Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thăm nhà Mẹ Theresa đơn sơ như phần mộ


SGTT.VN - Hụt chuyến thăm nhà Mẹ Theresa chuyến đi đến Calcutta, Ấn Độ năm 1997, lúc mẹ vẫn còn sống, làm tôi vô cùng hối tiếc. Nhất là vài tháng sau đó hay tin Mẹ qua đời. Mãi đến 15 năm sau tôi mới quay lại “kinh đô văn hoá” của tiểu lục địa này. Một trong những điều “phải làm” của tôi là đến thăm nhà Mẹ.
Căn phòng Mẹ sống từ 1950 đến nay, dù một cái ghế tựa, một quạt máy, Mẹ cũng khước từ .
Thành phố đã đổi tên. Thành Calcutta ngày trước giờ là Kolkata, dù trong tâm trí của người yêu thành phố, cái tên rất cổ Kalikata luôn được nhắc nhớ. Thành Calcutta “lộng lẫy” ngày trước tôi đến để tham dự khoá tập huấn do công ty lo trọn gói, bao bọc trong những khách sạn năm sao giờ mở ra một khung trời hoàn toàn khác lạ khi tôi đi du lịch bụi. Cùng với các bạn trẻ Âu Mỹ, tôi lê la và sống ở khu du lịch balô, gần hơn với những người nghèo, hiền lành bản địa. Một Kolkata nghèo hơn, khổ hơn, nhưng cũng thân thiện hơn và đáng yêu hơn. Buổi sáng thu nắng nhẹ, từ nhà nghỉ, gần ngôi Chợ Mới (New Market) nhưng đã hơn 100 năm tuổi, tôi đi bộ qua những phố đông đúc đến căn nhà số 54A đường Lower Circular, Kolkata – nhà của Mẹ. Ngôi nhà mà bất cứ người dân nào tôi hỏi thăm trên đường đều biết và vồn vã chỉ dẫn, khi biết kẻ lạ đang tìm đến.
Ngôi mộ đơn sơ
Biết bao danh lam thắng cảnh nhưng căn nhà số 54A này được xếp vị trí thứ nhất trong 61 điểm đến của Kolkata, theo trang web du lịch nổi tiếng Tripadvisor.com. Nhà nằm trong một hẻm nhỏ. Ngay sau cánh cửa nhỏ, qua khoảng sân cũng nhỏ và lạ lùng làm sao, âm thanh náo động của Kolkata đã bị bỏ lại ngoài kia. Dù đường phố chỉ kề bên. Căn phòng nhỏ, ánh sáng dìu dịu hắt lên ngôi mộ bằng đá trắng đơn sơ của Mẹ. Chỉ có lẵng hoa lan tim tím, bó ly ly vàng của ai đó vừa dâng viếng là nhiều màu sắc nhất trong cả gian phòng này. Trên đường lang thang đi bộ đến đây, tôi có ghé ngang khu mộ hoành tráng South Park Street Cemetory của những người Anh ngày trước. Khu mộ của những người đô hộ xây dựng to lớn, đặc biệt đến nỗi cũng là điểm du lịch có tiếng ở Kolkata. Sửng sốt trước những lăng mộ kiến trúc to lớn hoành tráng đó bao nhiêu, giờ tôi càng ngỡ ngàng trước ngôi mộ đơn sơ của Mẹ bấy nhiêu.
Im ắng, chỉ nghe trong gian phòng nhỏ tiếng lâm râm cầu nguyện, và cả tiếng nức nở thật nhỏ của những nữ tu đang kính cẩn quỳ trước Mẹ. Im ắng đến nỗi hai cô gái da trắng và tôi đều phải tắt tất cả âm thanh, flash của máy chụp hình khi sẽ sàng nâng máy. “Biết là mộ của Mẹ sẽ giản dị như cuộc sống thanh bạch của Mẹ, nhưng không ngờ nó lại quá đơn sơ như vậy”, Nicole, đến từ Pháp khẽ khàng chia sẻ khi chúng tôi ra trước sân nhỏ. “Và mỗi khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, chuyện đạo, chuyện đời, chúng tôi đến đây, bên Mẹ để lấy lại nghị lực sống, cố học theo gương Mẹ”, sơ Frances đến từ tu viện Fatima Shrine, Kolkata khẽ nói.
Căn phòng thật giản dị
Chỉ có sắc màu của hoa trong phần mộ của Mẹ.
Câu chuyện cuộc đời, những đóng góp của Mẹ Theresa, người vinh dự nhận được giải Nobel Hoà bình thế giới năm 1979 và biết bao tôn vinh khác của thế giới, chắc nhiều người biết. Thông tin về Mẹ rất nhiều, nhưng được đến căn nhà Mẹ sống, tận mắt nhìn thấy sự giản dị đến khắc khổ của Mẹ mới thấy khâm phục bấy nhiêu. Bận tiếp chuyện một gia đình Ấn nghèo khổ vừa đến, sơ phụ trách chỉ cho tôi chiếc cầu thang hẹp đi lên căn phòng nhỏ, nơi Mẹ đã sống, làm việc từ những năm 1950 đến lúc qua đời năm 1997. Căn phòng nhỏ đơn sơ, không có đến một cái quạt dù nằm ngay trên gian bếp. Ở một miền đất mà mỗi năm có biết bao người chết vì cái nắng nóng khủng khiếp mùa hè. Chiếc giường đơn nhỏ, dường như là cái giường đơn nhỏ nhất tôi từng thấy. Hai bộ bàn ghế mộc nơi Mẹ và sơ trợ lý làm việc cũng nhỏ, kê sát nhau trong căn phòng áng chừng 2 x 2,5m. Nhìn chiếc băng ghế gỗ đơn sơ, như băng ghế học trò, không có chỗ dựa lưng mà Mẹ ngồi cần mẫn làm việc trong bao nhiêu năm tôi không khỏi nhói lòng. Cũng như đã từ chối khoản tiền thưởng giải Nobel Hoà bình Thế giới và yêu cầu chuyển chúng đến cho người nghèo Ấn Độ, Mẹ cũng khước từ những tiện nghi, dù căn bản nhất. Dù các sơ đã nói với Mẹ là chỉ một chiếc ghế tựa mộc thôi, một chiếc quạt nhỏ sẽ giúp Mẹ khoẻ hơn,… Mẹ vẫn từ chối, vì Mẹ còn chịu được
Thật sao ngược đời! Tôi nhớ lại trên mạng, ở quê mình, người ta xây nhà hoành tráng còn hơn cả villa, như một khu vui chơi; rồi người ta xây nhà họ, nhà thờ tự rộng lớn uy nghi… Tôi đồ rằng, những nơi đó sẽ là những tấm bia để người đời tạc vào đó những lời chê bai mà thôi!
Chân thành cảm ơn các sơ, tôi lặng lẽ chia tay căn nhà số 54A. Về lại phố phường đông đúc, ồn ào và bẩn của Kolkata. Nhưng sao giờ tôi thấy thân thương. Vướng víu nhiều sân si, tôi khó lòng học được nhiều từ Mẹ. Nhưng có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng câu dạy đơn sơ của Mẹ: “Chúng ta hãy luôn chào nhau bằng những nụ cười, khởi nguồn của yêu thương”*. Để từ đó, được nhận thêm nhiều nữa những nụ cười!
BÀI VÀ ẢNH: T.TRÀ KHÚC
* Tạm dịch từ câu “Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love” của Mẹ Theresa.
Từ Việt Nam có chuyến bay đi Ấn Độ. Vé hàng không giá rẻ từ Bangkok đến Kolkata chỉ khoảng 2.000.000 đồng. Kolkata từng được xem là “kinh đô văn hoá” của Ấn Độ, có nhiều danh lam thắng cảnh trong thành phố và vùng lân cận. Giá dịch vụ, xe cộ tương đối rẻ, nhưng hơi đông đúc, chen lấn nếu dùng các phương tiện công cộng. Giá phòng nghỉ bình dân từ 100.000 đồng. Giá các giường trong phòng tập thể chỉ 50.000 đồng. Ăn uống cùng người địa phương chỉ 15.000 – 20.000đồng/phần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét