Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Đồi Mandalay thanh bình


SGTT.VN - Tôi đến Myanmar vào ngày bà Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel hoà bình sau 21 năm được trao giải. Hình ảnh người phụ nữ mảnh mai xuất hiện trang trọng trên hầu hết các báo Myanmar. Tuần báo Myanmar Times dành hẳn hai trang dẫn từ AFP với các thông điệp của “The Lady” về dân chủ và dân quyền, về nhà nước pháp quyền, về đầu tư nước ngoài và người lao động, nguồn tài nguyên... Và tôi đã thấy nhen nhóm sự khởi sắc ở đây.
Người dân Myanmar ở kinh thành cũ Mandalay, nơi đặt 729 mảng đá cẩm thạch khắc kinh Phật.
Tựa đề Daw Suu calls for Investment nằm nổi bật bên cạnh câu chuyện bà gọi Total là nhà đầu tư triển vọng, tiếp trang sau là công bố của Coca-Cola sẽ trở lại Myanmar sau sáu thập kỷ rút khỏi thị trường.
Cảm giác trong tôi thật lạ, bởi tôi nhớ lại thời điểm Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994. Khi ấy tôi còn là một sinh viên với chút mơ hồ về sự thay đổi của nền kinh tế. Rồi các công ty nước ngoài vào Việt Nam tạo thêm cơ hội cho những sinh viên chưa có kinh nghiệm như chúng tôi vào nghề...
Con đường từ sân bay quốc tế Yangon về trung tâm chưa dày biển hiệu quảng cáo như những thành phố lớn Đông Nam Á khác, chủ yếu của người Hàn, Thái và Hoa, nhưng các tập đoàn Mỹ, châu Âu, Canada, Úc đã và đang đầu tư trở lại quốc gia Đông Nam Á này sau khi Myanmar thoát khỏi sự cô lập.
Nhà giáo có thu nhập cao nhất
Soy Dyi, ngưới hướng dẫn đoàn chúng tôi, trạc 50 tuổi, nghề chính là giáo viên, trở thành hướng dẫn viên sáng giá của các đoàn khách quốc tế sau khi Myanmar hội nhập. Soy Dyi cũng là đại diện của một công ty Việt Nam tại Yangon, vì thế anh nằm trong “tầm ngắm” của những doanh nhân khác đang có ý định quay lại Yangon sau chuyến đi này. Anh kể: “Myanmar trước là thuộc địa của Anh nên ai đến trường đều nói tiếng Anh, những người lớn tuổi như tôi nói tiếng Anh của người Anh nhưng giới trẻ giờ nói tiếng Anh không như thế”.
Mùa này đến Yangon, thời tiết khá giống với Sài Gòn, nắng oi ả và những cơn mưa rào bất chợt. Yangon là thành phố lớn nhất Myanmar. Hồ Inya nơi đoàn chúng tôi qua hàng ngày, thấp thoáng xa xa căn nhà bà Suu Kyi, như một chứng nhân của những biến động lịch sử Myanmar. Những mảnh đất vàng ở trung tâm đang nằm chờ luật đầu tư thông qua để đưa vào khai thác. Một doanh nghiệp Việt Nam cũng chờ được cấp phép tám hécta để xây trung tâm thương mại mua sắm và nhà ở tại một vị trí đắc địa loại nhất Yangon. Những trung tâm thương mại như City Mark và Taw Win được làm hiện đại hơn để phục vụ cho nhu cầu của giới thượng lưu.
Đường phố chủ yếu xe hơi có tuổi đến nửa thế kỷ xen lẫn số ít xe đời mới được nhập khẩu gần đây. Hình ảnh quen thuộc của người dân Yangon là đi bộ trên phố với xà rông và dép lê. Nhẫn nại và hiền lành. Ở một xưởng mỹ nghệ tôi đến, một công nhân lành nghề thu nhập 60.000 – 70.000 kyat/tháng (khoảng 1,8 triệu đồng). Ba cô gái chừng 20 tuổi cùng ngồi thêu một bức tranh đá hình chùa vàng cổ kính, cho biết, với khổ 1 x 2m họ thêu khoảng ba ngày, một du khách trong đoàn tôi mua mất 100 USD, nếu có khung thì 120 USD. Soy Dyi cho biết, lương công nhân trung bình 80 USD, công chức 100 – 120 USD, nghề có thu nhập cao nhất là giáo viên, khoảng 150 USD. Cả đoàn chúng tôi ồ lên ngạc nhiên. Một đất nước mà dân nói tiếng Anh phổ biến, lại xem trọng vai trò của giáo dục, chẳng mấy chốc “sau mở cửa” đang hứa hẹn sẽ hội nhập rất nhanh!
Người ta mô tả thu nhập ở đất nước này có hình hồ lô, phía dưới đông đảo là dân nghèo, trên là tầng lớp thượng lưu, khúc giữa bị thắt lại như một cái eo. Myanmar đang chờ tầng lớp trung lưu mới nổi tham gia kiến tạo nền kinh tế. Mới một năm cải cách bước đầu, năm 2011 Myanmar đã đón 1,5 triệu du khách quốc tế qua đường hàng không, và nguồn đầu tư nước ngoài nay đã lên gần 50 tỉ USD. Ngày cuối tôi ở Yangon cũng là ngày Tổng thống Myanmar Thein Sein thông báo làn sóng cải tổ thứ hai với cam kết đẩy mạnh mở cửa và phát triển kinh tế sau những cải tổ thành công về chính trị. “Để những người dân bình thường trong xã hội cũng có lợi từ chương trình cải cách”.
Nhà sư nhiều gần gấp đôi binh lính
Từ sân bay Mandalay về trung tâm thành phố Yangon mất chừng 45 phút, hai bên đường là những vùng đất hoang vắng, thi thoảng có ngôi làng nhỏ nằm sát mé sông. Đất đai bạt ngàn, cây xanh mát mắt nhưng thiếu vắng bóng dáng chăn nuôi và trồng trọt. Những chiếc máy bay ATR cũ kỹ đáp xuống sân bay nội địa. Một anh bạn phì cười vì chiếc xe chuyển hành lý sân bay tựa như chiếc xe công nông ở miền quê Việt Nam sử dụng cách đây khá lâu. Không được như Yangon, nơi máy phát nổ ì ạch khắp nơi nhưng điện ở các khu thương mại du lịch tương đối ổn. Hệ thống điện, internet và viễn thông Mandalay yếu ớt và đắt đỏ. Mandalay Hill Resort, trung tâm tổ chức các sự kiện lớn tại thành phố, vẫn chừng mươi phút cúp điện một lần!
Myanmar có hơn nửa triệu nhà sư, gần gấp đôi số binh lính cả nước. Chùa ở khắp nơi làm những thành phố tôi qua trở nên tĩnh lặng. Ngôi chùa vàng linh thiêng Shwedagon hơn 2.500 năm nằm kiêu hãnh giữa trung tâm Yangon. Chùa Kuthodaw ở Mandalay là pho tượng sách lớn nhất thế giới với 729 mảng đá cẩm thạch khắc kinh Phật… Những ngôi chùa dát vàng hay trắng tinh khôi như dát những thứ ánh sáng thuần khiết giúp con người rũ bỏ tham vọng. Không phổ biến cảnh chào bán hàng rong hay chèo kéo du khách, sự sùng kính linh thiêng của người dân khiến du khách ngỡ ngàng. Đời sống người dân Myanmar còn khó nghèo, chưa biết các đổi thay ra sao, nhưng cách họ ứng xử khiến tôi tin họ không chỉ hội nhập nhanh mà còn đủ nền tảng cho hội nhập bền vững.
Sáu giờ chiều, tôi đợi ngắm hoàng hôn trên đồi Mandalay, kinh đô cũ của Myanmar. Từ trên đồi nhìn xuống, bên kia cánh đồng ngút ngàn, bên này là thành phố Mandalay, những tháp chùa vàng vươn cao chen lẫn với nhà cửa, cây xanh. Khói chiều từ những mái ngói nhè nhẹ bay lên. Mặt trời lặn rất gần. Một doanh nhân cùng đoàn cho biết anh đến đây hai năm trước và Myanmar nay đã đổi thay quá nhiều. Dù vậy đô thị hoá vẫn chưa kịp tràn qua đây. “Từ đồi Mandalay nhìn hút mắt chẳng thấy bóng dáng nhà máy. Xứ sở thật hấp dẫn!”, anh thốt lên.
“Thời trang” nhà chùa Myanmar đến lạ, thi thoảng vài nhà sư áo nâu sồng, nâu vàng, ni cô với đồ màu hồng đỏ tươi tắn lướt qua sân chùa. Một đất nước đến 80% dân chúng theo đạo Phật phái tiểu thừa, con trai trưởng thành vào chùa học kinh kệ và báo hiếu cha mẹ trước khi lập gia đình. Tôi chợt nghĩ, dưới kia vẫn rất nhiều người trong sắc áo lính ôm súng đứng canh ngoài đường phố; đâu đó phía tây biên giới Myanmar đang diễn ra bạo loạn sắc tộc làm dấy lên nỗi lo của chính quyền địa phương; người dân vẫn còn nỗi e sợ tiếp xúc với người nước ngoài...; nhưng Myanmar nhìn từ sân chùa trên đồi Mandalay, với tôi, vẫn thanh bình đến lạ thường.
BÀI VÀ ẢNH: TUYẾT ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét