Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Theo đoàn nghi lễ hoả táng Ngaben


SGTT.VN - Đến “thiên đường du lịch Bali”, không chỉ mê biển xanh cát trắng… du khách sẽ ngỡ ngàng vì không khí lễ hội liên miên, hầu như diễn suốt 365 ngày trong năm. Nhưng Ngaben tháng 8 là lễ hội quan trọng nhất với nhiều người Bali.
Didit cho biết: “Người ra đi là hết, chỉ mong họ siêu thoát..., chưa làm được Ngaben cho người đã khuất, chúng tôi xem như còn mắc nợ...”
Ngaben, nghi lễ hoả táng (creamation ceremony) chỉ có ở Bali. Khác với các miền đất khác của quốc gia Hồi giáo Indonesia, nghi lễ nguồn gốc Hindu giáo này là hình thức để người ở lại giúp người qua đời siêu thoát.
Giải thích chi tiết theo tôn giáo rất dài và phức tạp. Tóm lược là khi một người qua đời, linh hồn của họ vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa dương trần nếu chưa qua Ngaben. Người ta chỉ mai táng người thân đã khuất tạm thời. Rồi đến tháng 8 mỗi năm, nếu có đủ kinh phí (vì khá tốn kém) người ta sẽ tiến hành làm lễ. Nếu chưa đủ kinh phí, họ phải chờ, có khi phải mất nhiều năm.
Ở Bali, nghi lễ này được thực hiện long trọng nhất ở Ubud, nơi có dòng dõi hoàng tộc xưa cũng như nhiều người giàu có sinh sống. Rất khó biết đây là hình thức của tang lễ khi nhìn thấy những dòng người đông vui nhộn nhịp cùng chiêng trống khua vang trên đường phố.
Đi cùng là những “chú bò” được trang điểm nhiều màu sắc (với hài cốt của người quá cố bên trong) hay các đền đài theo phong cách Bali… và các chàng trai trẻ kiệu theo bước nhún nhảy của họ. Rồi dòng người thân trong trang phục địa phương với bao nhiêu là quà tặng cho người thân lần cuối…
Qua nghi lễ hoả táng lạ lùng, nhiều âm thanh, sắc màu này, chỉ phút chốc, tất cả những phẩm vật, quà tặng… và hài cốt người quá cố phừng phừng thành tro bụi bay đi hay trôi theo dòng nước…
Tang lễ mà đông vui, rộn ràng chiêng trống và nhún nhảy để đưa những “hình tượng” đền đài này đi hoả thiêu.
Chân tình, Didit, chàng kỹ sư từ Jakarta về tham dự Ngaben của người thím, chia sẻ: “Có lẽ hơi lạ với người ngoài vì không thấy khóc lóc tiễn đưa trong một nghi thức tang lễ. Nhưng với chúng tôi, Ngaben thiêng liêng, trang trọng và cũng là niềm vui vì chúng tôi đã làm được lễ này cho người thân. Người ra đi là hết, chỉ mong họ siêu thoát. Nên một khi chưa làm được Ngaben cho người đã khuất, chúng tôi xem như còn mắc nợ, có lỗi với họ. Dù khó khăn, chúng tôi cũng cố gom góp dành dụm để họ được siêu thoát sớm nhất. Và với Ngaben, không chỉ chúng tôi yên lòng mà còn là dịp người thân sum họp, kể nhau chuyện cũ mới…”
Thiển nghĩ, hoá ra như vậy lại hay, ai lại không ước người thân được siêu thoát sau khi tạ thế. Cho nên, thiêu một lần là xong, không phải “cầm giữ” người đã khuất dưới những nấm mồ… nhà lầu những năm ba tầng tốn bạc tỉ! Rồi phải hàng năm, nhất là mùa này phải gửi áo quần, xe hơi, nhà lầu, iPad, iPhone… qua ngọn lửa!
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BÃO
Mọi sản vật đẹp đẽ, rực rỡ sắc màu cùng thi hài (cốt) bỗng chốc thành khói mây.
Vui vẻ chờ gửi quà cho người quá cố.
Người thân đội mâm quà tặng có khi chờ hàng giờ mới đến lượt trao bỏ vào trong các con “thú nộm” đi kiệu ra chỗ hoả táng.
Chụp hình kỷ niệm với người thân lần cuối trước khi mọi sự ra tro bụi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét