Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vị Nat say xỉn ở miền cổ tích


SGTT.VN - Trong những ngày làm phim ký sự ở vùng đất Myanmar, chúng tôi đã đi qua rất nhiều thành phố, viếng thăm nhiều ngôi chùa và cảm nhận Phật giáo trong mỗi tín đồ Myanmar thuần thành. Nhưng có hình ảnh của một vị Nat đặc biệt đã níu kéo sự quan tâm của chúng tôi – những kẻ thường rong ruổi đó đây và cũng thích... say say.
Người Myanmar có 37 vị Nat, mỗi vị lại đảm nhận cai quản và bảo hộ cho một mặt của cuộc sống.
Vị Nat say xỉn.
Nat là một danh từ để chỉ các vị thần dân gian của Myanmar. Cũng giống như người Việt xưa, khi Phật giáo chưa được du nhập thì con người thường tôn thờ những vị thần làng, thần sông, thần núi… Người Myanmar có rất nhiều vị Nat (37 vị), mỗi vị Nat lại đảm nhận việc cai quản và bảo hộ cho một mặt của cuộc sống. Chính vì thế mà trong chùa Myanmar, ngoài thờ Phật người ta còn thấy có sự hiện diện của các vị Nat.
Những ngày ở cố đô Bagan – miền Trung Myanmar, tôi đã nghe về “vị Nat say xỉn” được sinh ra trên một đỉnh núi cách thành phố khoảng 40km. Ngồi bó chân trên chiếc xe thùng, tôi và anh bạn đồng hành thẳng tiến về ngọn núi mang tên Popa. Đây là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động khoảng 25.000 năm trước (người địa phương còn cho là nó đã tồn tại được 40 triệu năm) và ví von Popa như mặt trời hay mặt trăng bởi không ai có thể đoán được tuổi của đỉnh núi này.
Đường lên núi đầy khỉ, chúng sẵn sàng lao vào giật máy ảnh, giày dép, nón mũ của khách, không may còn bị vài con cắn nếu chống cự. Sau nửa giờ đi bộ trong tâm trạng sẵn sàng chiến đấu, cuối cùng tôi cũng lên được đỉnh núi. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra khắp vùng trung du bên dưới. Những khu đền tự thờ tượng Phật trong tư thế tĩnh tại, uy nghi nằm im lìm giữa cái nắng oi ả ngày đầu hè.
Ngoài khu thờ Phật, Popa còn nổi tiếng với nhóm đền thờ các Nat như Nat Shin Nemi bảo hộ cho trẻ em, ban cho chúng đồ chơi nếu ngoan ngoãn học tập, hay Nat Shwe Nabe là người giữ thần rắn Naga, bất cứ ai thấy rắn vào nhà mình đều phải đến cầu nguyện bà.
Popa cũng là nơi sinh ra của nhiều vị Nat như hoàng hậu Popa, hai vị hoàng tử là Min Gyi và Min Lay, nhưng nổi tiếng nhất là vị thần Kyawswa hay còn gọi là “vị Nat say xỉn”. Ông đã dành cả đời mình chỉ để chơi đá gà và rượu chè. Ông thừa nhận: “Nếu mọi người không ưa tôi, thì cứ mặc kệ tôi. Tôi thừa nhận tôi là một kẻ say đấy!”. Kyawswa là vị Nat bảo hộ cho những tay cờ bạc và mê rượu. Ông thường được người đời mô tả với hình ảnh quần áo xộc xệch, ngả nghiêng trên yên ngựa và tay phải luôn là chai rượu.
Nhiều người đàn ông và cả phụ nữ đều đến dâng lễ ở gian thờ Kyawswa. Mumu, anh lái xe của chúng tôi kính cẩn cầu nguyện và bỏ những đồng tiền lẻ vào chiếc mâm trước mặt ông, chưa hết, anh còn giắt thêm vào tấm áo quấn quanh người Kyawswa để cầu may mắn.
Vào thời điểm này là một trong hai dịp Nat Pwe (lễ hội thần thánh) ở Popa. Trước triều đại nhà vua Anauwrahta (1014 – 1077), người ta tế lễ hàng ngàn heo, trâu bò để dâng lên các vị Nat. Họ ăn uống, nhảy múa và tất nhiên là say xỉn. Khi ấy tên của vị Kyawswa lại được cất lên trong những cuộc vui.
Ngồi trò chuyện với Mumu, tôi nhìn thấy sâu trong ánh mắt anh là niềm tin vào các Nat rất riêng có ở người Myanmar. Tín ngưỡng của họ rất nhân văn và cũng rất gần với cuộc sống, không thần thánh hoá các vị thần. Đó phải chăng là điều đã tạo nên tâm tính của con người Myanmar, rất hiền hoà, chân chất? Còn tôi, quả thật không biết giải thích ra sao nhưng tôi thích kiểu thẳng thắn của Nat Kyawswa, vị Nat say xỉn…
AN NAM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét