Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Những thị trấn ăn ngủ nhờ rác

Với một số người, rác thải của người khác lại là nguồn sống thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của bản thân họ.
Thời tiết khắc nghiệt, chất thải độc hại, mùi hôi thối vây quanh, bệnh tật, ruồi muỗi và thái độ khinh bỉ, coi thường của mọi người là cái mà họ nhận được hằng ngày khi phải làm công việc lượm lặt rác để trang trải cho cuộc sống vốn dĩ đã khắc nghiệt bấy lâu của mình.
1. Bantar Gebang, Indonesia
Hạt Bantar Gebang thuộc Bekasi, đông Jakarta, Indonesia nổi tiếng với núi rác cao ngất ngưởng, rộng 110 hecta mà thành phần của nó chủ yếu là các phế phẩm từ gỗ, các loại đồ đạc gia dụng đã hư hỏng cùng một số thứ khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hơn 2000 hộ gia đình sống xung quanh đó.
Cái mà chúng ta gọi là rác kia với họ là cả một nguồn sống khổng lồ, có lẽ, trong “từ điển” của họ không tồn tại từ “rác”. Hàng ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 6.000 tấn rác, đủ cho họ kiếm được khoảng 65.000 VNĐ mỗi ngày và cũng đủ để duy trì “năng lượng” sống.
Những con người ấy đang cần mẫn tìm kiếm những phế phẩm từ nhựa, thủy tinh, gỗ, nhôm hay bất cứ thứ gì có giá trị với họ, thậm chí, là cả thịt ôi và rau quả hư hỏng cũng được họ chế biến và thưởng thức ngon lành. Chính phủ Indonesia đang nỗ lực hết sức xây dựng trường học cho trẻ em vùng Bantar Gebang được tới trường và các khu bệnh viện chăm sóc, chữa trị miễn phí cho cộng đồng rất dễ mắc các bệnh ngoài da và liên quan đến phổi này.
2. Smokey Mountain, Phillipine
Smokey Mountain (Núi khói) nổi tiếng là một núi rác khổng lồ tích tụ hàng chục năm, và cũng từng là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới, cách trung tâm thủ đô Manila, Phillipine 2 giờ ô tô, đây là nơi kiếm sống của 30.000 con người nhờ việc thu lượm chai nhựa, phế liệu kim loại, giấy, gỗ…
Bởi vậy, việc chính phủ Phillipine cho đóng cửa bãi rác khổng lồ này vì lý do môi trường, sức khỏe, vô hình trung đã lấy đi nguồn sống thiết yếu của hàng nghìn gia đình.
Cùng với nỗ lực xóa nghèo của chính phủ là những tấm lòng hảo tâm đến từ những dự án vì cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức từ thiện Gawad Kalinga, nhằm mang đến cho cụm dân cư ở Smokey Mountain có một cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn, trẻ em được tới trường, người dân được chữa bệnh, có việc làm, để họ không phải “chết” trên chính “nguồn sống” của mình nữa.
3. Jardim Gramacho, Brazil
Bãi rác Jardim Gramacho ở thành phố lớn thứ hai Brazil Rio de Janeiro là nơi tích tụ của ngọn núi rác cao 50m, rộng 130 hecta với hơn 60 triệu tấn rác thải, có thâm niên 34 năm hoạt động. Tháng 6/ 2012, vì lý do môi trường, bãi rác thải lớn nhất Mỹ Latinh và là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới Jardim Gramacho đã bị đóng cửa.
Bất chấp nguy hiểm từ những chất lỏng độc hại đang rò rỉ, bất chấp ruồi muỗi hôi thối và bệnh tật có khả năng xảy đến bất cứ lúc nào, bất chấp cả những cái nhìn khinh miệt của người giàu, người dân sống co cụm quanh bãi rác này vẫn hàng ngày miệt mài “kiếm ăn” cùng những con kền kền chuyên dọn xác thối chỉ để mong kiếm được món đồ giá trị quy đổi thành tiền cùng những thức ăn đã thành phế phẩm cung cấp cho cuộc sống qua ngày bớt đỡ khó khăn. Với họ, công việc này chẳng có gì là đáng hổ thẹn khi họ hàng ngày nuôi sống gia đình mình và không làm điều gì có hại cho xã hội, có điều, sẽ được bao lâu trong môi trường nguy hiểm tiềm ẩn ấy. Mạng sống của họ có khi nào bị chính những bãi rác nuôi sống họ hàng ngày giết chết.
4. Dharavi, Ấn Độ
Trong khu ổ chuột lớn nhất châu Á trải rộng trên diện tích 175 hecta, Dharavi là khu vực không chỉ có một mà rất nhiều bãi rác khổng lồ. Hằng ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác thải phần lớn đến từ khu đô thị xa hoa ở Mumbai, Ấn Độ.
Điều khác biệt của bãi rác ở Ấn Độ so với các nơi khác đó là, Dharavi là một thị trấn có các ngành công nghiệp khá phát triển, trong đó có khu công nghiệp tái chế rác thải.
Khoảng 1/5 trong số 1,2 triệu dân vùng Dharavi chịu trách nhiệm phân loại và xử lý mọi phế phẩm từ giấy, nhôm, nhựa. Và họ, bất kể là trẻ em hay người lớn, trai hay gái đều làm việc quần quật cả ngày để không chỉ “tái chế” rác mà họ còn phải chôn lấp hay thiêu đốt chúng sau khâu kiểm định nghiêm ngặt.
Hiện, chính phủ Ấn Độ đang dốc sức mở rộng và triển khai các dự án môi trường, giáo dục, bảo hiểm đến vùng cư dân khu ổ chuột để họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trẻ em được tới trường, bù lại những nguy hiểm có thể thấy rõ trong môi trường độc hại họ phải đối mặt từng giờ, từng ngày.
5. Ulingan, Phillipine
Ulingan, bãi rác thuộc quận Tondo, thủ đô Manila, Phillipine là bãi rác chứa các phế phẩm từ gỗ độc hại nhất, nguy hiểm nhất bởi “công nhân” nơi đây chuyên đi thu gom gỗ đốt lên than thành phẩm để trang trải cho cuộc sống vốn đã thiếu thốn của mình.
Phần lớn phế phẩm gỗ có nguồn gốc từ các công trình xây dựng đã bị phá hủy, những vật gia dụng làm từ gỗ… Theo đó, cứ 4 đến 5 tấn gỗ thải chỉ cho ra được 1 tấn than đem bán. Để làm được công việc nặng nhọc này, người dân Ulingan phải huy động cả gia đình làm việc trong môi trường độc hại toàn khói bụi đầy khí CO và N2O. Thêm nữa, họ “gẩy” đinh nhằm gom sắt vụn đem bán và đốt than chỉ với hai bàn tay trần và không khẩu trang che chắn.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu họ mắc những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, da và tim mạch cả. Mặc dù chính phủ Phillipine không khuyến khích công việc độc hại này của dân cư vùng Ulingan và đang ra sức xây dựng các khu trung tâm chăm sóc sức khỏe cùng việc triển khai các gói an sinh xã hội cho trẻ em được tới trường, cung cấp bữa ăn đến cho trẻ em và người già thì đối với dân vùng này, bấy nhiêu thôi chưa đủ và họ sẽ vẫn phải liều để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
6. Mazatlán, Mexico
Nhìn từ xa, bãi rác của thủ đô Mexico City đẹp như một bức tranh phong cảnh vùng núi đồi. Thế nhưng, ấn tượng để lại không phải là những khối đá vuông vức hay con đường rải đầy cát sỏi mà là đống rác chất cao như núi của những phế phẩm chuyển đến từ các khu dân cư thành phố thủ đô. Từng ngày, từng giờ, có hàng trăm con người đang mạo hiểm tính mạng mình chỉ để thu lượm phế phẩm từ kim loại, giấy, nhựa đem bán để đổi lấy từng đồng peso ít ỏi. Căn nhà của họ là những mái lều dựng tạm làm bằng chính những phế liệu họ thu lượm được mọc lên bao quanh bãi Mazatlán khổng lồ.
Đã có nhiều tour du lịch dẫn các đoàn khách thăm quan các khu ổ chuột ở Mexico và nhiều nước trên thế giới. Không hiểu họ nghĩ gì khi chứng kiến những mảnh đời lam lũ và nghèo khổ kia. Chỉ hi vọng, ai đó trong chúng ta sống ý thức hơn, chung tay vì cộng đồng nhiều hơn và biết cảm ơn cuộc sống vì đã cho ta một cuộc sống đủ đầy hơn bao nhiêu con người nghèo khó ngoài kia.
7. Payatas, Phillipine
Tháng 7/ 2000, mưa lớn ở Phillipine đã gây ra một vụ lở nghiêm trọng từ núi rác thải cao 30m ở Payatas, phía bắc thành phố Quezon, Phillipine khiến ít nhất 200 người thiệt mạng vì bị khối rác khổng lồ đổ ập xuống.
Có quá nhiều mối nguy hiểm đến từ chúng, mùi hôi của rác thối, khí chất độc hại, bệnh tật lan tràn cùng những nguy cơ về môi trường… thảm họa nhân tạo này là lời cảnh báo cho toàn thế giới về cuộc sống quá kham khổ của người dân các vùng sống nhờ các bãi rác lớn.
Tất cả đều là những vấn đề gây đau đầu cho các nhà chức trách bởi, rác thải không thể không có và bệnh tật cũng là điều hiển nhiên đối với những con người đang ngày đêm “sống” nhờ phế phẩm của người khác kia.
Không riêng gì Phillipine, các nước khác trên thế giới đang nỗ lực hết sức để gỡ những khó khăn cho những cụm dân cư nói trên. Hiện nay, đất nước có 3 bãi rác lớn nằm trong danh sách này đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện khí mêtan, có khả năng chuyển hàng triệu tấn rác thành năng lượng điện phục vụ dân sinh, đủ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho 2000 gia đình sống quanh Payatas trong 10 năm.
ConanẢnh: Environment

Không có nhận xét nào: