Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Câu chuyện về những chiếc bánh Wagashi Nhật Bản


Wagashi được coi là đỉnh cao của ẩm thực của đất nước mặt trời mọc đấy teen à.

Đất nước ở Đông Á vốn nổi tiếng với nền văn hóa đậm bản sắc, chuẩn mực và tinh tế. Từ trà đạo, kịch Nô cho đến kĩ nữ geisha đều là những đại diện đáng tự hào cho xứ sở Phù Tang. Hôm nay, chúng ta sẽ được biết thêm một niềm tự hào khác, một thành viên “nổi tiếng” trong giới ẩm thực, có thể sánh vai cùng sushi và trà đạo, đó là bánh ngọt wagashi (hòa quả tử). Chắc chắn những chiếc bánh nho nhỏ xinh xinh này sẽ làm cho teen nhà ta mê tít!
Nguồn gốc của bánh Wagashi
Thời xưa, người Nhật sử dụng trái cây và hạt như những chất tạo ngọt, thêm hương vị cho các loại ngũ cốc dinh dưỡng như gạo, kê và ngũ cốc. Và wagashi đã ra đời từ khi ấy, thời kì Yayoi (thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên), đơn thuần là bánh bột nhân quả hạt. Cho đến thời kì Nara (thế kỉ thứ 8), loại bánh này bị ảnh hưởng các thành phần từ Trung Hoa và phong cách Phật giáo. Rồi thời Muromachi (thế kỉ 14 – 16) lại bị tác động từ sự du nhập văn hóa Tây phương. Mãi cho đến thời kì Edo (thế kỉ 17 – 19), wagashi mới đạt đến độ “chín” thực sự và chính thức trở thành một nét nghệ thuật đặc sắc trong đỉnh cao ẩm thực Nhật Bản.
Những thành phần cơ bản của bánh Wagashi
Wagashi quan trọng nhất là đậu (azuki) đỏ hay trắng. Kế đến là thạch (kanten) giàu chất xơ, chiết xuất từ rong biển để làm wagashi dạng thạch (yokan).
Thạch kanten
Cuối cùng là một loại đường cổ xưa được sản xuất tại Nhật Bản (wasambonto). Loại đường này trải qua giai đoạn tinh chế truyền thống đặc biệt để cho ra những hạt màu kem thật mịn, vị thanh thoát và mùi thơm của bơ và mật ong khá dễ chịu. Thông thường, wasambonto được sử dụng trong bánh "higashi" - loại wagashi khô.
Một số loại Wagashi điển hình
Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật mang đầy tâm huyết của người nghệ nhân. Mỗi mùa là những loại wagashi khác nhau, chỉ là những chú chim, hay chiếc lá, bông hoa nho nhỏ cũng có thể đánh thức cảm quan của người dùng về mùa màng, tiết trời xung quanh. Phong cảnh thiên nhiên và thậm chí, nền hội họa của Nhật Bản cũng có thể đưa vào wagashi để quảng bá cho người dùng.
Namagashi - bánh ẩm.
Được làm thủ công, tạo hình bằng tay và sử dụng ngay trong ngày, loại wagashi này thể hiện rõ nét hình ảnh của thiên nhiên trên mỗi thành phẩm, thông qua bàn tay tài năng của người nghệ nhân. Mỗi mùa sẽ có những hình ảnh đặc trưng riêng: có thể là những bông hoa nở bung đầy sức sống vào mùa xuân, hay vẻ e ấp của nụ đào mới chớm vào mùa đông,… Do bánh có độ ẩm cao (trên 30%) nên người ta có thể tạo hình khá dễ dàng.
Yokan - bánh thạch.
Loại wagashi này đặc biệt làm từ bột đậu đỏ giã nhuyễn với đường, sau đó cô đặc trong khối thạch ‘kanten’. Loại bánh này có độ rắn đặc biệt hơn so với dạng thạch thông thường. Loại bánh yokan thanh mát này thường dùng cho những tháng hè nóng bức.
Monaka - bánh rán.
Thoạt nhìn, monaka khá giống các loại bánh quy ngày nay. Cũng gần như thế, monaka thường có hình hoa anh đào hay cúc, gồm một lớp bột đậu đỏ kẹo giữa hai lớp bánh nếp nướng mỏng. Bật mí nhé, monaka và bánh dorayaki của mèo ú Doraemon cùng một loại đấy các bạn. Nhưng vỏ bánh dorayaki thì được làm từ bột mì, trứng, sữa khá giống phương Tây hơn.
Manju - bánh bao.
Bánh manju tròn trịa như bánh bao, làm từ bột mì hay bột khoai mỡ hấp với nhân bên trong vẫn là đậu đỏ. Vì cách làm đặc trưng nên manju thường được tạo hình thành những quả như anh đào, sơn trà khá đẹp mắt.
Higashi - bánh khô. Đây là loại wagashi khô nhất với độ ẩm chỉ từ 10% trở xuống, đặc biệt có thành phần là đường "wasambonto".
Wagashi “sánh đôi” cùng văn hóa Nhật Bản
Từ xa xưa, wagashi đã được dùng trong các buổi lễ cúng tế thần thánh. Ngoài ra, nó còn là biểu tượng cho sự hiếu khách, người ta thường tặng nhau trong các lễ cưới, sinh nhật…
Trà đạo, phong tục truyền thống nổi tiếng của Nhật bản sẽ kém hoàn hảo nếu thiếu wagashi. Wagashi đã được đưa vào trong các buổi trà đạo từ thế kỉ 16. Dư vị ngọt ngào mà thanh thoát của bánh sẽ làm tan đi vị chát nhưng vẫn không làm mất đi tinh chất thơm ngon của trà xanh. Loại wagashi thường được dùng là namagashi, có vị ngọt khá đậm.
Lợi ích từ Wagashi
Hầu hết các nguyên liệu làm wagashi đều thanh khiết, sạch sẽ, không có xuất xứ từ động vật (trừ nguyên liệu trứng) nên rất thích hợp cho người thèm ngọt nhưng bị cholesterol huyết cao. Ngoài ra, với thành phần chính là đậu đỏ, một loại thực phẩm giàu đạm, vitamin B1, B2, B6 cùng một số nguyên tố vi lượng, wagashi đúng là một thứ quà vặt vừa thơm ngon vừa giàu dinh dưỡng.
Tường VyẢnh: IJ

Không có nhận xét nào: