Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Xứ của những bức tường


SGTT.VN - Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi đặt chân đến Tel Aviv là những người lính cả nam lẫn nữ mang súng đi đầy đường phố. Sau đó là khẩu súng lận (chứ không đeo) lòi bá sau lưng cô gái bảo vệ khách sạn. Sau nữa là những bức tường. Tường trên thực địa. Tường trong lòng người – những người hướng thiện theo những tôn giáo khác nhau: Do Thái giáo, Hồi giáo, Công giáo, Chính thống giáo, Tin Lành, v.v.
Bức tường Than Khóc nằm bên phải tấm hình. Và họ chỉ gục đầu vào phía tường này để cầu nguyện, than khóc...
Trước tiên là bức tường Than Khóc – nơi người Do Thái theo Do Thái giáo đến cầu nguyện và hành hương suốt nhiều thế kỷ. Họ đến đây tưởng niệm cả hai ngôi đền thờ thứ nhất và thứ hai vào các ngày thứ sáu trong tuần và đặc biệt ngày thứ chín trong tháng Av theo lịch Do Thái (khoảng tháng 7 – 8 tây lịch). Họ đến quay mặt vào tường, có người thì thầm cầu nguyện, có người sụt sùi, có người gửi một lá thư ghi ước nguyện vào kẽ đá. Nam một bên, nữ một bên. Niềm thống hận kéo dài từ đời nọ sang đời kia hơn cả ngàn năm nay.
Lịch sử Do Thái ghi nhận cả hai ngôi đền bị tàn phá cách nhau 656 năm nhưng vào cùng một ngày theo lịch Do Thái. Và ngày đó được gọi là “ngày buồn nhất trong lịch sử Do Thái”.
Những nguồn tin sớm nhất cho biết sự gắn bó của người Do Thái với nơi này vào thế kỷ thứ 4. Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở đi, nhiều người Do Thái có ý định mua chủ quyền bức tường và khu vực kề bên, nhưng bất thành. Với sự nổi lên của phong trào theo chủ nghĩa lập quốc Do Thái (Zionism) vào đầu thế kỷ 20, bức tường trở thành nơi nhạy cảm của cả cộng đồng Do Thái và giới lãnh đạo Hồi giáo. Bức tường Than Khóc là di chỉ còn lại của bức tường do vua Herod đệ nhất xây khoảng năm 19 trước Công nguyên chung quanh đền thờ Jerusalem thứ hai – tồn tại từ năm 516 trước Công nguyên đến năm 70. Tính từ quảng trường Tường phía Tây, chiều cao bức tường cả móng là 32m, phần nhô lên nền hiện nay là 19m. Tường gồm 45 lớp đá, 28 lớp nằm trên mặt đất và 17 lớp âm dưới đất. Chiều cao bức tường là những lớp lịch sử chồng lên nhau. Bảy lớp đầu tiên có thể nhìn thấy là từ thời Herod, bốn lớp kế tiếp do tổng trấn Arập Umayyads xây vào thế kỷ thứ 7. 14 lớp tiếp theo được Moses Montefiore xây dưới thời đế quốc Ottoman chiếm đóng Jerusalem.
Ngôi đền linh thiêng nhất bên trong bức tường, nơi đựng hòm bia thánh, đã bị quân Roma dưới sự chỉ huy của hoàng đế tương lai Titus tàn phá thành bình địa, chỉ chừa lại mỗi bức tường phía Tây sau cuộc vây khốn thành phố Jerusalem vào năm 70. Sử gia Sulpicius Severus cho rằng Titus phá đền Jerusalem nhằm bứng tận gốc người Do Thái và tôn giáo của họ, để thay vào đó là một đền thờ theo tôn giáo Roma.
Sử gia Josephus lại cho rằng vì Titus tức giận trước kiểu chiến tranh khủng bố của quân Zealot Do Thái. Zealot là một trong bốn phái của Do Thái giáo, ba phái kia là Pharisee, Sadducee và Essenes. Giấc mơ biến đền Jerusalem thành một Panthenon đã không thành do một ngọn lửa quân Roma quăng lên nóc thiêu rụi. Để đến năm 610 nó trở thành Qiblah đầu tiên với ngôi đền vàng – nơi người Hồi giáo hướng về để cầu nguyện. Và để trở thành một nơi cách biệt hẳn, người Hồi giáo đã bít luôn cửa thành phía Tây – biến nơi đây thành hai thế giới cách biệt – bên trên là hai ngôi đền thờ Hồi giáo và bên dưới là nơi người Do Thái giáo mỗi tuần ra cầu nguyện và than khóc.
Khi đi sang thành phố Bethlehem thuộc khu vực Bờ Tây do Palestine quản lý, người ta lại có dịp trông thấy một bức tường thành dài và cao nhìn lên trật cổ, ngăn cách Israel với Bờ Tây thuộc Palestine. Lối đi từ bên này qua bên kia bức tường lại gặp những người mang súng. Cô Judith hướng dẫn viên giải thích: “Từ khi có bức tường này, tình hình an ninh tốt hơn, ít bị khủng bố hơn”.
BÀI: KHỞI THỨC
ẢNH N.T

Không có nhận xét nào: