Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Bánh nếp Nhật níu chân du khách

Mặc dù không nằm trong những nước có nền văn minh lúa nước sớm phát triển nhưng ẩm thực Nhật Bản rất nổi tiếng với các món từ gạo. Nổi bật trong đó là các loại bánh Mochi (“bánh dày”, được làm từ gạo nếp). Ẩm thực không thể tách rời khỏi văn hóa. Không đơn giản, mộc mạc như những món bánh dày của Việt Nam, Mochi Nhật cầu kỳ đến từng chi tiết. Những món ăn Nhật Bản do vậy thường tốn nhiều thời gian để làm. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn làm một món bánh Nhật trong vòng một giờ đồng hồ thì hãy thử Yatsuhashi và Ichigo Daifuku.
Một trong những món bánh đặc sản của cố đô Kyoto là Yatsuhashi. Được đặt tên để tưởng nhớ người nghệ sỹ đàn Koto tên Kengyo Yatsuhashi (1614-1685). Vài năm sau khi người nghệ sỹ tài hoa qua đời, một món bánh được đặt tên ông bởi nó mang hình dáng của cây đàn Koto. Đầu thế kỷ thứ 19, món bánh Yatsuhashi đã trở thành một món quà khách du lịch đến Kyoto không thể bỏ qua. Các quầy bán đồ lưu niệm tại bất cứ địa danh nào ở Kyoto đều bày những hộp bánh Yatsuhashi được đóng gói trang trọng để du khách có thể mua về làm quà cho người thân.
Có hai loại Yatsuhashi, một loại yêu cầu nướng và loại kia không cần nướng. Cả hai đều được làm từ gạo nếp vo sạch, ngâm vài giờ, sau đó nấu chín thành xôi. Những hạt xôi dẻo, trắng tinh sau đó được cho vào cối đá, dùng chày gỗ giã mịn. Một chút đường và một chút bột quế được trộn vào trong quá trình giã. Với loại bánh cần nướng, khối bột nếp chín được cán mỏng, cắt thành từng miếng hình chữ nhật dài, đặt lên khuôn và nướng giòn. Loại bánh này chính là loại mô phỏng cây đàn Koto của người nghệ sỹ nổi tiếng năm xưa. Trong những năm xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ II, Yatsuhashi hiếm được hiện diện trong những buổi dùng trà của người dân Nhật Bản do sự khan hiếm gạo.
Bánh Yasuhashi
Thập niên 60 của thế kỷ trước, món bánh Yasuhashi không nướng, hay còn gọi là Hijiri xuất hiện.  Thay vì nướng, bột được cắt thành những hình vuông, cho nhân Azuki (đậu đỏ nấu chín, giã mịn xào với đường) và gấp lại theo đường chéo tạo thành những chiếc bánh hình tam giác xinh xinh như chiếc gối nhỏ.
Nếu như Yatsuhashi có “bề dày lịch sử” thì sự ra đời của Ichigo Daifuku vào khoảng năm 1980 (Ichigo = dâu tây, Daifuku = Đại Phúc) vẫn là sự tranh cãi không có kết thúc khi một số hiệu bánh khẳng định chính họ là người phát minh ra món bánh này. Daifuku-mochi là tên loại bánh dày có nhân, thường là nhân Azuki (đậu đỏ) hoặc Anko (đậu trắng). Phiên bản dâu tây của Daifuku có một trái dâu được bọc đậu nghiền ngào đường ở giữa từng chiếc bánh.
Ichigo Daifuku
Theo cách làm truyền thống, cả hai loại bánh Hijiri (Yatsuhashi không nướng) và Ichigo Daifuku đều nấu chín gạo nếp và giã bằng cối đá nhưng thế kỷ 21 với những công nghệ hiện đại, người Nhật đã cải tiến và nghĩ ra nhiều cách làm bánh đơn giản và thuận tiện hơn nhiều.
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét