Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Người Áo hãnh diện là người Austria


SGTT.VN - Có hai thứ mà người Áo luôn muốn thế giới hiểu: thứ nhất, người Áo nói tiếng Đức, nhưng không khó ưa, khó chịu, khó kết bạn; thứ hai, ở Áo – Austria không có kangaroo như ở Úc – Australia! Có rong ruổi từ Berlin sang Wien, mới hiểu những điều đó có ý nghĩa như thế nào.
Bảo tàng về tự nhiên được hoàng gia Áo khánh thành năm 1889. Ảnh:
Chúng tôi đi tàu từ Berlin, Đức đến ga Westbahnhof phía tây thành phố Wien, Áo vào một buổi sáng. Nhà trọ Westen City ở đường Fügergasse cách đó khoảng 200m. Nhưng trong vuông bản đồ khu vực quanh ga mà bạn tôi – Jephs in ra trên giấy A4 không thấy đường này. Và như ở Berlin, tôi thấy ngại khi phải dừng một người đang hối hả trên đường, hay đang lúi húi trong cửa hàng để nhờ vả. Rồi cũng được trả lời thôi, nhưng ở Belin tôi luôn có cảm giác người ta thường chỉ đường thật nhanh, thật ngắn, thật vội, để lại tiếp tục đi, tiếp tục làm…
Người Áo nói tiếng Đức
Tôi bước vào cửa hàng bán điện thoại bên đường, chìa mảnh giấy ghi địa chỉ ra, bập bẹ hỏi ông già đứng sau quầy:
– Entschuldigen Sie, ông có thể chỉ cho tôi đường đến phố Fügergasse không?
– Fügergasse hả, cô đi đến bùng binh, rồi rẽ phải sang đường Mariahilfer straße, rồi…, rồi…, rồi… – ông già hồ hởi, chỉ dẫn dài đến không thể nhớ nổi. Rồi thấy đứa hỏi đường lúng túng, ông lấy ra tờ giấy, vừa nguệch ngoạc lên đó, vừa dặn dò. Với bản vẽ đường của ông già, chúng tôi đi một mạch về nhà trọ Westen City mất có mười phút.
Đấy! Không như ở Berlin hay Paris, dân Wien luôn sẵn lòng giúp các du khách nói tiếng Anh, nên tôi thoát được việc suốt ngày phải bập bẹ “Entschuldigen Sie”*. Nhiều khi chỉ mở bản đồ ra là có người chủ động đến hỏi: “Do you need a help?” (Bạn cần giúp đỡ không?) Như một sáng trên tàu điện mặt đất Trams 1, thấy bạn tôi – Joann quay tới quay lui bản đồ, người phụ nữ bên cạnh đã tỉ mỉ hướng dẫn phải dừng ở trạm nào, đi như thế nào để đến được Hundertwassehaus, một toà nhà ngộ nghĩnh nhất Wien với những bancông, những cửa sổ có sắc màu rực rỡ, và hình thù kỳ lạ.
Một buổi cuối chiều, Jephs đứng dỏng tai nghe tiếng loa ở ga Heiligenstadt, dù không hiểu nội dung nhưng vẫn nhận xét: “Tôi nghĩ ở đây người ta nói tiếng Đức mềm mại hơn. Ở Berlin thông báo thường thế này “Ăc-tung Ăc-tung!” – giọng cậu ta gằn lại sau mỗi âm “tung” – còn ở đây người ta nói thế này “Aaakh-tuuung! Aaakh-tuuung! Phải không, Mai?” Joann phá lên cười với kiểu nhại giọng của Jephs, và chàng trai 20 tuổi vẫn sôi nổi: “Tôi thích tiếng Đức ở đây, mà tôi cũng thích dân ở đây. Họ dễ thương quá!”. Khi thốt lên từ “dễ thương” Jephs hình như đang nhớ đến cô gái tóc vàng lúc trưa. Cô ấy không phải là người Wien, cô ấy chưa rành đường ở Wien, nhưng cô ấy đã cầm tấm bản đồ trên tay Jephs chạy vào một cửa hàng bán pizza để hỏi tuyến tàu đến nhà Beethoven Wohnung, rồi dịch lại cho cả nhóm hiểu những lời chỉ đường. Cô ấy còn hướng dẫn chúng tôi mua vé Netzkarte để tiết kiệm tiền đi tàu.
Ở Áo không có kangaroo
Tôi đã đọc đâu đó về sự cố gắng của người Áo để thế giới hiểu rằng cho dù họ nói tiếng Đức, chung một đoạn biên giới với Đức, và cùng phe với Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất, thì họ chẳng có tí gì giống người Đức. Và chỉ vài ngày ở Áo, tôi cũng cảm nhận được sự khác biệt đó, trong cái mỉm cười trìu mến của khách trên tàu điện ngầm U3 khi thấy Jephs ồn ào kể thành tích chụp lén được bộ xương khủng long T-rex trơ xương trong bảo tàng Naturhistorische Museum, hay trong sự ân cần của chàng bồi bàn quán Figlmüller khi giúp Joann lục ra trong mớ tiền lộn xộn những tờ 5 – 10 euro trả cho những suất chả heo Schnitzel giòn rộm.
Buổi chiều cuối cùng trước khi lên tàu về Berlin, Jephs đã quyết định mua một cái áo thun màu vàng choé in dòng chữ “No kangaroos in Austria” (Không có kangaroo ở Áo). Đó là khẩu hiệu nghe đâu đã 40 năm tuổi, và là một trong những điều đơn giản mà nước Áo muốn du khách đừng nhầm lẫn. Nước Áo bên Tây, nước Úc bên Đông. Nước Áo nhỏ xíu, nước Úc to đùng. Nước Áo không có biển, còn nước Úc chơ vơ giữa đại dương. Nhưng tên hai nước này na ná nhau: một đằng là Austria (Áo) và một đằng là Australia (Úc), nên có người nhầm nước Áo và nước Úc, rồi đến Áo mà cứ đòi xem kangaroo!
Năm 2006, có một con kangaroo nuôi làm cảnh ở một nhà nào dưới miền Nam nước Áo tự nhiên sổng chuồng chạy ra đường. Nhưng đó là một con kangaroo hiếm hoi ở Áo. Thực chất, không có kangaroo ở Áo, điều này được in trên đủ thứ đồ lưu niệm từ áo, nón, túi xách, đến móc chìa khoá, postcard bán đầy các cửa hàng lưu niệm quanh nhà thờ Stephansdom uy nghi, thậm chí cả trên một tấm biển to đùng đặt trước cửa ra vào cái toilet công cộng có thiết kế cực kỳ sáng tạo và vui nhộn ở khu nhà Hundertwassehans.
Vậy, du khách đến Áo ráng nhớ, ở đó không có kangaroo. Và ở đó, người dân nói tiếng Đức, nhưng họ không giống người Đức, họ là người Áo, những người rất cởi mở, thân thiện, và dễ mến!
“Ở Áo không có kangaroo” là thông điệp được in trên nhiều vật dụng tại đất nước này. Ảnh:
BÀI VÀ ẢNH: MAI HƯƠNG
*: xin lỗi ông/bà
ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN
Hundertwassehaus: khu nhà chung cư do kiến trúc sư Friedensreich Hundertwasser và Joseph Krawina xây dựng vào năm 1983 với kiến trúc Expressionist có hình dáng méo mó và sặc sỡ. Vào cửa miễn phí. Beethoven Wohnung: một trong những nơi ở của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Beethoven thuê trọ ở Wien, nay trở thành bảo tàng Beethoven. Nơi này miễn phí vào cửa trong ngày chủ nhật đầu tiên của tháng.
Naturhistorische Museum: bảo tàng về tự nhiên được hoàng gia Áo khánh thành năm 1889, trưng bày hàng triệu mẫu vật khô về động thực vật, và đá quý. Bên cạnh đó là một khu giới thiệu động thực vật sống, chủ yếu là các loài bò sát, chim, và bướm.
Stephansdom: nhà thờ xây dựng vào thế kỷ 14, có kiến trúc Gothic, là một trong những nhà thờ lớn nhất và được ngưỡng mộ nhất châu Âu. Khách được vào nhà thờ miễn phí, được phép chụp ảnh nhưng không được dùng đèn flash.Figlmüller: nhà hàng được mở từ năm 1905, nổi tiếng ở Wien với món Schnitzel, một món ăn được làm từ thăn heo giã mỏng rồi tẩm bột chiên giòn. Figlmüller 1 mở cửa từ 11g và Figlmüller 2 mở cửa từ 12g mỗi ngày đến tận nửa đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét