Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Nghệ thuật rối bóng Trung Quốc


Nghệ thuật múa rối bóng rất chú trọng hiệu quả biểu diễn, vì tất cả các bộ phận trên mình nhân vật đều có thể động đậy, lại thêm lồng tiếng ca, các điệu tuồng cao giọng và du dương, khiến các vở múa rối bóng mang đậm bản sắc dân gian địa phương.
Loại hình nghệ thuật dân gian này làm bất ngờ giới mỹ thuật hiện đại. Rối bóng Long Đông tỉnh Cam Túc miền Tây Nam, rối bóng Thiểm Tây và Sơn Tây miền Tây Bắc Trung Quốc mang những nét đặc trưng riêng.
Rối bóng Long Đông rất thịnh hành vào thời nhà Minh và nhà Thanh thế kỷ 14 đến 19. Tạo hình của rối bóng đẹp mắt, đường nét mang tính khái quát, điêu khắc cầu kỳ.
Vật liệu làm con rối bóng chủ yếu là da bò đực còn non màu đen, loại da dày vừa phải, dẻo, bền. Sau khi da bò đã được cạo sạch lông, hong khô trông đã trong và thấu là có thể dùng làm con rối. Trước hết phải vẽ nháp mờ mờ hình nhân vật lên da bò khô, sau đó khắc bằng các loại dao nhiều kích cỡ. Sau khi khắc xong, tô màu lên, thuốc màu nguyên chất không pha với các thứ màu khác, do đó màu sắc thường sặc sỡ, tương phản rõ rệt. Sau khi đã chạm khắc và lên màu xong là có thể đem là phẳng. Đây là công đoạn then chốt nhất và cũng là khó nhất. Tiếp theo lên thêm một lần thuốc màu rồi mới đem hong khô, rồi gắn kết thành các con rối theo yêu cầu, như vậy là có thể điều khiển chúng để biểu diễn.
Ngọc hoàng thượng đế và Thái Thượng Lão Quân.
Đầu râu Ngọc Hoàng Thượng Đế (trái) và Thái Thượng Lão Quân.
Trong tranh đầu râu Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thái Thượng Lão Quân, công nghệ khắc rỗng hết sức tinh vi phức tạp, linh hoạt và truyền thần, nền màu chủ yếu là màu đỏ, vàng, đen và xanh lá cây, đan xen các đường vẽ với nhau hết sức phong phú. Ngọc Hoàng Thượng Đế được khắc nổi, mắt nhỏ, miệng nhỏ, sống mũi thẳng, trông điềm đạm và độ lượng; Thái Thượng Lão Quân được khắc chìm, mắt tròn, mũi sần sùi, trán dô, mũ đội ra đằng sau, trông rất tinh khôn và sinh động.
Mục lục các vở tuồng rối bóng Long Đông rất đa dạng. Công nghệ chạm khắc nhân vật và đạo cụ rất tinh vi, khéo léo, thu hút người xem. Hiệu quả trang trí đồ án mang màu sắc tương phản mạnh, hoạt bát, rõ ràng. Việc lắp ghép gắn kết cũng như phân giải các bộ phận trên mình nhân vật con rối rất hợp lý, do đó khi biểu diễn rất linh hoạt, thể hiện một cách đầy đủ trong cái thô sơ lại có cái cầu kỳ, mang phong cách nghệ thuật hào phóng và kỹ càng.
Rối bóng tỉnh Thiểm Tây miền Tây Bắc Trung Quốc còn bảo tồn nhiều chuyện kể dân gian, là tiền thân của nhiều loại tuồng địa phương Thiểm Tây cận đại Trung Quốc.
Tạo hình con rối bóng tỉnh Thiểm Tây trông đơn giản mộc mạc, nhưng phong phú về trang trí, vẫn mang đặc điểm công nghệ tinh xảo khéo léo. Tạo hình các nhân vật rối bóng Thiểm Tây nói chung đường nét khái quát, sinh động đẹp mắt và rõ nét, đường nét bên trong thường chạm rỗng là chính, kết hợp một cách hài hòa giữa phức tạp với đơn giản, giữa hư với thực. Mỗi bộ phận các nhân vật con rối bóng, đạo cụ, phông cảnh thường được trang trí những hoa văn đồ án khác nhau, trông phức tạp nhưng không rườm rà, đơn giản nhưng không trống rỗng. Không những cục bộ của chúng dễ coi, mà phối hợp với toàn bộ trông trọn vẹn lại sinh động, tạo nên hình ảnh nghệ thuật hoàn chỉnh và hoàn mỹ.
Rối bóng tỉnh Sơn Tây miền Bắc Trung Quốc có quy phạm chặt chẽ, phong cách nghệ thuật và công nghệ thủ công cũng như rối bóng tỉnh Thiểm Tây, đường vẽ bằng mực thay cho đường dao, vẽ chi tiết lên những đồ trang sức nhỏ trên mình con rối khó chạm khắc. Nguyên liệu màu phần lớn là màu đỏ tươi, màu xanh lá cây tươi, màu vàng da cam do các nghệ nhân tự pha chế, màu sắc tươi sáng, thanh nhã, không bị mục rữa và không biến dạng.
Trong các vở tuồng rối bóng vùng phía Nam tỉnh Sơn Tây đều là hình ảnh truyền thống mang ngụ ý tốt lành, ví dụ như: Phúc Lộc Thọ, Ngũ tử giành phần thắng, Bát Tiên chúc thọ, Kỳ Lân tiễn con... thường xuất hiện trên các nhân vật hoặc đạo cụ. Trên trang phục các nhân vật thường thấy hình vẻ các kiến trúc, những đường vẽ truyền thống trên các công cụ, ví dụ như Hằng năm phú quý, Trường thọ như ý...
Tranh Hàm Yên chải chuốt.
Tranh Hàm Yên chải chuốt.
Tranh “Hàm Yên chải chuốt” thể hiện cảnh người thiếu nữ đoan trang ngồi trước gương trang điểm. Nghệ nhân rối bóng đã thể hiện người thiếu nữ khi soi gương, người trong gương và ngoài gương đối chiếu nhau. Khi biểu diễn, động tác của thiếu nữ trong và ngoài gương rất ăn khớp với nhau, càng nói lên công phu độc đáo của người điều khiển con rối. Phong cách chạm khắc rối bóng Phổ Nam xinh xắn, màu sắc đường nét rất tinh tế, bàn, ghế, hòm xiểng, tủ và các thứ bát đĩa... hài hòa, vừa phong phú lại khái quát hoàn chỉnh. Trang phục của thiếu nữ, cũng như đường vẽ của bàn ghế được chạm khắc khéo léo đẹp mắt khiến người xem phải trầm trồ khen ngợi.
(Theo ChinaBroadcast)

Không có nhận xét nào: