Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Vượt biên giới đi lễ ở Gaud


SGTT.VN - Chỉ cách khoảng 100km, nhưng không ai ở Rajshahi mà tôi hỏi, biết Gaud ở nơi nào. Từ anh tiếp tân ở khách sạn Al Rashid và ngay cả lúc tôi đưa cuốn hướng dẫn du lịch cho anh đọc; cho đến những chú quản lý bến xe, tài xế… họ đều lắc đầu! Nên tôi càng muốn lên đường đi tìm Gaud.
Thánh đường Hồi giáo Shah Niamatullah được xây dựng từ năm 1560 – nơi cử hành thánh lễ cho các tín đồ người Bangladesh và người Ấn độ ở đôi bên biên giới. Ảnh:
Đọc lại thật kỹ sách hướng dẫn, tôi nói muốn đến “biên giới India”, thì chú quản lý bến xe mới gật gù. Nhưng tôi vẫn còn lo vì có đến hai cửa khẩu gần Rajshahi. Lần mò rồi cuối cùng tôi cũng đến được Gaud. Sau hai lần chuyển xe, trên xe, gặp bạn trẻ hướng dẫn tôi là chỉ cần nói “muốn đến Sona Masjid”, là các bác tài sẽ biết.
Những đền đài cổ năm thế kỷ trước
Gaud, làng nhỏ thuộc khu hành chính Rajshahi, miền Trung Tây Bangladesh là một miền đất lạ. Từng là kinh đô của quốc gia độc lập đầu tiên vùng Bengal, Sasanka vào thế kỷ thứ 7, rồi đến vương triều Phật giáo Pala… Gaud bắt đầu được biết nhiều khi trở thành kinh đô của vương triều Hindu giáo Sena ở thế kỷ 11 – 12. Người Turkistan từ Trung Á xa xôi đến chiếm giữ vùng này suốt ba thế kỷ, rồi bị đánh bại bởi các Sultan Hồi giáo vào cuối thế kỷ 15. Một lần nữa, Gaud phát triển rực rỡ, được xem là trung tâm kinh tế, văn hoá… của cả vùng Bengal rộng lớn, tấp nập các thương gia từ Trung Á, Ba Tư, Trung Nguyên… và cả từ Arập xa xôi. Họ cũng mang đến những làn gió mới về văn hoá, kiến trúc… Đến giữa thế kỷ 20, sau cuộc chia tách vì tôn giáo của tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947, rồi cuộc kháng chiến đẫm máu của người Bangladesh để tách khỏi Pakistan vào 1971, Gaud của Bangladesh bây giờ chỉ là một phần của Gaud ngày xưa. Phần còn lại nằm bên kia biên giới, thuộc về huyện Malda, Ấn Độ.
Chỉ đứng sau ngôi làng di tích văn hoá Unesco – Bagerhat về số lượng đền đài, Gaud có nét duyên riêng, ảnh hưởng các phong cách kiến trúc từ nhiều miền đất. Làm từ đá núi lửa đen hay gạch nung, dù các nhà thờ, lăng tẩm, trường học tôn giáo… còn nguyên hay vỡ nát, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các đường nét điêu khắc tỉ mẩn, sinh động lạ thường. Xây dựng từ năm 1479, giờ hoang phế, nhưng hoạ tiết chạm khắc thật sắc sảo trên gạch nung của nhà thờ Hồi giáo Darasbari. Khuất sau rừng cây rậm rịt là trường học tôn giáo cùng tên Darasbari Madrasa, xây dựng vài mươi năm sau đó (1504). Được cho là trường học tôn giáo cổ xưa nhất Bangladesh, di tích này cho thấy sự hoành tráng, nhưng vẫn không thiếu những chi tiết sắc sảo trên bốn bức tường dài 55,5m của ngôi trường vuông vắn, có đến 40 phòng tu tập này. Sang đến Chhota Sona Masjid (Small Golden Mosque, thánh đường Vàng Nhỏ), du khách lại tiếp tục sửng sốt trước kiến trúc làm từ đá núi lửa xám đen này. Thánh đường 15 mái vòm, được xây bởi quốc vương Hồi giáo Alauddin Huasain Shah (1494 – 1519), ngày trước được dát vàng lấp lánh nên mới có tên đó. Giờ, vàng không còn nữa, nhưng cũng đẹp ngời ngợi.
Tình người, tình quê nơi biên giới
Gaud nằm trong vùng hành chính Rajshahi, vùng đất nhiều di tích lịch sử nhất Bangladesh. Từ thủ đô Dhaka đến thành phố Rajshahi mất 400 taka (khoảng 75.000 đồng), năm giờ. Từ bến xe Rajshahi có xe thẳng đến Nawabganj, đến nơi hỏi xe buýt đi Soma Masjid/Gaud. Cửa khẩu này cho phép người nước ngoài qua lại, nên bạn có thể sang bang West Bengal của Ấn Độ từ đây. Dịch vụ ở Rajshahi còn đơn sơ và giá thấp, chỉ khoảng 1/2 giá ở Việt Nam.
Ở Gaud còn nhiều di tích, như nhà thờ Khania Dighi gạch đỏ nằm giữa vườn xoài xanh um, các di tích đổ nát, vô danh đây đó… đến những nơi mà sách du lịch khuyến cáo không nên đi. Vì lạng quạng là lấn qua đất Ấn Độ hồi nào không hay… nên tôi theo đường cái đến cửa khẩu Bangladesh –Ấn Độ, định ngó một cái rồi về. Nhưng cuốn theo dòng người đông vui, tôi gặp một Gaud khác!
Hôm nay là thứ sáu, ngày đi lễ của các tín đồ Hồi giáo. Theo dòng người mộ đạo đến nhà thờ Shah Niamatullah, kế bên lăng Shah Niamatulla Wali và lâu đài Tahkhana cũng ngang tuổi tác. Nhà thờ Hồi giáo xây dựng từ năm 1560 này, giờ vẫn là nơi hành lễ. Nằm trong cụm di tích cổ linh thiêng, nhà thờ không chỉ là nơi đi lễ của cư dân Bangladesh, mà còn của những tín đồ Hồi giáo người Ấn Độ, từ bên kia biên giới. Nhà thờ, lăng tẩm và lâu đài cổ vẫn đẹp ngời ngợi, từ những mái vòm duyên dáng đến những chiếc cột, bức tường được chăm chút tinh xảo. Nằm trong vườn xanh, giữa khuôn viên hoa cỏ rực rỡ… bên hồ xanh, nhà thờ và cụm di tích này không chỉ là nơi đi lễ mà còn là nơi đi picnic, gặp gỡ của những gia đình Ấn Độ – Bangladesh, ngày xưa chung làng, giờ thành ra cư dân của hai đất nước. “Chúng tôi về đây không chỉ đi lễ, mà còn gặp gỡ người thân, giới thiệu với con cháu quê hương, họ hàng”, bác trai Zahir xúng xính trong bộ kurta truyền thống mới toanh vui vẻ chia sẻ, khi rủ tôi ngồi chơi với gia đình bên hồ. “Bây giờ đỡ rồi, chứ ngày trước những lúc căng thẳng, biên giới đóng cửa, chúng tôi nhớ lắm, phải đi lén”, bác Zahir kể thêm.
Tôi chia tay gia đình bác lúc tiếng kêu gọi cầu nguyện ngân nga vang rền nơi tháp cao Minaret. Không dám nhận lời mời sẽ sang bên kia biên giới thăm bác, vì biết khó lòng quay lại miền đất xa xôi nhiều gian khó này, tôi chúc gia đình bác nhiều sức khoẻ. Để họ tiếp tục “vượt biên” đi lễ, về bên những người thân, về trên mảnh đất quê hương rất gần nhưng đôi lúc rất xa này. Để giữ sâu đậm tình đất, tình người… mà tôi thấy đã phôi phai đâu đó và ngày càng nhiều giữa cuộc sống đầy tham lam, giành giật này. Tôi thầm mong sự giao hảo đầy tình người đó không bao giờ tắt.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét