
Rễ cây sralao bò lan khắp trên lối đi lên suối Kbal Spean ở núi Kulen. |
Sophia nói, “Tôi hiểu rồi, thác nước này ở con suối Kbal Spean dài
khoảng 150 mét, trên núi Kulen, thuộc huyện Banteay Srei. Đó là di tích
gắn liền với truyền thuyết về thần Vishnu, thường được gọi là 'Valley of a 1000 Lingas' hay 'The River of a Thousand Lingas'. Người Khmer gọi là 'Con suối ngàn linga'. Suối này là thượng nguồn của sông Stung Kbal Spean, dài 25 km. Trên đường đi Kulen, sẽ đi ngang qua ngôi đền Banteay Srei”.
Mới nghe Sophia nói sơ qua là chúng tôi đã thấy hấp dẫn, không cần biết
có đúng là chỗ mình nghe ông bạn ở Sài Gòn kể hay không, cả nhóm vui vẻ
đề nghị anh ta sáng hôm sau đến khách sạn đón chúng tôi đi sớm. Có hai
lý do để chúng tôi quyết định nhanh: một là thấy anh lái xe tuk tuk này
có vẻ thật thà và am hiểu về các đểm du lịch; hai là chúng tôi đã thấy
hơi nhàm với các đống đá suốt hai ngày rồi nên nghe nói tới núi rừng với
suối, thác là thích ngay.
Tối hôm ấy về khách sạn, tôi đọc được thêm thông tin về vùng núi Kulen
(trước đây gọi là núi Mahendraparvata): Đức vua Jayavarman II - người
khai sinh nhà nước Angkor, đã tuyên bố độc lập khỏi Java và xây dựng
kinh đô đầu tiên của Campuchia tại vùng đồi núi Kulen này. Vì thế, người
Khmer coi đó như thánh địa, vùng đất thiêng liêng đối và thường lên
Kulen hành hương và dã ngoại.
Lên núi Kulen
Sáng hôm sau, cả bọn thức dậy sớm, thu dọn hành lý rồi ra căng tin ăn
sáng. Giờ trả phòng là 12g trưa, nhưng chúng tôi đã thanh toán đủ tiền
khi đặt phòng trước ở TPHCM nên dặn lễ tân là nếu có người thuê phòng,
họ chuyển giúp hành lý của chúng tôi ra quầy tiếp khách, đến chiều chúng
tôi quay lại lấy.
|
Dãy quán san sát bên đường ở Banteay Srei. |
|
Chảo nấu đường thốt nốt ngay bên lề đường. |
Đúng hẹn, Sophia đón chúng tôi ở khách sạn My Home. Dù đi nơi khác, khá
cách xa khu vực Angkor nhưng chúng tôi vẫn phải qua cổng soát vé. Cô
gái Khmer xinh đẹp cúi đầu chào chúng tôi với nụ cười tươi và lời chúc
may mắn sau khi bấm chiếc lỗ thứ ba lên tấm vé; thế là hết 40 đô la cho
ba ngày vào khu vực quần thể di tích mênh mông ở phía tây bắc đất nước
Campuchia.
Khác hẳn anh chàng tuk tuk đón chúng tôi ở bến xe đêm mới đến Siem Reap
và đưa chúng tôi đi thăm Angkor hai hôm trước, Sophia có dáng vẻ như
một nhà giáo, điềm đạm, vui vẻ và luôn sẵn sàng giải thích những điều
chúng tôi hỏi thăm về địa lý, văn hóa và sinh hoạt của người địa phương.
Dọc hai bên đường đi Banteay Srei, nhà cửa và cảnh sinh hoạt nông thôn
không khác mấy so với ở miền Trung Việt Nam. Phần lớn nhà thấp lè tè,
che chắn tạm bợ bằng đủ thứ vật liệu tôn, thiếc, gỗ, bìa, ván... Nhìn
khuôn mặt người dân nơi dây mang nét hiền hòa, có vẻ an phận, cam chịu
cuộc sống.
|
Học sinh mẫu giáo trường làng. |
Ngang qua một dãy hàng quán bên vệ đường, chúng tôi bảo Sophia dừng xe
để chụp ảnh. Điểm thu hút sự chú ý là phía trước một dãy lều tranh cắm
dù san sát treo nhiều thứ hàng lưu niệm lạ mắt, xen giữa là những cái
bàn chất đầy những bánh đường thốt nốt, cạnh mỗi bàn là một cái chảo lớn
bắc trên ụ bếp bằng đất sét, đang bốc hơi nghi ngút.
Sophia cho biết, đó là những chảo nấu đường thốt nốt và bán tại chỗ cho
du khách ghé tham quan. Mỗi sáng sớm, người ta trèo lên cây, hái quả
và hoa thốt nốt, đem xuống lột vỏ, rửa sạch và cho vào chảo. Khi có
khách ghé ngang thì họ trổ tài nấu và mời mua sản phẩm đã làm sẵn.
Sophia chỉ cho chúng tôi phân biệt cây thốt nốt nào là cây đực và cây
cái: “Cây chỉ cho hoa là cây đực, còn cây cho trái là cây cái; để nấu
thành đường cần phải được trộn chung hoa với nước mật thì đường mới ngọt
và keo hơn”.
Tôi vừa đứng nói chuyện với Sophia mấy phút, quay lại đã không thấy ba
người cùng nhóm đâu nữa. Hóa ra họ kéo nhau vào cái lớp học bên kia
đường. Mới nhìn dễ tưởng nhầm là cô giáo dạy thêm ở nhà như bên xứ ta vì
lớp chỉ có khoảng hơn chục trò tuổi mẫu giáo đứng vây quanh cô giáo
dưới một nhà sàn, bên trên là chỗ ở của gia đình. Nhìn một lát thì biết
nhà sàn bên cạnh cũng vậy, có lớp học khác nên tôi đoán đây là trường
mẫu giáo của làng. Thế mà cũng mất hơn 30 phút sau, mấy chiếc máy nhr
mới dừng nháy để Sophia tiếp tục lên đường.
"1500m to Kbal Spean"
Ở chỗ xe tuk tuk rẽ vào tay trái, tôi thấy cột cây số ghi 59km (từ
trung tâm Siem Reap đến đó), đi thêm hơn 1km nữa là đến bãi đậu xe. Thấy
tấm bảng ở chỗ soát vé ghi “1500m to Kbal Spean”, tôi thầm lo vì không
hiểu là độ cao hay độ dài đường lên núi?!
Đường đi khúc khuỷu, lồi lõm, lọt thỏm vào một góc rừng chấp chới nắng,
lỗ chỗ xuyên từng mảng rơi rắc trên lối đi, dưới tàng cây dầy và rậm
cao. Nền đất pha cát màu vàng kệch, lắm nơi bị nước xói thành bậc cấp,
hay ngoằn ngoèo luồn dưới các rễ cây, chúng tôi phải bám vào dây rễ đu
người mới đi qua được. Từng chặng 500 mét lại có một nhà gỗ có băng ghế
làm chỗ ngồi nghỉ chân cho du khách. Gặp lúc ít khách (khách Tây cũng
đông nhưng họ đi thẳng, không nghỉ chân) anh em chúng tôi ngồi đã thì
nằm lăn ra ghế, chân tay gác lên lan can thoải mái, ngắm nhìn những chùm
hoa chúm chím tựa như hoa ti gôn với cảm giác an bình và lãng mạn.
|
Một trạm nghỉ chân dọc đường lên suối |
|
Bướm vàng rập rờn khắp khu rừng. |
Bướm ở đây rất nhiều, to nhỏ khác nhau, màu sắc rực rỡ, dạn dĩ, bay
lượn chập chờn, bay liệng thăm dò rồi xà xuống đậu trên lan can và cả
trên tay, chân chúng tôi. Trước còn mon men, thập thò, sau chẳng nề hà
đậu rất lâu, dù chúng tôi có nhúc nhích hay ngo ngoe cử động thì chẳng
biết sợ nữa. Vô hình dung anh em được dịp bấm máy lia lịa, còn đùa vui
với nhau là “tay ải tay ai tỏa hương quyến rũ” nên bướm đậu.
|
Dọc đường lên núi được công nhân quét rác hàng ngày. |
Dọc đường, có các biển báo quãng đường ngắn dần như ‘lên dây cót’ nhằm
khuyến khích du khách. Thực ra, cách làm của nhà quản lý nơi đây rất
hay. Họ không xây bậc cấp hay tráng xi măng, lát đá con đường lên núi mà
để tự nhiên hầu hết chiều dài, chỉ làm bậc tháng gỗ ở hai vị trí khó
nhất, có thể nhiều người không trèo qua được gộp đá cao.
Rừng này cũng có nhiều cây sralao như ở đền Ta Prohm, rễ cây bò rộng
ra, nhiều chỗ tạo thành bậc cấp tự nhiên, rất dễ bước đi. Với một người
sức khỏe bình thường thì con đường lên núi này chỉ là ‘chuyện nhỏ’,
nhưng cũng có được cảm giác đi núi chứ không như bên ta làm thang máy
cho khách lên viếng động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn. (Xin ‘bật mí’ cùng
quý bạn đọc: người viết bài này năm nay vừa chẵn 80 cái xuân xanh!).
Dọc đường lên núi, chúng tôi gặp một nhóm ba nữ công nhân lặng lẽ quét
rác, một anh khác vác trên vai cái bao lớn thu rác từ các thùng cố định
đặt dọc đường. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự tự giác lao
động của họ.
Con suối ngàn 'linga'
|
|
|
|
|
Một đoạn suối Kbal Spean có đáy là nền đá tảng trở thành bức phù
điêu có một không hai trên thế giới với hình tượng hàng ngàn linga được
nhìn thấy rất rõ vào mùa khô, khi dòng suối cạn nước. |
(TBKTSG Online) - Cho đến khi nhìn thấy dòng suối nhỏ tràn qua khe đá
với những hình thù điêu khắc chạm trổ theo mô típ liên quan đến thần
Vishnu và vô số linga, yoni chúng tôi vẫn chưa nghĩ là mình đã đến đích!
Chả thấy bóng dáng thác nước đâu, cũng không nghe vọng tiếng của nước
đổ từ trên cao xuống. Chả lẽ thác là cái khe nước này sao?
Cả một vùng cây rừng che phủ, chỉ thấy dòng nước nhỏ trong vắt lèn lách
qua các tảng đá. Một lối đi nho nhỏ viền quanh, chúng tôi ngơ ngác nhìn
nhau. Một ông chừng hơn 60 tuổi, đeo phù hiệu của ban bảo vệ di tích,
chừng như hiểu được thắc mắc của chúng tôi qua nét mặt chưng hửng không
giấu được đã đến gần giải thích. Bấy giờ chúng tôi mới nhìn ra chi chít
những phù điêu khắc lờ mờ trên đá và nghe sự tích về các hình tượng đó.
Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, hằng đêm thần Vishnu và các vị thần
tiên khác thường rủ nhau xuống tắm ở hồ nước này. Vishnu cùng với Brahma
và Shiva là tam thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo. Tín
ngưỡng dân gian của người Khmer tin rằng tam thần ngự trị và chở che cho
đất nước Campuchia.
|
Dọc theo con suối, nhất là ở vị trí được cho là nơi thần Vishnu và
các thiên nữ thường tắm, các tảng đá dưới đáy và dọc hai bờ được chạm
khắc hình tượng các vị thần. |
Dù không có đền tháp nhưng cảnh vật nơi đây toát ra nét thiêng liêng,
huyền bí; song các chạm trổ thì lại mang nhiều nét phồn thực. Bên cạnh
một vài cảnh diễn tả các nữ thần lặn ngụp theo dòng nước thì đa phần là
các tạo khắc về yoni và linga. Cái thì to đùng hiện trên mặt nước, cái
thì khép nép dấu dưới làn nước róc rách chảy tràn qua.
Năm 1050, vua Suryavarman I ngăn con suối Stung Kbal Spean trên đỉnh
núi và cho điêu khắc ngay trên các tảng đá dọc bờ suối và nền đá đấy
suối với hàng ngàn hình tượng linga, yoni cùng với nhiều bức phù điêu
chạm trổ các tượng thần Deva, tiên nữ Apsara... Ở thượng nguồn dòng
suối, có nhiều phiến đá khổng lồ chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi vô cùng
sống động. Phải mất hơn 100 năm, công việc này mới được hoàn thành.
Người dân Khmer gọi đây là ‘Dòng sông ngàn Linga’. Đến giờ người ta vẫn
chưa thể trả lời được người xưa đã làm như thế nào để có thể thực hiện
công trình này.
Tôi hỏi về thác nước, người đàn ông Khmer ấy gọi một cô gái trẻ, bảo
chúng tôi đi theo cô ta. Cô gái đi trước, vừa đi vừa nói chuyện khá tự
nhiên. Cô chỉ tay và lưu ý chúng tôi từng vật tổ âm dương riêng biệt,
hoặc chồng lấn lên nhau. Có khi cô còn hí hửng kể về một yoni có đến 5
linga lọt vào một lượt! Mấy bạn cùng đi mê mẩn ngắm nhìn, chụp ảnh liên
tục.
Loáng thoáng lướt qua, một vài anh chị Tây ba lô cũng cởi áo ngoài hoặc
thu váy cao lên cho nó mát, gặp bọn tôi còn đưa tay ngoắc ngoắc hé lô,
hé la ỏm tỏi.
|
Ling được thể hiện qua nhiều goc nhìn, kích thước khác nhau. |
|
Hình ảnh thần Vishnu bên dòng suối Kbal Spean. |
Lại vượt qua một đoạn đường mòn dốc, đến một bậc thang gỗ vừa hai người
đi, cô gái xuống trước, chúng tôi bước theo. Mát thật mát, hơi nước,
khí đá bốc ra quyện hòa với khung cảnh um tùm làm cho sảng khoái thật
sự. Một dòng thác nhỏ trong leo lẻo chảy như rót vào một vũng nhỏ, y như
một khe nước thì đúng hơn là thác.
Cô gái dẫn đường nói: “Mùa này nước ít, nhưng vào mùa mưa thác chảy dữ
dội, cảnh đẹp lắm”. Tôi nghĩ bụng, mùa mưa nước ngập đầy, đường trơn
trợt, có ma vào đây mà xem nước lớn hay nhỏ. Tuy vậy cũng phải thư giãn
một chút cho bõ công lên núi. Một anh bạn xăm xăm muốn nhảy xổ vào chỗ
nước tuôn, ngặt cái ở đó đang có một em dáng người Bắc Âu đang tuềnh
toàng đứng tắm, độc áo ngực và quần xì nên anh cứ nhấp nhổm vì sốt ruột.
Cô em Bắc Âu nghịch cũng dữ, nhảy vắt vẻo lên gộp đá, hứng trọn tia
nước vào người, đôi khi lao chao tưởng trượt chân bổ nhào mà lại chụp
vịn kịp, cười hề hề, trông rất ...‘dễ ghét’. Một anh khác leo trèo lên
khối đá cao đối diện với ngọn thác, lăm lăm hướng máy nhắm tứ tung. Tôi
nghĩ thầm trong bụng: bác này đang vờ vỉnh trình diễn, song thực là đang
chụp trộm người đẹp đang tắm. Y như rằng, sau đó anh bạn đã khoe những
kiểu đã chụp được, phải nói có nhiều tấm nhìn cũng thấy “ngẩn ngơ”.
|
Cô công nhân người Khmer ở Kbal Spean đã hướng dẫn, thuyết minh và chụp ảnh giúp chúng tôi. |
Tung tăng ở thác nước khoảng hơn tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhờ cô gái
dẫn đường chụp hộ kiểu ảnh cho cả bọn. Lại bất ngờ! Cô công nhân trên
núi này cầm máy ảnh với tư thế rất giống dân chuyên nghiệp; lần lượt sử
dụng 3 chiếc máy lạ không chút lúng túng và xem lại ảnh, chúng tôi rất
hài lòng với bố cục ảnh của cô. Có vẻ cô ta đã quen với việc bấm máy
giúp cho du khách. Chợt nhớ đến mấy hướng dẫn viên du lịch của bên ta mà
thấy buồn; nhiều anh em không thành thạo chụp máy ảnh và nói tiếng Anh
không bằng cô gái Khmer này.
Chúng tôi xuống núi. Đi xuống đỡ vất vả hơn, nhưng lúc này trời rất oi
bức vì đã hai hôm nay không mưa nổi, lại thêm cái bụng bắt đầu kêu réo.
Ra khỏi rừng khi đã quá trưa nhưng chúng tôi không muốn vào ăn ở dãy
quán ngay chân núi, một phần vì thức ăn bên này nhiều dầu mỡ và ai nấy
mồ hôi ra ướt đẫm. Một bạn đề nghị Sophia tìm quán dọc trên đường về ghé
vào ăn trưa.
|
Dòng thác vào mùa khô chỉ như cái máng nước nhỏ, nhưng cũng đủ cho du khách tắm mát và thư giãn trước khi tiếp tục lội bộ. |
Xe chạy mãi, chạy mãi vẫn chẳng thấy bóng một hàng quán nào, anh em lao
chao như say sóng. Chợt thoáng thấy một ngôi nhà ven đường có treo mấy
thứ lặt vặt và có nước giải khát cạnh một thùng nước đá, lúc ấy xe đã
vượt qua nhưng mọi người vẫn réo Sophia quay xe lại, ghé vào. Đó không
phải quán ăn, chỉ là hàng tạp hóa nho nhỏ bán cho dân trong xóm. Hỏi có
gì ăn thì chủ quán cười, chỉ tay vào đống mì gói. Nhìn quanh chỉ có mấy
gói bánh kẹo, loại cho trẻ con.
Tuy vậy, sau khi dội nước lên đầu rửa mặt, rửa tay chân và uống mấy lon
Coca, nước cam xem ra mọi người đã tươi tỉnh đôi chút nên bảo chủ nhà
nấu mì gói ăn đại. Sophia và một vài anh em lăng xăng phụ nhóm bếp, bắc
nước và soạn xé mì gói ra thành từng tô. Cứ thế vừa làm vừa pha trò cho
quên đi thời gian và cái bụng. Cũng may sao, tủ lạnh nhà ấy sẵn thịt heo
và rau sống nên mấy tô mì cũng hết nhẵn. Cả bọn ăn vui vẻ, cũng quậy
đũa rổn rảng, cứ như chưa bao giờ được ăn một bữa ngon như thế. Đó là
một bữa trưa nhớ đời của cả bọn.
Trong lúc ngồi nghỉ, Sophia nói “Bây giờ còn sớm, các anh còn muốn đi
đâu nữa, tôi chở đi không tính thêm tiền”. Rồi anh ta gợi ý đến ngôi đền
ở Banteay Srei và làng người Việt định cư ở bờ biển hồ Tonlesap.
Banteay Srei là ngôi đền có sự khác biệt với đền đài khác ở Siem Reap
nên có sức quyến rũ du khách. Ngôi đền này được xây dựng bằng loại đá sa
thạch hồng màu hồng, trong khi hầu hết đền đài Angkor được làm bằng đá
ong, đá xanh và một số ít granite. Đền Banteay Srei nằm bên đường chúng
tôi đang đi về và đến đó, chỉ còn 35km là đến trung tâm thành phố Siem
Reap.
Đã biết ngôi làng người Việt ở Biển Hồ, chúng tôi không muốn quay lại
nơi ấy. Nhưng thấy Sophia nhiệt tình, chúng tôi bảo anh ta ghé vào đền
Banteay Srei. Nhưng đến đó, chỉ hai trong bốn người còn sức để lội bộ
vào bên trong để chụp ảnh. Hai người ngồi trên xe tán dóc với Sophia chờ
bên ngoài.
Chúng tôi về đến khách sạn My Home trời vừa tối. Hành lý đã được đưa ra
xếp gọn một góc quầy. Anh lễ tân lịch sự cho biết dù đã trả phòng, song
chúng tôi cứ tự nhiên dùng các tiện nghi cho đến giờ ra xe đi Shihanouk
Ville. Lại nhảy ra hồ bơi, uống bia Angkor và check mail một hồi, chúng
tôi chia tay anh em phục vụ ở My Home, ra phố ăn tối rồi lên đường.
Thăm phố cảng Sihanouk Ville
|
|
|
|
(TBKTSG Online) - Từ Siem Reap đi Sihanouk Ville, chúng tôi chọn đi
chuyến xe đêm để tiết kiệm được thời gian và tiền phòng một đêm. Cả bọn
chẳng ai còn cái háo hức ngắm cảnh hai bên đường cái, nhất là chặng Siem
Reap về Phnom Penh đã đi qua; vả lại, đi xe giường nằm thì chỉ việc
đánh một giấc, sáng mở mắt ra là có mặt tại thành phố cảng duy nhất của
Campuchia bên bờ vịnh Thái Lan.
|
Tượng đài Sư Tử Vàng nằm giữa bùng binh trung tâm thành phố được coi là biểu tượng của Sihanouk Ville. |
Tuy đã mua được vé và đem gửi trước hành lý nơi đại lý nhà xe, song
thời gian chờ đợi cho chuyến đi vẫn dềnh dang sốt cả ruột. Ăn bữa cơm
chót tại cái quán quen, đường phố vừa lên đèn trời lại đổ mưa càng khiến
chúng tôi thấy bồn chồn với chút tình cảm lưu luyến mơ hồ với góc phố
Siem Reap này.
Chuyến xe đêm nhớ đời
Gần đến giờ xe chạy ghi trên vé, chúng tôi lếch thếch kéo nhau đến địa
điểm nhà xe đón khách. Cũng như ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, xe đậu
bên lề trước mặt một phòng đại lý bán vé của hãng xe chứ không có bến
bãi như ở Phnom Penh. Chúng tôi gặp anh chàng đã bán vé cho mình, lúc
này đang đón hành khách lên xe.
Bước lên bậc cấp đã thấy khách trên xe khá đông. Nhìn bên ngoài, chiếc
xe giường nằm này y hệt các xe khách bình thường khác, tôi đã thấy chột
dạ. Thậm chí, như chiếc hôm chúng tôi đi từ TPHCM sang đây, khách ngồi
tầng trên, dưới để hành lý và xe có hai cửa lên xuống. Chiếc xe này được
thiết kế có hai tầng giường nằm với tổng số khách hơn 50 người nhưng
chỉ có một cửa lên xuống ở đầu xe, khách nằm tầng trên có thể nhìn ra
ngoài qua cửa kính, còn tầng dưới trông như cái hầm bít bùng với một lối
đi ở giữa, hai bên là giường đôi nằm chung hai người, không có gì ngăn
cách. Điều nguy hiểm là sàn xe chỉ có một lối đi rất hẹp ở giữa và duy
nhất một cửa lên xuống cho hơn 50 con người trên xe. Nếu có sự cố gì,
khách đạp lên nhau cũng đủ chết.
|
Xe giường nằm 'cao cấp' đến bến xe Sihanouk Ville. |
Ở Việt Nam, chúng tôi cũng thường đi xe ghế nằm (có thể điều chỉnh lưng
ghế), chỉ chở tối đa 38 - 40 khách sắp thành ba hàng với hai lối đi dọc
xe và có hai cửa lên xuống. Khách có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính,
nếu muốn.
Sàn xe uốn vòng cao lên, càng lui về phía sau càng vểnh lên. Trên xe
chỉ có vài người Campuchia và nhóm chúng tôi bốn người Việt, còn lại
toàn dân Tây bụi, đầm ba lô, kẻ nằm người ngồi, tựa lưng vào mớ chăn mền
‘xí xa xí xô’ tán gẫu râm ran.
Đèn trên xe tù mù, không khí ngột ngạt, chả ai nhìn rõ mặt ai. Thỉnh
thoảng ánh đèn pin nhá lên, nhìn thu lu dáng một cô gái Tây tí ta tí
toét cười, lúng túng thu gom trên cái giường, giống như chiếc băng ca
thường được sử dụng nơi sân cỏ.
Loạt xoạt, loạt xoạt, tiếng kéo chăn; rột rẹt, rột rẹt tiếng va chạm
túi xách. Người nằm ngửa quẹt quẹt ngón tay trên Ipad, kẻ nghiêng
nghiêng nhét tai dây earphone nghe nhạc... hớ hênh, khép nép. Vài đôi
tình nhân âu yếm nhau, thỉnh thoảng lại rúc rích cười tự nhiên cứ như
đang ở nhà mình; đặc biệt là cái mùi tổng hợp đủ thứ từ hơi người, mồ
hôi, phấn son, nước hoa, bụi bặm, nệm, chăn của nhà xe, người quyện tóm
lấy nhau. Có một bà to phục phịch, làm sao nhà xe lại xếp bà nằm ở tầng
trên chỗ tôi, mỗi lần nhìn bà leo lên, tụt xuống thở phì phì, vô cùng
vất vả khiến tôi cũng thấy lo lo...
Giờ khởi hành ấn định 7g30 tối mà phải chậm thêm 15 phút chiếc xe mới
cà rịch cà tang rời khỏi bến. Con đường vòng hẹp sau phố chợ loang
loáng lướt qua, chạy thong dong một đỗi, rồi lao vút vào bóng tối. Tạm
biệt Siem Reap và cả cô bé bán sinh tố dễ thương. Từ giã những buổi tối
lang thang phố chợ, phố Tây, nằm ngả ra ghế tại chợ để được mát xa chân,
để được nghe cái ồn ào của rượu, mùi khét của khói thuốc. Từ giã Angkor
Wat, Angkor Thom, Tah Prom, Bantreay Srey với muôn ngàn ngổn ngang tình
cảm, lưu luyến bâng khuâng. Từ giã những rừng cây cao vút lao xao,
những con đường mòn lượn quanh và những ngọn tháp đá lung linh trong
nắng chiều.
Xe cứ thế chạy đi, đều đều, rì rì theo tiếng máy. Chả nhìn thấy gì hết
vì khung xe bít bùng, thế nằm không thoải mái. Với khách Tây bụi thì
giường quá hẹp và quá... ngắn; còn với chúng tôi thì vốn không quen nằm
chung với người cùng giới trên giường bé tí. Chẳng phải ghế mà cũng
không ra giường, bấm gót chân mãi cũng mỏi, đùn vươn lên một lúc lại bị
dồn xuống, trông chẳng khác lọn giò bị đặt trên cái đĩa lao chao, nực
cười đến tệ!
Trải một đêm dài chả biết xe đi những đâu, chợt tỉnh chợt mê, mỏi lưng,
đau gối, bụng chỉ mong sao chóng đến để thoát khỏi cảnh lưu đày khổ
cực. Chả riêng gì bốn anh em chúng tôi, cả đến đám Tây bụi cũng giở mình
xoành xoạch, rột roạt cả đêm. Nghĩ bụng đúng là một đêm dài bị hành vì
cái gọi là xe giường nằm ‘cao cấp’.
Xe ngừng dọc đường hai lần, huê hoa đánh thức khách xuống trút ‘bầu tâm
sự’. Lại lục đục người trèo, kẻ lệt bệt đi, đèn pin loang loáng, bước
chuệnh choạng vấp phải nhau, rồi lại chui vào chỗ, xe lại lừ đừ đi
tiếp. Đến khi nghe cái lưng đau rần, mình oải tàn canh, mắt cay sè vì
thiếu ngủ, chớm thấy cái ớn thì nghe líu tíu xe ngoặt vào bến.
Sihanouk Ville
|
Chợ trung tâm Sihanouk Ville. Ba người một xe máy không ai đội mũ
bảo hiểm, nhưng được cái là người Khmer chạy xe rất hiền và nhường đường
cho nhau. |
Trời mới gần 6 giờ sáng, xe vào bến cuối tại Sihanouk Ville. Bến xe
nhỏ, vắng, các dãy văn phòng bán vé hay phục vụ còn dật dờ đóng cửa,
nhưng đám tuk tuk thì đã có mặt đông. Chúng tôi xuống xe trong bộ dạng
thảm hại, vẻ ngật ngừ say xe còn váng vất nên chưa quan tâm đến những
câu chào mời hăm hở của các bác tài tuk tuk. Khách tây đã túa đi, trơ
lại chỉ còn bốn anh em chúng tôi thay nhau vào nhà vệ sinh. Vẫn còn một
anh chàng tuk tuk kiên nhẫn chờ, chúng tôi chưa đặt chỗ trọ nên đề nghị
anh ta đưa chúng tôi tìm thuê chỗ trọ gần chợ và gần bãi biển nhưng...
giá rẻ!
Anh chàng tuk tuk trẻ này tên Thi, một cái tên dễ nhớ vì giống tiếng
Việt. Thi có vẻ mặt dễ mến, nụ cười hiền khi nghe chúng tôi đưa ra yêu
cầu ‘ngon, bổ và rẻ’; xem chừng thông cảm cái túi tiền nhẹ như bụi của
chúng tôi nên nhiệt tình đưa đến vài nơi để chúng tôi chọn lựa. Cuối
cùng chúng tôi thuê phòng của GBT, một tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ,
bungalow, với giá 20 đô la Mỹ một ngày cho một phòng hai giường đôi (bốn
người) nằm cạnh một khu vườn nhỏ trồng nhiều hoa.
Nhà nghỉ này nằm cạnh khách sạn Jasmine, ở gần cuối con đường ven biển
mà chúng tôi không làm sao đọc được tên đường vì trên bản đồ cũng như
bảng hiệu và danh thiếp của nhà nghỉ đều chỉ ghi bằng chữ Khmer, trong
khi một số đường khác đặt tên bằng con số hoặc cúng tiếng Khmer nhưng
được ghi theo phiên âm bằng mẫu tự Latin. Điều khiến chúng tôi hài lòng
nhất là chỉ bước sang bên kia đường là bãi biển Ochheuteal.
|
Du khách nước ngoài trên bãi biển Ochheuteal. |
Ochheuteal beach là đoạn bãi biển tập trung khá đông khách du lịch với
dãy hàng quán bán đủ thứ hải sản. Ochheuteal nằm cạnh Serendipity Beach -
bãi biển duy nhất ở Sihanouk Ville có những bungalow nằm ngay trên bãi
cát và sườn đồi, nơi du khách có thể thưởng ngoạn cả cảnh hoàng hôn trên
biển từ phòng ngủ hoặc các nhà hàng, quán rượu sát biển. Nhiều quán ở
đây mở cửa suốt đêm và khách hàng của Serendipity là du khách và người
dân địa phương có hầu bao kha khá đi nghỉ cuối tuần.
Cất hành lý vào phòng xong, chúng tôi ra nhà hàng gọi món điểm tâm. Giá
phòng rẻ nên không bao gồm suất ăn sáng, nhà hàng có thực đơn khá phong
phú, giá không rẻ nhưng cũng không cao, đáng nói là ê kíp nhân viên
phục vụ có tác phong chuyên nghiệp, chu đáo và thân thiện, thức ăn đồ
uống khá ngon, nhà hàng sạch sẽ. Xong bữa sáng, chúng tôi ra xe bắt đầu
lộ trình tham quan thành phố cảng. Đầu tiên là một vòng trong khu trung
tâm thành phố, ngang qua chợ rồi thẳng tiến ra cảng biển; từ đó sẽ theo
con đường dọc bờ biển về hướng nam.
Sihanouk Ville (tên khác là Kampong Som hoặc Kampong Saom) không lớn
như chúng tôi hình dung trước khi đến đây, nhưng có thể thấy thành phố
cảng này có nhiều tiềm năng phát triển kể cả về diện tích, quy mô cũng
như nguồn lợi từ du lịch và cảng biển. Hiện chỉ có con đường Ekareach
khá rộng, khang trang và nhiều cửa hàng lớn, buôn bán sầm uất nhất; Tổng
lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanouk Ville cũng nằm trên con đường này.
|
Đường Ekareach rộng và khang trang, sầm uất nhất ở Sihanouk Ville. |
Phần lớn đường phố không rộng nhưng khá sạch sẽ, cửa hàng kinh doanh và
nhà dân nằm xen nhau. Sihanouk Ville có nhiều resort, khách sạn, đặc
biệt là khu ven biển có nhiều casino; loại trung bình tập trung nhiều
trên đường số 1 (hay Kakda street). Tượng đài một đôi sư tử sơn màu vàng
chói được đặt giữa bùng binh ngã sáu, cuối đường Ekareach được coi như
biểu tượng của thành phố.
Cảng Sihanouk Ville cũng không lớn xét về quy mô hạ tầng kỹ thuật, song
sinh hoạt có chiều nhộn nhịp và đóng vai trò quan trọng với việc phát
triển kinh tế Vương quốc Campuchia bởi đó là cảng biển nước sâu duy
nhất. Thi đưa chúng tôi lên một đồi cao để quan sát toàn cảnh rồi vào
một bến tàu du lịch nằm cạnh khu cảng chính. Ở đó có một trạm dịch vụ
của trung tâm lặn biển Koh Rong (tên một hòn đảo lớn ngoài khơi) và bãi
đóng mới, sửa chữa các loại tàu thuyền nhỏ bằng gỗ và composite để đánh
cá và chở khách du lịch biển.
Lăm lăm máy ảnh trên tay, mấy anh em túa ra mỗi người mỗi hướng. Có anh
len lỏi qua các ụ tàu, thuyền, ở các công trình hàn, sơn, hoặc đi xuyên
các cầu ván nhỏ ra tít ngoài xa mà bấm tí tách liền tay. Chừng hơn một
tiếng sau mới thấy cả bọn xúm lại bên chiếc xe nước mía lưu động dưới
cái nắng đượm hương vị biển mặn mòi khiến tôi chợt nhớ đến khu làng biển
Cửa Bé ở Nha Trang.
|
Xe tuk tuk 'cao cấp' thường đón khách ở các resort, casino. Ở thành
phố du lịch biển này, chúng tôi không hề thấy loại taxi như ở Việt Nam. |
Xe tuk tuk lại tiếp tục lăn bánh. Theo đề nghị của chúng tôi, Thi chạy
đến một bãi biển có vườn dừa mát rượi, hàng quán san sát cạnh mép nước
biển. Hình như nơi đó được ghi trên bản đồ du lịch là ‘New beach’. Thả
khách xong, Thi bảo có việc chút việc riêng phải đi và dặn khi nào cần
đi thì gọi. Tôi bảo Thi, chút nữa quay lại đây ăn cơm trưa cùng chúng
tôi.
Ngả lưng ghế bố nhìn ra biển, lòng chợt nhớ Nha Trang, nhớ hương vị các
món ăn quê nhà. Ngặt một điều không biết nói làm sao với chủ quán để
được thưởng thức món canh chua cá biển. Cả hai mẹ con chủ quán không
hiểu cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, còn tiếng Khmer thị bọn tôi ‘tịt’.
'Cái khó ló cái khôn', chị chủ quan bấm điện thoại di động ‘xí xa xí xồ’
gì đó. Một lúc thì thấy có một chị đến, cười hỏi: “Mấy anh Việt Nam qua hả?”. Hóa ra chị này quê ở Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, qua đây sống đã lâu, hàng ngày ra đây làm nghề mát xa cho du khách.
Tôi nhờ chị nói giúp chủ quán nấu cho một nồi cơm 5 người ăn, một nồi
canh chua cá biển và luộc một đĩa rau muống mà tôi thấy trong bếp quán
có sẵn. Chị ta nói, canh chua ở đây không giống quê mình đâu, nói là
chua nhưng cũng ngọt lắm, cũng không có bạc hà, đậu bắp... Thoáng chút
thất vọng nhưng chúng tôi cũng muốn ăn thử cho biết khẩu vị người Khmer
vùng biển này ra sao.
Lát sau, Thi lái tuk tuk quay lại, có thêm một bé trai ngồi trên bình
xăng xe máy. Lúc này anh ta mới giải thích. Đây là đứa con đầu, đứa thứ
hai mới sinh được một tuần. Sáng nay cháu bị sốt nên hồi nãy anh ta về
chở vợ ẵm con vào bệnh viện nên giờ phải cho thằng lớn đi theo vì ở nhà
không còn ai. Thằng bé có vẻ nhút nhát khi gặp người lạ, nhưng ngoan
ngoãn.
Giữa khung cảnh rì rào của rừng liễu nhỏ, với những cơn gió thoang
thoảng lướt qua, chúng tôi đánh chén đến nơi đến chốn. Mới biết, đi đâu ở
đâu thì vẫn khó quên được món canh chua cá bông lau, bạc hà, rau ngổ và
chén nước mắm chua chua ngọt ngọt thấm giọng cho những sợi rau muống
xanh xanh đậm đà.
Từ bãi biển này, nhìn bên phải thấy cảng Sihanouk Ville, bên phải có
một hòn đảo khá lớn, trên đảo có mấy tòa nhà cao tầng đang xây dựng dang
dở có vẻ đang tạm dừng thi công, một cây cầu khá dài và đẹp nối đất
liền sang đảo. Chợt muốn sang hòn đảo đó, lên cao để nhìn vào đất liền,
tôi nói với anh chàng tuk tuk. Thi cho biết đó là cầu Techo Morakot đi
sang đảo Koh Puos (còn gọi đảo Rắn - Snake Island), nhưng hiện nay du
khách không được phép lên cầu hay sang đảo.
|
Khỉ mẹ ăn chuối một mình trong khi khỉ con nằm ngủ trong lòng mẹ. |
|
Rừng không có suối, khỉ ra đường nhựa uống nước. |
Nghỉ một chút, chúng tôi lại lên đường, Thi đưa chúng tôi đi dọc con
đường ven biển, lần lượt ghé vào cầu cảng du lịch ở Airport Club và các
khu resort bãi biển Hawaii, Independence và Sokha... Đi ngang qua một
khu rừng sát biển, Thi bảo đó là khu biệt điện nghỉ mát của hoàng gia
Campuchia. Ngăn cách khu rừng với con đường bên ngoài chỉ là một hàng
rào lưới thép cao chừng 2 mét, chẳng thấy trạm gác hay bóng dáng nhân
viên bảo vệ nào. Chợt thấy một chú khỉ bò ra liếm nước đọng trên mặt
đường nhựa, Thi dừng xe. Hóa ra, gần chục con khỉ leo trên hàng rào lưới
này ngồi chờ khách qua đường cho ăn chuối, mít... Ai đó vừa đổ ít nước
ra đường, thế là một con nhảy xuống ‘giải khát’ xong lại leo lên chờ
người khác cho ăn.
Hầu hết các khách sạn, resort và casino nằm dọc bãi biển ở Sihanouk
Ville đều mới xây dựng và khá đẹp, sang trọng. Khác ở Việt Nam, những
nơi đó được ‘bảo vệ’ như căn cứ quân sự, trong khi ở đây chiếc tuk tuk
cũ kỹ bình dân chở chúng tôi vào ra tự nhiên, nghiêng ngó, chụp ảnh
thoải mái... và nhân viên của họ có thái độ rất thân thiện. Tương tự, ở
bãi biển Ochheuteal và Serendipity cũng không thấy cảnh giăng dây khoanh
vùng dành cho du khách nước ngoài như ở Nha Trang, Việt Nam. Chúng tôi
tha hồ rề rà cho đến khi mỏi mệt mới bảo Thi đưa trở về nhà nghỉ.
Đến tối, chúng tôi gọi mời Thi cùng ra chợ đêm ăn tối. Anh ta trả lời
ngắn gọn, cho biết mình đang rất bận nên sẽ nhờ người anh đến chở chúng
tôi đi. Khi người lái xe mới đến, xưng là anh của Thi, cho biết cháu bé
mới sinh tuần trước của Thi đã mất vì bệnh, chúng tôi thực sự bàng
hoàng..
.
Đường về
|
|
|
|
|
Một cổng vào làng trên đường từ Phnom Penh đi Bavet. |
(TBKTSG Online) - Sihanouk Ville là thành phố cảng biển duy nhất của
Campuchia được xây dựng vào cuối thập niên 1950. Nơi đây có nhiều ưu
điểm để phát triển du lịch không thua kém Phuket hay Pataya của Thái Lan
hoặc Nha Trang, Vũng Tàu của Việt Nam. Có vẻ như chỉ mới những năm gần
đây, hạ tầng cơ sở du lịch mới được chú ý đầu tư trở lại sau thời kỳ
Khmer Đỏ.
.
Khách Âu Mỹ đến đây chưa nhiều dù có cảng biển và sân bay đã lâu. Du
khách đến từ các nước Asean và vùng Đông Á còn hiếm hoi. Tuy nhiên,
lượng khách nội địa về đây khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần,
ngày lễ.
So với lượng khách đến Sihanoukville, số hàng quán có vẻ hơi nhiều. Các
món hải sản tươi sống là một trong những điều hấp dẫn nhất của thành
phố. Tất nhiên, cũng không thiếu những nơi phục vụ các món ăn nước ngoài
- như các món của Việt, Thái, Úc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Anh, Ý... có cả
pizza, cafe espresso. Ban đêm, có nhiều tụ điểm nhộn nhịp, hàng quán mở
cửa rất khuya như trên đồi Đài Khí tượng, chợ ẩm thực đêm trong khu vực
trung tâm và các bar ngoài bãi biển Ochheuteal, Serendipity, Victory.
|
Thi, người lái xe tuk tuk ở Sihanouk Ville và đứa con trai theo cha
trong lúc mẹ và em nó đi cấp cứu ở bệnh viện. Sáu giờ sau khi chụp ảnh
này, đứa bé mới 7 ngày tuổi mất. |
Thời gian không đủ để chúng tôi đặt chân đến nhiều điểm tham quan khác ở
Sihanouk Ville như nhà máy bia Cambrew - nơi sản xuất bia Angkor, bia
Bayon, các sản phẩm của Pepsi; thánh đường Hồi giáo Iber Bilkhalifah của
cộng đồng người Chăm; nhà thờ Thiên Chúa giáo St Michael, xây dựng năm
1962 ở chân núi Sihanouk Ville và chưa có dịp ngắm mặt trời lặn từ bãi
biển Victory.
Đêm trước khi chia tay Sihanouk Ville, tin Thi mất cháu bé khiến chúng
tôi suy nghĩ khá nhiều. Con bệnh vào cấp cứu nhưng vì cuộc mưu sinh, anh
ta vẫn phải chạy xe kiếm tiền; điều đó dễ hiểu, nhưng thái độ tận tình,
chu đáo của anh ta khiến chúng tôi thực sự áy náy, thương cảm. Nếu có
dịp trở lại thành phố này, chắc chắn chúng tôi sẽ tìm gặp lại Thi, một
lái xe hiền lành, chất phác và nhiệt tâm với công việc.
Đêm ấy, chúng tôi đi nằm sớm; sáng ra cà phê cà pháo rồi lệt bệt xách
hành lý ngồi chờ, không còn cái hào hứng như khi đến, dù một ngày ở
thành phố này chúng tôi cũng thấy hài lòng. Nhà xe hẹn đón lúc hơn 07g30
mà phải đến 08g45 mới thấy xe trung chuyển đến. Tập trung ở phòng vé
hôm trước, lại chờ một lúc đến gần 09g30 xe đường dài mới lăn bánh.
Nếu chuyến đi nào cũng đầy háo hức thì chuyến về nào ít nhiều cũng thấy
nhuốm bâng khuâng. Bao hình ảnh chồng chất, bao kỷ niệm chập chờn,
những khuôn mặt, những nụ cười, những dáng chắp tay búp sen, những ân
tình hướng dẫn, rồi Sophia ở Siem Reap và Thi ở Sihanouk Ville và năm
ngày tung tăng đường phố gần như không có tiếng còi xe... khiến chúng
tôi quên bẵng không khí đinh tai điếc óc, thỉnh thoảng lại giật mình
toanh toách ở Việt Nam.
|
Những người nghèo không có mặt bằng kinh doanh thường dùng kiểu xe
độ thế này để bán lưu động. Ở Campuchia, người nghèo may mắn là những
phương tiện độ chế để làm ăn của họ không bị cấm lưu thông và cũng không
thấy xe cảnh sát đi hốt đồ đạc của dân buôn bán lề đường. |
|
Xe du lịch cũng dùng chở hàng. |
Chẳng cần nói ra, chúng tôi nhìn nhau và ngầm hiểu là trong thâm tâm
mỗi người như đang có ý hẹn ngày trở lại xứ Chùa Tháp. Cứ nghĩ đến những
công trình kiến trúc đền đài, nhưng nét cười đầy ắp bóng Apsara, những
hình ảnh lịch sự nhịn nhường nhau giao thông trật tự, những câu chào
thân thiện... chắc chẳng ai không nghĩ đến một lần quay trở lại.
Tiếng là mua vé xe chạy suốt, nhưng đến Phnom Penh lại cũng phải sang
xe. Chiếc xe khởi hành từ Phnom Penh về TPHCM có hơn 40 ghế nhưng chỉ có
11 người khách vẫn chạy một mạch đến gần cửa khẩu Bavet mới tấp vào
quán ăn bữa cơm chiều trước khi qua biên giới.
Ngồi trên xe, tôi nghĩ miên man về sự phát triển của du lịch Campuchia
trong hơn chục năm qua. Ngoài Siem Reap và quần thể Angkor được tổ chức
khai thác dịch vụ khá tốt và văn hóa ứng xử của người dân Khmer, dường
như còn nhiều tiềm năng vẫn chưa được khơi dậy đúng mức.
Dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia có khá nhiều cửa khẩu, nhưng
chỉ có cửa khẩu Mộc Bài - Bavet có tuyến xe khách chạy suốt qua biên
giới, còn các cửa khẩu khác chỉ có người dân vùng biên qua lại nhiều.
Theo tôi nếu cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang) có tuyến xe khách chạy suốt
từ TPHCM hay từ Cần Thơ đi Sihanouk Ville, chắc chắn du khách Việt sẽ
đến các tỉnh ven biển phía Nam Campuchia nhiều hơn. Lúc đó sẽ hình thành
tuyến tham tham vòng tròn (tour), đi qua cửa khẩu Bavet - Mộc Bài, về
qua Xà Xía - Hà Tiên hoặc ngược lại.
Khi đi ngang khu công nghiệp Tai Seng Bavet Sez thuộc đặc khu kinh tế
Bavet, tỉnh Svay Rieng gặp đúng giờ tan ca, suốt dọc dài gần 10km, chúng
tôi gặp hàng đoàn xe tải nhỏ chở công nhân về. Trước cổng Tai Seng
Bavet Sez có quốc kỳ của nhiều nước, còn nhiều đám đông đứng chờ xe.
Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của họ - phần đông là nữ - lên xe đứng chen chúc
trong những chiếc xe bọc khung hoặc lưới thép chung quanh như cái rọ mà
thấy thương.
Đến cửa khẩu, mọi thủ tục nhà xe lo hết, khách chỉ việc theo vào phòng,
đợi nghe gọi tên thì nhận lại hộ chiếu của mình. Công việc nhoáng tí là
xong vì cách giải quyết của phía bạn hợp lý, ai đến trước phục vụ
trước, không phân biệt khách đoàn hay khách đi lẻ. Dân đi buôn chuyến,
dân từ sòng bạc về, dân tứ xứ, dường như ai cũng đã quen nên thản nhiên
đứng chờ.
Anh em chúng tôi nhận hộ chiếu, xem xét lại và được nhà xe dặn đừng cất
vội vì còn qua thủ tục kiểm bên phía Việt Nam. Đoạn này mới thấy nhiêu
khê, mất thì giờ.
Và đây trở lại với vùng trời quê hương, đèn đã lấp lóe ánh điện, đường
phố rộn rịp, xe cộ chen lách nhau đi, tiếng còi xe lại thi nhau chọc vào
tai, cả chiếc xe chúng tôi đi suốt buổi trên đất Campuchia im lặng, về
đến đây cũng hòa chung vào những lần bấm vô tội vạ trên đường phố.
Xe qua Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn và lừ đừ vào thành phố. Cửa hàng thi
nhau mở, đèn chớp lập lòe, những loa đua nhau gào inh ỏi, xe cộ chen
chúc nhau như đan cửi...
Xe dừng bến cuối, chúng tôi xuống xe, vội vàng như chạy trốn. Nhảy lên
xe ôm chạy vèo về khu nhà trọ gần ga Sài Gòn, lo vệ sinh cá nhân, kiếm
cái gì bỏ bụng rồi lăn kềnh ra ngủ. Sáng hôm sau, vào mua vé tàu trở về
phố biển Nha Trang.
|
Bài: Đỗ Thành - Ảnh: Mai Lĩnh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét