Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Hồng hạc ở Sea World San Diego


Khanh Vy/Viễn Đông

Du khách trên toàn thế giới mặc dù chưa đến Sea World ở San Diego lần nào cũng có thể biết nơi này nổi tiếng với những trò biểu diễn cá heo. Ngoài những loài thú thông minh dễ thương lạ mắt... còn có một loài chim thuộc hàng quý hiếm, đó là hồng hạc. Một trong những giống chim từng được đưa vào Sách Đỏ của thế giới, hồng hạc cũng có nhiều loại khác nhau. Có loại hồng hạc lớn sống ở vùng Đông Nam Á. Trong đó, có thời gian chúng sinh sống ở những cánh đồng bạt ngàn vùng Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông Đồng Tháp, hay khu vực núi Mo So, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Có loài sống ở vùng băng tuyết của Nhật Bản hay Trung Quốc. Có loài sống ở miền Bắc California vào những tháng hè…. Nhưng đặc biệt loài hồng hạc sống quanh năm ở khu vui chơi Sea World ở Nam California.
Loài hồng hạc chân dài, cổ cao, mỏ hồng pha chút trắng đen. Bầy hồng hạc này lên đến mấy ngàn con lớn nhỏ, theo những chiếc vòng sắt ghi mã số được đeo ở chân hạc. Họ hàng hồng hạc sinh sống tại đây được nhân viên cho ăn các loại thức ăn phù hợp, được dạo chơi nơi những ao hồ có cá nhỏ sinh sống. Chúng tự do bắt cá như trong thiên nhiên. 
Du khách cũng có thể mua thức ăn tại khu vực gần đó, để mời mọc những con hạc chạy về phía mình, tha hồ chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Nhiều nhiếp ảnh gia cũng thường xuyên đến đây để canh chụp những cảnh hạc mò cá, lược tảo bằng mỏ, những cảnh ấp trứng, bay nhảy, rượt đuổi và kể cả âu yếm…. 
Bình thường khi tìm mồi hay nghỉ ngơi, nhìn lướt qua người ta thấy loài hồng hạc này chỉ có một màu hồng. Nhưng khi chúng tung cánh để nhảy múa thì phía bên dưới cánh có một viền màu đen thật đẹp. Do được tiếp xúc thường xuyên với nhiều người nên hồng hạc tại nơi này rất dạn dĩ. Chứ trong môi trường tự nhiên, loài hạc rất nhát vì quen sống ở những nơi vắng vẻ hoang vu. 
Tại một khu vực nuôi khá rộng, giữa là một hồ nước không sâu lắm, quanh hồ có những bãi cát, bãi cỏ và bãi đá để chúng có thể nghỉ ngơi, làm tổ và đẻ trứng, nuôi con nhỏ. Một điều lạ lùng là chim hạc con lúc mới nở cho đến lúc có cánh rộng, vẫn mang bộ lông màu xám xanh…. Nhưng đến lúc trưởng thành thật sự thì lớp lông của chúng mới chuyển sang màu hồng và khi đã trở nên lớn tuổi, lông của chúng lại chuyển sang màu hồng nhạt và điểm trắng. 
Hồng hạc là loài chim sống hiền lành, nhẹ nhàng. Người thưởng ngoạn tha hồ nhìn những con hạc hồn nhiên bắt mồi theo kiểu “giấu đầu lòi đuôi”, chải chuốt bộ lông, đứng hàng giờ chỉ với một chân mà không biết mỏi, hoặc dùng chiếc mỏ như cái muỗng hớt trên mặt nước để thưởng thức những loài rong tảo một cách điêu luyện.
Tại Việt Nam, một số nơi như ở rừng ngập mặn Cà Mau, người dân còn săn bắt bồ nông để làm thịt. Ở những vùng Đồng Tháp Mười loài chim hạc được liệt vào Sách Đỏ thế giới cũng bị bắt, đánh thuốc độc để làm thịt vì đây là loài chim sạch. Theo truyền thuyết, chúng là loài thuộc giới thần tiên, như trong các chùa, cung đình, loài hạc được tạc thành tượng đứng chầu trước những bàn thờ lớn.


 Hồng hạc chạy về hướng có mồi - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Những con hạc con theo mẹ - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Hạc thủ lãnh giang cánh để bảo vệ đàn - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Tổ ấm của đôi hạc - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Quá cao, không biết làm sao hạc mẹ ấp trứng đây - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Tỉa lông - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Nghỉ ngơi một chân là thói quen của hạc - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Hạc tìm mồi một chân - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Vươn cao cổ tìm mồi - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


  Chuyện trò - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


Dáng đi khom khom của hạc - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông


 Hạc nhặt thức ăn trên bàn tay trẻ em - ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông

Không có nhận xét nào: