Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vào rừng Bukittinggi tìm hoa lớn nhất thế giới


SGTT.VN - Du lịch Indonesia, người Việt Nam thường biết đến đảo nhỏ Bali. Sau đó là cụm đảo trung tâm Java, với thủ đô Jakarta và các điểm du lịch ở Yogyakarta, Gunnung Bromo… Ít người ghé đến đảo lớn Sumatra, dù miền đất này có nhiều điểm nổi tiếng: hồ xanh Toba, rừng già Bukit Lawang, biển đảo Padang và đặc biệt là Bukittinggi từng là thiên đường của dân du lịch bụi (hippies) những năm 70 thế kỷ trước.
Kích thước lúc to nhất của hoa có thể lên đến 1,2 – 1,5m và hoa này chỉ mọc trong rừng rậm tự nhiên. Ảnh: Trần Lộc Ấn
Khi đó, tình hình an ninh chính trị không ổn định… lượng khách giảm dần và gần đây, du khách bắt đầu quay trở lại. Nằm trên cao nguyên Minangkabau, Bukittinggi, tiếng Indonesia nghĩa là “đồi cao”, là một trong những thành phố lớn nhất miền Tây Sumatra. Tôi chọn dừng chân Bukittinggi vì phố núi này nổi tiếng với những bông hoa lớn nhất thế giới Raflesia và các ngọn núi lửa để chinh phục, trong đó đặc biệt là ngọn núi lửa đang hoạt động phì phò Gunung Merapi. Bukittinggi còn có các điểm du lịch như hẻm núi Sianok Canyon, Lubang Japang, cung điện xưa của các vị vua Minangkabau, các nhà thờ, đền đài, văn hoá, lịch sử...
Dã ngoại ở phố núi Bukittinggi
Thật ra, lúc đến Bukittinggi, ý định đi tìm xem hoa Raflesia không là ưu tiên số một. Do vậy, tôi định đến đây để leo núi lửa cao 2.891m Merapi, còn gọi là Marapi, đang phì thở mà thôi. Bên đảo Java, gần Yogyakarta cũng có một núi lửa khác tên là Merapi.
Để dành sức leo núi, tôi không lặn lội đến hẻm núi Sianok Canyon và Lubang Japang – hang Nhật Bản, hệ thống bong-ke quân sự, địa đạo dưới lòng đất do Nhật xây dựng từ Thế chiến 2. Nên chi tôi chỉ ngó nghiêng pháo đài Kock, công viên với bảo tàng dân tộc Bundo Kanduang, chợ búa, phố phường… Tình cờ gặp một nhóm khách, tôi bắt chuyện mới hay rằng các bạn ấy vừa đi xem hoa Raflesia về, còn dư âm, còn ấn tượng nên vẫn xôn xao bàn tán. Tôi tức tốc hỏi thăm địa điểm, khu vực… ghi lại kỹ càng. Cả đêm cứ bồn chồn chờ mai sáng.
Sáng Bukittinggi mưa gió sụt sùi, lòng dạ tôi ngần ngại vì trời đất kiểu này làm sao đi rừng. Nhưng rồi tôi quyết định leo lên xe ôm, khi mưa vừa hơi nhẹ hạt. Anh xe ôm đưa tôi đến trạm kiểm lâm nơi bìa rừng. Gặp anh kiểm lâm, kiêm nhiệm vụ dắt khách đi xem hoa Raflesia, nhìn bộ dạng tôi lui tới đến hai, ba lần, lắc đầu, rồi hỏi: “Mưa gió này bạn đi được không?”
Vốn đã tệ như vợ thằng Đậu trong mấy vụ leo trèo, hôm đó tôi chỉ mang đôi xăngđan mỏng teng, cũ mèm vì để dành đôi giày khô tối nay leo núi. Vậy là té lên té xuống oành oạch trong khi lọ mọ theo anh kiểm lâm. Đường bùn trơn như mỡ, có những đường mòn ven bờ vực bé xíu, dốc chênh vênh, tôi gần như bò. Anh kiểm lâm đi nhanh như chạy rồi thong dong đứng lại hút thuốc chờ tôi. Đi mãi, từ bìa rừng, băng qua một làng, rồi lại vào rừng, rồi vào sâu hơn, tôi cứ vậy: đi và bò, cuối cùng cũng đến được một cánh rừng um tùm tối đen, thấy anh kiểm lâm đứng cười cười. Mừng quá, tới nơi rồi!
Phải giữ rừng nguyên sinh cho Raflesia
Hiện có vé máy bay giá rẻ từ Việt Nam đi Jakarta. Từ đó có các chuyến bay nội địa giá rẻ (của nhiều hãng) đến Bukittinggi. Một cách khác là bạn bay sang Kuala Lumpur, Malaysia, từ đó bay hoặc đi xe buýt đến Penang, rồi đi phà (mất sáu đến tám giờ) sang Medan, thuộc Sumatra. Từ đó đi xe đến Bukittinggi. Giá khách sạn và dịch vụ ở đây khá mềm, chỉ khoảng 1/2 đến 2/3 giá ở Việt Nam.
Ôi trời, dù đã được báo trước là hôm nay hoa đã nở đến ngày thứ ba (hoa nở trong bảy ngày), cánh đã cuộn lại rồi, không còn to như mấy ngày đầu tiên nhưng sao vẫn thấy bự. Tôi căng hai gang tay vẫn còn lọt thỏm giữa nó. Nghe nói, kích thước lúc to nhất của nó có thể lên đến 1,2 – 1,5m. Nhưng sao nó không có mùi hôi, theo tôi được biết, hoa to nhất thế giới cũng là hoa hôi nhất mà! Anh kiểm lâm nói, “Có hai loại, loại kia khác, loại này cũng to cỡ như loại kia nhưng không hôi”. Ngắm đã đời bông hoa to nhất thế giới, tôi hớn hở về.
Vẫn vừa đi, vừa bò, vừa bắt ếch… gần hai giờ đồng hồ nữa mới ra đến trạm kiểm lâm. Mấy anh kiểm lâm cho biết, dạo này hoa vẫn nở, nhưng trong rừng sâu thôi. Lúc đang rộ, ngoài bìa rừng cũng có. Mấy anh thường xuyên thăm rừng để biết chỗ nào có nụ, đến khi nó nở thì dắt khách đi xem. Một anh kiểm lâm nói, “may là kỳ này nó nằm cũng gần bìa rừng chứ nhiều khi phải đi bốn tới năm giờ mới tới!”
Tôi hỏi các anh sao không làm đường sá dù đơn sơ hoặc tập trung trồng hoa ở một nơi để khách dễ xem. Các anh cười: “Hoa này chỉ mọc tự nhiên trong rừng rậm, với thổ nhưỡng phù hợp. Làm sao có thể phá rừng để làm đường được. Với lại, việc được đi lang thang trong rừng già nguyên sinh như vậy đối với du khách mới thú vị chớ! Có lẽ bữa nay trời mưa gió, khó đi nên bạn thấy hơi bất tiện chút thôi”. Nghe mà tôi đỏ mặt, vì cách nghĩ nông cạn của mình. Chia tay các anh kiểm lâm thân thiện và bông hoa Raflesia đã ở lại tít trong rừng, trên đường về tôi cứ ngẫm ngợi, với thói quen suy nghĩ kiểu này, chắc tôi sẽ còn đỏ mặt nhiều nữa!
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN LỘC ẤN

Không có nhận xét nào: