Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vị càphê ở lằn ranh hai lục địa


SGTT.VN - Nhích một bước chân, bạn chạm tới châu Âu, lùi lại một bước bạn đã ở châu Á. Ở miền đất nối hai châu lục, nhấm nháp tách càphê để hiểu lý do vì sao dân địa phương gọi nó là “sữa của bậc hiền triết”.
Ottaman đại đế đã khởi đầu lộ trình giải phóng phụ nữ bằng cách cho phép họ được thưởng thức càphê như nam giới
Istanbul 2.700 tuổi có vô vàn điều kỳ thú để lữ khách nóng lòng một lần đặt chân đến. Riêng cái khoản được đi trên cây cầu bắc qua sông Bosphorus rộng 39m, sáu làn xe, dài hơn 1.500m nối hai châu lục đã “xứng đồng tiền” lắm rồi. Hãy hình dung thứ cảm giác mà không thành phố nào trên thế giới ngoài Istanbul có thể mang lại cho ta khi có mặt ở vạch sơn trắng cắt ngang giữa cầu để bước qua nó một bước là bước sang châu Âu. Nhưng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, đến Istanbul nên mang về nhà thứ kỷ niệm khó phai là hương vị, cách pha chế, cách thưởng thức càphê, thứ càphê “đặc thù Thổ”, không giống châu Âu cũng không giống châu Á.
Giữa Istanbul còn nhiều khu phố cổ với những con đường lát đá xanh mấy trăm năm trước. Âm thanh gót giày các cô các bà gõ trên mặt đá xanh bóng nghe sao rộn ràng hơn so với họ đi trên mặt đường hiện đại. Phố cổ cũng là khu trung tâm của càphê. Đi bộ qua phố cổ trong thời tiết giá lạnh có thể nhận ra ba loại “khói”. Thứ nhất là làn hơi thở phì phò của chính mình; vây quanh là hơi nước nóng sưởi ấm khách bộ hành bốc lên từng đợt từ những trụ đá chạm trổ như tác phẩm mỹ thuật bố trí rải rác dọc vỉa hè; thứ ba là khói từ các lò đun càphê toả ra từ quán xá hai bên đường… Cái lạnh 4 – 5oC và mùi hương càphê phảng phất như giục ta vào quán tìm hơi ấm, tìm không gian trầm mặc bên ly càphê Thổ, để hiểu thấu khái niệm “sữa của bậc hiền triết” mà người Thổ dùng để ngợi ca càphê của họ gần 500 năm nay. Từ khi càphê du nhập vào Thổ năm 1555, qua đường buôn bán của thương nhân người Syria.
Có lẽ từ “hiền triết” ngày nào là dành chung cho giới văn nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, vì từ giữa thế kỷ 16 các quán càphê khu phố cổ Istanbul đã là nơi sáng tác và “phát hành” chuyện tiếu lâm châm biếm xã hội và chính quyền. Và, trở thành kho tàng văn học truyền khẩu đặc trưng của xứ sở những nụ cười hóm giấu dưới hàng ria mép rậm mà Azit Nêxin là một trong những “hậu duệ” sáng giá. Ngày nay nhà văn, nhà báo Thổ cũng thường lấy quán càphê làm nơi “thường trú”, tất nhiên với laptop và wireless.
Các cô các bà chiếm một không gian đáng nể trong các quán càphê Istanbul. Thổ, một quốc gia Hồi giáo, từ thế kỷ 17, đại đế Ottaman hùng mạnh là “dân ghiền” càphê, là người đưa càphê vào nghi thức triều đình, dành hẳn một chức quan quản 40 chuyên viên pha chế càphê phục vụ hoàng gia, nâng càphê thành thức uống chính trong lễ tân ngoại giao. Chính Ottaman đại đế đã khởi đầu “lộ trình” giải phóng phụ nữ bằng cách cho phép họ được thưởng thức càphê như nam giới. Và từ thế kỷ 17 càphê trở thành một trong những tiêu chí đánh giá “công dung ngôn hạnh” của thiếu nữ Thổ. Gia đình có giáo dục đều quan tâm dạy dỗ con gái nghệ thuật pha chế càphê và giữ bí mật cách thức tạo hương vị riêng của gia đình. Nhà trai đến nhà gái bàn hôn sự sẽ chiêm nghiệm, phán đoán cô dâu tương lai qua chất lượng càphê do cô pha chế tiếp đãi. Nhà gái sẽ nhìn vào đáy ly sau khi vị đứng đầu nhà trai thưởng thức ly càphê. Uống cạn giọt cuối cùng là sự khen tài nghệ của cô gái, đánh giá cao nếp giáo dục gia đình.
Với niềm tự hào truyền thống, nhân viên, thậm chí ông chủ, sẵn lòng thuyết giảng cách pha chế càphê Thổ cho du khách. Lường càphê bột, thêm một ít hột bạch đậu khấu và đường vào chiếc bình bạc, châm nước, khuấy đều rồi đun bình trên lò than. Liên tục đảo nhẹ thân bình, cho đến khi khói trắng đạt đỉnh mùi thơm và càphê trong bình sủi bọt tới mức chuẩn thì rót ra ly... Tài nghệ nằm ở chỗ cân lường các thứ, từ càphê, phụ gia, đường, nước cho đến nhiệt độ đun sôi. Quan trọng nhất là sủi bọt thế nào. Càphê Thổ mà thiếu bọt thì coi như vứt. Sang Istanbul nhớ uống càphê. Nếu may mắn có cô gái Thổ mời càphê cô pha chế thì nhớ uống đến giọt cuối cùng. Nơi đáy ly là nơi hiển thị tín hiệu tình cảm của ta dành cho cô nàng.
GIA MIÊU NGUYỄN
Một số điều cần chú ý
Về trang phục, bạn cần ăn mặc lịch sự hơn khi đi đến các thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quần short và áo thun T-shirt là trang phục được chấp nhận hầu hết mọi nơi ở đất nước này, ngoại trừ nhà thờ Hồi giáo.
Khi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, khách du lịch cần chú ý nếu những đồ vật nằm trong quy định “di vật cổ đại” và không có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì bạn sẽ bị chặn lại ở sân bay và gặp phiền toái với chính quyền.
Thuốc lá có mặt ở mọi nơi trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Các khu vực không hút thuốc lá hầu như không tồn tại. Nếu bạn dị ứng với thuốc lá, bạn sẽ cảm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ là một khoảng thời gian khó chịu. Tránh hỉ mũi nơi công cộng, đặc biệt là trong nhà hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét