Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Thỉnh lộc ở xứ Chùa Tháp


SGTT.VN - Tôi đang đứng trước một rừng mía trong khói nhang nghi ngút, nước mắt giàn giụa, hoà cùng dòng người đang thành kính lâm râm khấn vái cầu an cho năm mới ở chùa Vihear Chan Takhmau – một ngôi chùa mà người Việt ở Campuchia thường hành hương nhân dịp năm mới để thỉnh lộc về nhà bằng tục rước mía độc đáo.
Chùa Vihear Chan Takhmau là điểm hành hương đầu xuân của giới kinh doanh người Việt ở Phnom Penh. Ảnh: Nguyễn Đình
Người Campuchia có những mùa lễ hội riêng, nhưng với tết Nguyên đán, không khí xuân về ở thủ đô Phnom Penh thêm phần nhộn nhịp, do có khá nhiều Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở đây tổ chức một kiểu mừng tết Việt trên đất nước Chùa Tháp.
Rộn ràng Wat Phnom
Thủ đô Phnom Penh có rất nhiều ngôi chùa, nhưng Wat Phnom là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất giữa thủ đô Phnom Penh. Đây là điểm đến không chỉ của những tín đồ Phật giáo mà của cả những du khách nước ngoài, bởi là ngôi chùa gắn liền với lịch sử và tên gọi của thủ đô Phnom Penh. Lịch sử ghi lại rằng, ngôi chùa núi này được bà Daun Chi Penh xây dựng từ năm 1373. Sau một trận lụt lớn, bà Penh vớt được khúc gỗ trôi trên sông trong đó có bốn tượng Phật và bà đã đắp ngọn đồi, lập chùa để thờ phượng các tượng Phật đó. Chùa Wat Phnom được hình thành, và trong tiếng Campuchia, chùa là Wat, núi là Phnom. Khu vực quanh ngôi chùa núi được gọi theo tên của người đã có công xây nên chùa là bà Penh, tương truyền tên gọi Phnom Penh hình thành từ đó.
Suốt những ngày đầu xuân, chùa núi lúc nào cũng nhộn nhịp người lui tới lễ Phật. Cộng đồng người Việt ở Phnom Penh cũng hành hương đến chùa cầu nguyện, xin xăm và hái lộc cho năm mới. Nhưng một anh bạn Việt kiều sống lâu năm ở Phnom Penh bật mí: Theo quan niệm người Campuchia, khách hành hương đến chùa để cầu an lành, tài lộc, chứ không cầu tình duyên.
Tôi ấn tượng với cảnh tượng dưới chân núi, nơi nằm ngổn ngang la liệt các bàn thờ, tượng thờ cũ, được người bản địa gọi vui là “Nghĩa địa bàn thờ”. Cứ hàng năm, mỗi khi thay đổi bàn thờ cũ để thỉnh bàn thờ mới về nhà, người Việt và người Hoa theo tục thờ Phật thường đem bàn thờ cũ ra bỏ dưới chân núi, và đem bàn thờ mới cùng tượng gửi vào chùa, sau đó thỉnh về nhà với cầu mong được bình an, làm ăn phát đạt.
Rước mía đầu xuân
Nhưng với cộng đồng Việt kiều ở Phnom Penh, đặc biệt là giới làm ăn, dịp xuân đến chính là thời điểm trọng đại để cả gia đình hoặc công ty kéo nhau đến chùa Vihear Chan Takhmau, thuộc tỉnh Kandal, cách Phnom Penh độ 15 cây số. Từ hơn cây số nữa mới đến được cổng chùa, mọi phương tiện lưu thông phải dừng lại, dành lối cho người đi bộ hành hương về chùa. Và họ tin rằng, đến chùa đầu năm mới và tham gia vào tục rước mía sẽ làm ăn phát đạt. Mỗi khách đi chùa sẽ chọn mua một cặp cây mía, một trái lựu có cả cành lá, một hộp nhang và đem vào chùa khấn nguyện.
Cả con đường tràn ngập người, mía, lựu và nhang khói nghi ngút, mỗi cặp mía có giá 10.000 riel, khoảng 50.000 đồng tiền Việt, mỗi trái lựu giá 5.000 riel. Để chuẩn bị cho việc lễ chùa, mía được chọn phải thật thẳng, càng dài càng tốt, đủ cả gốc, ngọn với niềm tin việc làm ăn sẽ suôn sẻ, ngọt ngào, và sinh sôi phát triển nhiều như các đốt mía. Trái lựu có cả cành lá cột lên cây mía mang ý nghĩa đoàn kết, sum vầy. Khi mua đủ ba thứ mía, lựu và nhang, khách hành hương sẽ kéo vào sân chùa, nơi ngập tràn cả một rừng mía xanh mướt. Điều quan trọng là phải cố chen chân đem ba cây nhang chạm được vào bát hương chính của sân chùa, sau đó nghe tiếng trống từ gian chính điện rung lên ba hồi một thì cầm cành mía dộng xuống đất ba lần, miệng hô ô… ô… ô… thành hồi dài để mong thần linh về phù hộ độ trì cho chuyện làm ăn. Tiếng hô đủ cung bậc, cộng với tiếng dộng mía rầm rập, xào xạc tạo ra cảnh tượng và âm thanh khá lạ lẫm và không kém phần ngoạn mục.
Đi trong sân chùa nhang khói nghi ngút, người chật như nêm, nhưng nghe toàn tiếng Việt gọi nhau í ới, cứ ngỡ như đang đâu đó ở Việt Nam. Ba cây nhang sau khi được chạm vào bát hương sẽ được mang về nhà, cặp mía và quả lựu đặt trước cửa hàng, công ty cho đến hết mùng mới đem vứt bỏ.
Chen lấn trong rừng mía, ai cũng mắt đỏ hoe, mũi ướt nhẹp vì nhang khói, nhưng với cặp mía trên vai, ai cũng hớn hở. Một năm mới lại đến, mang theo niềm hy vọng, niềm tin được gửi gắm vào cây mía của những Việt kiều hành hương đến chùa Vihear Chan Takhmau nhân dịp đầu xuân.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH

Không có nhận xét nào: