Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Trở lại quán càphê báo chí của hơn 40 năm trước


SGTT.VN - Du khách có rất nhiều điểm đến ở Phnom Penh mỗi lần ghé thăm thủ đô của Vương quốc Campuchia. Nhưng với những ai mê nghề báo, nhiếp ảnh và lịch sử như tôi, có lẽ sẽ thú vị khi đến FCC, một quán càphê nổi tiếng nằm trên khu phố Tây dọc bờ sông gần Cung điện Hoàng gia.
Nhiều hình ảnh trong chiến tranh cách nay hơn 40 năm được trưng bày tại đây.
Không gian hơn 40 năm trước ở FCC
FCC là tên gọi tắt của Foreign Correspondents Club, một địa điểm giàu lịch sử bởi đây từng là nơi tập trung thông tin của cả khu vực Đông Dương trong những năm 1970 – 1975 khi cuộc chiến tại Việt Nam và Campuchia đang trong giai đoạn khốc liệt nhất. Cái tên FCC – tạm dịch là câu lạc bộ những phóng viên nước ngoài – đã nói lên ý nghĩa của quán càphê đặc biệt này. Carl Robison, một trong những phóng viên nước ngoài từng tác nghiệp tại hai chiến trường Việt Nam và Campuchia đã nói về quán càphê này trong một lần gặp tôi năm 2010 với ánh mắt long lanh khi nhớ về kỷ niệm: “Thời gian đó, chúng tôi – những phóng viên chiến trường hay chọn nơi này là điểm gặp gỡ, nhấm nháp ly bia và trò chuyện về công việc. Nhiều thông tin cũng xuất phát từ đây”.
FCC ngày nay vẫn giữ nét cổ kính toát ra từ công trình mang hơi hướm kiến trúc Pháp. Bên dưới là quán càphê Fresco khá hiện đại, bên trên mới là không gian của FCC. Chiếc cầu thang gỗ đặc trưng dẫn lên tầng 2, nhiều bức ảnh trắng đen quen thuộc treo dọc theo bức tường vàng cũ kỹ toát lên không khí báo chí của hơn 40 năm trước. Đây là bức ảnh ghi chú thích: “Tù binh Việt Cộng tại Củ Chi năm 1969”, kia là hình “Người lính Khmer đang dò mìn trên quốc lộ 4 năm 1974”… và có cả bức tranh vẽ một góc quán càphê xưa rất sinh động.
Thế giới bình dị phảng phất hương thời gian hiện ra sau cầu thang. Hàng ghế gỗ cũ kỹ như trong tranh nay không còn, thay vào đó là những chiếc ghế sắt có gắn hàng chữ FCC sau lưng. Hơn chục cây quạt trần, xà gỗ và mái lợp ngói kiểu Pháp là điểm nhấn về kiến trúc tại FCC. Các nhân viên phục vụ cũng rất dễ chịu và tỏ ra khá am hiểu về quán càphê đặc trưng này.
Cô Eng đã làm việc tại đây từ năm 1992 cho biết, chủ của FCC là một người Pháp – Úc “rất hiểu về cuộc chiến ở Đông Dương nhưng rất kín kẽ, thường không hay xuất hiện”. FCC đã phát triển khoảng mười năm trở lại đây khi mở thêm các dịch vụ về khách sạn và nhà hàng nhưng quán càphê vẫn luôn là điểm đến được nhắc nhiều nhất trong những cuốn guidebook – sách du lịch.
Hành trình ngược dòng lịch sử
Trên chiếc ghế cao kê sát bancông, du khách cứ thảnh thơi nhấm nháp ly bia Angkor mát lạnh, đón làn gió từ sông Sap – Tonle Sap – thổi vào và nhìn những con thuyền qua lại. Vai trò trong lịch sử báo chí Đông Dương thập kỷ 70 của FCC luôn được nhắc đến như một quán càphê của thông tin. Nhiều đường đi nước bước đã được chia sẻ để các phóng viên đi – về qua tam giác Đông Dương Việt Nam – Lào – Campuchia hay những kỷ niệm tác nghiệp, bị bắt, chấn thương… đều xuất hiện trong các câu chuyện tại FCC. Nhiều cái tên quen thuộc trên báo và hình chụp 40 năm trước như Mike Morrow, cựu trưởng văn phòng hãng Dispatch News Service (người từng đưa tin về cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1969), Carl Robison, Richard Dudman… đều có khoảng thời gian “đóng quân” tại FCC.
Một trong những phóng viên đã từng sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khi tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam và Campuchia là Tim Page. Phóng viên ảnh nổi tiếng có rất nhiều bức hình đang được trưng bày tại bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM đã đến Đông Dương không dưới 50 lần. Tôi gặp lại ông tại công viên tượng đài hữu nghị Việt – Cam ở thủ đô Phnom Penh. Một cuộc giáp mặt thú vị như mối duyên của hai thế hệ phóng viên. Tim nay đã không còn làm phóng viên chiến trường và trở thành một nhà nhiếp ảnh tự do. Ông trở lại Campuchia lần này trong vòng sáu tuần, đi khắp các tỉnh thành để chụp ảnh và làm tư vấn viên cao cấp cho dự án đo đạc của Chính phủ Campuchia thông qua tổ chức FINNMAP. Vẫn những bước chân khập khiễng do bị thương khi tác nghiệp trên chiến trường, nhưng nụ cười của Tim có vẻ ngày càng mãn nguyện. Ông đã là người sống chết cùng mảnh đất này và ngày nay đang cùng họ phát triển. Tim nói trong ánh mắt đầy niềm vui về công việc mà ông gọi là “đơn giản chỉ chụp hình”, giúp người dân đo đạc diện tích đất đai của họ để làm sổ nhà đất.
Say sưa nheo mắt sau ống ngắm, Tim đang chụp ảnh những người phụ nữ trung niên tập thể dục nhịp điệu theo nhạc tại công viên, một hình ảnh Campuchia thật mới và hiện đại đang đi lên theo nhịp sống của đô thị. Bóng Tim xa dần, khuất về phía bờ sông nơi FCC toạ lạc. Một chuyến hành trình ngược dòng lịch sử và gặp lại những con người của lịch sử.
Phnom Penh vẫn luôn là một điểm đến kỳ lạ và hấp dẫn đến mê người.
FCC này từng là điểm giàu tính lịch sử, nơi tập trung thông tin của cả khu vực Đông Dương trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
BÀI VÀ ẢNH: AN NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét