Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Bí mật của chiếc mặt nạ Nhật Bản


Một lần đi xem kịch ở Nhật Bản, tôi kinh ngạc, người đóng kịch chỉ đeo những mặt nạ làm bằng gỗ thôi nhưng khuôn mặt ấy lại rất biểu cảm.
Để các bạn khỏi phải cố hình dung xem cái mặt nạ ấy thế nào mà lại có thể biểu hiện tình cảm một cách lạ lùng như vậy, tôi xin gửi các bạn 3 tấm ảnh của 3 chiếc mặt nạ khác nhau. Thực ra đó chỉ là 3 góc nhìn của cùng một mặt nạ kịch Noh Nhật Bản, cái như ngơ ngác, như chờ đợi, cái như bình thản, thấu hiểu, cái lại khẽ cười.
Trong tiếng Nhật có một từ Ko-omote. Từ đó nguyên thủy là mặt nạ thiếu nữ, nhưng lại được dùng với nghĩa là mặt vô cảm. Thực ra đâu phải thế.
Thoạt nhìn, đúng là mặt nạ kịch Noh chỉ là một mảnh gỗ. Nhưng chỉ cần xoay nhẹ đi một chút, sắc thái biểu cảm của tấm mặt nạ có thể biểu hiện một cảm giác rất tinh tế khác nhau. 3 góc nhìn, 3 biểu hiện tình cảm khác biệt, nhưng giữa 3 biểu hiện tình cảm ấy, còn biết bao nhiêu mức độ tình cảm khác nữa mà chỉ khi nào thực sự ngồi xem kịch, ta mới cảm nhận hết được. Khuôn mặt ấy sống động, thay đổi theo từng cái ngước nhìn, theo từng điệu xoay, thay đổi cả khi tay của nhân vật hạ tấm quạt che miệng xuống...

3 góc nhìn của mặt nạ kịch Noh Nhật Bản.
3 góc nhìn của mặt nạ kịch Noh Nhật Bản.
Gỗ ngô đồng dùng để làm mặt nạ ngày càng khan hiếm. Không phải ai cũng có thể trổ được những tấm mặt nạ như vậy. Trên toàn nước Nhật bây giờ, số người có thể làm được mặt nạ rất hiếm hoi. Mỗi một nghệ nhân trổ mặt nạ lại phục vụ riêng cho một số ít nghệ sĩ Noh.
Đó là những lý do làm cho giá trị của một chiếc mặt nạ Noh trở nên rất quý giá. Làm một cái mặt nạ phải trải qua rất nhiều công đoạn, riêng vẽ mặt nạ cũng trải qua ít nhất là 3 lần làm mặt nền cho mặt nạ. Làm một cái mặt nạ phải mất từ vài tuần, có khi đến vài tháng làm việc miệt mài của một nghệ nhân.
Thế nên mặt nạ kịch Noh rất quý. Những chiếc mặt nạ quý giá nhất của Nhật hiện nay, không hề có trong bất cứ bảo tàng nào. Chúng nằm trong những nhà hát, những bộ sưu tập cá nhân vẫn tham gia diễn kịch như xưa.

Chỉ cần xoay nhẹ một chút, sắc thái biểu cảm của tấm mặt nạ có thể biểu hiện một cảm giác rất tinh tế khác nhau.
Chỉ cần xoay nhẹ một chút, sắc thái biểu cảm của tấm mặt nạ có thể biểu hiện một cảm giác rất tinh tế khác nhau.
Có tất cả khoảng chừng 200 chiếc mặt nạ khác nhau được dùng trong kịch Noh Nhật Bản có truyền thống từ 650 năm nay. Số lượng ấy, đến nay vẫn không thay đổi. Chắc bạn sẽ ngạc nhiên và hỏi, vậy những nghệ nhân làm mặt nạ ấy họ làm những chiếc mặt nạ giống nhau ư?
Đúng vậy. Có lẽ làm mặt nạ kịch Noh là một ngoại lệ mà khi copy nguyên vẹn một tác phẩm nghệ thuật không bị coi là đánh cắp bản quyền. Hơn thế nữa, khái niệm "đẹp" dành cho một chiếc mặt nạ trùng nghĩa với việc chiếc mặt nạ ấy được copy đúng y bản gốc. Thế mới lạ chứ!
Có biết như vậy, ta mới hiểu được một phần tại sao Noh lại được biểu diễn với tốc độ rất chậm, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Thanh điệu, âm nhạc, mặt nạ, động tác, thoạt đầu tưởng chừng như vô hồn, đơn điệu, ngày càng trở nên cuốn hút với người đi vào sâu từng chi tiết.
  • Thu Phương

Không có nhận xét nào: