Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Nhớ một cách chào, một điệu múa


SGTT.VN - Nói đến văn hoá Lào, nhiều người nghĩ ngay đến đạo Phật và 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ từ nông thôn đến thành thị. Cách nghĩ ấy không sai, vì đúng là Phật giáo tiểu thừa du nhập vào Lào từ thế kỷ thứ 7 và từ thế kỷ 14 thì trở thành quốc giáo nước này với hơn 90% dân số theo đạo Phật. Tuy nhiên, văn hoá Lào đâu chỉ có Phật giáo. Nét đặc sắc riêng biệt của văn hoá Lào theo cảm nhận của tôi đó chính là sự khiêm nhường trong phong cách giao tiếp và sự yêu thích đặc biệt đối với âm nhạc và múa.
Những em bé Lào ở Luông Pha Bang bên dòng Mêkông, với những ngón tay luôn phản xạ về điệu múa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Ảnh: TL
Năm 2007, khi làm nhiệm vụ đưa đoàn văn hoá nghệ thuật của TP.HCM đi giao lưu văn hoá tại Lào, tôi đã có dịp trải nghiệm về nét văn hoá rất Lào đó. Đón chúng tôi tại sân bay, các cán bộ của sở Văn hoá thông tin Viêng Chăn từ phó giám đốc đến nhân viên đều làm động tác chắp tay trước ngực cúi chào thay vì bắt tay. Bất giác, không ai bảo ai, đoàn chúng tôi ai nấy đều làm cử chỉ đó để đáp lễ bạn. Từ sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, đi đâu trên đất Lào chúng tôi cũng được chào như thế. Các vị lãnh đạo cấp cao, các nhà sư, các công chức, các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, nông dân và người buôn bán ở chợ, cả các em học sinh nữa – tất cả đều chào khách như thế. Người Lào quan niệm chào như vậy để biểu lộ sự tôn trọng khách, đặt khách lên vị trí cao hơn mình và cũng là để bày tỏ thiện chí – điểm xuất phát của mong muốn hoà bình. Khi tháp tùng bộ trưởng Văn hoá Lào đến thăm và dự một đêm diễn văn hoá Việt Nam tại phòng trà Điểm Một Thời của hoạ sĩ Sĩ Hoàng, tôi thấy bộ trưởng cũng chỉ một cử chỉ khiêm nhường ấy khi chào ông chủ phòng trà và các nghệ sĩ.
Một ấn tượng nữa khó phai về văn hoá Lào, đó là sự yêu thích rất đặc biệt đối với âm nhạc và múa. Nhiều người trong đoàn chúng tôi chỉ thuộc bài hát Hoa Chămpa của Lào dịch ra lời Việt và được phổ biến khá rộng khắp ở Việt Nam, những tưởng đó là bài hát nổi tiếng nhất ở Lào. Nhưng sang đến Lào mới thấy lam salavan là loại nhạc Lào phổ biến nhất. Đây là thể loại âm nhạc bắt nguồn từ huyện Saravane thuộc tỉnh Savanakhet ở Nam Lào. Loại âm nhạc này có sự gần gũi với âm nhạc và múa Khmer, thường sử dụng nhạc cụ đặc trưng của Lào là kheen, gần giống với khèn của người H’mông ở Việt Nam. Lam salavan thường được trình diễn ở các đám cưới và lễ hội của Lào. Khi bản nhạc này tấu lên, người Lào già trẻ lớn bé gần như đều bước vào vòng nhảy tập thể. Nhảy hết bản salavan này đến bản salavan khác, dường như không có điểm dứt. Ngay cả khi đến các phòng nhảy ở các khách sạn, giữa tour các điệu nhảy quốc tế mà nhiều người Lào thành thạo thì việc tấu lên giữa chừng một bản salavan để rồi ngay lập tức cả phòng nhảy hào hứng tham gia là chuyện vẫn thường xảy ra. Chúng tôi ở Lào chưa đầy một tuần lễ mà đã bị lôi cuốn vào sự ham mê nhảy múa đặc biệt rất Lào đó. Phía trước sân khấu biểu diễn chính thức của đoàn Việt Nam tổ chức ở trung tâm Triển lãm quốc tế Viêng Chăn là một khoảng trống rất rộng. Hỏi các bạn ở ngành văn hoá Lào “chừa chỗ rộng thế làm gì”, câu trả lời rất tự nhiên: “Để lát nữa múa với nhau”. Và rồi đã diễn ra như thế thật. Sau khi tham gia một tiết mục hát tiếng Việt thật xuất sắc bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, phó thủ tướng Lào còn hô hào dẹp chỗ rộng thêm để ông và các quan chức Lào, Việt cùng nghệ sĩ hai nước múa giao lưu hàng giờ sau đêm diễn. Cái cách mê nhảy múa đã trở thành một phần không thể thiếu trong phong cách Lào và thực sự đã giúp người Lào giao lưu quốc tế một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Mở lam salavan lên ở bất cứ không gian nào, dù rộng hay hẹp, người Lào chỉ việc đưa rộng hai cánh tay lên mời bạn, nào chúng ta cùng nhảy! Vòng một còn chập chững, vòng hai đã nhuần nhuyễn hơn. Đến vòng ba thì chân đã quen, tay đã dẻo, nhảy như chẳng muốn về. Rào cản ngôn ngữ không còn có ý nghĩa gì. Chúng ta cứ nhảy, và thế là trở thành bạn…
NGUYỄN THẾ THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét