Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Phút chơi vơi bên cầu biên giới


SGTT.VN - Nam Mae Sai, con sông rồi sẽ đổ vào Mekong, xuôi về đất chín rồng – nằm giữa biên giới Mae Sai – Thái Lan và Tachileik – Miến Điện. Lội qua sông biên giới đương nhiên không phải tôi. Tôi chỉ đến tò mò xem đời sống và cư dân đôi bên sông có như bao con sông nên thơ đâu đó đã từng thấy trong đời.
Bình minh trên sông Mae Sai.
Phố núi như một “tiểu Thuỵ Sĩ”
Tôi đến phố núi biên giới Mae Sai trên đường tìm đến Tam Giác Vàng, cũng như định sang thăm thú phố núi này, và đặc biệt là sẽ tìm sang ngó nghiêng đời sống của người dân Miến Điện ở Tachileik bên kia biên giới. Cửa khẩu Mae Sai và Tachileik hoành tráng, tấp nập người qua kẻ lại, nằm ở hai đầu chiếc cầu bắc qua con sông Mae Sai, biên giới tự nhiên của hai nước ở vùng đất này.
Không chỉ nổi tiếng là thành phố biên mậu sầm uất, Mae Sai còn được xem là điểm trung chuyển để du khách viếng thăm thành phố cổ Chiangsaen, từng là cố đô của vương triều Lanna với những ngôi chùa cổ kính xinh đẹp từ thế kỷ 8 – 14. Cũng không xa lắm là những nương đồi chè ngút ngàn xanh của Doi Mae Salong, miền đất được ví von là “tiểu Thuỵ Sĩ”. Không chỉ trùng trùng điệp điệp những trà, Doi Mae Salong còn lôi cuốn du khách bởi rừng rậm hoang sơ, thác suối gập ghềnh và đặc biệt không khí luôn mát mẻ vùng cao nguyên… Rồi rất gần Mae Sai là những bản làng người bộ lạc cổ dài Karen, hang động Tham Luang huyền bí… Do vậy, tuy xa xôi cách trở, Mae Sai ngày càng thu hút du khách.
Đến nơi vào chiều muộn, nghỉ ngơi đầy đủ nên sáng hôm sau tôi dậy sớm, dự định lang thang ngó nghiêng Mae Sai trước khi định sang thăm Tachileik. Mae Sai sầm uất, ngay từ sáng sớm. Không xa lắm phố đông là đồi núi xanh ngắt thấp thoáng những mái chùa thiêng, ngân vang tiếng chuông sớm.
Khúc sông… buồn
Men theo con đường ven sông, đi về hướng thượng nguồn, tôi ngạc nhiên khi thấy trong sáng sớm từng tốp người Miến Điện, rất dễ nhận ra với những chiếc longyi truyền thống, đang đi ngược về phố. Lạ, vì họ đi chung, nhưng những người phụ nữ thì co ro rét mướt trong quần áo ướt lướt thướt, còn những người đàn ông thì vẫn run lập cập, dù ráo hoảnh. Đi thêm một đoạn, đến khúc quanh của dòng sông, nhìn xuống bên dưới tôi mới nhìn thấy, hiểu… và buồn...
Hiện nay, có nhiều chuyến bay của hàng không giá rẻ quốc tế và nội địa từ Bangkok đi Chiang Mai. Sau khi thăm thú Chiang Mai, bạn đón xe đến Mae Sai. Hoặc ngay từ Bangkok, bạn có thể lên bến xe Bắc (Morchit), có nhiều xe đi Mae Sai mỗi ngày.
Bên kia sông là làng mạc nghèo xác xơ của người dân Miến Điện. Bên này, Mae Sai phồn thịnh. Hàng ngày, nhiều người dân Tachileik vẫn sang bên này để buôn bán vặt vãnh, làm thuê trong chợ hay cần mẫn làm lụng trong những công xưởng hoành tráng. Đi qua cửa khẩu chính thức phải trả phí thông hành. Dù mức phí cho dân địa phương không nhiều, nhưng để tiết kiệm chút tiền còm, họ đành qua lại biên giới bằng cách lội sông, ngay bên dưới hai đồn biên phòng, với sự cảm thông cho phép của những người lính, cả hai bên. Những người phụ nữ cứ thế sang sông. Những người đàn ông tự nhiên hơn. Xuôi xuống khúc sông bên dưới một chút, không có phụ nữ, họ cởi tuốt tuồn tuột longyi, vén áo lên từ từ… và lội qua sông. Những ngày này, dù mùa hè núi đồi Mae Sai vẫn lạnh ngăn ngắt, hun hút gió. Sông vừa qua đêm dài, chắc còn buốt hơn! Qua được khúc sông buốt, tôi thấy họ tím tái, răng khua lập cập, gầy gò trong những bộ đồ úa cũ… tất tả bước vội về phố đông, tôi thấy lòng chùng xuống. Khi ngang qua, họ cúi xuống, tránh ánh mắt cười chào hỏi của tôi. Nên tôi vội bỏ đi, tìm một khúc sông vắng để lánh họ. Để không làm họ buồn tủi thêm vì sự vô duyên của mình. Để ngẫm suy về cuộc đời sao nhiều quá những nhọc nhằn này...
Tôi không đi Tachileik nữa. Trước khi chia tay phố núi Mae Sai, tôi quay lại con sông biên giới khi chiều đã muộn, nắng nhuộm vàng những đọt tre nghiêng ngả ven bờ. Sông vẫn hồn nhiên trôi. Những phận đời nhọc nhằn vẫn lụi hụi qua lại trên con sông. Nắng chiều hoang hoải, sông càng thêm vàng võ buồn… Sông buồn, hay tôi đang chơi vơi…
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BẢO

Không có nhận xét nào: