Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Những kiểu xe độc đáo tại Philippines


Những phương tiện giao thông công cộng tại Philippines được đầu tư công sức vẽ airbrush rất đẹp, đặc biệt trên đường phố xuất hiện rất nhiều xe 3 bánh được người dân độ lại trông rất độc đáo.

Nhân dịp công tác tại Philippines, tôi có chụp một vài tấm hình về những phương tiện giao thông tại đất nước này, xin chia sẻ cùng bạn đọc.
Những phương tiện giao thông công cộng được vẽ
Những phương tiện giao thông công cộng được vẽ airbrush
Những chiếc xe 3 bánh tự chế
Những chiếc xe 3 bánh tự chế
Chiếc xe buýt có đầu giống xe tải
Chiếc xe buýt có đầu giống xe tải
Một chiếc Honda có gắn thêm bánh giống sidecar
Một chiếc Honda có gắn thêm bánh giống sidecar
Chiếc xe đạp có gắn dù
Chiếc xe đạp có gắn dù
Những chiếc xe buýt chen chúc trên đường phố
Những chiếc xe buýt chen chúc trên đường phố
Nguyễn Thanh Lịch
Ngao du trên Jeepney và Taxicle trước khi bị cấm
SGTT.VN - Những chiếc Jeepney và Tricycle sặc sỡ không hổ danh một thời là vua đường phố tại Philippines. Là phương tiện giao thông chính yếu của đất nước đông dân thứ hai Đông Nam Á, hai loại xe độc đáo trên còn thu hút nhiều du khách khi đến thăm đảo quốc này.
Những chiếc Jeepney đủ sắc màu chờ xuất bến. Ảnh: Kim Dung
Vua đường phố
Manila một chiều tháng 7, trời nóng như đổ lửa. Chúng tôi leo lên chiếc Jeepney tại một bến xe gần Mall of Asia đi thăm thành Intramuros. Hành khách lên trước nhích sát nhau chừa chỗ cho người lên sau. Xe đủ khách, tài xế xuất bến chạy như bò trên những con đường đầy ắp xe cộ. Jeepney có thể dừng bất cứ đâu. Hành khách xuống hoặc lên xe bất cứ lúc nào miễn là xe dừng tại các điểm giao, ngã tư, bùng binh, khi kẹt xe hoặc tại các trạm đón trên đường. Trên xe, chị Leticia Ong, người bạn Philippines của tôi, giải thích: “Dừng như thế không đúng luật, nhưng kẹt xe thế này, cứ cho khách tự lên xuống. Tại các thành phố, nếu đủ khách, tài xế không đón thêm; nhưng nhiều nơi khác, xe quá đông vào giờ cao điểm, nhiều nam giới còn đứng ở bậu cửa, ngồi trên mui xe”.
Tất nhiên, ngồi Jeepney khó có sự thoải mái vì không gian chật, nóng bức, âm thanh xe cộ giao thông bên ngoài ồn ào, thêm mùi xăng dầu và khói bụi. Thế nhưng đây chính là phương tiện mà phần lớn người dân Philippines sử dụng hàng ngày.
Người lên cứ lên, người xuống cứ xuống, tài xế chỉ chú ý tín hiệu đèn và đường đi. Khách lên nói điểm đến rồi đưa tiền cho tài xế. Chẳng kỳ kèo, không bán vé; giá cả và tuyến đường xe chạy ghi rõ tại cửa xe, thành xe; chỉ có niềm tin với nhau là đủ. “Mọi người tự giác thôi, tôi chưa gặp ai lậu vé cả”, chị Leticia khẳng định. Không có phụ xe, tài xế vừa lái vừa nhận hoặc thối tiền cho khách bằng một cánh tay đưa ra sau, chẳng buồn xem khách là ai. Để nhắc tài xế dừng xe, khách dùng ngón tay gõ lên mui xe, gõ đồng xu vào thành xe, hoặc đơn giản nói một từ có gốc Tây Ban Nha: para.
Những chiếc Jeepney xếp hàng dài nối đuôi nhau trên nhiều tuyến đường tại Manila, xe nào cũng chật khách. Chiếc Jeepney giống y những chiếc xe lam một thời chạy dọc ngang đường phố Sài Gòn, nhưng Jeepney có sức chứa nhiều hơn và màu sắc rất sặc sỡ. Jeepney có nguồn gốc từ những chiếc xe Jeep quân sự được gắn thêm thùng chở khách nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cửa lên xuống ở phía sau, hai hàng ghế dọc cho 14 – 30 người ngồi.
Chẳng bao giờ thấy hai chiếc Jeepney giống nhau. Chủ của chúng trang trí xe theo ý thích riêng. Những vật trang trí đa dạng từ con ngựa, con chim, chiếc kèn, đồng hồ, thiên thần… hoặc logo của nhiều hãng xe nổi tiếng thế giới; tất nhiên xe không thuộc hãng này. Bác tài Murcialego kể rằng: “Màu sắc và hình vẽ nói lên cá tính của chủ xe. Đây nhé, logo của Mercedes Benz, ý nói chiếc xe này sang trọng; biểu tượng thiên thần thể hiện sự an toàn; con ngựa phía trước xe thể hiện sự mạnh mẽ; con chim hàm ý đến tốc độ nhanh; chiếc đồng hồ khẳng định sự đúng giờ. Còn nếu thấy logo của Levis, CocaCola hay Nike, đó là những thương hiệu ưa thích của chủ xe. Chẳng ai trả tiền cho kiểu quảng cáo này. Bạn cũng không tìm thấy nơi đâu có những chiếc xe giống như của chúng tôi”. Tài xế tên Meguito cho biết, chi từ 700.000 – 1 triệu peso chi phí để có một chiếc Jeepney chở khách, tài xế sẽ kiếm được khoảng 5.000 peso/ngày.
Taxicle bon bon ngoại ô
Taxicle thường chạy ở những vùng ngoại ô thành phố. Du khách rất thích di chuyển bằng phương tiện này. Ảnh: Kim Dung
Trong khi những chiếc Jeepney ngập tràn đường phố Manila thì những thành phố nhỏ và ngoại ô lại đầy ắp những chiếc Tricycle (xe ba bánh). Người dân gọi những xe này với cái tên mỹ miều: Taxicle. Những chiếc xe ba bánh đầu tiên vốn xuất hiện tại Anh, khi hình vẽ về chiếc xe này xuất hiện trên tờ báo Motor Cycling vào năm 1903. Từ bản gốc này, người dân Philippines gắn thêm thùng, mui phủ cả đầu xe, và trang trí bề ngoài xe tuỳ thích tạo thành những chiếc xe chở khách độc đáo. Màu sắc ấn tượng, bắt mắt và vẽ hình các kiểu lên chiếc Taxicle này.
Taxicle chở được 3 – 4 người và khi xe đã chạy, dù còn chỗ cũng không bắt khách dọc đường. Hàng ngày, những chiếc xe này đầy hành khách là học sinh, sinh viên đi học, người đi chợ, đi làm, và đặc biệt là du khách di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. “Taxicle rất tiện, nó có thể len lỏi vào các con đường hẹp hoặc luồn lách tại những nơi kẹt nhiều xe lớn”, chị Christina, một người bản địa giải thích. Xe ba bánh phải hoạt động trong các hiệp hội và chỉ được hành nghề trong một khu vực nhất định. Hành khách đi xe trả 7 peso/2km, trung bình một tài xế có thể kiếm khoảng 25.000 peso/tháng sau khi trừ chi phí nhiên liệu.
Chị Leticia trầm tư: “Hiện nay Jeepney và Taxicle gặp nhiều bất lợi, từ giá cả nhiên liệu tăng đến các điều luật quản lý mới của chính phủ: đề xuất cấm xe Jeepney vì ô nhiễm tiếng ồn, không khí và tình trạng kẹt xe mà loại xe này gây ra. Nhiều cơ sở sản xuất đang thử nghiệm loại Jeepney có máy điều hoà và chạy bằng điện nhằm duy trì phương tiện độc đáo này của chúng tôi, nhưng giá cả sẽ mắc hơn nhiều”. Nghe chị Leticia băn khoăn vậy, tôi nhớ một thời xe lam, xích lô máy ở quê nhà. Những chiếc xe ấy nay được thay thế bằng xe buýt to đùng, nhưng rồi buýt cũng không tiện và bớt ô nhiễm cho lắm, thậm chí còn thêm bề bộn trên đường phố...
BÀI VÀ ẢNH: KIM DUNG

Không có nhận xét nào: